Đối với nhiều khách du lịch từng có dịp ghé thăm chợ nổi Ngã Bảy, hình ảnh về những chiếc xuồng lênh đênh trên sóng nước chở đầy hàng hóa mang một vẻ đẹp miền Tây rất mộc mạc về dễ chịu. Khu chợ hơn 100 năm tuổi đã và đang không ngừng phát triển, góp phần mang vẻ đẹp văn hóa Hậu Giang đến gần hơn với đông đảo khách thập phương mọi miền.
1. Đôi nét về chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang
1.1 Chợ nổi Ngã Bảy ở đâu?
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của vùng Hậu Giang đấy chính là chợ nổi Ngã Bảy. Có mặt từ rất lâu đời từ những năm 1915, khu chợ này đến nay đã trở thành nét văn hóa mà người dân Hậu Giang có thể hãnh diện tự hào, khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng.
Cụ thể, chợ tọa lạc tại phường Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Trước đây còn có tên gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một trong những nhóm chợ nhộn nhịp và lớn nhất vùng sông đồng bằng Cửu Long từ trước đến nay.
Nơi trao đổi kinh tế và hàng hóa này không chỉ là để mưu sinh, kiếm sống mà còn là chốn tham quan, cuốn hút cực kì đông khách du lịch. Đặc biệt đối với những du khách nước ngoài thì chúng lại còn trở nên rất độc đáo, bởi ở nước của họ chưa có hình thức buôn bán như thế bao giờ. Khi đi du lịch miền Tây, ngoài chợ nổi Cái Răng thì chợ nổi Phụng Hiệp là cân nhắc đáng chú ý.
1.2 Nguồn gốc tên gọi “Ngã Bảy” của chợ nổi
Toàn bộ nông sản của vùng cứ đến rạng sáng là tập trung hết về đây. Khu vực rộng lớn này có sức chứa đến hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ. Điểm tụ tập chính là nơi giao cắt giữa 7 tuyến sông gồm có: sông Cái Côn, sông Mang, sông Búng Tàu, sông Sóc Trăng, sông xẻo Môn, sông Lái Hiếu và sông Xẻo Vong.
Cái tên gọi chợ nổi Ngã Bảy cũng vì thế mà được hình thành. Cũng tương tự như vậy, “chợ nổi Phụng Hiệp” cũng là vì chúng nằm trên địa bàn Phụng Hiệp. Tính cách giản dị của người miền Tây luôn luôn là thế, cứ hễ thấy sao thì gọi tên vậy để dễ nhớ, dễ nhận biết, chẳng cầu kì.
Người ta đến thăm khu chợ nổi Phụng Hiệp có rất nhiều nguyên do. Một số chỉ đơn giản là tham quan, khám phá. Một số muốn mua vật phẩm đặc sản mang về tặng người thân. Một số khác lại chỉ để tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa của con người miền Tây, xem cái cách họ nhiệt tình nhiều đến thế nào mà ai ai cũng ca tụng. Trong các tour miền Tây 1 ngày, chợ nổi đã trở thành điểm đến quen thuộc để nhiều du khách đến khám phá.
Mà quả nhiên là họ chất phát, chân phương, nhiệt thành thật. Khách đến lựa hàng thoải mái, mua một quả ổi nhiều khi chủ ghe còn tặng thêm quả xoài. Thế mà bảo sao người ta không yêu thương cái chân phương ấy cho được.
2. Đặc trưng của khu chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang
Tính đến nay chợ nổi Ngã Bảy đã hơn 100 năm tuổi, từ lúc người ta đào kênh xáng tới giờ, cứ thế chợ phát triển theo thời gian và trở thành đầu mối giao thông thủy lợi lớn nhất khu vực miền Nam.
Trên sông thì người người buôn bán, mua hàng tấp nập còn 2 bên phía bờ thì là những làng nghề thủ công truyền thống. Cái hay của khu vực này là đến một lần hầu như bạn có thể khám phá được hết tất cả các “nét duyên” của toàn bộ miền Tây. Thế thì hiển nhiên là bạn phải nhất định một lần tới thăm thú rồi.
Cụ thể thì những làng nghề ở 2 bên bờ là: nghề đóng ghe, đan lưới, làm lục bình… nhưng đấy chỉ là điểm phụ. Buôn bán vật phẩm nông sản trên sông mới chính là điểm nhấn chính mà chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang mang lại.
Người người nơi đây cứ sáng đến là đi chợ bằng ghe, việc họp mặt chợ lại để bán dĩ nhiên là không được thuận tiện như khi trên bờ. Tuy nhiên chẳng ai than phiền vì sự bất tiện ấy cả, ngược lại hầu hết ai cũng thích thú và xem chúng là đặc trưng thú vị. Đặc biệt, trên các chiếc ghe, chủ hàng bày bán đầy đủ các món ẩm thực miền Tây, tạo nên sự đa dạng vô cùng lạ mắt.
Để giới thiệu sản phẩm ghe mình bán, chủ ghe sẽ dùng một thân tre dài và treo các vật phẩm ấy lên trên ngọn cao để người mua từ xa có thể nhận biết. Nét quảng bá độc đáo này khiến du khách ai mới tham quan lần đầu cũng tỏ ra phấn khích, đảo mắt ngắm nghía xung quanh. Ngoài trái cây thì hàng hóa nơi đây còn có cả đồ thủ công mỹ nghệ, động vật (rắn, chim, chuột…), đồ gia dụng… không thiếu một thứ gì.
Muốn tham quan chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, du khách có thể thuê những chiếc vỏ lãi hay còn gọi là vỏ tắc ráng cặp phía bờ. Ngồi trên những chiếc xuồng ba lá bồng bềnh, thưởng thức vài món đặc sản trên khu chợ nổi tiếng hẳn là thú vui thư giãn rất yên bình.
3. Gợi ý những món đồ nên mua ở chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang
Khu chợ sầm uất của miền Tây buôn bán đầy đủ hàng hóa không thiếu một thứ gì. Chủ yếu nông sản là vật phẩm chính.
Cụ thể nếu muốn mua chút gì đó về làm quà cho người thân bạn có thể tham khảo những đặc sản của vùng miền Tây sông nước như: bưởi 5 roi Phú Hữu, vú sữa lò rèn, quýt đường, sầu riêng Ri6… các loại trái cây miệt vườn. Tùy vào từng mùa, trái cây có độ đa dạng riêng. Chủ yếu đều là trái cây miệt vườn nên quả nào cũng ngon, cũng ngọt, ăn một lần sẽ khiến bạn cảm thấy ấn tượng và nhớ mãi.
Hay muốn thưởng thức những bữa ăn dân dã của con người nơi đây khách du lịch đến chợ nổi Phụng Hiệp có thể thử thưởng thức cháo lòng cái tắc, cá thác lác 7 món, lẩu cá linh, đọt choại… đều là những món ăn đặc sản của Hậu Giang sông nước. Theo kinh nghiệm phượt miền Tây, khi mua những món này, đừng quên mua thêm một ít bông điên điển để khi mang về nhà, bạn có thể tiện chế biến thành nhiều món khác nhau.
Thêm nữa là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được đan từ lát, tre… được người dân chăm chút, tỉ mỹ. Đấy có thể là túi xách, chiếc nón, chậu hoa hay chỉ đơn giản là tấm thảm… Đấy cũng là một gợi ý rất hay để bạn mua về làm kỉ niệm cho chuyến du lịch chợ nổi Ngã Bảy.
Bên cạnh chợ Châu Đốc An Giang, chợ Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Ngã Bảy đã trở thành điểm tập kết hàng hóa vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa đem lại giá trị du lịch cho người dân trong vucngf.
Với bề dày lịch sử lâu năm của mình, chợ nổi Ngã Bảy đến nay vẫn không ngừng phát triển và vươn xa. Một nét văn hóa đậm bản sắc của người dân Hậu Giang nói riêng và của cả đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Vậy nên đừng quên chọn cho mình một thời điểm thích hợp để đến thăm thú nơi này bạn nhé!