“Mưa Trên Canh Bướm” và dấu ấn của điện ảnh Việt trên toàn cầu

“Mưa Trên Canh Bướm” và dấu ấn của điện ảnh Việt trên toàn cầu
Bạn đang xem: “Mưa Trên Canh Bướm” và dấu ấn của điện ảnh Việt trên toàn cầu tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Ngày 6/9 vừa qua, Mưa trên cánh bướm đã được vinh danh với hai giải thưởng danh giá thuộc hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế tại LHP Venice lần thứ 81: giải Circolo del Cinema Verona (Phim sáng tạo nhất) dựa trên sự bình chọn bởi các nhà phê bình quốc tế dưới 35 tuổi và giải thưởng IWONDERFULL Grand Prize (Phim hay nhất). Thành tích của Mưa trên cánh bướm cộng hưởng với niềm vui chưa xa của Culi không bao giờ khóc hay Bên trong vỏ kén vàng là minh chứng cho thấy điện ảnh Việt Nam đang để lại những dấu ấn đáng nhớ khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

phim mưa trên cánh bướm thắng giai tại LHP Venice

Mưa trên cánh bướm thắng hai giải thưởng tại LHP Venice.

Toàn cảnh điện ảnh Việt: những thay đổi và quả ngọt

Sau hai năm “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19 và một năm phục hồi chậm chạp với doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 16% so với mức kỳ vọng, điện ảnh Việt Nam lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Những bộ phim đạt doanh thu cao nhất lại thường gây tranh cãi về chất lượng, trong khi các tác phẩm được đầu tư công phu, giàu tính nghệ thuật lại phải đối mặt với thất bại thảm hại về mặt doanh số. 

Không chỉ Việt Nam, điện ảnh toàn cầu phải đối mặt với những khó khăn lớn trong đại dịch, với nhiều dự án bị hoãn hoặc hủy bỏ, các rạp chiếu phim đóng cửa và các lễ hội chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, khi Covid-19 lắng xuống vào năm 2022, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng sớm và ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà bắt đầu phục hồi mạnh mẽ hơn so với các đối thủ trong khu vực cũng như nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ Nhà nước, bằng chứng là sự ra đời của Luật Điện ảnh 2022. 

Luật mới này phản ánh cam kết của Nhà nước trong việc nuôi dưỡng và thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh như tạo ra một môi trường quản lý có cấu trúc, đầu tư nhiều hơn vào sản xuất phim, hợp lý hóa các quy trình và đưa ra các ưu đãi cho các nhà làm phim. Sau khi sản xuất giảm mạnh vào năm 2021, với chỉ 20 bộ phim được phát hành so với mức trung bình trước đại dịch là 40 – 50 phim mỗi năm, điện ảnh Việt đã hồi sinh vào năm 2022, sản xuất hơn 30 bộ phim. Các rạp chiếu phim một lần nữa chật kín và phim Việt bắt đầu tạo nên làn sóng trên toàn thế giới. 

Năm 2023, Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng cả trong và ngoài nước. Bên trong vỏ kén vàng đã giành giải thưởng danh giá Camera Vàng tại Cannes. Những đứa trẻ trong sương lọt top 15 danh sách rút gọn Phim tài liệu hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 và Tro tàn rực rỡ giành giải Montgolfière d’Or tại Liên hoan phim Ba châu lục ở Pháp. 

bên trong vỏ kén vàng phim điện ảnh việt

Thành công của Bên trong vỏ kén vàng là bước tiến của điện ảnh Việt.

Trong đó, sự trỗi dậy của nhiều diễn đàn phim đã xúc tiến cho câu chuyện thành công của nhiều đạo diễn trẻ tài năng. Từ Trần Thanh Huy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân đến Phạm Ngọc Lân đều lần lượt tạo sóng với những bộ phim độc lập đẫm chất Việt Nam.

Đối với Hà Lệ Diễm, hành trình làm phim tài liệu của cô bắt đầu từ trại sáng tạo Varan 2016, một bước ngoặt dẫn đến sự ra đời Những đứa trẻ trong sương. Nữ đạo diễn người Tày bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bùi Thạc Chuyên và trung tâm TPD vì đóng góp quan trọng của họ trong hành trình làm phim của cô. Bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương đã đi vào lịch sử khi trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu dài xuất sắc nhất tại Oscar 2023.

Tương tự, Dự án phim ngắn CJ, được ra mắt vào năm 2018, đã cung cấp nguồn tài trợ sản xuất thiết yếu cho Phạm Thiên Ân và Phạm Ngọc Lân, giúp cả hai hoàn thành các bộ phim ngắn quan trọng như Hãy tỉnh thức và sẵn sàng Một khu đất tốt. Những tác phẩm này không chỉ giành được nhiều giải thưởng mà còn mở đường cho các dự án tiếp theo như Bên trong vỏ kén vàng Culi không bao giờ khóc. Cả hai bộ phim đều giành được các giải thưởng danh giá tại Cannes 2023 và Berlin 2024.

cu li không bao giờ khóc

Dự án phim ngắn CJ xúc tiến thành công của Phạm Ngọc Lân và Culi không bao giờ khóc.

Song song, những nỗ lực tiên phong của các nhà làm phim kỳ cựu như Phan Đăng Di và Trần Thị Bích Ngọc, người sáng lập chương trình Gặp Gỡ Mùa Thu, đã tạo ra không gian cho các đạo diễn mới vào nghề tham gia tiếp cận điện ảnh ở cấp độ gần gũi hơn. Mặc dù đã kết thúc mùa cuối vào năm 2023, Gặp Gỡ Mùa Thu vẫn được chuyển nhượng cho một liên hoan phim chưa được tiết lộ trong nước, tiếp tục là cầu nối giữa các nhà làm phim trẻ và những huyền thoại như Trần Anh Hùng, ươm mầm một môi trường nơi sự sáng tạo được phát triển mạnh mẽ.

Có thể thấy, một làn sóng nhà làm phim mới đang nổi lên – trẻ trung, tài năng và sẵn sàng dấn thân. Những thành tựu của họ làm nổi bật tầm quan trọng của việc nỗ lực không ngừng và phối hợp theo thời gian. Điều này nhấn mạnh thành công của điện ảnh Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của sự hỗ trợ tận tụy và tinh thần hợp tác, chứ không bao giờ là một hành trình đơn lẻ, cá nhân. 


Xem thêm

• [Review phim] “Mặc Vũ Vân Gian” – Đóa hoa tàn rồi lại vươn cao trong màn mưa

• [Review phim] “Red Swan”: “Bình cũ, rượu mới” hay “đến hẹn lại lên” kể chuyện thượng lưu?

•[Review phim] “Emily in Paris 4”: Điểm giao giữa lãng mạn, phù phiếm và chuyện thường ngày


“Chìa khóa” nào để phim Việt tỏa sáng nơi biển lớn?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần vào thành công của phim Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế là sự tập trung vào cách kể chuyện chân thực và đặc thù văn hóa. Cộng thêm việc kết hợp các yếu tố truyền thống, chẳng hạn như văn hóa dân gian, âm nhạc và nghi lễ giúp tác phẩm của họ tạo được dấu ấn sâu sắc với khán giả lẫn ban giám khảo toàn cầu.

Chẳng hạn, Mưa trên cánh bướm (2024) mang đến cái nhìn sâu sắc về văn hóa Việt thông qua miêu tả phong tục, xung đột gia đình và tín ngưỡng siêu nhiên. Trước đó, Ròm cũng gây tiếng vang không kém tại LHP Busan khi khám phá cuộc sống mưu sinh bằng nghề môi giới số đề của cậu bé tên Ròm .

Sự kết hợp sáng tạo giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn giới thiệu nó đến với khán giả toàn cầu theo những phong cách mới mẻ và lôi cuốn. Đó là một Việt Nam đương đại phóng chiếu trên những góc khuất, bi kịch tồn đọng của thời đại nhưng cũng có thể là một Việt Nam hồn hậu, chân chất đang nỗ lực vươn mình.

Đó là tập tục bắt vợ của người H’Mông trong Những đứa trẻ trong sương, món gỏi cuốn bình dân trong Giấc Mơ Gỏi Cuốn, một đám cưới miền Tây trong Tro tàn rực rỡ, một lễ tang trên vùng cao nguyên trong Bên trong vỏ kén vàng… Hoặc chỉ đơn giản là một Việt Nam với những khung hình quen thuộc như bệnh viện đông đúc, quán nhậu vỉa hè, những đồi cà phê mù sương, những xe hàng bún, hàng bánh mì cùng những con người bình dị mưu sinh… Tất cả tạo nên một bầu khí quyển thấm nhuần văn hóa bản địa vừa đẹp đẽ vừa buồn bã nhưng cũng rất đỗi diệu kỳ.

phim điện ảnh mưa trên cánh bướm phong tục Việt Nam

Phim Việt kết hợp sáng tạo giữa các yếu tố truyền thống và đương đại.

Mặt khác, việc đan xen hiệu quả các yếu tố văn hóa địa phương vào các chủ đề phổ quát như gia đình, tình yêu, đấu tranh và sự phát triển cá nhân có thể giúp bộ phim thu hẹp khoảng cách văn hóa bản địa với toàn cầu, vừa tạo ra những câu chuyện gần gũi với cuộc sống người Việt vừa có thể kết nối với khán giả trên khắp thế giới. Sự kết nối và đồng cảm này đã góp phần không nhỏ vào thành công của Những đứa trẻ trong sương. 

Mặc dù tập trung vào câu chuyện của một cô gái Việt Nam ở vùng núi hẻo lánh với những tập tục xa lạ, bộ phim vẫn khám phá những trải nghiệm phổ quát của tuổi mới lớn, thu hẹp khoảng cách và tiếp cận khán giả ở đa nền ngôn ngữ, đa văn hóa. Bộ phim thậm chí nhận được sự tài trợ đặc biệt để trình chiếu tại các trường đại học của Pháp. 

những đứa trẻ trong sương

Đan xen hiệu quả các văn hóa địa phương vào các chủ đề phổ quát.

Thêm vào đó, sự sáng tạo trong cách kể chuyện và tầm nhìn nghệ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phim Việt Nam nổi bật tại các liên hoan phim quốc tế. Culi không bao giờ khóc (2024) của Phạm Ngọc Lân là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này. Bộ phim nổi bật với phong cách tường thuật phi truyền thống và khám phá các chủ đề liên quan đến bản sắc cá nhân, kỳ vọng của xã hội thông qua những thước phim đen trắng, những góc quay trầm mặc và chiêm nghiệm. Cách kể chuyện sáng tạo và những khung hình thẩm mỹ độc đáo của bộ phim đã giúp bộ phim này trở nên khác biệt so với các tác phẩm dự thi khác và góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.

Bài học từ các nhà làm phim Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran cho thấy rằng mặc dù điện ảnh là một sản phẩm, nhưng nó cũng là một hiện vật văn hóa. Việc nắm bắt tính hai mặt này có thể giúp điện ảnh Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế. Chìa khóa là phải phù hợp với các câu chuyện văn hóa và bản sắc dân tộc riêng biệt để tạo ra tác động có ý nghĩa. Nền văn hóa phong phú của Việt Nam – phong tục, lối sống, con người, các mối quan hệ… – tạo nên nền tảng vững chắc cho những câu chuyện độc đáo và mang hồn Việt được tỏa sáng.

Để phim Việt không mãi chỉ là “hứa hẹn”

Bất chấp những thành công này, điện ảnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ để có bước tiến đột phá. Trong bối cảnh đầy cạnh tranh hiện tại, phim thương mại có xu hướng thu hút nhiều khán giả hơn và tạo ra doanh thu khổng lồ, cả trong nước và quốc tế. Phim nghệ thuật thường nhắm đến các liên hoan phim và đối tượng khán giả hẹp hơn, hàn lâm hơn, do đó khó để tiếp cận với nguồn khán giả đa dạng và thất thu về doanh số là điều không thể tránh khỏi. 

Trong đó, Những đứa trẻ trong sương chỉ thu về hơn 2,3 tỷ VND hay Bên trong vỏ kén vàng gần chạm mốc 1,5 tỷ VND. Tro tàn rực rỡ nhỉnh hơn một chút với con số 4,1 tỷ VND nhưng nhìn chung không thể đòi hỏi phim nghệ thuật phải chiến thắng cả về mặt thương mại.

Tuy nhiên, thành công trên mặt trận điện ảnh của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran và Philippines ở Châu Á làm nổi bật tầm quan trọng của việc tạo “sự quen mặt” tại các liên hoan phim quốc tế lớn. Để Việt Nam tạo ra tác động đáng kể, cả phim thương mại và phim nghệ thuật đều cần được phát triển và giới thiệu trên trường quốc tế. Mở rộng thị trường phim thương mại và đảm bảo phim nghệ thuật được lựa chọn cho các liên hoan phim hàng đầu là những bước quan trọng. 

Do đó, có một nhu cầu cấp thiết về sự hỗ trợ toàn diện hơn, bao gồm tăng cường quảng bá tại các hội chợ phim, tinh giản chính sách hợp tác với nước ngoài và các quy định rõ ràng về Quỹ hỗ trợ điện ảnh được thành lập theo Luật Điện ảnh năm 2022. Những biện pháp này rất quan trọng để nuôi dưỡng tài năng và nâng tầm điện ảnh Việt Nam trên đấu trường thế giới.

mưa trên cánh bướm và những bộ phim nghệ thuật việt nam

Phim nghệ thuật chịu nhiều lép vế về mặt doanh thu.

Ngày nay, một thế hệ nhà làm phim Millennials mới đang bước vào ánh đèn sân khấu, mang đến những bất ngờ đáng chú ý trên sân khấu toàn cầu. Mỗi người đều có phong cách và cách tiếp cận riêng biệt, đã thu hút khán giả bằng những tác phẩm đặc biệt của họ.  

Thế hệ làm phim mới – Trần Thanh Huy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân và Dương Diệu Linh – là những người tiên phong trong làn sóng mới của điện ảnh Việt Nam, đưa những câu chuyện Việt Nam đương đại đến với khán giả toàn cầu. Cho dù làm việc độc lập hay trong các hãng phim nhà nước, sự cống hiến chung của họ cho việc kể chuyện đang truyền cho nền điện ảnh Việt Nam sức sống mới và hy vọng về một tương lai tươi sáng có thực, thay vì chỉ mãi là “sự hứa hẹn”.