Tùy theo nhu cầu sử dụng và loại loa âm thanh hiện có ở nhà mà bạn chọn cách kết nối thiết bị này với amply sao cho phù hợp. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách đấu loa song song và nối tiếp đơn giản đảm bảo đúng kỹ thuật, cùng theo dõi nhé!
1Khi nào ta nên đấu loa song song hay nối tiếp?
Trường hợp đấu loa song song
Đấu loa song song là kiểu kết nối dây loa đơn giản và phổ biến nhất. Theo đó, các loa được cắm riêng vào bộ khuyếch đại âm thanh (amply, cục đẩy) trong các cổng tương ứng. Do đó, bạn nên chọn cách đấu loa song song khi muốn làm giảm trở kháng của loa, hoặc khi sử dụng hệ thống loa nhỏ và ít.
Trường hợp đấu loa nối tiếp
Cách đấu loa nối tiếp được thực hiện khi bạn muốn kết nối nhiều loa với một amply, hoặc khi muốn dùng chung nguồn nhạc mà không cần phân vùng âm thanh.
2Đấu loa song song
Ưu điểm và nhược điểm của đấu loa song song
Ưu điểm:
- Hệ thống loa sẽ hoạt động ngay cả khi có một loa gặp trục trặc.
- Phương pháp này còn giúp đảm bảo nguồn điện vào các loa trong hệ thống ổn định như nhau và chất lượng bộ dàn âm thanh được phân vùng tối ưu.
Nhược điểm:
- Phương pháp này khá tốn kém khi bạn phải chuẩn bị nhiều dây loa. Nếu dùng hệ thống âm thanh lớn, việc đấu nhiều loa sẽ rất mất công và tốn thời gian.
- Hơn nữa, cách này cũng khiến hệ thống loa nhanh nóng do trở kháng giảm xuống thấp, thậm chí dễ bị hư hỏng.
Nguyên lý của việc đấu loa song song
Theo nguyên lý đấu dây loa song song thì các cực cùng dấu sẽ được nối với nhau. Theo đó, cực âm (-) của các loa sẽ được kết nối với nhau, cực dương (+) cũng được nối với nhau.
Công thức tính tổng trở của hệ thống đấu loa song song như sau:
1/R = 1/R2 + 1/R2 + … + 1/Rn
Xem thêm: Trở kháng của loa là gì? Ảnh hưởng trở kháng đến chất lượng amply, loa
Các bước đấu loa song song
Bước 1:Chuẩn bị dây loa.
Khi chọn dây loa, bạn lưu ý chọn loại tốt, bền, có tiết diện phù hợp với loại loa âm thanh đang sử dụng. Bởi vì loa karaoke, loa bluetooth hay loa âm trần,… đều sẽ dùng dây kết nối khác nhau để đảm bảo hiệu suất ổn định.
Bước 2:Tách lớp vỏ bằng nhựa bên ngoài ở 2 đầu của dây loa.
Khi thực hiện bước này, bạn nên dùng dao nhọn hoặc dụng cụ chuyên dụng để làm. Lưu ý tách lớp vỏ nhựa ở 2 đầu dây loa sao cho phần lõi đồng bên trong lộ ra ngoài chừng vài cm.
Bước 3:Đấu loa song song với nhau.
Đấu cực dương của những dây loa đã chuẩn bị ở bước trên với cực dương của thiết bị khuếch đại âm thanh (amply, cục đẩy).
Tiếp đến, nối cực dương của loa thứ nhất và cực dương của loa thứ hai và lặp lại tương tự với cực âm, lần lượt làm như vậy đến hết.
3Đấu loa nối tiếp
Ưu điểm và nhược điểm của cách đấu loa nối tiếp
Ưu điểm:
- Cách đấu dây loa nối tiếp giúp giảm tình trạng loa trở nên quá nóng nhanh chóng.
- Hơn nữa, bạn cũng dễ dàng kết nối loa với các thiết bị khuếch đại âm thanh như amply, cục đẩy. Âm thanh của hệ thống loa mượt mà.
- Phương pháp lắp đặt này cũng giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí mua dây, công sức làm.
Nhược điểm:
- Hệ thống loa sẽ có công suất và âm lượng thấp hơn.
- Một bên loa bị hỏng sẽ khiến tất cả các loa ngừng hoạt động. Đặc biệt, nếu đấu số lượng lớn loa lại với nhau thì có thể làm ảnh hưởng đến âm thanh của toàn bộ hệ thống, nhất là những loa ở phía cuối.
- Nếu bạn đặt các loa cách xa nhau, việc kết nối chúng lại với nhau cũng có thể gặp một số khó khăn.
Nguyên lý của việc đấu loa nối tiếp
Đấu dây nối tiếp nghĩa là điện áp đi qua mỗi loa. Cực âm của loa thứ nhất sẽ được kết nối với cực dương của loa thứ hai. Chu kỳ có thể tiếp tục với càng nhiều loa càng tốt. Trên loa cuối cùng, cực âm kết nối với amply.
Lúc này, trở kháng của loa tăng lên theo công thức:
R = R1 + R2 + R3 +…+Rn (với n là số thiết bị loa có trong hệ thống và R là tổng trở kháng của toàn bộ hệ thống loa).
Các bước đấu loa nối tiếp
Bước 1: Chuẩn bị dây loa.
Bước 2: Tách lớp vỏ bằng nhựa bên ngoài ở 2 đầu của dây loa.
Bước 3: Đấu loa nối tiếp với nhau.
Đấu cực âm của những dây loa đã chuẩn bị ở bước 1, 2 với cực âm của thiết bị khuếch đại âm thanh (amply, cục đẩy). Tiếp đến, nối cực dương của loa thứ nhất và cực âm của loa thứ hai, lần lượt làm như vậy đến hết.
Cuối cùng, đấu cực dương của loa cuối với cực dương của thiết bị khuếch đại âm thanh.
4Kinh nghiệm khi thực hiện đấu loa song song và nối tiếp
- Khi bạn đấu 2 loa có điện trở 40 Ohm thì tổng điện trở của hệ thống sẽ thành 80 Ohm theo nguyên lý nhưng công thức này không phải lúc nào cũng áp dụng được. Với số lượng loa lớn, việc đấu loa nối tiếp có thể khó khăn hơn.
- Đấu loa song song giúp bạn kết nối được nhiều loa hơn, nhưng tổng công suất của hệ thống loa phải nhỏ hơn hoặc bằng công suất của thiết bị khuếch đại âm thanh, đồng thời, trở kháng của loa cũng không quá nhỏ để tránh làm hỏng cả hệ thống.
- Cách tốt nhất để khắc phục nhược điểm của phương pháp đấu loa song song và nối tiếp là kết hợp chúng với nhau, nhưng cách này khá phức tạp.
5Một số lưu ý khi tiến hành đấu loa song song và nối tiếp
- Trước hết, cần tìm hiểu kỹ về nguyên lý và các bước đấu loa nối tiếp và song song.
- Xác định đúng trường hợp nào thì phù hợp với phương pháp đấu loa song song và nối tiếp, tránh tình trạng làm hỏng loa hoặc amply.
- Áp dụng đúng công thức để tính toán kỹ càng trở kháng, công suất của loa theo từng phương pháp đấu loa nối tiếp hoặc song song trước khi thực hiện.
- Đảm bảo chuẩn bị dây loa chất lượng tốt và bền trước khi tiến hành đấu loa.
- Nếu không rõ nguyên lý đấu loa nối tiếp và song song, bạn nên nhờ nhân viên kỹ thuật thực hiện.
- Cách nối dây loa bị đứt đơn giản, hiệu quả tại nhà và những lưu ý khi nối
- Amply nào nghe nhạc hay? Tư vấn mua amply tốt nhất
- Nên mua amply nào để hát karaoke? 8 hãng amply nổi tiếng nhất hiện nay
Bài viết trên đây đã chia sẻ hướng dẫn đấu loa song song và nối tiếp đảm bảo đúng kỹ thuật mà bạn có thể thực hiện tại nhà. Chúc bạn áp dụng thành công!