Với quan niệm, dùng thuốc bổ không “bổ dọc” thì cũng “bổ ngang”, nên nhiều người dùng thuốc vô tội vạ mà không biết rằng, thuốc bổ cũng nguy hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách. Hãy cùng xem qua những chia sẻ sau để có thể dùng thuốc bổ đúng cách nhé.
Nhiều bậc phụ huynh đã mua nhiều loại thuốc bổ với tâm lý “bồi bổ” cho con mình. Nhưng thực ra, thuốc bổ cũng mang trong mình những nguy cơ tiềm ẩn. Vì trực tiếp uống vào cơ thể nên chúng ta cần phải sử dụng thuốc thật cẩn thận, nếu không sẽ tự mang đến nguy hiểm cho con mình đấy.
Phụ huynh đổ xô đi mua thuốc bổ vào mùa thi cho con
Mỗi năm đến mùa thi là lúc các sĩ tử ngày đêm ôn luyện, trau dồi kiến thức, khiến bộ não hoạt động quá mức dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Xót con em mình học hành vất vả, căng thẳng, phụ huynh có xu hướng tìm kiếm đến các loại thuốc bổ với tâm lý “bồi bổ” cho con. Nào là thuốc bổ máu, thuốc bổ não, thuốc vitamin, thuốc giúp tập trung trí tuệ,… càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc một cách tự ý sẽ mang đến nguy hiểm khôn lường. Thuốc bổ dù có bổ đến đâu thì cũng là thuốc. Và thuốc là một con dao hai lưỡi, có mặt lợi nhưng cũng có điều hại. Hãy điểm qua một số tác hại khi dùng thuốc bổ sai cách dưới đây nhé.
Nguy hiểm khôn lường vì uống thuốc bổ sai cách
Việc tự ý sử dụng một lượng lớn thuốc bổ trong một thời gian ngắn như mùa thi sẽ gây nguy hiểm cho các em. Không phải thứ gì càng nhiều cũng càng tốt!
Các chuyên gia cảnh báo: mặc dù các loại thực phẩm chức năng và thuốc bổ được quảng cáo là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dùng, nhưng việc sử dụng chúng vượt quá ngưỡng khuyến nghị hàng ngày có thể dẫn đến phản tác dụng. Nếu sử dụng thuốc vitamin trong thời gian dài sẽ gây những phản ứng phụ do thừa một vài vitamin nào đó.
Chẳng hạn, thừa vitamin D sẽ gây tăng canxi máu, gây canxi hóa mô mềm, xương hóa sụn sớm, suy thận; Thừa vitamin A sẽ gây nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, viêm da, dễ tử vong; Dùng quá nhiều vitamin C có thể viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, viêm bàng quang, ống tiết niệu. Nặng hơn, thừa vitamin C sẽ gây mất ngủ, tạo sỏi oxalat, ức chế bài tiết insulin, tăng huyết áp, tổn thương thận…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu – Bệnh viện 103 cho biết, nếu dùng không đúng cách, đúng liều thì bất cứ thuốc bổ nào đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng. Chính tai biến do thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây thương vong rất lớn.
Bên cạnh đó, vì không hiểu rõ về các loại thuốc, phụ huynh còn dễ nhầm lẫn và mua thuốc trị bệnh về làm “thuốc bổ” cho các em. Nhìn chung thì thuốc điều trị là nhóm thuốc có tác dụng chuyên môn sâu hơn và dùng để chữa trị bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị vào cơ thể một cách tùy tiện sẽ có thể làm thay đổi hoạt động của hệ tim mạch, hệ cơ vận động, làm thay đổi hoạt động của ruột – tiêu hóa, thần kinh,… gây nên những phản ứng sốc thuốc nghiêm trọng và tử vong.
Sĩ tử có thực sự cần sử dụng thuốc bổ trong mùa thi?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những đối tượng cần bổ sung thuốc bổ là những người có nguy cơ thiếu dưỡng chất trong quãng thời gian dài. Ví dụ như: người ăn kiêng (người ăn chay trường), người bệnh (nhiễm trùng, bỏng, vừa trải qua phẫu thuật), người cao tuổi, phụ nữ cho con bú, trẻ em bị suy dinh dưỡng,…
Các chuyên gia cũng cho rằng: Sĩ tử khi ôn thi chỉ bổ sung thuốc bổ khi ăn uống không điều độ, không đủ chất, ôn bài quá sức dẫn đến suy kiệt cơ thể. Cách bổ sung dưỡng chất cho cơ thể tốt nhất vẫn là nên thông qua các thực phẩm ăn hàng ngày và duy trì thói quen sinh hoạt hợp lý. Việc uống thuốc bổ thật nhiều trong một thời gian ngắn như mùa thi có nhiều nguy cơ “lợi bất cập hại”.
Dùng thuốc bổ thế nào cho đúng?
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Dược, trường đại học Y cho biết, dựa vào mục đích sử dụng, có thể tạm định nghĩa thuốc bổ là thuốc bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, giúp ăn được, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu…
Các thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng và các chất bổ khác thường được trình bày dạng viên sủi bọt chứa natri. Người kiêng muối phải lưu ý vì dùng thuốc nhiều sẽ hấp thu nhiều natri không có lợi, nhất là người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc dạng sủi bọt có thể bị tăng vọt huyết áp, gây nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi cần sử dụng các loại thuốc gì, người dân cần có sự tư vấn của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần phải tìm hiểu thật kỹ thuốc trước khi sử dụng cho con em mình. Tác dụng của thuốc là gì, thuốc hoạt động như thế nào, liều lượng ra sao, có tác dụng phụ nào không, cách xử lí khi có phản ứng với thuốc ra sao… đều phải nắm rõ.
Phụ huynh cũng nên tìm hiểu đúng những thông tin về liều lượng thuốc, bổ sung vitamin và dưỡng chất chính xác theo lứa tuổi – trọng lượng cơ thể,… Không phải cứ uống càng nhiều là càng tốt.
Suốt quá trình phải luôn có sự theo dõi và đồng ý của bác sĩ. Trước khi mua thuốc cần hỏi thăm qua bác sĩ để nhận những tư vấn đúng đắn, trong lúc sử dụng phải luôn có sự theo sát của bác sĩ, khi có phản ứng nào về thuốc thì ngay lập tức mang con em mình đến bác sĩ để xử lí.
Chỉ sử dụng thuốc bổ khi thật sự cần thiết: do gầy, yếu hoặc thiếu dưỡng chất, suy nhược cơ thể vì ôn thi quá độ,… Không tự ý mua và sử dụng thuốc bổ.
Ngoài ra, cần phải chú ý tránh sự tương tác của thuốc bổ với các loại thuốc khác.
Thuốc bổ cũng là thuốc và thuốc là con dao hai lưỡi, vì thế chỉ dùng thuốc bổ cho con mình khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng. Tốt nhất nên đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc để không gặp phải những nguy hiểm cho sức khỏe. Hi vọng những chia sẻ trên có thể giúp các bậc phụ huynh định hướng rõ ràng hơn trong việc sử dụng thuốc bổ cho con vào mùa thi này nhé.
Biết thêm nhiều kiến thức tại Khỏe đẹp mỗi ngày
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn