Lớn lên trong nghèo khó
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Theo lời kể của mọi người, thời điểm mẹ sinh tôi khi đó cũng đã gần 50 tuổi. Cho đến khi tôi lên lớp 6, bố mẹ lần lượt qua đời vì mắc ung thư. Suốt những năm sau đó, tôi được anh trai nuôi dưỡng.
Gia đình tôi không có điều kiện nên anh trai tôi khó lấy vợ gần. Qua lời giới thiệu của vài người thân, anh trai tôi gặp được một cô gái có hoàn cảnh tương tự. Chị cũng có cuộc sống nghèo khó, bố mẹ đều mất sớm và phải sống nương tựa vào bà nội.
Kể từ khi anh chị kết hôn, gia đình tôi trở nên ấm cúng hơn vì có bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Anh trai tôi vẫn ra ngoài kiếm tiền như trước đây. Còn chị dâu ở nhà làm việc gia đình. Vì biết tôi còn phải đóng nhiều tiền học. Chị thường nhận làm thêm công việc dọn dẹp thuê cho người trong làng nhằm gia tăng thu nhập. Biết tôi ham học nên chưa khi nào tôi thấy chị phàn nàn về khoản tiền học mỗi khi tôi cần phải nộp.
Cuộc sống của gia đình tôi cứ thế trôi đi. Tôi được anh chị nuôi lớn và cho ăn học không thua kém gì bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ xảy ra.
Vào năm tôi học lớp 11, anh trai tôi qua đời sau khi đột ngột ngất xỉu trên công trường. Đồng nghiệp đã đưa đến bệnh viện ngay sau đó nhưng tim đã ngừng đập trên đường cấp cứu. Theo lời của bác sĩ, anh tôi bị suy thận thận nặng. Chị dâu và tôi đều sững sờ khi bác sĩ nói điều này.
Một vài người bạn đồng nghiệp của anh kể lại rằng nửa năm trước anh trai tôi thường xuyên phàn nàn về chứng đau thắt lưng. Do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, anh đã không thăm khám và dẫn đến bệnh tình ngày càng xấu đi.
Sự ra đi của anh trai thực sự là một cú sốc đối với tôi. Bởi người thân duy nhất đã không còn. Tôi đã chính thức mất đi điểm tựa trong cuộc sống.
Sau khi anh trai qua đời, tôi quyết định nghỉ học. Tôi muốn đi làm nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tất nhiên, tôi không thông báo điều này cho chị dâu biết.
Tuy nhiên sau một tuần nghỉ học, chị dâu tôi nhận được tin từ nhà trường. Lần đầu tiên tôi thấy chị mất bình tĩnh với tôi đến như vậy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ từng lời chị nói với tôi khi đó. “Chị biết em nghĩ rằng chị không thể nuôi em ăn học. Hãy gạt bỏ suy nghĩ đấy lại. Mong muốn lớn nhất của anh trai em là nhìn thấy em vào được đại học, thành công trên đường đời. Giờ anh mất, chị sẽ thay anh thực hiện tâm nguyện đó. Dù có phải bán đi tất cả đồ đạc trong nhà, chị cũng sẽ không để em phải thiếu tiền đóng học.
Nếu có khả năng học tập, em hãy cố gắng chăm chỉ, đừng làm anh trai thất vọng. Em là niềm hy vọng của cả gia đình. Chị tin rằng em sẽ thành công”, chị dâu nói.
Sự thật bàng hoàng sau 6 năm về nhà
Không còn lựa chọn nào khác, tôi quay trở lại trường. Vào năm cuối cấp, tôi cũng đạt được ước nguyện của anh trai là đỗ vào một trường ĐH ở Thượng Hải. Vào ngày nhập học, chị dâu đã vay tiền của người thân và bạn bè để cho tôi đóng học phí.
Suốt những tháng năm học đại học, chị dâu làm đủ nghề để cho tôi có tiền trang trải chi phí ở thành phố. Biết chị vất vả, tôi cũng tranh thủ đi làm thêm vào buổi tối và ở lại làm việc vào những kỳ nghỉ.
Để cơ hội và thu nhập tốt hơn trong tương lai, tôi đã quyết định tham gia học thạc sĩ và tiến sĩ. Chia sẻ điều này, tôi không ngờ được chị rất ủng hộ.
Trong suốt 4 năm học đại học, số lần tôi về thăm chị đếm trên đầu ngón tay. Bởi đường sá xa xôi, chi phí đi lại tốn kém. Song chính sự vô tâm này khiến tôi không biết rằng chị dâu đã bị tai nạn đến mức phải cắt cụt 2 chân.
Cách đây 5 năm, đó là một ngày mùa đông cuối tháng 12. Trên đường đi đến chợ đầu mối, chị bị một ô tô ngược chiều tông phải. Tai nạn xảy ra khiến chị thương nặng đến mức phải cắt cụt 2 chân.
Dù rơi vào tình cảnh như vậy nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc cho tôi nghỉ học để đi làm càng sớm càng tốt. Chị vẫn luôn ủng hộ để tôi học lên mức cao nhất có thể.
Trong suốt thời gian học từ năm 4 đến khi học lên Tiến sĩ, chị vẫn gửi cho tôi 1.000 NDT/tháng. Sau này tôi mới biết rằng số tiền đó là khoản bồi thường tai nạn mà chị nhận được. Không muốn làm tôi phân tâm, chị dâu đã liên kết với họ hàng cấm kể cho tôi nghe về tình hình ở nhà.
Có một thời gian chờ kết quả thi lên thạc sĩ, tôi rất muốn về thăm nhà. Nhưng khi gọi điện thông báo, chị luôn ngăn tôi với lý do đường đi xa, đi lại tốn kém. Dẫu vậy, lúc đó, tôi lại nghĩ rằng chắc chị dâu sợ tôi xin tiền nên không muốn tôi về nhà.
Không phụ lòng mong đợi của chị dâu, sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ, tôi được mời làm tại một tập đoàn đa quốc gia ở Thượng Hải với mức lương mong ước. Khi nhận được tháng lương đầu tiên, tất cả những gì tôi muốn làm là chia sẻ niềm vui với người thân. Tôi quyết định tạo bất ngờ cho chị dâu, đặt vé tàu về thăm nhà. Đó cũng là lần đầu sau hơn 6 năm, tôi trở về nhà.
Đến khi mở cổng chạy vào nhà, tôi bàng hoàng khi nhìn thấy chị dâu đang ngồi trên xe lăn. Lúc đó, chị ngoài 40 tuổi nhưng mái tóc đã bạc hết, khuôn mặt đầy vết chân chim như người đã ngoài 50.
Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, tôi không thể kìm được cảm xúc mà đã oà khóc như một đứa trẻ. Dẫu vậy, lúc đó, chị vẫn mỉm cười và nói: “Không sao đâu, mọi đã qua. Chị không sao cả”.
Bị mất đi đôi chân nhưng suốt những năm tháng đó, chị vẫn làm việc để có thêm thu nhập. Chẳng trách, chị già hơn tuổi rất nhiều.
Sau khi biết chuyện, tôi quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được để đưa cho chị sửa lại căn nhà cũ. Những tháng sau đó, tôi đều đặn gửi về biếu chị 5.000 NDT. Đối với tôi, dù có đưa cho chị dâu bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng là không đủ. Trách nhiệm của tôi những năm tháng sau này là phải bù đắp, chăm sóc chị dâu và rèn luyện các cháu thành tài.
Bài viết trên là chia sẻ của anh Chu Tuấn (Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Nguồn: https://cafef.vn/duoc-chi-dau-nuoi-hoc-len-tien-si-chang-trai-bang-hoang-chung-kien-mot-su-that-sau-6-nam-tro-ve-nha-188230907142439842.chn