Thuở xưa, tuổi thọ trung bình của con người không cao vì điều kiện sống và điều kiện y tế kém. Tuy nhiên, điều kiện của con người hiện đại về mọi mặt đều vượt trội hơn, do đó, tuổi thọ trung bình của hầu hết quốc gia đều tăng lên nhanh chóng. Nhiều người có thể sống thọ đến 70 – 80 tuổi, nhưng sống qua trăm tuổi vẫn tương đối hiếm.
Nhật Bản hiện có số lượng người trên 100 tuổi hàng đầu thế giới, với 67.824 người theo cuộc điều tra dân số vào năm 2017 của nước này. Đồng thời, tỷ lệ người trên một trăm tuổi của quốc gia này cũng ở mức rất cao: 34,85 người trên 100.000 dân.
Nhật Bản bắt đầu ghi nhận lại những người sống trên một trăm tuổi vào năm 1963. Số lượng người trăm tuổi ở Nhật Bản trong năm đó chỉ là 153, nhưng sau đó đã vượt mốc 10.000 người vào năm 1998, 20.000 người vào năm 2003 và 40.000 người vào năm 2009.
Theo một cuộc khảo về sát nhân khẩu học của Liên Hợp Quốc vào năm 1998, Nhật Bản dự kiến sẽ có 272.000 người trăm tuổi vào năm 2050. Các nguồn khác cho thấy con số có thể lên tới gần 1 triệu. Tỷ lệ người sống trên trăm tuổi ở Nhật Bản đã đạt 1 trên 3.522 người vào năm 2008.
Bà Misao Okawa là một người “siêu thượng thọ” khi vượt qua mốc tuổi thọ 110.
Đặc biệt, khái niệm “siêu thượng thọ” (tiếng Anh: supercentanarian) là một người đã sống đạt đến tuổi 110, điều này hiện chỉ đạt được với tỷ lệ khoảng một người trên một nghìn người có tuổi trên 100. Trong đó, một trường hợp hiếm hoi thọ tới 117 tuổi được biết đến đông đảo là bà Misao Okawa của Nhật Bản. Bà là người đã sống qua ba thế kỷ khi sinh vào tháng 3 năm 1899, qua đời vào tháng 4 năm 2015 ở tuổi 117.
Trước khi cụ Misao Okawa qua đời, nhiều người đã tới hỏi bí quyết trường thọ của bà là gì. Không cần những điều quá cao siêu, bà Misao chỉ dùng 1 câu với 4 từ rất ngắn gọn để khái quát tất cả: “Ăn ngon, ngủ ngon”.
Đây cũng là điều mà các nhân viên của viện dưỡng lão chăm sóc bà đều công nhận. Nhìn từ thói quen sinh hoạt thường ngày, bà Misao sống rất kỷ luật, ăn ngủ đúng giờ. Bà luôn ăn uống ngon miệng, không kiêm khem như nhiều người cao tuổi khác. Vì thế, mọi người cũng cho rằng, đây là bí quyết để bà giữ gìn sức khỏe.
Ăn uống ngon miệng là một bí quyết để kéo dài tuổi thọ. Ảnh: Internet
”Ăn ngon” tác động tới sức khỏe thế nào?
Đầu tiên, muốn ăn uống ngon miệng, người đó cần sở hữu một hàm răng chắc khỏe, chất lượng răng tốt và thậm chí khi nhai có thể nhai được cả những hạt cứng. Tuy nhiên, nhiều người trẻ tuổi thường gặp các vấn đề về răng miệng do không chăm sóc răng đúng cách. Điều này về lâu dài có thể gây suy giảm chức năng của răng, khiến cơ thể nhai nuốt khó và ảnh hưởng đến dạ dày. Theo thời gian, nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn.
Theo tiêu chuẩn 8020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sức khỏe răng miệng, một người 80 tuổi phải có ít nhất 20 chiếc răng chức năng (tức là răng có thể nhai thức ăn bình thường và không bị lung lay).
Đồng thời, người sống thọ phải chú ý cân đối dinh dưỡng 3 bữa trong ngày, không kén ăn, trộn lẫn thịt và rau để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Nên chú ý bổ sung các loại ngũ cốc xen kẽ vừa làm dịu vừa bổ dưỡng cho hệ tiêu hóa.
”Ngủ ngon” giúp kéo dài tuổi thọ
Điểm chung thường thấy ở những người trường thọ là khả năng đi vào giấc ngủ nhanh. Theo các chuyên gia, chức năng trong cơ thể và quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, đào thải độc tố mạnh mẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng đi vào giấc ngủ. Do đó, khả năng ngủ nhanh cũng là biểu hiện của một cơ thể khỏe mạnh từ bên trong.
Giấc ngủ ngon giúp tăng tuổi thọ. Ảnh: Xinhua
Ngoài ra, có một giấc ngủ ngon cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Ngủ ngon có nghĩa là giấc ngủ không bị gián đoạn, không thức dậy trong đêm hoặc khó ngủ hơn hai lần một tuần, đồng thời cảm thấy thoải mái khi thức dậy. Mà việc ngủ nhanh cũng khiến chất lượng giấc ngủ tốt hơn, từ đó tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
”Nếu mọi người có tất cả các thói quen ngủ lý tưởng này, họ sẽ có nhiều khả năng sống lâu hơn” – CNN dẫn lời tiến sĩ Frank Qian của trường Y Harvard, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston (Mỹ), cho biết.
Tiến sĩ Qian nói: “Nếu chúng ta có thể cải thiện giấc ngủ một cách tổng thể và việc xác định các rối loạn giấc ngủ là đặc biệt quan trọng, thì chúng ta có thể ngăn ngừa một số trường hợp tử vong sớm”.
*Nguồn: Sohu, CNN…
Nguồn: https://cafef.vn/cu-ba-tho-117-tuoi-truoc-khi-qua-doi-de-lai-bi-quyet-tam-dac-chi-4-chu-la-than-duoc-keo-dai-tuoi-tho-188231108154711877.chn