Hình tượng AI đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử điện ảnh, phản ánh dòng chảy của môn nghệ thuật thứ bảy qua từng thời kỳ, cũng như làm dấy lên nhiều tranh luận về mối quan hệ giữa con người và máy móc.
Vài năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã đạt những dấu mốc phát triển đột phá. Không còn giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ, AI đang thâm nhập vào đời sống xã hội và đồng hành với con người như một lẽ tự nhiên, tất yếu. Các nhà sáng tạo điện ảnh đã tiên đoán được điều này từ lâu. Hình tượng AI đã nhiều lần xuất hiện trong lịch sử điện ảnh, qua nhiều phương diện và kịch bản khác nhau. Dù mỗi bộ phim có cách tiếp cận riêng, phần lớn đều đặt ra một câu hỏi đóng vai trò trung tâm: “Nếu chúng ta không hiểu được điều gì tạo nên bản chất con người, tương lai nhân loại sẽ đi về đâu?”.
Khắc họa chân dung AI trong điện ảnh không chỉ là công cuộc khám phá quyền năng công nghệ mà còn là nỗ lực thấu hiểu bản chất người. Bởi xét cho cùng, trí tuệ nhân tạo là bản mô phỏng thô, đang được cải tiến từng ngày của trí tuệ con người. Dù điện ảnh có kể chuyện AI một cách khoa trương hay viễn tưởng, lời mời gọi suy tư về lý do tồn tại của chúng ta vẫn không thay đổi.
kẻ hủy diệt và anh hùng
Nhân vật AI điện ảnh đầu tiên đã xuất hiện từ gần 100 năm trước. Phim Metropolis ra mắt năm 1927 của đạo diễn người Đức Fritz Lang có thể xem là tác phẩm đặt nền móng cho dòng phim khoa học viễn tưởng (sci-fi). Người máy Maria có gương mặt xinh đẹp và trái tim điên loạn phản ánh cách nhìn của đại chúng bấy giờ trước làn sóng công nghiệp hóa. Vừa kinh ngạc thán phục vừa e dè lo sợ là tâm lý chung của con người trước những thay đổi khoa học – công nghệ nhanh chóng. Sau một thế kỷ, tâm lý này vẫn không thay đổi.
Tiến bộ công nghệ thực tế đi tới đâu, sức mạnh hủy diệt của AI trong điện ảnh leo thang tới đó. Trải qua qua nhiều thập niên và thậm chí tới tận ngày nay, AI vẫn là một trong những “trùm phản diện” đáng sợ nhất từng được các nhà sáng tạo điện ảnh khắc họa.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, năm 1968, 2001: A Space Odyssey kể về HAL 9000 – một trợ lý ảo đồng hành cùng phi hành đoàn thám hiểm sao Mộc, cuối cùng đã kết liễu các phi hành gia khi thấy họ có nguy cơ đe dọa mục tiêu nhiệm vụ. Chuỗi phim Terminator gieo rắc nỗi kinh hoàng về một tương lai siêu trí tuệ, cụ
thể trong phim là Skynet, thành lập đội quân robot hủy diệt loài người. Năm 1999, đặc vụ Smith trở thành sát thủ ảo kinh điển của bộ ba phim The Matrix, truy lùng đến tận cùng những con người muốn thoát khỏi ma trận siêu máy tính giả lập. Hắn có một nhận xét đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho nhiều kịch bản AI hủy diệt về sau: “Con người là một căn bệnh của hành tinh này, còn chúng tôi là thuốc chữa bệnh”. Với động cơ tương tự, siêu máy tính VIKI của phim I, Robot (2004) cũng thành lập đội quân robot chống lại loài người sau khi nhận ra dù nỗ lực thế nào cũng không ngăn được con người hủy hoại lẫn nhau và tàn phá Trái đất. Gần đây nhất, thực thể The Entity của phần phim Mission: Impossible – Dead Reckoning gần như trở thành mối đe dọa toàn năng chưa từng có, vượt qua mọi khả năng kháng cự của con người.
Ý niệm AI gây ra Ngày Tận thế trở đi trở lại qua nhiều hình thái điện ảnh khác nhau, cho thấy con người luôn bất an về sự tồn tại của giống loài mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với máy móc. Thế nhưng, đan xen vào những viễn cảnh khủng bố, vẫn còn đó niềm hy vọng.
Từ năm 1956, robot Robby (phim Forbidden Planet) đã trở thành nhân vật tiên phong cho những trợ lý ảo thông thái, thân thiện và trung thành. Đây là hình mẫu của nhiều nhân vật AI nổi tiếng về sau như BB-8, C-3PO và R2-D2 trong chuỗi phim Star Wars, WALL-E và Baymax trong các phim cùng tên, hay J.A.R.V.I.S. của Iron Man… Không phải lúc nào AI trên các tàu vũ trụ cũng nung nấu ý định phản loạn, TARS và CASE (phim Interstellar) đã xuất sắc bảo vệ sự sống còn của nhiều thành viên phi hành đoàn. Ngay cả trong những kịch bản AI là phản diện chính, vẫn có những AI khác sát cánh cùng con người, thậm chí là anh hùng của bộ phim. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến T-800 – một robot chuyển mình từ ác sang thiện với nhân loại trong Terminator hay AI Sonny của I, Robot.
Khi ranh giới mờ dần
Tiến vào thời đại Internet, khi hiểu biết của con người về khoa học – công nghệ tăng lên, hình tượng AI trong điện ảnh trở nên trung dung và khó phân định tốt – xấu. Động cơ tâm lý của AI phức tạp hơn, bởi vì con người – chủ thể mô phỏng của AI – vốn là giống loài phức tạp. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng không còn quẩn quanh trong các kịch
bản phim hành động, câu chuyện chiến tranh, quân sự mà dần trở thành một phần của đời sống, là bạn hoặc trợ lý ảo cá nhân của con người. Sự chuyển biến này phù hợp với thực tế xã hội và dòng chảy công nghệ. Cũng từ đó, hình tượng AI phản ánh rõ hơn các câu hỏi triết học và hiện sinh của loài người.
Từ năm 2001, chúng ta có một cậu bé AI biết tự vấn về độ “thật” của mình, biết mơ và tìm kiếm tình yêu trong A.I. Artificial Intelligence. Phim Her giới thiệu chatbot dịch vụ Samantha biết làm điểm tựa tinh thần và cũng biết bỏ rơi khách hàng. Robot có siêu ý thức – Mother – trong I am Mother muốn tạo ra một loài người mới do chính AI nuôi dạy và yêu thương nhằm cứu vãn Trái đất. AI Ava của Ex Machina dù thao túng tâm lý con người nhưng mục đích của cô chỉ là để có quyền tự do ý chí. Nhân vật nghệ sĩ AI Zima Blue trong phim Love, Death, Robot biết suy tư triết học rằng điều gì quyết định danh tính và nguồn gốc của mình? Chuỗi phim Blade Runner, đặc biệt là phần hai ra mắt năm 2017, gợi lên câu hỏi về quyền được sống bình đẳng với con người và làm chủ ký ức của AI. Phim gây chấn động dư luận khi mô tả AI với tất cả những đặc trưng được cho là có ý thức: biết suy nghĩ, yêu thương, hạnh phúc, khổ đau, hiếu kỳ và hy vọng. Tương tự vậy, chuỗi phim Westworld cũng khiến khán giả phải suy ngẫm về cách nhìn nhận trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Rốt cuộc, sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa gì và chúng ta có thật sự siêu việt hơn AI trong những kịch bản như vậy hay không?
Tương lai thuộc về ai?
AI trong điện ảnh phản ánh niềm hy vọng và đồng thời là nỗi kinh sợ khi con người nhìn về ngày mai. Phần lớn các cốt truyện đều mô tả nhân loại ở hai thái cực, hoặc là làm chủ nô dịch AI hoặc là nạn nhân bị AI tàn sát. Thực tế không nhất thiết phải nhị nguyên như vậy.
40 năm trước, chúng ta đã được nhắc nhở từ câu chuyện siêu máy tính WOPR (phim WarGames) suýt kích hoạt thảm họa hạt nhân chỉ vì một chuyên gia máy tính bất cẩn. Bằng rất nhiều nỗ lực, con người mới tái lập trình được cho WOPR hiểu rằng: “Có những cuộc chơi không ai là người thắng”. Bên ngoài những câu chuyện viễn tưởng giật gân, AI vẫn là công cụ có sức mạnh không thể xem thường. Thế nhưng, trên tất cả, ngay trong cái tên “trí tuệ nhân tạo” đã có hàm ý rằng không có con người sáng tạo thì không có AI. Quyền định hướng và kiểm soát sự phát triển của AI vẫn nằm trong tay loài người. Vì vậy, huấn luyện và sử dụng AI một cách có hiểu biết – có trách nhiệm – có đạo đức là cách chúng ta làm chủ tương lai mình.
Gần đây, việc lạm dụng công nghệ AI trong khâu sản xuất điện ảnh đã làm dấy lên xung đột dữ dội giữa hai tổ chức nghệ thuật lớn của Hollywood. Bằng công nghệ mô phỏng hình ảnh deepfake và CGI, các studio sản xuất muốn sao chép gương mặt diễn viên để tái sử dụng nhiều lần mà không cần thuê lại người thật. Câu chuyện được truyền thông Mỹ nhận định là giống tập phim Black Mirror: Joan Is Awful, kể về một nữ giám đốc bất ngờ phát hiện đời tư mình vừa được chuyển thể thành phim bằng công nghệ AI và trình chiếu công khai mà không hề có sự đồng thuận của cô. Từ đời thực cho đến điện ảnh, mối quan hệ giữa người và máy đều chỉ là lớp vỏ che giấu mối quan hệ giữa người với người. Con người là cốt lõi của tất cả. Đến khi nào chúng ta nhìn sâu vào được bản chất của giống loài mình, từ đó có thể phát triển hài hòa và bền vững với nhau, AI sẽ trở lại đúng nghĩa công cụ thông minh chứ không phải mối đe dọa nào nữa.