Nhiều bậc phụ huynh đã thử phương pháp bỏ đói trẻ để xử lý vấn đề trẻ biếng ăn. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ chúng. Cùng Bách hoá XANH tìm hiểu ngay!
Khi trẻ bị biếng ăn, nhiều ba mẹ đã áp dụng phương pháp bỏ đói trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách làm này không mấy hiệu quả và trẻ có thể không đòi ăn dù có bị bỏ đói cả ngày. Tại sao như vậy? Cùng Bách hoá XANH đi tìm lời giải đáp qua bài viết sau đây theo tham vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh – Bác sĩ Nhi khoa – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hiểu lầm và thực hành sai phương pháp bỏ đói trẻ
Nguyên nhân của việc ba mẹ đã áp dụng phương pháp bỏ đói trẻ nhưng không mang lại hiệu quả là ba mẹ đã hiểu lầm nên áp dụng sai. Những hiểu lầm phổ biến là:
- Để con hoạt động hết năng lượng và không cung cấp đồ ăn: Trẻ em sẽ không biết hoặc chưa biết diễn đạt cơn đói của mình thế nào cho ba mẹ hiểu cả. Ngoài ra, tuổi này, các bé sẽ quên cơn đói rất nhanh do bị chi phối bởi máy tính bảng, TV hay điện thoại,… nên sẽ không đòi ăn. Tuy vậy, tình trạng mất năng lượng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trường và phát triển của trẻ.
- Bỏ qua bữa chính của bé, thêm nhiều bữa phụ, tăng uống sữa: Lúc này, bé hoàn toàn không nhận ra dấu hiệu đói, thậm chí rất thích thú vì không còn bị ép ăn bữa chính nhàm chán, dẫn đến việc bé bỏ ăn, chỉ uống nước, uống sữa và ăn tạm lặt vặt. Bé phải được ăn đủ các loại thức ăn trong 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết để cơ thể và trí não phát triển khỏe mạnh.
Chữa trẻ biếng ăn đúng cách
Ba mẹ cần tìm hiểu kĩ các kiến thức về trẻ biếng ăn, từ đó xác định nguyên nhân con không chịu ăn. Những nguyên nhân bẩm sinh, không rõ nguyên nhân hoặc do bệnh lý thì cần đến bác sĩ để được tư vấn trực tiếp chứ không nên tự ý áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
Để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn, chính ba mẹ, gia đình và những người trực tiếp chăm sóc trẻ phải thay đổi tư duy, quan niệm cũ. Mỗi bữa ăn không phải là một “cuộc chiến” hay chiêu thức “dụ dỗ”, mà phải trở thành niềm vui thích thực sự.
Các bậc phụ huynh cần sự kiên trì, tìm tòi và học hỏi để thay đổi thái độ của chính mình trước khi thiết lập thói quen bàn ăn cho trẻ. Con cần có ghế ngồi riêng khi ăn, thời gian ăn không kéo dài, tập trung xong bữa ăn, không vừa ăn vừa chơi… Đợi cho trẻ nhỏ biết đói là giai đoạn cuối cùng và chỉ hiệu quả sau khi đã thực hiện được những bước trên.
Lý do bố mẹ thất bại, thậm chí dẫn đến hậu quả đáng tiếc là do hiểu sai, không tường tận. Hầu hết đều thực hiện và tập trung ngay vào giai đoạn cuối là bỏ đói con nên tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài.
Tôn trọng sở thích ăn uống của trẻ
Một số ưu điểm của việc tôn trọng nhu cầu ăn uống của con và để con phát triển tự nhiên phải kể đến:
- Hỗ trợ bé ăn và phát triển kỹ năng theo cách tự nhiên, trẻ sẽ ăn theo bản năng khi thực sự sẵn sàng, đồng thời khám phá thức ăn theo nhịp độ của riêng mình
- Con học được cách tận hưởng thức ăn, cũng như khám phá những mùi vị khác nhau, qua đó nhận biết thức ăn và xây dựng thú vui ăn uống lâu dài
- Tạo được niềm vui khi ăn uống cho con khiến tâm lý của bé khi ăn cũng thoải mái hơn
- Bố mẹ chuẩn bị bữa ăn cho trẻ dễ dàng và đơn giản hơn, nhất là việc cho trẻ ăn trở nên nhẹ nhàng và thú vị.
Bỏ đói trẻ đúng cách
Theo chuyên gia ăn dặm, bố mẹ cũng cần để con đói đúng cách thì mới có tác dụng trong trị biếng ăn. Cụ thể như sau:
- Cắt hoàn toàn bữa phụ, chỉ cho bé ăn vào các bữa chính cách nhau khoảng 4 tiếng, mỗi bữa chỉ kéo dài 20 – 30 phút, sau đó thu dọn thức ăn, không dây dưa thêm.
- Nếu bữa chính con vẫn không chịu ăn thì cho 3 cơ hội (hỏi con có chịu ăn nghiêm túc không 3 lần), nếu bé không hợp tác thì dọn (nhưng không cắt hết các bữa ăn của con).
- Nếu trong ngày trẻ bỏ ăn chỉ uống nước thì khi quan sát thấy dấu hiệu đói lả, bố mẹ cần bổ sung sữa hoặc đồ ăn cho con. Mỗi bữa phụ chỉ nên diễn ra trong vòng 10 – 20 phút, ngày 2 lần.
- Đến ngày thứ 2 tiếp tục áp dụng các bước giống như ngày đầu. Thông thường con sẽ bắt đầu ăn một ít trong bữa chính. Bố mẹ không cần lo lắng vì trẻ ăn ít mà không đói, vẫn liên tục theo dõi sức khỏe con
- Ngày thứ 3 tiếp tục áp dụng phương pháp này. Thông thường con đã tiêu hao hết năng lượng dự trữ nên sẽ ăn nhiều dần lên qua từng bữa. Lúc này bố mẹ có thể bắt đầu bổ sung một ít sữa và bữa phụ cho con, tăng dần cho đến khi trở lại bình thường. Trẻ trên 1 tuổi chỉ nên uống tối đa 500 – 700ml sữa/ ngày, tương đương 150 – 200ml/lần uống (tính cả những sản phẩm từ sữa), 3 lần/ ngày, không cho khi con đòi thêm.
Phương pháp trên áp dụng quy luật tự nhiên là đói sẽ ăn, song cũng đảm bảo khoa học và quan sát con thật cẩn thận. Không ít bậc phụ huynh luôn mang tâm lý sợ con đói, nên dự trữ sẵn bánh ngọt, sữa, trái cây… để cho con ăn trong bữa phụ. Kết quả lượng thức ăn nạp vào của bữa phụ chưa tiêu hoá hết, làm cho bé mất cảm giác thèm ăn vào bữa chính. Nếu tiếp tục thói quen xấu này, dù có áp dụng bất kỳ phương pháp nào, vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng và trẻ biếng ăn cũng sẽ không được giải quyết triệt để.
Mỗi năm trẻ tăng được khoảng 2 kg là đủ tiêu chuẩn. Nếu con ăn được nhiều, mập lên, đòi ăn và thèm ăn thì cũng có thể là dấu hiệu thừa cân và béo phì, không phải là điều hay.
Trên đây là những thông tin liên quan đến phương pháp bỏ đói trẻ khi trẻ biếng ăn mà Bách hoá XANH đã tổng hợp được. Bất cứ phương pháp nào áp dụng bạn cũng nên thực hiện một cách triệt để, tuân thủ đúng nguyên tắc thì mới đạt hiệu quả. Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc gì, hãy nhờ ngay sự tư vấn từ bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng bạn nhé!
Nguồn: Vinmec
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn