Mỗi dịp năm mới, nhiều trẻ nhỏ luôn háo hức để nhận lì xì từ người lớn. Tuy nhiên, người lớn lại mang tâm lý sợ bị cười, ngượng ngùng khi lì xì mà đứa trẻ lại chê ít. Vậy trong trường hợp như vậy, chúng ta phải ứng xử như thế nào?
Ý nghĩa bao lì xì là một phong tục rất có ý nghĩa đối với chúng ta mỗi khi tết đến xuân về. Mọi người duy trì phong tục này như để trao nhau cái lộc đầu năm, kèm những lời chúc tốt đẹp cho một năm mới thịnh vượng, như là sự khởi đầu cho mọi điều tốt đẹp.
Mỗi năm một lần, những đứa trẻ được nhận lì xì trong dịp tết. Nhưng dần dần thái độ nhận lì xì của con trẻ cũng là một vấn đề cần bàn. Chúng có những hành động, thái độ khiến cho cả khách lẫn cha mẹ đều rơi vào tình trạng lúng túng, ngượng ngùng.
Nhiều bé khi nhận được lì xì không nói được một câu cảm ơn, thậm chí còn bóc ra xem ngay và bĩu môi, chê khách ki bo. Vậy, khi gặp phải hoàn cảnh như thế, bạn phải ứng xử như thế nào, hãy cùng truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn tìm hiểu nhé!
Nhiều người vẫn chưa nhận ra được, nguyên nhân từ đâu mà trẻ nhỏ hiện nay lại có cách cư xử như vậy khi nhận lì xì. Trong khi người lớn chê trách con trẻ ứng xử với lì xì thì ít ai để ý chính họ góp phần không nhỏ tạo ra tâm lý này.
Khi con nhận lì xì từ mọi người, không ít phụ huynh cũng chê bai, phán xét, cân đo… giá trị tiền của người khác mừng cho con mình. Họ đánh giá tấm lòng, tình cảm của người khác qua bao lì xì của con, làm mất đi ý nghĩa vốn có của lì xì. Điều đó khiến trẻ hiểu rằng khi lì xì là phải nhiều chứ không hề quan tâm để tấm lòng của khách.
Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn dạy trẻ ứng xử với phong bao lì xì như thế nào thì chúng sẽ theo như thế ấy. Nên các bậc cha mẹ, đừng nói như vậy trước mặt trẻ con, sẽ làm chúng bị ảnh hưởng và suy nghĩ sai lệch đi từ chuyện tiền mừng tuổi.
Cha mẹ cần làm gì trước hành động của trẻ nhỏ
Người lớn không nên quá lo lắng con trẻ ứng xử thế nào với tiền lì xì mà trước hết chính mình phải ứng xử như thế nào. Khi gặp tình huống con trẻ thể hiện thái độ không tốt như vậy, cha mẹ cần nói ngay với trẻ dừng ngay hành động đó, giải thích cho trẻ hiểu được chúng sai ở đâu và nói cho chúng hiểu được tấm lòng của người lì xì.
Bên cạnh đó khi về nhà, cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ những vấn đề liên quan đến lì xì để chúng có cách cư xử tốt mỗi dịp tết đến.
Tham khảo thêm: Nên lì xì bao nhiêu tiền là may mắn để chuẩn bị lì xì cho người thân, tin chắc rằng người thân, bạn bè
Dạy cho trẻ biết ý nghĩa của việc lì xì
Chúng ta cần dạy con cháu thế nào về tục lệ nhận lì xì và ý nghĩa tốt đẹp của việc lì xì, không được tham tiền. Đây chính là hành động răn dạy con trẻ sau này biết coi trọng tình cảm gia đình hơn đồng tiền, không thể lấy đồng tiền ra làm thước đo tình cảm. Hãy dạy con trẻ biết trân trọng phong bao lì xì như là một món quà ý nghĩa, một sự may mắn mà người khác mang đến cho mình.
Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận. Đừng để trẻ sớm biết toan tính, chọn đi thăm nhà nào có nhiều tiền lì xì hơn, đừng để trẻ so sánh và nhất là đừng để trẻ nghĩ rằng tết là mùa “bội thu”.
Dạy trẻ cách chào hỏi
Các bậc cha mẹ cũng cần dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc tết. Dạy chúng cách chào hỏi sao cho lễ phép hay tốt hơn có thể dạy chúng chúc tết lại những người khách bằng những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.
Ví dụ như Cháu chúc ông/ bà/cô/chú/anh/chị năm mới mạnh khỏe và may mắn. Với các câu chúc này, trẻ sẽ đem niềm vui đến cho tất cả mọi nhà.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Những câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng.
Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách
Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn các bao lì xì được mừng sẽ không mở ngay và chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Cuối ngày hoặc vài ba hôm, mấy mẹ con cùng ngồi mở bao lì xì.
Điều đó làm cho bạn và trẻ đều không biết người này mừng bao nhiêu, người kia mừng bao nhiêu và cũng thể hiện sự tôn trọng người mừng hơn.
Dạy con sử dụng những đồng tiền lì xì hợp lý sau tết
Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể.
Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó.
Khách cần làm gì trước hành động của trẻ nhỏ
Nhiều người lớn mang tâm lý sợ bị cười, bị chê nếu bỏ lì xì ít nên không ít người phải “ráng”, dẫn đến thâm hụt tài chính vì lì xì, biến đồng tiền lộc thành áp lực không đáng có. Điều này, chính họ đã tạo gánh nặng cho chính mình và qua đó còn góp phần làm “hư” trẻ.
Hãy giữ vững lập trường
Dù có nghe nhiều lời ra tiếng vào về tiền mừng tuổi cho trẻ nhưng bạn vẫn nên giữ vững lập trường, không để đánh giá của người khác chi phối, làm mình phải nặng nề chuyện tiền lì xì này nọ.
Tự nhắc nhở mình tiền lì xì là tiền lộc, điều đó không phải cho thấy bạn là người ki bo, mà là bạn đang tự giúp bản thân mình và tập thói quen tốt cho trẻ. Với trường hợp người thân, bạn bè cần giúp đỡ, hỗ trợ thì bạn nên đưa trực tiếp cho họ, không nên thông qua tiền lì xì của con trẻ.
Lì xì bằng quà thay vì tiền
Bạn có thể không mừng lì xì bằng tiền cho trẻ nhỏ mà chuyển qua lì xì bằng những món quà phù hợp với sở thích của trẻ như cuốn sách, bánh kẹo, hộp bút chì màu, bộ xếp hình hay những bộ đầm xinh xắn cho bé gái và đồ chơi siêu nhân cho bé trai.
Việc lì xì bằng hiện vật phần nào giúp bạn thoải mái hơn vì những món quà có giá tiền khác nhau, nhưng đám trẻ chẳng hề quan tâm. Chúng chỉ biết món quà đó rất phù hợp với sở thích và vui vẻ đi khoe khắp nơi. Hình ảnh ấy làm cho bọn trẻ đáng yêu hơn là xé toạc phong bao trước mặt người lì xì rồi “thái độ” bày tỏ hết sức rõ ràng.
>> Có nên tặng quà thay vì lì xì?
Qua bài viết, truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn hy vọng bạn sẽ có được nhiều kinh nghiệm trong việc dạy trẻ và ứng xử khi trẻ có những thái độ không tốt khi nhận lì xì.
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH