Du lịch Yên Tử là một trong những hành trình khá đặc biệt trong các chuyến đi thăm tỉnh Quảng Ninh. Hành trình này không chỉ mang đến cho bạn những giây phút tuyệt vời giữa thiên nhiên khoáng đạt, mà còn khơi gợi một góc khuất bình yên trong tâm hồn được hòa quyện vào thế giới tâm linh rất thiêng liêng.
Xem thêm Cẩm nang Du lịch bụi Hạ Long, Cẩm nang Du lịch bụi Quảng Ninh
Tại sao lại chọn du lịch Yên Tử?
Là một ngọn núi kỳ vỹ và chứa đựng bao giá trị văn hóa lịch sử, tôn giáo đáng quý, Yên Tử có thể khiến du khách du lịch yêu thiên nhiên phải say mê và làm cho những người mộ đạo Phật Pháp không khỏi những khoảnh khắc chìm đắm vào thế giới tâm linh, với những triết lý sống thật ý nghĩa. Thuộc thành phố Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh, Yên Tử và hệ thống các di tích, danh thắng ở đây không chỉ có ý nghĩa nhất định trong tôn giáo Phật Giáo, mà còn góp phần làm giàu thêm di sản của đất nước. Với những giá trị đặc biệt của mình, Yên Tử và các hành trình về thăm nơi này bao giờ cũng là một lựa chọn đáng giá cho mọi du khách. Yên Tử không chỉ đáp ứng về việc tham quan, khám phá, mà còn giúp con người có những khoảng thời gian vô cùng quý báu tìm lại sự thư thái cho tâm hồn.
Thời gian thích hợp để đi du lịch Yên Tử
Thời tiết khí hậu ở Yên Tử quanh năm dễ chịu, nên bạn có thể đến thăm Yên Tử vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Với những ai muốn tham dự lễ hội Yên Tử thì nên đến thăm Yên Tử vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, nếu không thì nên tránh vào dịp này vì Yên Tử rất đông người. Tuy thời tiết dễ chịu, song bạn cũng nên chú ý chuẩn bị áo ấm để phòng lạnh nếu đi vào mùa đông ( cuối tháng 10 đến tháng 12).
Những lưu ý khi đi du lịch Yên Tử:
– Trang phục: gọn nhẹ, thấm mồ hôi và chuẩn bị thêm áo ấm nếu đi vào mùa đông, không nên ăn mặc hở hang vì đây ngoài điểm tham quan còn là điểm hành hương Phật Giáo.
– Giày thể thao: để thuận tiện cho việc leo núi, đi lại với địa hình đặc trưng đồi núi.
– Nước uống & thức ăn nhẹ: mang theo một ít để dùng dọc hành trình, không mang quá nhiều.
– Tiền mặt: bạn nên chuẩn bị tiền mặt vừa đủ dùng trong hành trình, không dùng thẻ ATM.
– Quà lưu niệm: không mua quà lưu niệm dọc đường đi.
– Điện thoại, máy ảnh: bạn vẫn có thể dùng điện thoại khi ở Yên Tử, luôn mang theo máy chụp hình bên mình để ghi lại những khung cảnh tuyệt vời của Yên Tử ở nhiều góc độ khác nhau.
– Bạn có thể đi lên bằng cáp treo và đi xuống theo đường bộ để vãn cảnh.
– Áo mưa mỏng: mang theo phòng trời có mưa nhẹ.
– Thử măng trúc – đặc sản của Yên Tử: nếu đã đặt chân đến Yên Tử, khi dùng bữa nhất định bạn phải thử món măng trúc đặc trưng của Yên Tử.
Phương tiện đến Yên Tử:
Xe khách:
– Từ Hà Nội, bạn có thể đón xe khách đi Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái và dừng ở đoạn đường Yên Tử hoặc đền Trình Yên Tử, sau đó đi Yên Tử. Chặng đường từ Hà Nội đi Yên Tử hết khoảng 125km, chặng đường từ điểm dừng ở đường Yên Tử đến chân núi gần 10km bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi. Thời gian đi xe khách từ Hà Nội đến Yên Tử hết hơn 2 tiếng. Có rất nhiều hãng xe chạy các tuyến đi Quảng Ninh, nên bạn rất dễ dàng lựa chọn để đặt vé xe.
Lưu ý: Trường hợp bạn đi thăm Yên Tử trong ngày nên khởi hành sớm từ khoảng 5h30 sáng để thuận tiện cho việc tham quan.
– Từ Hải Phòng & Hạ Long: hành trình Hải Phòng – Yên Tử là khoảng gần 45km và Hạ Long Yên Tử khoảng 59km, bạn có thể đón xe đi Yên Tử từ bến xe Hải Phòng hoặc bế xe Hạ Long để đặt vé đi Yên Tử khá dễ dàng.
Xe máy:
Từ Hà Nội hay các tỉnh thành ở phía bắc, bạn đều có thể đi Yên Tử bằng xe máy. Dù đoạn đường không quá dài nhưng để bảo đảm chu đáo, bạn nên nhờ người vững tay lái để điều khiển xe trong trường hợp bạn không rành đường, hay không chắc chắn trong việc cầm lái.
Khoảng cách giữa các vùng lân cận đến Yên Tử:
– Hải Phòng – Yên Tử: lộ trình Hải Phòng – thị trấn núi Đèo – đường số 10 – Yên Tử; khoảng cách gần 45km, mất gần 2 tiếng di chuyển.
– Hạ Long – Yên Tử: lộ trình Hạ Long – thị trấn Trới – xã Quảng La – xã Yên Công – Yên Tử; khoảng cách gần 60km, mất hơn 2 tiếng di chuyển.
– Uông Bí – Yên Tử: lộ trình Uông Bí – xã Yên Công – Yên Tử; khoảng cách hơn 20km, mất khoảng 1 tiếng để di chuyển.
– Móng Cái – Yên Tử: lộ trình Móng Cái – Cẩm Phả – Uông Bí – xã Yên Công – Yên Tử; đoạn đường dài hơn 200km, mất khoảng 6 tiếng di chuyển.
Xe du lịch:
Từ Hà Nội hoặc các khu vực lân cận bạn có thể thuê xe du lịch đi Yên Tử nếu như số lượng khách đi cùng đông. Thuê xe du lịch đi thăm Yên Tử vừa thoải mái, vừa tiết kiệm chi phí và tranh thủ được thời gian đi về.
Phương tiện đi lại ở Yên Tử:
Đi bộ: từ chân núi, bạn có thể leo núi theo đường bộ, đoạn đường dài khoảng 6km địa hình đồi núi. Tuy leo núi khá vất vả, nhưng bù lại cảnh quan khoáng đạt, không khí trong lành sẽ khiến bạn phấn chấn. Dọc đường bạn có thể tham quan nhiều điểm dừng khác nhau.
Đi cáp treo: nếu bạn không chủ đích leo núi, thì có thể đi cáp treo. Cáp treo ở Yên Tử là một trong những hệ thống cáp treo hiện đại của Việt Nam, dài 1,2km và có độ cao có đoạn 450m. Đi cáp treo, bạn có thể qun sát toàn bộ Yên Tử ở trên cao khá đặc biệt.
Kết hợp đi bộ & cáp treo: đây là sự kết hợp cực kỳ phổ biến cho du khách, nên bạn cũng có thể đi theo cách kết hợp này. Chiều đi lên bạn nên sử dụng cáp treo và khi đi xuống núi thì sẽ đi bộ, bới mệt và vẫn tham quan được các cảnh quan trọng dọc hành trình.
Địa điểm tham quan ở Yên Tử:
– Chợ Yên Tử: ở chân núi Yên Tử, trước khi đến núi Yên Tử, bạn có thể ghé ngang chợ để mua ít đồ dùng hoặc thực phẩm mang theo.
– Làng dân tộc thiểu số Dao Thanh Y: nằm ngay chân núi Yên Tử, bạn có thể ghé thăm trước khi thăm Yên Tử.
– Khe Sú – Thung lũng Yên Tử: gần chân núi, cảnh đẹp với các ruộng lúa yên bình, bạn có thể ghé thăm trước hoặc sau khi ngao du Yên Tử.
– Thiền Viện Trúc Lâm: còn gọi là Chùa Lân, tọa lạc ở một ngọn đồi dưới chân Yên Tử.
– Suối Giải Oan: ngay chân núi, nước trong và nhiều đá khiến dòng chảy róc rách như nhạc.
– Chùa Giải Oan: gần suối Giải Oan gắn với câu chuyện vua Trần Nhân Tông đã lập chùa giải oan cho linh hồn các cung tần mỹ nữ đã tự vẫn vì Ông.
– Am Lò Rèn: cách Chùa Giải Oan khoảng 400m, có Tháp Tổ nằm ở độ cao 700m và là nơi lưu giữ xá lợi của đức Tổ Trần Nhân Tông.
– Lăng Quy Đức: nằm ở khu Tháp Tổ, là nơi yên nghỉ của Vua Trần Nhân Tông.
– Chùa Hoa Yên: cách Tháp Tổ gần 150 bậc đá, Chùa còn được gọi là Chùa Vân Yên gồm Chùa Cả là chùa lớn nhất và có kiến trúc rất đặc trưng, Thác Ngự Dội còn gọi là Thác Long Khê, am Thiền Định, Thác Vàng.
– Chùa Một Mái: nằm cách Chùa Hoa Yên khoảng 200m, nằm chênh vênh bên vách núi. Chùa có nhiều cái tên khác như Chùa Bán Mái, am Ly Trần, chùa Bồ Đà.
– Am Ngọa Vân: nằm gần Chùa Một Mái.
– Thác Tử: nằm trước am Ngọa Vân, thác cao 10m.
– Am Thung, Am Dược: nằm phía trước cửa Am Ngọa Vân, bao quanh bởi nhiều cảnh quan đẹp.
– Chùa Bảo Sái: nằm phía trên am Ngọa Vân, nằm cheo leo bên vách đá, ở độ cao hơn 700m.
– Chùa Vân Tiêu: nằm gần Chùa Bảo Sái, bị hư hại và được trùng tu nhiều lần như hiện tại.
– Tháp Tiên Cung: cao 7m, được xem là tháp cao nhất trong các tháp ở Yên Tử.
– Suối Hàm Long: nằm gần Chùa Vân Tiêu, hạ lưu của Thác Vàng.
– Rừng trúc, mai, giang: nằm dọc đường đi từ Chùa Giải Oan đến Chùa Bảo Sái.
– Tượng An Kỳ Sinh: tảng đá như nhà sư mặc áo thâm chắp tay trước ngực, nằm cách Chùa Vân Tiêu gần 600m, ở độ cao 900m.
– Bia Phật và Cổng Trời: nằm ở khoảng giữa Tường An Kỳ Sinh và Chùa Đồng với hai vách đá hai bên con đường đến Chùa Đồng như cánh cổng tự nhiên khá ấn tượng.
– Chùa Đồng: nằm ở đỉnh núi Yên Tử còn gọi là đỉnh Phù Vân, ngôi chùa được xây dựng bằng đồng lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam.
Đặc sản Yên Tử, sản phẩm, quà lưu niệm, mua sắm ở Yên Tử:
– Măng trúc: đặc sản đặc biệt nhất ở Yên Tử, bạn có thể tìm mua ở chợ Yên Tử dưới chân núi Yên Tử.
– Rượu mơ Yên Tử: khá nổi tiếng, bạn có thể tìm mua ở chợ Yên Tử dưới chân núi hoặc một vài cửa hàng bán đặc sản Yên Tử uy tín.
– Mật ong rừng: rất đặc biệt, bạn có thể tìm mua ở chợ Yên Tử hoặc một số cửa hàng bán đặc sản Yên Từ đáng tin cậy.
– Dầu Tiên Yên Tử: bạn có thể tìm mua ở chân núi Yên Tử và một vài cửa hàng bán đặc sản Yên Tử ở Uông Bi nếu có dịp ghé ngang qua.
Các món ngon trong ẩm thực Yên Tử:
– Măng trúc luộc chấm muối vừng: món ăn đặc biệt chỉ có ở Yên Tử, bạn nên thử qua khi có dịp tham quan nơi này.
– Các món chay: bạn có thể thưởng thức các món chay mang hương vị địa phương tại các nhà hàng quán ăn ở chân núi Yên Tử và các khu vực lân cận.
Nhà hàng ở Yên Tử, Khách sạn ở Yên Tử:
– Nhà hàng khách sạn Ngọc Hải: Cổng Chùa Lân, Thiền Viện Trúc Lâm, Yên Tử ; phục vụ ăn nghỉ cho du khách đi thăm Yên Tử, có nhà hàng và hệ thống 20 phòng nghỉ thoáng mát, sạch sẽ.
– Nhà hàng Tùng Lâm: chân núi Yên Tử, phục vụ món ngon Yên Tử, thực đơn chay mặn phong phú.
– Nhà hàng khách sạn Thanh Bình: Ngã tư Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Tp. Uông Bí; có nhà hàng và 10 phòng nghỉ phục vụ du khách.
– Nhà hàng khách sạn Doan Rực: Số 6.2, khu dịch vụ Bến Xe Giải Oan; có nhà hàng và phòng nghỉ thoáng mát phục vụ du khách.
– Nhà hàng khách sạn Dung Nguyên: Số 4.1, khu dịch vụ Bến xe Giải Oan, có nhà hàng và phòng nghỉ phục vụ du khách.
– Nhà hàng Hương Lý: Số 6.1, khu dịch vụ Bến xe Giải Oan, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách.
– Quán ăn bình dân: Chợ Yên Tử, chân núi Yên Tử; phục vụ cơm phần, bú, phở, món ngon Yên Tử, cơm chay,…
Lễ hội ở Yên Tử
– Lễ hội Yên Tử: tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.