Giáo sư Hồ Đại Nghĩa là chuyên gia tim mạch nổi tiếng ở Trung Quốc, hiện công tác tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh. Ít ai biết từng có thời gian ông nặng đến 93kg, lượng đường trong máu sau khi ăn thường tăng vọt, lượng cholesterol “tốt” thấp và mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Chính vì vậy nên giáo sư Hồ quyết tâm thay đổi bản thân, bắt đầu bằng việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày.
Giáo sư Hồ Đại Nghĩa
Vị bác sĩ này duy trì thói quen đi bộ 10.000 bước từ năm 57 tuổi. Có những ngày ông đi 10km, tương đương khoảng 13.000 bước hoặc leo núi. 17 năm sau ông xuất hiện trên một chương trình truyền hình và chia sẻ những thay đổi của cơ thể khiến chính bản thân cũng bất ngờ. Cụ thể là giáo sư Hồ Đại Nghĩa giảm được 22kg, mỡ máu giảm, huyết áp và lượng đường trong máu trở về mức bình thường, cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ và không còn đau khớp gối.
Vậy nên bác sĩ Hồ khuyên mọi người, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh mãn tính nên thử vận động bằng cách đi bộ mỗi ngày để cải thiện sức khỏe. Ông cũng chỉ ra những bí quyết để vừa đảm bảo vận động có hiệu quả, đẩy lùi nhiều bệnh tật.
Chỉ nên đi bộ liên tục tối đa 30 phút
30 phút vận động mỗi ngày là khoảng thời gian nhiều chuyên gia y tế khuyến nghị để đạt được các lợi ích sức khỏe. Một người đàn ông trên 60 tuổi sẽ đi được khoảng 3.000 bước liên tục trong 30 phút. Chỉ 1 lượt tập kết hợp với vận động trong ngày có thể giúp bạn đạt mục tiêu 6.000 bước.
Theo giáo sư Hồ Đại Nghĩa, thời lượng tối đa này là phù hợp với người trung niên, cao tuổi để tránh căng cơ, chấn thương do vận động quá sức. Ông cho rằng mọi người không cần ám ảnh với việc phải đi 10.000 bước mà nên lắng nghe cơ thể, thể lực được nâng cao mới tăng thêm 1 lượt 30 phút nữa mỗi ngày.
Giáo sư Hồ Đại Nghĩa thường xuyên đi bộ, leo núi
Giáo sư Hồ muốn mọi người ghi nhớ quy tắc 1-3-5: Đi bộ ít nhất 1 lần/ngày trong khoảng 30 phút, đảm bảo 5 buổi/tuần. Tuy nguyên tắc là vậy nhưng vị bác sĩ nhắc nhở quan trọng là cần vận động phải tùy vào thể trạng của bản thân, nếu mệt nên đi chậm rãi rồi dừng lại nghỉ ngơi, không cần ép buộc bản thân.
Kết hợp đi bộ vào hoạt động thường ngày
Để đạt được mục tiêu 10.000 bước mỗi ngày, giáo sư Hồ đã kết hợp với tập thể dục với công việc và cuộc sống hàng ngày để không quá áp lực với việc đạt số bước cần thiết. Ví dụ nếu địa điểm cần họp cách nhà không xa, ông sẽ đi bộ đến đó. Giữa các giờ nghỉ, bác sĩ này sẽ đứng dậy và đi bộ xung quanh. Trong lúc chờ phương tiện công cộng, ông cũng đứng dậy đi bộ nhẹ nhàng, thường xuyên lựa chọn thang bộ thay vì thang máy.
Giáo sư 77 tuổi chia sẻ về một nghiên cứu phạm vi nhỏ của ĐH Geneve (Thụy Sĩ) chia nhân viên trong trường thành 2 nhóm. Một nhóm đi taxi di chuyển và đi thang máy trong trường. Nhóm còn lại leo thang bộ mỗi ngày và đi bộ đi làm.
Một năm sau, các nhà nghiên cứu kết luận những người ở nhóm đi thang bộ có huyết áp và mỡ máu ổn định hơn nhóm thứ 2, cân nặng của họ cũng dễ dàng kiểm soát hơn so với nhóm ít vận động. Thậm chí các nhà nghiên cứu còn dự đoán chênh lệch về tuổi thọ lên đến 15 năm giữa 2 nhóm này nếu họ tiếp tục duy trì thói quen này trong nhiều năm nữa.
Không quên giãn cơ và ngâm chân
Nhiều người trước khi đi bộ thường nhớ khởi động nhưng lại quên giãn cơ, điều này sẽ khiến cơ bắp đau nhức vào ngày hôm sau. Vậy nên bác sĩ Hồ nhắc nhở mọi người đừng quên thực hiện các động tác kéo giãn cơ 5-10 phút tại chỗ sau khi đi bộ.
Việc cuối cùng giáo sư Hồ Đại Nghĩa thường làm trước khi đi ngủ là ngâm chân nước ấm. Việc này giúp các cơ xương khớp được thả lỏng sau một ngày dài vận động nhiều, máu trong cơ thể sẽ lưu thông tốt, giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ độc tố và ngủ cũng ngon hơn.
Theo Toutiao
Nguồn: https://cafef.vn/di-bo-10000-buoc-ngay-trong-17-nam-co-the-cua-giao-su-u80-thay-doi-vuot-mong-doi-co-3-bi-quyet-vang-can-nam-long-188231016220340879.chn