Đền Cẩu Nhi là chốn tâm linh ít người biết tại Hà Nội. Vậy ngôi đền này có từ khi nào? Hãy cùng Bách hoá XANH khám phá chi tiết về lịch sử của đền thờ Cẩu Nhi nhé!
Nếu có ai từng tham quan hồ Trúc Bạch, chắc hẳn sẽ nhìn thấy một ngôi đền nhỏ nằm trầm mặc giữa những tán cây xanh um tùm. Nơi đây không chỉ là chốn liêng thiêng mà còn ẩn chứa những câu chuyện lịch sử giá trị từ bao đời. Trước khi bùng phát dịch covid-19, đền Cẩu Nhi đã thu hút hơn 300 du khách ghé đến mỗi ngày. Hầu hết, mọi người đều tò mò và thích tìm hiểu văn hoá tâm linh thờ Thần Chó của người Việt xưa.
Sự tích đền Cẩu Nhi
Đền Cẩu Nhi còn được biết đến với tên gọi khác là đền Thủy Trung Tiên. Ngôi đền này gắn liền với truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (974 – 1028) lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đẻ ra con sắc trắng có đốm đen ghép lại thành hai chữ “Thiên tử”.
Điều này có nghĩa là điềm báo cho người sinh vào năm Tuất sẽ làm thiên tử. Quả thật vua Lý Công Uẩn tuổi tuất nên cũng ứng với việc ông lên ngôi. Từ đó, vua cho dựng miếu thờ, sau đó chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.
Trước đó, ngôi đền này đã phải trải qua nhiều thăng trầm khi còn là phế tích. Vào năm 1980, đền bị dỡ bỏ để làm sân chơi, nhà kho cho hợp tác xã. Sau một khoảng thời gian, đền Cẩu Nhi tiếp tục được dựng thành các quán giải khát hoặc nơi cho các đôi cưới tập thể vào cuối tuần.
Tuy nhiên, trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ Cẩu Nhi và đền thờ này do ai lập nên. Dù có nhiều tranh cãi từ các chuyên gia sử học, nhưng cuối cùng dự án khôi phục đền Cẩu Nhi cũng được phê duyệt. Sau 2 năm phục dựng, ngôi đền đã chính thức khánh thành vào ngày 20/08/2017 với tên là đền Thủy Trung Tiên.
Ngày nay, đền Thủy Trung Tiên vẫn nằm trên Hồ Trúc Bạch thuộc làng Ngũ Xá cũ. Dù không còn cái tên Cẩu Nhi “chính danh”, nhưng ngôi đền vẫn lưu giữ văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt.
Lối kiến trúc độc đáo của đền Cẩu Nhi
Kể từ khi được đầu tư phục dựng, đền Cẩu Nhi đã trở nên khang trang và mới mẻ hơn. Vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đền từ chi tiết đến tổng thể đều sở hữu nét đặc trưng rất riêng biệt. Ngôi đền nằm thơ mộng tại một đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, xung quanh có nhiều tán cây cổ thụ xanh mướt và trong lành.
Ngay từ khi đặt chân đến đền Cẩu Nhi, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh đôi chó đá ngay trên đầu cầu bắc qua Hồ Trúc Bạch. Cây cầu này được chạm nổi rồng phượng hình vòng cung, dài 18m gồm 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m. Từ đường Thanh Niên, bạn đi qua cây cầu đá này là đến cổng Tam Quan được làm bằng gỗ vững chắc và phía trên lợp bằng ngói vảy cá. Điểm ấn tượng nhất chính là có nhiều tượng trong ngôi đền. Đặc biệt, toàn bộ tượng, chông, chân nến đều được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch.
Ngoài ra, một dấu ấn lịch sử còn sót lại chính là tấm bia đá xung quanh chạm nổi hình cánh sen và khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi”. Nội dung văn bia soạn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và Tây Hồ chí. Ở cuối bia có dòng chữ cho biết công trình do Trung tâm Bảo quản – Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin xây dựng, hoàn thành ngày 04/06/1988. Hiện nay, tấm bia được quấn bằng lớp vải đỏ, bao bọc xung quanh càng khiến cho câu chuyện về Cẩu Mẫu – Cẩu Nhi trở nên ly kỳ và huyền bí.
Nên tham quan đền Cẩu Nhi vào thời gian nào?
Đền Cẩu Nhi thuộc quần thể di tích đền Quán Thánh, nằm gần đối diện chùa Trấn Quốc. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, chó như một linh vật với ý nghĩa sẽ mang lại may mắn. Do đó, ngôi đền thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và cầu phúc lành vào những ngày Rằm, mùng Một, lễ Tết,…
Địa điểm tham quan đền Cẩu Nhi: Hồ Trúc Bạch, P. Yên Hoa, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội
Những lưu ý khi tham quan đền Cẩu Nhi
Khi đến tham quan đền Cẩu Nhi, du khách nên đọc kỹ bảng hướng dẫn và tránh gây ồn ào ở chốn liêng thiêng. Đặc biệt, bạn cần lưu ý lựa chọn trang phục lịch sự, nhã nhặn phù hợp ở nơi có không khí trang nghiêm như chùa, miếu thờ,… Vào những dịp lễ Tết, khu vực đền thờ khá đông nên bạn hãy chú ý tự bảo quản hành lý tư trang, tránh mất mát những ngày đầu năm mới nhé.
Trên đây là những thông tin thú vị về đền thờ Cẩu Nhi mà Bách hoá XANH muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bạn sẽ có chuyến tham quan ý nghĩa khi du lịch đến địa danh này. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn