Chúng tôi hẹn gặp Việt Tú vào một buổi sáng trong tuần, tại quán cafe gần công ty anh. Việt Tú tới sớm, cắm cúi vào chiếc laptop. Thấy khách đến, anh cười nói: “Team anh 10 giờ mới làm việc nhưng anh thường tranh thủ đến sớm vì hay ‘cắt cúp’ giờ trưa để đi…chạy, cần làm gương về việc sử dụng thời gian”. Hỏi mới biết, Việt Tú duy trì việc chạy marathon đã hơn 20 năm.
Càng tiếp xúc với anh, người ta lại càng nhận ra: Người đàn ông này sở hữu quá nhiều lát cắt. Từ đời tới nghề, đặc biệt là một tư duy nghệ thuật lẫn doanh nhân nhạy bén, tất cả liên kết để tạo ra chân dung một Art Entrepreneur (doanh nhân nghệ thuật) luôn đi đầu trong sáng tạo, nhất quán với triết lí mình theo đuổi.
– Vì sao anh lại thích marathon?
Tôi chơi thể thao rất sớm, trước những năm 2000, khi chơi đều đặn tôi chọn chạy bộ. Marathon dạy cho tôi nhiều thứ, nhất là sự bền bỉ.
Trong cuộc sống, có những người xuất phát rất tốt, nhưng dần bị tụt lại sau phía sau, không duy trì được như ban đầu là do thiếu sự bền bỉ. Với tôi, khởi đầu thế nào không quan trọng bằng kết quả ra sao.
– Vượt qua thách thức trong marathon có giống với việc vượt qua thách thức trong công việc, cuộc sống, đặc biệt là áp lực người dẫn đầu?
Tất cả đều có điểm tương đồng, công việc có rất nhiều áp lực, mệt mỏi không thể san sẻ cho ai, lầm lũi đi tới. Làm điều đó một lần đã khó, trong cuộc sống hay đường chạy bạn cần duy trì điều đó hàng ngày. Đa phần khởi đầu rất tốt, rồi cứ rơi rụng dần vì áp lực mệt mỏi. Marathon cũng giống như vậy, nó giống như câu chuyện về cuộc đời mỗi người, về sự bền bỉ để đi đến kết quả cuối cùng.
– Sự bền bỉ đó có trở thành chìa khóa cốt lõi để anh “gồng gánh”, cùng công ty bước qua Covid-19?
Ngay khi thị trường mới tiềm tàng nguy cơ dẫn tới những khó khăn hiện tại, tôi đã có kế hoạch về sự chuyển hướng. Chúng tôi xác định những dự án “trình diễn thực cảnh” phải là chủ đạo, để đưa Dream Studio chuyển từ Event Agency thành Creative Platform, tránh một thị trường vốn cầu nhiều hơn cung, và được phát triển đúng với tầm nhìn về sáng tạo và bản quyền. Cũng thời gian này là then chốt để tôi lên concept cho một xu hướng giải trí lần đầu tiên tại Việt Nam: “Immersive” (tạm dịch: Nhập vai).
Chính nhờ sự chuẩn bị đó, khi gặp Covid-19, hầu hết đều dừng lại, nhưng Dream Studio thì không. Chúng tôi ra mắt đúng tiến độ 100% ba dự án giải trí lớn nhất Việt Nam tính đến nay bởi nhà thầu nội địa: Tata Show (Nha Trang), Tinh hoa Việt Nam & Sắc màu Venice (Phú Quốc).
Không ai phải nghỉ việc, không ai bị thiếu lương.
– Anh đã nhắc đến “Immersive” – một khái niệm thực sự mới mẻ tại Việt Nam. Tại sao anh cho rằng, đây sẽ là xu hướng kế tiếp của nghệ thuật, để rồi quyết tâm là người đầu tiên hiện thực hoá nó?
Tôi chỉ là người đầu tiên làm “immersive” trở nên chính thống ở Việt Nam, giống như từng làm “trình diễn thực cảnh”. “Immersive” cho người sáng tạo một công cụ để phá bỏ hoàn toàn không gian sân khấu truyền thống, biến khán giả trở thành một phần buổi trình diễn.
Còn lịch sử nghệ thuật đương đại đã chỉ ra rằng, ngay từ những buổi trình diễn kinh điển như “Cut pieces” của Yoko Ono năm 1946, hay những buổi trình diễn của các nhóm nghệ sĩ underground tại New York và Argentina những năm 2005, đã tạo ra những cảm hứng cho immersive hiện nay rồi. Giờ đây chỉ sau 1 năm, immersive đã phổ biến trong mọi lĩnh vực: show diễn, nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh… trên toàn thế giới.
Riêng tại Việt Nam, Kosmik chính xác là live concert immersive đầu tiên. Còn Tinh hoa Việt Nam là vở diễn thực cảnh đầu tiên ứng dụng “immersive” thông qua việc đưa ra khái niệm “nhập vai” và “show diễn kéo dài cả ngày”, giúp người xem thâm nhập vào mọi không gian của câu chuyện một cách vô thức.
Để chuẩn bị, tôi đã cho thử nghiệm “immersive” tại một private event sử dụng toàn bộ không gian Văn Miếu từ vài năm trước đó.
– Hơn 20 năm qua, anh không ngừng đi ra thế giới để trải nghiệm và học hỏi. Liệu anh có sợ khán giả sẽ nói rằng, anh đi chỉ để “cóp nhặt” và “bắt chước”?
Họ nói đúng mà (cười). Tất cả chúng ta, có ai mà không bắt đầu từ việc bắt chước đâu? Hãy đọc Picasso để hiểu về câu chuyện này.
Sơ khai nhất của người làm nghề là phải có một bậc thầy, một mô hình, trường phái nào đó để truyền cảm hứng. Khi trải nghiệm đủ nhiều, tích lũy đủ kiến thức và văn hóa, tầm nhìn sẽ khác đi. Đó là lúc chúng ta phải có sự sáng tạo của riêng mình.
Nếu chỉ bắt chước, cả đời bạn sẽ bị so sánh với người khác như một bóng mờ. Nếu chỉ học một vài năm rồi ngừng lại, bạn lại bị chính khán giả vượt qua. Đó là lý do tôi duy trì việc đi khắp thế giới suốt hơn 20 năm qua.
– Không chỉ trong lĩnh vực đạo diễn, mà ở cương vị một doanh nhân, anh cũng để lại rất nhiều dấu ấn, hiện Dream Studio cũng đang nắm trong tay những dự án giải trí lớn nhất (nếu tính trên bình diện nhà thầu nội địa đến thời điểm này). Bí quyết nào giúp anh làm được điều đó?
Đó là sự thấu hiểu về nhu cầu của khách hàng. Nghe thì đơn giản nhưng không sách vở hay bậc thầy nào dạy bạn về điều này. Phần nhiều, điều này đến từ tầm nhìn trong ngành và sự thấu cảm của bạn với các vấn đề của xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện của khách hàng.
Tôi để ý, đa phần mọi người đến gặp khách hàng với tâm thế nhận đề bài, và triển khai theo đề bài được nhận. Họ không tính toán về giá trị khách hàng có thể nhận lại, từ đồng tiền mà khách hàng bỏ ra để đầu tư. Trong khi, đó mới là điều quan trọng hơn cả.
Trong kinh doanh, sẽ không có doanh nghiệp nào sẵn sàng chi hàng triệu USD cho một dự án, mà họ không nhận được những giá trị tương xứng. Không ai thừa tiền vậy, đúng không? (cười)
Đó là mối quan hệ win – win, nếu bạn đủ khả năng làm được, chắc chắn doanh nghiệp sẽ sẵn lòng đầu tư.
– Áp lực lớn nhất khi làm những siêu dự án như vậy là gì?
Thực ra khi làm, tôi không nghĩ nhiều đến áp lực. Thay vào đó, tôi chỉ đi tìm đáp án của 2 câu hỏi: Một là, điều chúng tôi có thể trả lại khách hàng khi họ chọn mình? Hai là, mình sẽ đạt được gì qua việc chấp nhận những mạo hiểm và áp lực đó? Đương nhiên, vế thứ nhất được ưu tiên hơn vế thứ hai.
Trên thực tế, may mắn của Dream Studio là mọi doanh nghiệp, chủ đầu tư đều có một mong muốn chung khi lựa chọn chúng tôi, đó là tạo ra sự khác biệt. Nó không chỉ là lợi ích kinh tế, mà còn về khía cạnh văn hóa. Nhất là với những tập đoàn lớn, họ luôn đề cao yếu tố hài hoà giữa mục tiêu kinh doanh và tôn trọng những giá trị văn hoá.
– Trên thị trường người ta đồn anh nói KHÔNG với khách hàng nhiều hơn nói CÓ, thực hư của lời đồn này là như thế nào?
Tôi biết ơn tất cả khách hàng đã tin tưởng mình. Với khó khăn hiện nay, những dự án giải trí triệu USD rất hiếm, nhưng Dream Studio vẫn là ngoại lệ.
Nhưng cũng không vì vậy, cứ thấy giá trị lên tới triệu USD là tôi “nhắm mắt nhận bừa” để lấy thành tích cho riêng mình. Cá nhân tôi luôn cho rằng: Thấy không khả thi với thị trường mà vẫn nhắm mắt làm, để việc kinh doanh của chủ đầu tư không hiệu quả, thì không thể coi là thành công.
– Có người “chịu rủi ro” mình chỉ thỏa sức sáng tạo. Tại sao lại không nhận?
Nhận sao được. Vì mình làm, người ta lỗ, còn ai đầu tư cho mình làm lần sau nữa? Logic để nền công nghiệp giải trí thế giới phát triển là dự án sau được đầu tư lớn hơn dự án trước, nhưng chủ đầu tư phải thành công với khoản đầu tư của họ đã.
Làm nghệ thuật muốn đi được đường dài, nghệ sĩ cần là người đồng hành, cảnh báo khi nhìn thấy rủi ro, chứ không phải chỉ biết “xúi” doanh nghiệp tiêu tiền để thoả mãn cái tôi của mình.
– Tầm nhìn và mong muốn của cá nhân anh với nền công nghiệp văn hoá và giải trí tại Việt Nam là gì?
Như câu hỏi trên, hiện tại dù đang nắm trong tay những hợp đồng giá trị lớn về kinh tế và bản quyền dài hạn với các tập đoàn hàng đầu, nhưng với tôi đó chỉ là khởi đầu. Để có được nền công nghiệp, chúng ta cần không chỉ một Dream Studio, mà là cả một thị trường mà ở đó nghệ sĩ cần có ý thức về tài sản sở hữu trí tuệ và bản quyền như tài sản vật chất.
Nhìn ra thế giới, từ Trương Nghệ Mưu, James Cameron… đều là những nghệ sĩ doanh nhân rất tài năng. Sự nghiệp, vị thế và tài sản của họ đều có được nhờ sự tôn trọng với sở hữu trí tuệ và quyền tác giả. Đó là điều mà tôi muốn hiện thực hóa tại Việt Nam cho mình và mọi người.
Đã qua cái thời dùng tiền của người khác để “vẽ” những thứ quá hoành tráng, kết quả cuối cùng chỉ là thỏa mãn đam mê làm nghề của bản thân. Khách hàng giờ đây ngày càng ý thức được rõ ràng về việc mình muốn gì.
Từ đó, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của kiến thức về quản trị. Nó mở ra cho tôi cơ hội để đứng ở vị trí người làm kinh doanh. Khi hiểu rõ về họ, mình mới có cơ hội để thực hiện những dự án lớn hơn trong nghề.
– Sở hữu những dự án đình đám như vậy nhưng ekip của anh chỉ có chưa quá 12 người?
Đúng vậy. Công ty của tôi chưa bao giờ quá 12 nhân sự chính thức cả. Nhiều khách hàng lần đầu tới văn phòng của tôi đã “sốc” vì nó… rất bé. Không ít người từng hỏi, sao không thuê không gian sang xịn hơn vì hình thức cũng quan trọng. Nhưng sau khi làm việc chung với nhau, hầu hết đều hiểu Dream Studio rồi nên cũng đỡ chi phí “hình thức” này (cười).
Với tôi, một văn phòng cần mang lại cho ekip sự ấm áp để làm việc hiệu quả. Còn với khách hàng, họ thấy được sự bài bản, chuyên nghiệp, nét tương đồng với văn hóa doanh nghiệp của họ, để tin tưởng hợp tác.
Chứ bản thân tôi không ham quy mô lớn, cái gì cũng có. Nghề này, nếu ôm đồm những điều không phải năng lực cốt lõi, sẽ tự biến mình thành “hàng xén” mất.
– Bí quyết nào để anh có được những thành viên quan trọng của đội ngũ?
Môi trường làm việc là yếu tố then chốt. Ở Dream Studio đề cao sự khác biệt, tránh văn hoá áp đặt, mọi người đều có quyền nói “Không” và phản biện. Chúng tôi không có nhân viên, chỉ có con người cấp quản lý.
Sự khác biệt lớn nhất của Dream Studio với phần còn lại của thị trường là sáng tạo, và hệ thống đào tạo, quản trị tương đương các tập đoàn lớn. Mọi thành viên Dream Studio đều được ra nước ngoài, học hỏi những gì mới nhất về nghề.
– Đội ngũ tinh nhuệ như vậy, anh có sợ bị “chảy máu chất xám” ra ngoài?
Một trong những điều làm tôi tự hào nhất là văn hoá Dream Studio hiện diện tại các doanh nghiệp lớn nhất, các sự kiện quan trọng nhất, thông qua những cựu thành viên được tôi trực tiếp đào tạo. Họ góp phần khẳng định tầm ảnh hưởng và những giá trị mà Dream Studio đã mang lại cho thị trường.
Biến động nhân sự là bình thường với bất kỳ doanh nghiệp nào, vì vậy quan trọng là sự chuẩn bị về tính kế thừa và áp dụng văn hoá trao quyền.
– Cuối cùng, với một người luôn tiên phong đưa ra xu hướng mới trong nghệ thuật tại Việt Nam, anh dự đoán sau “immersive” sẽ là gì, và bao giờ ?
Hiện “immersive” mới chỉ đang bắt đầu vòng đời của mình, sẽ được nâng lên một cấp với sự ra mắt bản chưa hoàn chỉnh kính thực tế ảo Apple hay Meta. Xu hướng kế tiếp với tôi cũng không phải là một điều gì quá mới mẻ, mà chính là “Metaverse” (tạm dịch: Vũ trụ ảo), được mọi người nói nhiều trong thời kỳ Covid-19.
Tuy vậy, lúc đó, mọi thứ mới chỉ dừng ở trào lưu FOMO chứ chưa thực tế. Metaverse bao giờ được hiện thực hoá, đi xa đến đâu, sẽ phụ thuộc vào sự hoàn thiện về thiết bị thực tế ảo của các ông lớn công nghệ thế giới.
– Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Ảnh: NVCC
Nguồn: https://cafef.vn/ong-trum-cua-nhung-du-an-giai-tri-trieu-do-dung-hang-tram-ty-dong-cua-nguoi-ta-ma-lo-hoai-khong-ai-thua-tien-cho-lam-ca-188230625210458507.chn