Hơn 70 năm trước, khi cho ra mắt tiểu thuyết đồng tính đầu tiên của nước Mỹ là “The City and The Pillar”, Gore Vidal đã được cảnh báo bởi nhà xuất bản rằng ông sẽ không bao giờ được tha thứ vì cuốn sách này. Dù vậy, tác phẩm vẫn được ấn hành, trở thành tượng đài xuất sắc của văn chương đồng tính.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với hàng hà sa số những tác phẩm cùng đề tài vào thời điểm LGBTQ+ vẫn còn là khái niệm mơ hồ và là chủ đề nhạy cảm. Cho đến nay, các tác phẩm văn chương khai thác những chuyện tình đồng tính đã được công chúng đón nhận, một vài trong số còn trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản, cho thấy một xã hội ngày càng cởi mở hơn với sự đa dạng của cộng đồng “lục sắc”. Theo thống kê của Circana BookScan – đơn vị ghi nhận số liệu của ngành xuất bản, từ 10/2022 đến 10/2023, doanh số bán ra của dòng sách trên đã đạt 4,4 triệu bản, tăng 7% so với một năm trước đó và 200% kể từ 10/2019 tính riêng ở Mỹ.
Những khởi sắc mới
Kể từ khi đại dịch nổ ra, dòng sách thuộc đề tài LGBTQ+ bỗng dưng nhận được sự chú ý bởi nhiều lý do, hai trong số đó gắn liền với việc cách ly xã hội khiến mức tiêu thụ sách tăng mạnh và “hiệu ứng đám đông” đến từ sự tăng trưởng của TikTok nói chung và BookTok – cộng đồng đọc sách trên mạng xã hội TikTok – nói riêng. Cũng kể từ đây, một loạt những tác phẩm có cùng đề tài gây tiếng vang, có thể kể đến Thời khắc còn lại (Adam Silvera), Bảy người chồng của Evelyn Hugo (Taylor Jenkins Reid), Trường ca Achilles (Madeline Miller)… Chính nền tảng này đã tạo nền móng và thúc đẩy nhiều hiện tượng xuất bản ra đời.
Sách Thời khắc còn lại
Sách Trường Ca Achilles
Sách Tiểu thuyết tiếng Anh: Seven Husbands Of Evelyne Hugo
Chẳng hạn, phải sau hơn một thập kỷ ra mắt, Trường ca Achilles mới có được đời sống mới qua các video chia sẻ trải nghiệm đạt đến hàng triệu lượt xem. Câu chuyện tình cảm về hai anh hùng Achilles và Patroclus được phát triển thêm từ sử thi của Homer cũng mở ra cánh cửa mới cho các tác phẩm kể lại các câu chuyện thần thoại. Và ở Hy – La cổ đại, nơi quan hệ này được ngầm chấp nhận, xu hướng trên cũng đang tạo ra mạch vận động mới cho các tác phẩm có yếu tố LGBTQ+. Những nhân vật vốn bị gạt bỏ, không được chú ý, giờ lại trở thành cảm hứng vô tận cho văn chương hiện đại.
Điều này cũng hình thành nên những tác phẩm dành cho độc giả trẻ tuổi, có thể kể đến Logic khó lý giải của đời tôi (Benjamin Alire Sáenz), Điều đẹp nhất cho em (Mason Deaver), Ba nghìn dặm (Nina LaCour)… Với nội dung nhẹ nhàng không quá phức tạp, những quyển sách young adult (YA) này đang ngày càng được yêu thích bởi thế hệ gen Z. Thế nhưng, ở khía cạnh khác, các tác phẩm này cũng vấp phải khá nhiều phản đối, để rồi một trong số đó buộc phải rút khỏi các thư viện trường, bị cáo buộc làm sai lệch tư tưởng của độc giả trẻ. Cuộc chiến nói trên tính cho đến nay chưa có hồi kết, cho thấy việc các tác phẩm này được chấp nhận vẫn còn ít nhiều bấp bênh.
Sách Logic Khó Lý Giải Của Đời Tôi
Dẫu vậy, một số tác phẩm văn chương khai thác đề tài LGBTQ+ khi được chuyển thể thành phim dài tập đã nhận được những phản hồi tích cực và trở nên nổi tiếng, có thể kể đến series Heartstopper hay Red White and Royal Blue. Các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ những tác phẩm văn học như Carol – Tận đáy cảm xúc (Patricia Highsmith), Gọi em bằng tên anh (André Aciman), Cô gái Đan Mạch (David Ebershoff), Chuyện tình núi Brokeback (Annie Proulx)… cũng tạo được tiếng vang, góp phần lan tỏa những thông điệp tích cực về tình yêu và khát khao được hòa nhập của cộng đồng LGBTQ+. Ngoài ra ảnh hưởng của người nổi tiếng qua câu lạc bộ đọc sách của Reese Witherspoon, Dua Lipa, Oprah Winfrey… cũng giúp cho dòng văn trên có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả.
Sách Tận Đáy Cảm Xúc
Sách Gọi Em Bằng Tên Anh
Dòng chảy cuộn xoáy
Có thể nói chưa bao giờ dòng sách LGBTQ+ lại đa dạng và phong phú như là hiện nay. Đó là nhờ sự hậu thuẫn từ nhiều yếu tố hợp lưu, từ sự cởi mở của độc giả với các vấn đề về giới tính và bản dạng giới, cho đến nhãn quan phong phú của thế hệ tác giả/ độc giả trẻ cũng như sự nổi lên của BookTok… Tại Việt Nam, có thể thấy xu hướng nói trên cũng đang được duy trì một cách ấn tượng, phần nào bám sát những trào lưu trên, khi những tựa sách nổi bật cũng được phát hành nhanh chóng và có lượng tiêu thụ được đảm bảo.
Giới xuất bản trong nước cũng rất nhạy bén trong việc khai thác bản quyền, khi không chỉ tập trung vào các tiểu thuyết mới, mà còn dành sự quan tâm đặc biệt cho các tác phẩm từng được xem là “bệ phóng” cho dòng văn này, có thể kể đến những tác phẩm cổ điển như Olivia (Dorothy Strachey), Carmilla (Sheridan Le Fanu), Maurice (E.M.Forster)… Những tiểu thuyết này không chỉ phản ánh thời đại khi các yếu tố LGBTQ+ bị cấm ngặt và chỉ có thể được biểu hiện qua các chi tiết ẩn dụ, mà còn cho thấy những nỗ lực không ngừng của thế hệ đi trước trong việc đấu tranh để cộng đồng “lục sắc” được công nhận như ngày nay.
Bước khỏi giai đoạn nói trên, các tác phẩm đương đại như Cam không phải loại quả duy nhất (Jeanette Winterson), Thăm lại Brideshead (Evelyn Waugh), Một con người (Christopher Isherwood), Màu tím (Alice Walker), Less (Andrew Sean Greer), Điều thuộc về em (Garth Greenwell), Người trong gương (Will Eaves), Đừng tự dối mình (Philippe Besson), Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Ocean Vương)… lại phơi bày những khía cạnh khác và phức tạp hơn của việc được công nhận trong một thế giới còn nhiều định kiến, đi kèm với những vấn đề nhức nhối khác của xã hội.
Sách Cam Không Phải Loại Quả Duy Nhất
Sách Thăm Lại Brideshead
Sách Điều Thuộc Về Em
Sách Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian
Chẳng hạn ở Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, nhân vật Chó con của Ocean Vương không chỉ “vật lộn” với việc tìm ra con người thật sự của mình, mà còn là phải đối mặt với sự phân biệt về mặt chủng tộc, giai cấp… ở một mảnh đất xa lạ. Trong khi tác phẩm kinh điển của Alice Walker lại gắn yếu tố lục sắc với làn sóng nữ quyền thứ 2, nơi những người phụ nữ phải đấu tranh để sống đúng với bản năng và con người mình… Có thể thấy ở giai đoạn này, việc xây dựng các nhân vật LGBTQ+ không chỉ đơn thuần đòi sự bình đẳng, mà còn động chạm đến những “vết thương” còn đang rỉ máu của một xã hội chia rẽ, bị đàn áp bởi quyền lực, nạn phân biệt đối xử và những tư tưởng cực đoan.
Với sự bùng nổ của thế hệ gen Z năng động và sự lớn mạnh của TikTok, hiện tại, các tiểu thuyết YA ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Tại thời điểm này, yếu tố LGBTQ+ không còn gắn chặt với đấu tranh, vận động xã hội mà thay vào đó, sự lãng mạn và những vấn đề đời thường lại được gen Z quan tâm hơn cả. Trong những tác phẩm được bàn luận sôi nổi và trở thành hiện tượng xuất bản của các tác giả như T.J.Klune (Ngôi nhà bên bờ biển xanh thẳm, Dưới cánh cửa thầm thì), Adam Silvera (Thời khắc còn lại, Chúng ta của hiện tại, Lạc mất)… có thể thấy đề tài về đời sống văn phòng, về chủ nghĩa hiện sinh của giới trẻ… đang chiếm một số lượng lớn, hứa hẹn mở ra một xu hướng mới trong lĩnh vực văn học.
Sách Ngôi Nhà Bên Bờ Biển Xanh Thẳm
Sách Dưới Cánh Cửa Thầm Thì
Sách Chúng Ta Của Hiện Tại
Văn chương LGBTQ+ hiện nay đã có những bước phát triển vượt bậc qua một quá trình đầy thử thách, từ giai đoạn bị bài xích, hoài nghi cho đến khi được đông đảo độc giả đón nhận và tạo được tiếng vang. Sự xuất hiện liên tục của các tác phẩm khai thác những góc nhìn khác biệt về cộng đồng LGBTQ+ cho thấy một xã hội ngày càng cởi mở, tôn trọng sự đa dạng ở mỗi cá nhân. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ để nâng cao nhận thức xã hội của những cây bút uy tín, mở ra cuộc sống bình đẳng và tốt đẹp mà bất cứ ai cũng xứng đáng có được.