Lỗ tròn bé tí trên chiếc ghế nhựa của bạn lại có vai trò rất lớn trong việc bảo quản ghế không bị gãy đấy! Bạn đã biết điều này chưa?
Ghế nhựa dường như đã trở thành vật dụng quá quen thuộc đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta sử dụng ghế nhựa ở nhà, ở các quán ăn lề đường hay thậm chí trong quá trình làm việc chân tay. Vậy bạn đã từng thắc mắc tại sao ở giữa chiếc ghế nhựa mà bạn hay dùng lại có một cái lỗ tròn chưa? Bách hoá XANH sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Giúp dễ dàng lấy ghế
Với thiết kế một lỗ tròn ở giữa ghế, chúng ta có thể dễ dàng lấy ghế ra từ đống ghế được xếp chồng lên nhau bằng cách đưa tay vào lỗ tròn rồi kéo ghế ra. Lỗ tròn này giúp áp suất luôn được cân bằng, không có tình trạng ghế bị “hít” lại.
Giúp dễ dàng vận chuyển
Khi vận chuyển nhiều ghế được xếp chồng lên nhau, chúng ta có thể luồng một sợi dây vào các lỗ tròn và cố định chồng ghế, tránh tình trạng rơi vỡ trong quá trình vận chuyển.
Những chiếc ghế có nhiều lỗ như vậy sẽ giúp phân phối chịu lực và có thể dễ dàng xách ghế lên chỉ với một ngón tay so với những ghế không có lỗ. Việc cầm nắm và di chuyển ghế nhựa trở nên dễ dàng hơn, bạn cũng có thể cầm nhiều ghế cùng một lúc.
Thoáng không khí
Ngồi lâu trên ghế nhựa dễ dẫn đến cảm giác bí hơi, không thoải mái. Lỗ tròn giữa ghế được thiết kế nhằm mục đích thông hơi, thoát nhiệt giúp chúng ta thoải mái hơn khi sử dụng.
Tránh gãy ghế khi xếp chồng ghế lên nhau
Một số ý kiến cho rằng, tạo một lỗ tròn giữa ghế để ghế không bị hít vào nhau khi xếp chồng ghế. Ý kiến này không sai, tuy nhiên, chỉ cần một lỗ nhỏ xíu cũng đủ để ghế không hít vào nhau, vậy tại sao phải cần lỗ to như vậy?
Thực tế, lỗ tròn ở giữa ghế nhựa có vai trò lớn trong việc bảo quản ghế. Vì khi tải ghế sẽ tạo ra ứng suất nén lớn và thường tập trung ở giữa ghế, rất dễ gây ra gãy vỡ ghế. Ứng suất là đại lượng biểu thị nội lực phát sinh trong vật thể biến dạng gây ra bởi các nguyên nhân bên ngoài như tải trọng, sự thay đổi nhiệt độ. Ứng suất nén là trạng thái ứng suất khi vật liệu bị tác động ép chặt. Trường hợp đơn giản của sự ép đó là lực ép gây ra bởi lực đẩy và phản lực tác động. Đối với vật liệu có tính giòn, khi chịu ứng suất quá giới hạn sẽ gây gãy vụn.
Chỉnh dáng ngồi thẳng cho con trẻ
Mẹo vui có 1 không 2 cho các mẹ bỉm sữa muốn chỉnh dáng ngồi cho con là đây. Một số gia đình còn cho cây vào lỗ để giúp trẻ giữ thăng bằng lúc ngồi học bài. Nhờ công cụ “tự chế’ với chiếc lỗ tròn mà ba mẹ có thể yên tâm hơn vì cậu bé đã thẳng lưng khi ngồi học. Đúng là “trong cái khó ló cái khôn” đúng không cả nhà.
Tại sao lại là hình tròn mà không phải hình vuông?
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà sản xuất nhận thấy rằng hình vuông hay hầu hết các hình khác đều sẽ tập trung lực ở các góc cạnh, hậu quả là gãy vỡ mặt ghế và ảnh hưởng đến người sử dụng. Trong khi đó, hình tròn không có góc cạnh nên tản lực tốt hơn. Hơn nữa, nhà sản xuất cũng không dùng hình oval vì hình tròn đơn giản, dễ thực hiện hơn nhiều.
Chúng ta ít khi để ý đến những chi tiết nhỏ trên đồ dùng hằng ngày của mình. Một chiếc lỗ bé tí so với kích thước của chiếc ghế nhựa mà lại có vai trò thật quan trọng đúng không nào? Vậy mới nói, “nhỏ mà có võ” là như vậy đó.