Công an “đóng giả” nạn nhân, thành công “đòi” lại tiền từ nhóm lừa đảo

Công an “đóng giả” nạn nhân, thành công “đòi” lại tiền từ nhóm lừa đảo
Bạn đang xem: Công an “đóng giả” nạn nhân, thành công “đòi” lại tiền từ nhóm lừa đảo tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Theo Sina, mới đây, một băng nhóm lừa đảo trực tuyến nước ngoài đã nhắm tới một cụ ông 70 tuổi ở trấn Bách Khê, quận Tự Châu, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhóm đối tượng này đã thành lập nhóm đầu tư gồm 30 tài khoản WeChat để “săn lùng” người già nhẹ dạ cả tin muốn học đầu tư, quản lý tài chính nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, nhờ có sự can thiệp kịp thời từ phía cảnh sát, “nạn nhân” đã kịp thời lấy lại số tiền “suýt” bị lừa mất.

Mất tiền vì tham gia đầu tư trên mạng

Cụ thể, theo thông tin từ phía cảnh sát, nạn nhân là ông cụ họ Trương 70 tuổi, có tài sản cá nhân hàng chục nghìn NDT.  Khoảng thời gian về hưu nhàn rỗi, ông cụ này muốn học cách đầu tư để có thể khiến “tiền đẻ ra tiền”. Vào khoảng cuối tháng 7/2023, ông Trương tìm được một nhóm cố vấn trực tuyến dạy mọi người cách đầu tư và quản lý tiền. Vì tò mò nên ông đã để lại tin nhắn và nhanh chóng được thêm vào “nhóm học đầu tư Bội Phong” trên WeChat.

Ngay khi vừa tham gia nhóm, ông Trương được “ban cố vấn” bổ nhiệm làm trưởng nhóm và được hướng dẫn tải một ứng dụng về đầu tư có tên là “Tingting” để “xuống tiền và thu lợi”.  Nhóm học đầu tư Bội Phong này có tổng cộng 31 người, bao gồm cả đội cố vấn đầu tư, chuyên viên của app Tingting và các học viên đủ mọi ngành nghề từ luật sư, phóng viên… Vì vậy, những người lớn tuổi khi tham gia vào nhóm này lại càng thêm tin tưởng, chấp nhận “đầu tư không cần ngưỡng vốn nhưng thu về lợi nhuận cao và kết quả nhanh chóng”.

Lên mạng tham gia lớp học đầu tư, ông cụ 70 tuổi bị lừa mất hơn 165 triệu đồng: Công an "đóng giả" nạn nhân, thành công "đòi" lại tiền từ nhóm lừa đảo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sina

Hơn nữa, nhiều thành viên trong nhóm sau khi đầu tư cũng thu về nguồn lợi tốt, đăng ảnh chụp màn hình cho thấy thu nhập tăng lên gấp bội, ông Trương vì thế mà không nảy sinh chút nghi ngờ nào, răm rắp làm theo chỉ dẫn của những người có kinh nghiệm.

Vào ngày 25 tháng 7/2023, dưới sự thuyết phục của “ban cố vấn” nhóm đầu tư Bội Phong, ông Trương đã rút 50.000 NDT (hơn 165 triệu đồng) rồi nạp vào app để tiến hành đầu tư.  Không lâu sau đó, ông thấy số dư tài khoản trong app tăng lên 1 triệu NDT (hơn 3,3 tỷ đồng) nên rất vui mừng.

Tối 29/7, ông Trương bỗng nhận được cuộc gọi từ Trung tâm cảnh báo lừa đảo 96110. Nhân viên cho rằng ông cụ có thể đã bị lừa khi tham gia đầu tư tại một sàn giao dịch điện tử và yêu cầu ông báo cáo vụ việc ngay lập tức cho cơ quan công an gần nhất.

Sau khi nhận được cuộc gọi, ông Trương có linh cảm xấu liền mở app để nhập lệnh rút tiền từ tài khoản nhưng không được. Theo đó, ông cụ phải thực hiện một hoạt động đầu tư khác thì mới được rút tiền, nếu không sẽ bị xem là rút tiền bất hợp pháp. Không những thế, tài khoản của ông cụ cũng sẽ bị khóa và lợi nhuận hơn 1 triệu NDT cùng số tiền gốc 50.000 NDT trên nền tảng sẽ bị tịch thu.

Biết mình đã bị lừa, ông Trương vội vã đến đồn công an Bách Khê để tìm kiếm sự giúp đỡ.  Sau khi nghe ông cụ tường thuật lại sự việc, phía công an cho rằng việc công khai danh tính và can thiệp vào lúc này sẽ khiến nhóm đối tượng lừa đảo lập tức cho ông Trương vào danh sách đen và giải tán nhóm.

Hơn nữa, theo phân tích của phía công an, 50.000 NDT của ông Trương thực chất đã bị nhóm lừa đảo “ăn mất”,  cái gọi là số dư hơn 1 triệu NDT trên app mà ông cụ sử dụng chỉ là con số hư cấu, thực tế không có một xu nào. Ông Trương nghe thấy vậy thì rất hoang mang bởi số tiền mà ông bỏ ra được trích từ tiền tiết kiệm của gia đình. Nếu không lấy lại được thì ông không biết phải đối mặt với người thân như thế nào.

Sau khi xem kỹ lịch sử trò chuyện, phía công an cho rằng đối phương không nhận ra ông Trương đã biết sự thật nên quyết định “nằm vùng”, giả danh ông cụ để tiếp tục trò chuyện với các chuyên viên của ứng dụng đầu tư.

Công an vào cuộc điều tra

Ngày 30/7, với “thân phận” mới, phía công an thương lượng với nhân viên app Tingting rằng muốn đầu tư thêm. Tuy nhiên, vì là cán bộ đã về hưu, toàn bộ lương hưu đều do vợ giữ nên muốn rút tạm một ít tiền trong tài khoản để lấy được lòng tin của vợ, từ đó sẽ có thêm tiền để đầu tư.

Vì hiểu tâm lý của những đối tượng người cao tuổi, bộ phận dịch vụ khách hàng của app đầu tư đã kích hoạt lệnh rút tiền cho tài khoản của ông Trương, cho phép ông cụ rút trước 50.000 NDT để chứng minh rằng nền tảng của họ là xác thực và đáng tin cậy. Sau khi nghe điều này, phía công an lập tức chỉ thị cho ông Trương thu hồi toàn bộ số “vốn” đã bỏ ra, đồng thời xóa bỏ ứng dụng đầu tư của nhóm lừa đảo.

Theo thông tin điều tra ban đầu của phía công an, đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này do người nước ngoài tổ chức, phối hợp với người trong nước, gây ra hàng loạt vụ lừa đảo. Đối tượng họ nhắm đến là những người già thiếu kiến thức và dễ tin người.

Cũng theo phía công an trấn Bách Kê, đã nhiều trường hợp người dân bị bọn lừa đảo “bòn tiền” nhưng hiếm khi phía công an có thể giúp được nạn nhân thu hồi toàn bộ tổn thất như trường hợp của ông Trương. Tuy nhiên, phía công an vẫn cần điều tra thêm và phối hợp với các đơn vị khác để có thể “tóm gọn” nhóm đối tượng lừa đảo này.

Lên mạng tham gia lớp học đầu tư, ông cụ 70 tuổi bị lừa mất hơn 165 triệu đồng: Công an "đóng giả" nạn nhân, thành công "đòi" lại tiền từ nhóm lừa đảo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sina

Phía cơ quan công an cũng đưa ra cảnh báo, đồng thời kêu gọi người dân nên nâng cao nhận thức và cảnh giác với những hình thức lừa đảo đầu tư trực tuyến và bảo vệ tài sản của mình. Có rất nhiều kịch bản được những kẻ lừa đảo sử dụng để “gài” những đối tượng nhẹ dạ cả tin vào bẫy. Trong đó, kịch bản chúng thường sử dụng nhiều nhất là kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội hoặc đăng bài quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến để thu hút sự chú ý dưới chiêu bài “dự án đầu tư sinh lời cao, đảm bảo lợi nhuận mà không bị lỗ”.

Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, trong các nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng này sẽ làm giả các hóa đơn chuyển tiền cho người thắng hay tung tin giả về việc người chơi thu lợi nhuận khủng rồi mời chào khách hàng tham gia đầu tư, đưa ra các lời hứa hẹn chỉ cần đầu tư nhỏ thì sau một thời gian ngắn sẽ thu lãi và chỉ có lời chứ không lỗ.

Sau khi “tẩy não” người chơi thành công, chúng xúi giục nạn nhân liên tục tăng số tiền đầu tư. Nạn nhân thường chỉ có thể nhìn vào số tiền tích lũy trong tài khoản đầu tư của mình mà không thể rút tiền mặt. Sau khi con mồi “sập bẫy”, những kẻ lừa đảo sẽ viện nhiều lý do khác nhau như “bảo trì máy chủ”, “đóng băng tài khoản”,… để ăn chặn và chiếm đoạt tiền. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng việc nạn nhân háo hức muốn rút tiền mặt để dụ dỗ họ chuyển tiền dưới danh nghĩa “nạp thêm tiền”, “giải phóng tiền gửi”,… để bòn rút cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền.

Để không là nạn nhân của những trường hợp bị lừa đảo trực tuyến, cách tốt nhất là chúng ta luôn phải nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác, đồng thời nghiêm túc bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Trong trường hợp bị lừa đảo, người bị hại nên nhớ bình tĩnh và giữ lại đầy đủ bằng chứng điện tử (chẳng hạn như bản ghi trò chuyện, tin nhắn văn bản, số tài khoản ngân hàng, ….) và báo ngay cho cơ quan công an để được hướng dẫn xử lý. Đây cũng là cách để chúng ta tự vệ quyền lợi cho mình.

(Theo Sina)

Nguồn: https://cafef.vn/len-mang-tham-gia-lop-hoc-dau-tu-ong-cu-70-tuoi-bi-lua-mat-hon-165-trieu-dong-cong-an-dong-gia-nan-nhan-thanh-cong-doi-lai-tien-tu-nhom-lua-dao-188230904095421382.chn