Nói tới Cà Mau người ta thường kể về Đầm Thị Tường, cái xứ mà kể cả nhà ở cũng lênh đênh trên sóng nước. Giữa sự hẻo lánh và tĩnh lặng điều gì cuốn hút đông đảo khách du lịch tìm đến đây tới vậy? Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng du lịch miền Tây, khám phá khu vực ngọc của Cà Mau thông qua bài viết bên dưới đây.
1. Vài nét về Đầm Thị Tường
1.1 Cách đi Đầm Thị Tường
Cà Mau không thiếu chỗ để du khách tham quan, vui chơi ngắm cảnh đẹp, đồng nghĩa với nó sẽ là sự xô bồ, tất bật. Thế nhưng nhiều người du lịch chỉ mong được hưởng bầu không khí trong lành, không gian yên tĩnh, vậy thì Đầm Thị Tường chính là nơi lý tưởng mà bạn đang tìm kiếm.
Để đến được đây, bắt đầu từ trung tâm thành phố Cà Mau du khách đi theo hướng quốc lộ 1A về thị trấn Năm Căn. Tại đây bạn sẽ bắt gặp Cống Đá, cứ thế rẽ tay trái theo chiều Xẻo Đước tầm 11 cây số nữa. Bấy giờ trước mặt bạn sẽ là đích đến.
Do là vùng đất thiên nhiên hoang sơ, bản đồ Đầm Thị Tường chỉ mênh mông là sông nước nên đôi khi đời sống và cơ sở vật chất sẽ không được tốt. Vậy nên mới nói, khám phá Đầm Thị Tường là một loại hình du lịch trải nghiệm chứ không phải nghỉ dưỡng. Nếu bạn là người yêu thích khám phá và mong muốn hiểu hơn về cuộc sống chất phát của người dân miền Tây Nam Bộ thì đây chính xác là một hành trình ý nghĩa.
1.2 Nguồn gốc tên gọi Đầm Thị Tường Cà Mau
Người dân quanh đây vẫn thường quen gọi khu vực này với cái tên Bà Tường. Chẳng phải ngẫu nhiên mà điều này kì thực gắn liền với một giai thoại. Chuyện xưa kể rằng Bà Tường chính là người đã khám phá ra vùng Đất Mũi. Thuở ấy trùng hợp với sự kiện con gái vua thủy tề không đồng ý lấy chúa Hổ, chính vì vậy mà chúa hổ sinh hận phái bày chim trên trời lấy đá lấp kín biển.
Chẳng ai dám đương đầu với quyết định vô lí này của chúa Hổ, chỉ riêng Bà Tường dũng cảm một mình đứng ra giành lại đầm cho ngư dân mưu sinh. Nhờ vậy mà đầm mới được giữ nguyên, đời sống người dân mới ấm no đến tận bây giờ. Khi cuộc sống ngày càng tiến bộ và cải thiện hơn, khái niệm về một Bà Tường vẫn còn đó. Vùng miền này cứ thế mà thành tên. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có một số công ty du lịch uy tín triển khai chương trình tour đến địa điểm này, nhưng số lượng không nhiều.
2. Phượt Đầm Thị Tường ngắm cảnh đẹp nên thơ
Được mệnh danh là biển hồ giữa đồng bằng, Đầm Thị Tường có chiều dài 10km, chiều rộng gần 2km, diện tích mặt nước tầm 700ha.
Nếu nhìn từ xa bạn sẽ có cảm giác như chúng có hình dạng một chiếc đàn guitar, đầy đủ các bộ phận thùng đàn, cần đàn… rõ nét. Trên thực tế thì cấu tạo của hồ cũng được chia làm 3 bộ phận, gồm có: đầm trên, đầm giữa và đầm dưới. Riêng phần đầm dưới nằm trên 2 địa phận huyện Trần Văn Thời và Phú Tân, Cà Mau.
Ngoài ra thì nơi đây còn có một cửa thông ra sông Mỹ Đình, từ đây dòng chảy chảy tới biển Tây (Vịnh Thái Lan).
Đến khám phá Đầm Thị Tường, thường thì du khách có 2 mục đích chính. Một là để ngắm cảnh và 2 là thưởng thức món ngon miền Tây hấp dẫn. Nói về cảnh đẹp thì xứ Cà Mau chẳng nơi nào ngắm hoàng hôn lí tưởng như ở đây. Mỗi độ chiều về, mặt trời như một hòn lửa hình tròn dần dần hạ xuống. Bóng mặt trời vàng rực cộng với bóng mây phản chiếu đủ màu in hằng trên mặt nước. Ánh sáng chiếu xuyên qua màn lưới, xuyên qua những bóng cây dừa nước, bồn bồn, huyền ảo tới độ chẳng làm sao mà diễn tả được hết.
Đầm có đặc trưng là sâu hơn ao hồ, mỗi lần người ngư dân ra đây đánh bắt thì cũng phải chịu ngập hơn nửa người. Cùng với sóng nước thủy triều lên xuống, hình ảnh ngư dân chài lưới xứ miệt vườn cũng được ánh hoàng hôn rọi soi. Nói bình yên thì chưa đủ mà bảo miêu tả sao cho tròn đầy thì cũng thật khó khăn. Nhưng chung quy lại thì cảm giác an nhiên là điều bạn có thể cảm nhận rõ nhất khi đến đây.
3. Đầm Thị Tường có gì chơi?
Đầm Thị Tường chẳng phải là khu du lịch nên đến đây bạn sẽ không tìm được không khí sôi động như chốn thành đô. Do hoàn cảnh sống khó khăn, chủ yếu toàn là những căn nhà bè dựng trên mặt nước nên cũng chẳng có nhiều hộ gia đình sinh sống nơi đây. Các căn nhà ở cũng tách xa nhau, không được sát cạnh như trên đất liền.
Điều đặc biệt nhất ở đây chính là việc du khách có thể trải nghiệm 24h làm một người ngư dân chài lưới. Chiều về, lúc mà nắng bớt gắt bạn sẽ được lên những chiếc xuồng mái cùng ngư dân đi thăm lưới. Tìm và mang về những loài cá, tôm giăng được.
Đấy là cảm giác được đi chân trần, lội bùn và ngâm mình dưới nước thỏa thích. Mỗi khi vớt được mẻ lưới đầy tôm cá thì lại là một niềm vui, một sự hào hứng mới. Thú nhất ấy là việc lắng nghe tiếng tàu vỏ lãi chạy tành tạch rồi đùng một phát nhảy xuống đầm lùng sục lưới, mò nghê, sò… Hôm nào trúng mùa, chỉ một loáng là cả ghe đã đầy ắp mới thấy thích và phấn khởi làm sao. Trong các tour miền Tây 1 ngày, bạn cũng có thể đến đây để tham quan và tận hưởng vẻ đẹp của đầm.
4. Đặc sản Đầm Thị Tường
Đến thăm một vùng đất thì nhất định thứ không thể bỏ lỡ chính là đặc sản xứ đó. Giữa chốn dân dã, quán ăn Đầm Thị Tường không có nhiều. Có đi nữa cũng chỉ là mấy món nhà quê, đạm bạc, như kiểu: rau đồng và ít cá tôm tự nhiên. Cứ hễ chiều cùng ngư dân ra đầm đánh cá là tối du khách lại được mời thưởng thức thành quả.
Người Cà Mau là vậy, cứ giúp họ một là họ thương bạn tới 10. Chỉ là ngồi trên ghe đi thăm thú cho biết vậy mà tối về đã có một bữa ăn chỉnh chu tới no nê, có từ chối cũng không được.
Quan trọng nhất khi về xứ miệt vườn thì du khách hãy cứ nhiệt tình, bởi cách sống con người nơi đây đơn giản lắm. Có khi chỉ gặp 1 ngày mà bẵn đi vài năm sau không đến họ cứ mong ngóng và trông đợi. Người ta đâu có phân biệt đâu là khách đâu là chủ làm gì, đã gặp nhau rồi thì là cái duyên hết. Hợp tính thì lại càng thân.
Kể ra thì chốn hẻo lánh như Đầm Thị Tường Cà Mau có cá vồ chó, lịch củ, cua, tôm, hào, ba khía, cháo cá lóc… là mấy thứ riêng nhất. Khách đến tham quan thường được ngư dân đãi mấy món này. Lâu ngày trở thành đặc sản lúc nào không hay nhưng như vậy thì cũng đúng, chẳng sai chỗ nào.
Vị của các loài hải sản trên ai cũng biết là ngon rồi nhưng mùi vị của loài thủy sinh săn bắt tự nhiên lại còn ngon hơn hình dung bạn tưởng. Tối đến thắp ánh đèn dầu, trải chiếc chiếu rồi bày mấy món đồ nướng lên. Trong lúc chờ chin, người đàn, người hòa thanh vào ngân nga 2 – 3 câu vọng cổ. Cứ xoay vòng như thế đến lúc nào mệt thì thôi lại bày sang tâm sự, kể chuyện thường nhật. Đôi ba câu chuyện vui không có ý nghĩa, không đầu, không cuối mà khách lẫn người bản địa cứ ôm bụng cười sằng sặc.
Du lịch là để nghỉ ngơi, trốn chạy ưu phiền mà. Giữa những bộn bề có một chuyến đi như thế thì còn gì hay hơn nữa. Đó cũng là lý do tại sao mà nhiều người bảo yêu Cà Mau, yêu Đầm Thị Tường Cà Mau đến vậy. Nguyên do nằm trong cái tình người và phong cảnh tự nhiên hoang sơ, bình lặng. Chẳng có sở thích nào mà lại vô lí bao giờ. Vài cá nhân rieview Đầm Thị Tường sau mỗi chuyến đi, riêng cá nhân tôi thấy thì tả thế nào cũng không trọn vẹn được hết.
Cần gì phải chi hàng đống tiền cho những khoảng cách xa xôi. Tìm về một Đầm Thị Tường bình dị giữa chốn Cà Mau là điều mà bạn và người thân của mình nên một lần thử trải nghiệm.