Dị ứng thuốc kháng sinh là một tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân dị ứng thuốc kháng sinh và nên làm gì khi gặp phải tình trạng này nhé!
Thuốc kháng sinh là một loại thuốc quan trọng trong quá trình điều trị những bệnh về nhiễm khuẩn, một trong những loại bệnh có tỷ lệ tử vong tại Việt Nam cực kỳ cao. Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp lại gặp phải nguy cơ bị dị ứng với loại thuốc này. Hôm nay, Bách Hóa XANH sẽ cùng bạn tìm hiểu những điều cần biết về dị ứng thuốc kháng sinh.
Dị ứng thuốc kháng sinh là gì?
Dị ứng thuốc kháng sinh hay còn gọi là dị ứng kháng sinh, là một phản ứng bất thường của cơ thể khi sử dụng hoặc tiếp xúc với thuốc kháng sinh, có khả năng gây hại cho cơ thể.
Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), mức độ dị ứng thuốc kháng sinh sẽ không phụ thuộc vào liều lượng dùng thuốc, tuỳ vào mức độ mẫn cảm của mỗi người mà mức độ cũng như thời gian phản ứng dị ứng sẽ khác nhau.
Có người sẽ xảy ra phản ứng ngay sau khi dùng thuốc, có người sẽ sau vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Trong đó, phản ứng dị ứng muộn sẽ hiếm gặp hơn nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Triệu chứng dị ứng thuốc kháng sinh
Triệu chứng dị ứng thuốc kháng sinh sẽ phụ thuộc vào loại thuốc sử dụng, tình trạng miễn dịch của người bệnh và cả tính chất căn bệnh mà họ đang được điều trị.
Đối với trường hợp dị ứng nhẹ, bệnh nhân thường sẽ có biểu hiện phát ban, mẩn đỏ, bong tróc da, sưng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, ngứa hoặc sốt nhẹ,…
Một số trường hợp nghiêm trọng và nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện phản ứng sốc phản vệ như nghẹn đường thở và cổ họng gây khó thở, hạ huyết áp, chóng mặt, buồn nôn,… và cuối cùng là dần mất đi ý thức. Đây là một phản ứng đột ngột, đe dọa tính mạng, có thể gây rối loạn chức năng toàn hệ thống cơ thể và cần phải được cấp cứu điều trị ngay lập tức.
Nên làm gì khi bị dị ứng thuốc kháng sinh?
Đây là câu hỏi thường gặp nhất của bệnh nhân và người nhà khi bị dị ứng thuốc kháng sinh. Đầu tiên, khi bắt đầu triệu chứng dị ứng, bạn nên lập tức ngừng sử dụng thuốc.
Tiếp theo, bạn hãy đến phòng khám hoặc bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán về tình trạng bệnh và có được phương án điều trị tốt nhất.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng điều trị bằng phương pháp sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc kháng viêm corticoid nhưng vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bị dị ứng thuốc kháng sinh cũng cần được bù nước hoặc các chất điện giải.
Đặc biệt, đối với trường hợp bị sốc phản vệ, bệnh nhân cần phải được tiêm epinephrine tự động ngay. Bạn có thể tiêm thuốc epinephrine vào bắp đùi hoặc thậm chí tiêm xuyên qua quần áo nếu cần thiết. Sau đó, bạn nên lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Cuối cùng, bạn hãy trình bày rõ với bác sĩ những triệu chứng dị ứng gặp phải cũng như loại thuốc kháng sinh đã sử dụng để dễ dàng điều trị và đưa ra những lựa chọn loại thuốc kháng sinh thay thế thích hợp, không bị phản ứng chéo với loại thuốc cũ.
Cách phòng ngừa dị ứng thuốc kháng sinh
Vì dị ứng thuốc kháng sinh là một phản ứng khá nguy hiểm và gây hại cho sức khoẻ nên bạn cần chú ý quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc kháng sinh của bản thân. Một số cách phòng ngừa hiệu quả:
- Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc.
- Mỗi loại thuốc đều có thành phần và công dụng khác nhau, do đó trước khi bắt đầu sử dụng loại thuốc nào bạn cũng cần kiểm tra nguồn gốc, thành phần, chất lượng và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nó.
- Sẽ khó để đoán trước được thời gian và mức độ phản ứng dị ứng, bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc chống sốc, luôn mang theo thiết bị tiêm epinephrine tự động để phòng hờ những trường hợp khẩn cấp.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống và những thực phẩm kiêng kỵ khi dùng thuốc.
Trên đây là những thông tin cần thiết về vấn đề dị ứng thuốc kháng sinh mà Bách Hóa XANH tổng hợp được. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho việc sử dụng thuốc kháng sinh của bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khoẻ!
Nguồn: Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
Chọn mua trái cây chất lượng tại Bách hoá XANH để bồi bổ sức khỏe:
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn