Nổi tiếng với “Nhà giả kim” và nhiều cuốn sách khác, Paulo Coelho luôn tìm cách thức tỉnh tâm tính con người bằng những điều đơn giản và giản dị nhất qua mỗi trang viết. Trong lượng tác phẩm đồ sộ, “Hippie – Những kẻ lãng du” có thể nói là tác phẩm mang tính tự truyện nhiều nhất của ông.
Lấy bối cảnh những năm 1970, cuốn sách dựa trên trải nghiệm có thật của chính tác giả vào năm 23 tuổi khi hòa nhập vào cuộc sống của những người hippie, với mong muốn mở rộng thế giới quan và tìm đến những điều mới mẻ. Sau một mối tình thất bại, tại Amsterdam, chàng thanh niên Paulo đã gặp được một người phụ nữ có chung chí hướng tên là Karla. Cả hai lên chiếc “Xe Buýt Diệu Kỳ” băng qua dãy Alps và nhiều quốc gia để đến điểm cuối là Kathmandu (Nepal). Trên hành trình đó, rất nhiều nhân vật dần dần biến chuyển và nhận ra ơn gọi của mình.
Đi để trở về
Xê dịch không còn là điều xa lạ trong các tác phẩm của nhà văn người Brazil với những chuyến hành hương hay hành trình tìm về nguồn sống. Nếu cậu bé chăn cừu Santiago trong Nhà giả kim phải đi một vòng để biết kho báu vốn dĩ kề cận bên mình, Brida trong Ma thuật yêu phải kinh qua biết bao thử thách mới nhận ra “người duyên” sát ngay cạnh mình, thì Hippie – Những kẻ lãng du lại hiện thực và sống động hơn với chuyến đi để mỗi người thoát ra khỏi rắc rối của chính mình.
Đó là Karla, người tự nhận không có khả năng yêu và được yêu, dẫu cho rất giỏi thao túng người khác rằng mình yêu họ. Đó là Jacques, người đàn ông trung niên từng đứng đầu bộ phận marketing cho một thương hiệu mỹ phẩm xuyên quốc gia trước khi nhận ra tiền tài, danh vọng không là tất cả. Đó là Rayan, Michael – những con người đã phải trải qua nhiều điều để biết cuộc đời chỉ thật đáng sống khi họ được đi và được học hỏi.
Những con người này mang trong mình dòng máu “hippie” nhưng không thể hiện qua vẻ bề ngoài mà ẩn giấu bên trong mong muốn khơi mở bản thân. Họ xuất thân và đến từ những nền văn hóa khác nhau nhưng có điểm chung là tự do và dám trải nghiệm những thứ mà hầu hết mọi người không đủ dũng cảm theo đuổi. Khi đã kinh qua rất nhiều va đập trên chuyến hành trình, họ dần tìm thấy chân lý riêng để đối mặt với vấn đề của mình, học cách biến mỗi hành động thành một cử chỉ biết ơn cuộc đời.
Thông điệp vượt thời gian Không mang màu sắc ngụ ngôn như Nhà giả kim hay huyền ảo như Ma thuật yêu, Hippie – Những kẻ lãng du cho thấy lối tiếp cận với đa dạng độc giả của Paulo Coelho. Điều này cũng được hậu thuẫn bằng giọng văn chậm rãi, trôi chảy và mượt mà. Chính cách chọn lựa kể lại trải nghiệm của mình đã khiến cuốn sách trở nên sáng rõ, thực tế và bớt đi tính huyễn hoặc, tâm linh, vốn không phải điều mà độc giả nào cũng hiểu hay từng trải nghiệm. Tuy câu chuyện diễn ra hơn nửa thế kỷ trước, thế nhưng, giá trị và sức ảnh hưởng của các vấn đề vẫn còn vẹn nguyên. Những gì mà thế hệ của một Paulo Coelho 23 tuổi trải qua cũng không khác gì vấn đề của thế giới ngày nay. Đó là bạo lực ngày một gia tăng, là chủ nghĩa tiêu dùng quá mức, là định kiến độc hại hay sự mất cân bằng giữa đời sống cá nhân và hoạt động xã hội…
Thông qua cuốn sách, ta học thêm bài học sẻ chia, bởi điều quan trọng là bản thân không bị cuốn theo những suy nghĩ ích kỷ, như tác giả đã viết: “Chúng ta không thể lấy đi những ngọn đèn soi đường và mang chúng theo mình”. Nhưng việc mở lòng không đồng nghĩa với sự phụ thuộc, đó cũng là thông điệp tin vào chính mình, vì “những ai tin tưởng vào bản thân thì sẽ tin tưởng người khác. Bởi họ biết, khi họ bị phản bội, đó là một phần của cuộc sống. Mọi thứ vẫn có thể bắt đầu lại. Cái vui ở đời đích thị là: chấp nhận rủi ro”.
Từ những trải nghiệm của riêng mình, Paulo Coelho dẫu thừa nhận sự bé nhỏ nơi mỗi cá nhân nhưng vẫn ca ngợi hành trình không ngừng học hỏi để sống vị tha và chan hòa hơn. Bởi cuộc sống luôn có rủi ro, việc phải làm chính là chấp nhận và vượt qua nó. Đây đích thị là một tác phẩm ấn tượng và cổ vũ cho những khởi đầu mới.
Hippie – Những kẻ lãng du
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Hình ảnh: Tư liệu