Nghe bảo cây nêu ngày Tết nhưng bạn đã biết về sự tích cây nêu và ý nghĩa của nó trong ngày này chưa.
Cứ mỗi dịp Tết đến, hình ảnh cây nêu trở thành một hình ảnh rất đẹp vào những ngày đầu năm của dân tộc VIệt Nam. Các gia đình nhất là những gia đình ở vùng nông thôn đều dựng cây nêu trước nhà mình, phía trên cây có treo một số vật dụng biểu tượng đặc trưng của từng địa phương.
Vậy có khi nào bạn đặt câu hỏi rằng vì sao vào ngày Tết người ta lại dựng cây nêu, cây nêu mang ý nghĩa gì chưa? Nếu đã thắc mắc như thế thì hãy đọc tiếp bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi của bạn.
Sự tích cây nêu ngày Tết
Thuở xa xưa khi mà loài quỷ còn lộng hành, đất đai, ruộng vườn đều bị chúng chiếm hết, loài người phải thuê đất mà trồng trọt rồi nộp phần lớn sản phẩm cho chúng với điều kiện quỷ sẽ lấy ngọn còn người sẽ lấy thân và gốc. Lương thực chủ yếu lúc bấy giờ là lúa vì vậy gần như người dân không có lương thực để sống.
Thấy người dân gặp nhiều khó khăn, một ông tiên trong hình hài ông lão xuất hiện và bảo với nông dân rằng hãy trồng khoai vì củ khoai ở gốc rễ và có thể ăn được. Thế rồi khi bọn quỷ biết, quỷ chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Ông tiên bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả, quỷ hưởng toàn rạ, lại hỏng ăn.
Quỷ tức tối nên mùa sau quỷ lại tuyên bố ăn cả gốc lẫn ngọn. Tiên trao cho nông dân giống cây bắp, loại lương thực có trái ở thân, ngọn và gốc chẳng có gì. Cuối cùng quỷ tức điên lên và bắt con người trả lại toàn bộ đất đai và không cho trồng trọt gì nữa.
Lúc này tiên cùng người dân bàn với quỷ xin miếng đất vừa bằng bóng của một chiếc áo treo trên ngọn cây tre. Bóng chiếc áo thì quả nhỏ, bọn quỷ liền đồng ý. Thế nhưng khi chiếc áo được đưa lên cao, tiên liền hóa phép cho chiếc áo lớn dần lớn dần, bóng của chiếc áo cũng dần lớn hơn xua đuổi bọn quỷ phải chạy ra biển.
Mất đất sống, quỷ huy động lực lượng vào cướp lại, lúc này Tiên mách cho người dân tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi,… vì dây là những thứ quỷ rất sợ. Quỷ thua và lại trở về biển Đông. Trước khi đi quỷ xin tiên ông cho phép những ngày đầu năm cho trở về đất liền để thăm ông bà, tổ tiên của chúng. Tiên thương hại nên đồng ý.
Từ đó, hàng năm, cứ dịp Tết Nguyên Đán là bọn quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ liền dựng cây nêu trước nhà, trên cây có treo chuông gió, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nhớ lời hẹn ước xưa mà tránh ra.
Xem video sự tích cây nêu ngày Tết:
Ý nghĩa cây nêu ngày Tết
Từ câu chuyên về sự tích cây nêu ngày Tết, ta có thể thấy cây nêu là biểu tượng cho sự đấu tranh giữa thiện và ác, để bảo vệ sự bình yên cuộc sống của người dân khỏi quỷ dữ.
Mỗi khi Tết đến thì đây là lúc thần linh phải về chầu trời, do đó dễ bị ác quỷ xâm nhập, quấy phá, nên cần có “bảo bối” như cây nêu để chống lại chúng. Bên cạnh ý nghĩa là xua đuổi tà ma thì cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới suôn sẻ, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Bên cạnh đó, những đồ vật treo trên cây nêu cũng mang một ý nghĩa nhất định như: Cây tre đại diện cho vật dương, lọng tàn hình tròn đại diện cho vật âm. Trong đó, lọng tàn có 5 con cá chép với 5 màu đại diện cho 5 màu trong ngũ hành: Màu vàng ở giữa, màu trắng ở phía Nam, màu đen ở phía Bắc, màu xanh ở phía Đông và màu đỏ ở phía Tây.
Cây nêu được dựng và hạ khi nào?
Trong phong tục tín ngưỡng của người Việt, cây nêu được dựng trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Trên cây được treo chuông gió cùng nhiều vật dụng khác tùy theo phong tục của từng vùng miền.
Cây nêu thường là cây tre dài khảng 6 mét, được dựng trước sân nhà. Người kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân về trời. Khi đó tại nhà không có thần linh canh giữ và ma quỷ rất dễ đến quấy nhiễu, vì vậy người ta dựng cây nêu để xua đuổi ma quỷ.
Một số dân tộc khác như người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch. Người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội cầu phúc tổ chức từ mùng 3 đến mùng 5. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu hay lễ thượng nêu, ngày hạ nêu hay lễ hạ nêu là vào mùng 7.
Trên cây nêu treo những gì?
Tùy vào vùng miền và phong tục đặc trưng mà cây nêu sẽ có những vật dụng treo lên khác nhau như túi nhỏ đựng trầu cau, những miếng kim loại lớn nhỏ…
Khi gió thổi, chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng rất vui tai. Người ta tin rằng những vật dụng treo trên cây nêu, cộng thêm tiếng động này để báo hiệu cho quỷ rằng biết nơi đây là nhà có chủ không được quấy phá.
Một số nơi còn treo chiếc đèn lồng trên cây nêu vào buổi tối để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm giao thừa, người dân VIệt xưa còn đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không mau.
Cây nêu ngày Tết ngày nay
Ngày nay cây nêu không chỉ là cây tre cùng với những vật dụng truyền thống nữa mà cây nêu dần trở thành biểu tượng đặc trưng cho ngày Tết nhiều hơn.
Cây nêu giờ đây không nhất thiết là cây tre nữa mà có thể là bất cứ cây nào miễn có chiều cao phù hợp là sử dụng được tất. Còn với vật dụng treo trên cây nêu thì ngày trở nên đa dạng hơn.
Nếu ngày xưa, người Việt thường treo chuông khánh, trầu cau, lá dứa,… trên cây nêu thì giờ đây cây nêu được người Việt trang trí đẹp mắt hơn như câu đối ngày Tết, đồng tiền đỏ với ý nghĩa chẳng những xua đuổi tà ma mà cây nêu còn đón may mắn đến nhà nữa.
Cách dựng cây nêu ngày Tết
Cách làm cây nêu cũng khá đơn giản, cây tre làm nêu thường là loại tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều và trên ngọn để nguyên chùm lá tươi. Trên ngọn có thể buộc thêm một vài lá dứa để tượng trưng cho mây trời.
Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, đèn lồng, câu đối, phong linh,… Dưới gốc rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Ngày nay tục dựng cây nêu ngày Tết dần mai một dần trong đời sống hiện đại bởi người Việt hầu hết chỉ chủ yếu dựng cây nêu chỉ để làm đẹp cho nhà vào ngày Tết chứ không hiểu hết về ý nghĩa tâm linh của cây nêu.
Có câu ca dao về cây nêu như sau:
Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì Quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm
Qua bài viết này mong rằng mọi người sẽ hiểu hơn về cây nêu và lưu giữ phong tục truyền thống của cha ông để lại.
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH