Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 mới nhất có kèm đáp án

Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 mới nhất có kèm đáp án
Bạn đang xem: Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 mới nhất có kèm đáp án tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 mới nhất:

Sông nước Cà Mau

Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên. Gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (Ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon). Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ tức khơ mâu, tiếng Miên nghĩa là “nước đen”.

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. Con Bọ Mắt có đặc điểm gì nổi bật?

A. Màu trắng như tuyết

B. Màu đỏ như lòng đỏ trứng gà

C. Màu đen như hạt vừng

D. Màu tím như hoa sim

2. Con Ba Khía thường được dùng để làm món gì?

A. Làm mắm, xé ra trộn với tỏi ớt

B. Nấu canh chua với dọc mùng

C. Hấp lên chung với hành sả ớt

D. Nướng trên bếp than hồng

3. Tên gọi Năm Căn xuất phát từ điều gì?

A. Ngày xưa, trên bờ sông có một ngôi nhà năm tầng

B. Ngày xưa, trên bờ sông có năm cái lán

C. Ngày xưa, trên bờ sông có một cái lán có năm gian

D. Ngày xưa, trên bờ sông có năm cái nhà gỗ

4. Đâu không phải đặc điểm của dòng sông Năm Căn?

A. Rộng mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác

B. Cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

C. Dòng nước hiền hòa, phẳng lặng, chảy nhẹ nhàng

D. Con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận

Câu 2: Em hãy gạch chân dưới các danh từ có trong câu văn sau

Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên.

Câu 3: Em hãy gạch chân dưới chủ ngữ của câu sau

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn.

Câu 4: Em hãy liệt kê các danh từ riêng có trong đoạn trích trên 

Câu 5: Tập làm văn: Em hãy kể lại buổi lễ bế giảng cuối cấp của mình.

ĐÁP ÁN:

Câu hỏi

Nội dung cần đạt

Điểm

1

Mỗi câu 0,5 điểm

2

– Gạch chân như sau:

Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên.

1 điểm

3

– Gạch chân như sau:

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn.

0,5 điểm

4

– Các danh từ riêng có trong đoạn trích: Bọ Mắt, Ba Khía, Năm Căn, Cà Mau, Miên, Cửa Lớn

1 điểm

5

1. Mở bài

– Giới thiệu về buổi lễ bế giảng cuối cấp của em.

(Ví dụ: Sau 5 năm được học tập và rèn luyện dưới mái trường tiểu học thân yêu, thì hôm nay ngày chia tay cũng đến. Em và các bạn sẽ tạm biệt trường để đến học ở một ngôi trường mới. Và như một lời chia tay, trường em đã tổ chức buổi lễ bế giảng cuối năm học để chúng em và thầy cô được ngồi lại chuyện trò với nhau)

2. Thân bài

– Giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra buổi lễ bế giảng và các khách mời sẽ đến tham dự.

– Những yêu cầu dành cho học sinh, giáo viên, phụ huynh đến tham dự (về trang phục, thời gian, lời tri ân, tiết mục văn nghệ…)

– Khung cảnh thiên nhiên ngày diễn ra buổi lễ bế giảng cuối cấp (nắng/mưa, mát mẻ/nóng bức, gió nhẹ/mây xanh…)

– Trước khi diễn ra buổi lễ bế giảng:

+ Em có những suy nghĩ, cảm xúc gì? Em đến trường với những gì khác so với thường ngày? (đến trường sớm hơn, ngắm nhìn mọi thứ thật kĩ, bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm cũ…)

+ Sân trường và sân khấu được trang trí như thế nào? (trải thảm dọc lối đi, đặt các lẵng hoa, bong bóng, dãy bàn ghế cho mọi người ngồi…)

+ Các học sinh, giáo viên, phụ huynh có mặt trước buổi lễ hoạt động như thế nào (tụ tập nói chuyện, chụp ảnh, tâm sự, học sinh chơi trò chơi…)

+ Ban hậu cần tranh thủ điều chỉnh lại sân khấu, loa mic để buổi lễ diễn ra tốt đẹp.

– Buổi lễ diễn ra:

+ 2 MC dẫn chương trình đọc qua các phần của buổi lễ và tuyên bố khai mạc buổi lễ bế giảng năm học.

+ Mọi người đứng dậy sửa soạn trang phục để chào cờ và hát quốc ca.

+ Phần phát biểu đầy cảm động của thầy cô, cô chú phụ huynh cùng các bạn học sinh.

+ Những tiết mục văn nghệ hấp dẫn (hát, múa, nhảy, diễn kịch…)

+ Phần trao phần thưởng cho từng bạn học sinh.

+ MC tuyên bố kết thúc buổi lễ.

→ Trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, em có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào?

– Kết thúc buổi lễ:

+ Mọi người thu dọn và trở về nhà

+ Em có nán lại, đi thăm 1 vòng quanh trường lần cuối.

3. Kết bài

– Những tâm trạng, suy nghĩ của em khi kết thúc buổi lễ bế giảng cuối cấp.

– Em sẽ trở lại thăm trường một lần nữa.

 

 

2. Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 chi tiết nhất:

Phần 1: Đọc hiểu

Sông Hương

Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn chảy qua Huế từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như sự sắp đặt của tự nhiên nhằm tôn tạo thêm vẻ kiều diễm cho thành phố Huế. Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho miền đất này. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô – là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa.

Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển. Thành quách, lầu xá, những công trình kiến trúc hai bên bờ soi hình bóng xuống dòng sông, đẹp tựa như bức tranh phong thủy hữu tình. Người ta thường ví dòng sông Hương duyên dáng như cô gái Huế e ấp nụ cười dưới vành nón lá. Màu trắng bạc của sông càng tô điểm hơn khi chiếc cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương.

[…] Sông Hương dẫn đường xuôi dòng nước đưa du khách đến thăm vẻ đẹp miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngược dòng lên Thiên Mụ thả hồn phiêu diêu theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày.

Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Dòng sông Hương chảy qua Huế bao nhiêu km? (0,5 điểm)

A. 40km

B. 80km

C. 30km

D. 60km

2. Sông Hương chảy qua những nơi nào trước khi đổ ra biển? (0, 5 điểm)

A. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua trung tâm thành phố Huế rồi chảy ra biển.

B. Từ ngoại ô thành phố Huế, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi chảy ra biển.

C. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các huyện của Huế, qua các khu rừng rậm rồi chảy ra biển.

D. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các làng mạc trù phú ở ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi đổ ra biển.

3. Cây cầu nào được bắc ngang qua sông Hương? (0,5 điểm)

A. Cầu Tràng Tiền

B. Cầu Nhật Lệ

C. Cầu Rồng

D. Cầu Phú Mỹ

Câu 2: Em hãy gạch chân dưới từ Hán Việt có trong câu sau và giải nghĩa nó (1 điểm):

“Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày”.

Câu 3: Em hãy gạch chân dưới quan hệ từ có trong câu sau (0,5 điểm):

“Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển”.

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1: (1 điểm)

a. Em hãy tìm 3 cặp từ trái nghĩa về chủ đề con người.

b. Chọn 1 trong 3 cặp từ vừa tìm được và đặt câu.

Câu 2: Em hãy liệt kê các nghĩa của từ “đậu” trong câu dưới đây (1 điểm):

Một chú ruồi đang đậu trên rổ đậu đỏ mà mẹ em chuẩn bị để nấu xôi mừng chị gái thi đậu đại học.

Câu 3: Em hãy điền thêm vế câu còn lại để tạo nên các câu ghép (1 điểm)

a. Hễ trời mưa to _______________________________________________________

b. __________________________________________ thì em đã được đi bơi với bạn.

Phần 3: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy tả một người bạn thân của mình.

ĐÁP ÁN:

Phần 1: Đọc hiểu

Câu 1:

1. C

2. D

3. A

Câu 2:

– Gạch chân dưới từ Hán Việt: “Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày”.

Giải nghĩa: “giang” có nghĩa là dòng sông.

Câu 3:

– Gạch chân dưới quan hệ từ: “Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển”.

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1:

a. 3 cặp từ trái nghĩa về con người: hiền lành – độc ác, chăm chỉ – lười biếng, cao – thấp, béo – gầy…

b. Đặt câu:

– Ví dụ: Cô Tấm rất chăm chỉ và hiền lành, còn Cám thì lười biếng và độc ác.

Câu 2:

Nghĩa của các từ “đậu”:

– Từ “đậu” thứ nhất: là động từ, chỉ hành động hạ cánh, đáp xuống của chú ruồi.

– Từ “đậu” thứ hai: là danh từ, chỉ một loại thực vật.

– Từ “đậu” thứ ba: là động, chỉ đã đạt được một kết quả tốt.

Câu 3:

a. Hễ trời mưa to thì mực nước sông lại dâng lên cao.

b. Nếu trời không mưa to thì em đã được đi bơi với bạn.

Phần 3: Tập làm văn

Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài

– Giới thiệu về người bạn thân mà em muốn tả.

2. Thân bài

– Tả khái quát:

+ Bạn ấy có biệt danh là gì? Năm nay bao nhiêu tuổi? Đang học ở đâu?

+ Bạn ấy có chiều cao, cân nặng khoảng bao nhiêu? Thân hình như thế nào?

– Tả chi tiết:

+ Tả các bộ phận tiêu biểu, làm em ấn tượng ở bạn ấy (mái tóc, màu da, khuôn mặt, đôi mắt, bàn tay…)

+ Bạn ấy thường mặc trang phục như thế nào?

+ Sở thích, thần tượng, môn học… yêu thích và chán ghét của bạn ấy là gì?

+ Bạn ấy có tính cách như thế nào? (nêu dẫn chứng cụ thể)

– Kể một kỷ niệm đặc biệt giữa em và bạn ấy.

3. Kết bài

– Tình cảm của em dành cho bạn ấy.

– Em mong muốn tình bạn của cả 2 sẽ như thế nào?

3. Đề tiếng Việt ôn hè lớp 5 lên lớp 6 hay nhất:

Phần 1: Đọc hiểu

Ruộng bậc thang Sa Pa

Tháng 10, một mình một con “ngựa sắt hai bánh” Min-xcơ được tiếng là “khỏe như trâu”, tôi vượt yên ngựa Trung Chải dốc cao tức ngực, hun hút khe sâu, đến thôn Vù Lùng Sung lãng đãng ẩn hiện trong sương trắng dập dềnh, miền đất có “kỳ quan” ruộng bậc thang 121 bậc, nhiều bậc nhất Việt Nam, như chiếc “thang mây” bắc lên lưng trời. Trên độ cao hơn 700 m so với mực nước biển, thôn Vù Lùng Sung nằm chính giữa đỉnh núi cao nhất nơi đây.

Già làng Lò Diếu Chỉn đón khách, niềm nở như người thân lâu ngày gặp lại, câu chuyện nở bung về những tháng ngày gian khổ lập bản. Ngày xa xưa ấy, vùng này không có người ở, bởi “vù luồng” theo tiếng người Dao có nghĩa là “đỉnh rồng”, núi cao chót vót, hoang dã và bí ẩn. Cụ tổ của dòng họ Lò là người đầu tiên dám xung phong lên đây “khai sơn phá thạch” để lập bản. Đứng ở nấc trên cùng của kỳ quan thang mây 121 bậc, tầm mắt bao quát cả một vùng núi non điệp trùng “sóng lúa” ruộng bậc thang, rực lên mầu vàng no ấm. Đang mùa gặt, khắp các sườn núi vang tiếng cười trong trẻo, thoảng trong tiếng kèn lá, khèn môi vui được mùa cơm mới theo điệu dân ca Mông tình tứ. Còn gì vui bằng mùa gặt ruộng bậc thang của người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở nơi “đầu non đầu suối”. Phụ nữ gặt đến đâu, đàn ông kéo theo những chiếc “phàn thống” (hòm đựng lúa) được đóng bằng gỗ, hình thang cân lật ngược đến đấy. Họ dùng những chiếc “néo” là hai đoạn gỗ nhỏ, cứng chắc, được kết nối với nhau bằng da con trâu cái già, để ghìm bó lúa đập vào “phàn thống” cho rụng hạt, rồi đóng bao đưa lên lưng ngựa hoặc dùng xe máy chở về nhà.

Câu 1: Em hãy khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Ngôi làng nào nằm trên đỉnh ngọn núi cao nhất Sa Pa? (0,5 điểm)

A. Vù Lùng Sung

B. Tả Phìn

C. Lao Chải

D. Tả Van

2. Ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất nước ta có bao nhiêu bậc? (0,5 điểm)

A. 120 bậc

B. 102 bậc

C. 121 bậc

D. 112 bậc

3. Đâu không phải là dân tộc tham gia cày cấy và thu hoạch lúa trên các thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa? (0,5 điểm)

A. Dân tộc Mông

B. Dân tộc Khmer

C. Dân tộc Dao

D. Dân tộc Hà Nhì

Câu 2: Dựa vào bài đọc em hãy điền vào chỗ trống nghĩa của các từ sau (0,5 điểm):

vù luồng: _____________________ ;

phàn thống: _____________________

Câu 3: Em hãy chỉ ra các hình ảnh so sánh có trong đoạn 1 của văn bản (1 điểm).

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1: Em hãy điền các cặp quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống để tạo thành các câu có nghĩa (1 điểm)

a. ____________ em đi học chăm ngoan ___________ cô giáo đã khen ngợi em trước lớp vào giờ sinh hoạt.

b. ________ mưa ngày càng lớn ________ ruộng đồng ngập hết cả.

Câu 2: Em hãy tìm trong câu sau các từ nhiều nghĩa và chỉ ra đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển (1 điểm)

Hùng mở to đôi mắt tròn xoe nhìn vào cái lưới đánh cá của ông, vừa nhìn bé vừa tò mò chạm vào những mắt lưới và cười khoái chí.

Câu 3: Trong đoạn thơ dưới đây có sử dụng một cặp từ đồng âm, em hãy tìm và giải nghĩa.

Bà già đi chợ cầu Đông,

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.

Thầy bói xem quẻ nói rằng,

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

Phần 3: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy viết 1 lá đơn gửi cho thầy giáo để xin được học bơi ở lớp học bơi vào mùa hè của trường.

ĐÁP ÁN:

Phần 1: Đọc hiểu

Câu 1:

1. A

2. C

3. B

Câu 2:

Vù luồng: đỉnh rồng ;

Phàn thống: hòm đựng lúa

Câu 3:

– So sánh chiếc xe Min-xcơ khỏe như trâu.

– So sánh ruộng bậc thang 121 bậc như chiếc thang mây bắc lên lưng trời.

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1:

a. Vì em đi học chăm ngoan nên cô giáo đã khen ngợi em trước lớp vào giờ sinh hoạt.

b. Nếu mưa ngày càng lớn thì ruộng đồng ngập hết cả.

hoặc Do ngày càng lớn nên ruộng đồng ngập hết cả.

Câu 2:

– Từ nhiều nghĩa xuất hiện trong câu văn là “mắt”. Trong đó:

+ Từ “mắt” trong “đôi mắt” là nghĩa gốc chỉ một bộ phận của con người dùng để nhìn, ngắm.

+ Từ “mắt” trong “mắt lưới” là nghĩa chuyển chỉ bộ phận của lưới đánh cá, là khe hở giữa 4 nút của dây lưới, tạo thành hình giống như mắt người.

Câu 3:

– Từ đồng âm xuất hiện trong đoạn thơ là từ “lợi”, trong đó:

+ 1 từ “lợi” chỉ lợi ích.

+ 1 từ “lợi” chỉ bộ phận trong miệng của con người.

Phần 3: Tập làm văn

Gợi ý mẫu đơn:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội ngày tháng năm

ĐƠN XIN ĐĂNG KÍ HỌC MÔN BƠI

Kính gửi: Ban giám hiệu trường ________________________ và Giáo viên dạy môn bơi.

Em tên là: _____________________________________ Học sinh lớp: _______________

Sinh ngày: ______________________ Số điện thoại: _____________________________

Địa chỉ: _________________________________________________________________

Sau khi đọc Thông báo kế hoạch dạy phổ cập bơi của nhà trường. Em nhận thức được việc học bơi có thể giúp chúng em tự cứu mình khi gặp sự cố đuối nước. Đồng thời còn giúp rèn luyện và nâng cao sức khỏe.

Vì vậy hôm nay em viết đơn này để xin được tham gia các lớp học bơi của trường. Trong quá trình tham gia học tập em xin hứa sẽ chấp hành tốt mọi yêu cầu, nội quy mà nhà trường và huấn luyện viên đưa ra.

Em xin chân thành cảm ơn.

Phụ huynh học sinh                         Học sinh

                                                    Nguyễn Văn A