Ngân hàng bị tòa gửi giấy triệu tập, phải bồi thường cho nạn nhân

Ngân hàng bị tòa gửi giấy triệu tập, phải bồi thường cho nạn nhân
Bạn đang xem: Ngân hàng bị tòa gửi giấy triệu tập, phải bồi thường cho nạn nhân tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Ngày 8/6/2013, ông chủ họ Đường ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã đăng ký làm thẻ ghi nợ (debit card) tại một ngân hàng trong thành phố. Người đàn ông này vốn điều hành một nhà máy và thường trả tiền cho khách hàng thông qua WeChat. Tính đến sáng ngày 18 tháng 11 năm 2015, số dư thẻ ghi nợ liên kết với WeChat của anh Đường là hơn 190.000 NDT (hơn 638 triệu đồng).

Vào lúc 18h40 ngày 18/11/2015, anh Đường bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo số tiền 190.000 NDT trong tài khoản đã được chuyển cho tài khoản khác. Thấy thẻ ngân hàng của mình vẫn đang ở trong ví còn điện thoại ở trên tay nên anh Đường rất hoang mang không hiểu tiền bị “rút” đi bằng cách nào.

Đầu tiên, anh đến máy ATM gần nhất rồi bảo vợ nhanh chóng gửi 100 NDT vào thẻ. Đồng thời, bản thân anh cũng nhanh chóng gọi điện đến ngân hàng để thông báo mất tiền. Bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng cho biết 190.000 NDT của anh đã được chuyển đi và chỉ còn lại 58 NDT (gần 200.000 đồng) trong thẻ.

Tài khoản bị “rút” mất hơn 600 triệu đồng, người đàn ông lập tức làm 3 việc rồi kiện ngân hàng ra tòa, thành công nhận được khoản bồi thường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Thấy vậy, anh Đường ngay lập tức đến đồn cảnh sát gần nhất để trình báo sự việc. Bằng các kỹ năng chuyên môn, ngay ngày hôm sau, phía cảnh sát Trung Quốc nhanh chóng phát hiện số tiền này đã được “quẹt” trên một thiết bị quẹt thẻ có yêu cầu nhập mật khẩu ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc.

Bên cạnh đó, sau khi đàm phán với ngân hàng để giải quyết vụ việc nhưng không thành công, anh Đường đã đệ đơn kiện ngân hàng ra tòa án nhân dân quận Trấn Hải, thành phố Ninh Ba và yêu cầu ngân hàng bồi thường khoản tiền 190.000 NDT đã mất. Nguyên nhân là vì anh Đường cho rằng ngân hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là mình.

Tại phiên tòa, anh Đường cho rằng anh đã gửi tiền vào ngân hàng và ngân hàng phải có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho khoản tiền gửi đó nhưng ngân hàng đã không thực hiện. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ nhân số tiền bị mất là anh Đường theo quy định của pháp luật.

Đại diện ngân hàng lại cho rằng anh Đường đã mở tài khoản và có thẻ ngân hàng. Việc đặt mật khẩu chỉ có anh Đường biết và phía ngân hàng đã thông báo cho anh các vấn đề liên quan để bảo vệ thẻ cũng như tài khoản của mình. Phía ngân hàng cũng chỉ ra rằng việc thẻ của anh Đường bị lộ mật khẩu có thể đến từ việc vị khách hàng này liên kết tài khoản ngân hàng của mình với một nền tảng giao dịch của bên thứ ba là WeChat.

Tài khoản bị “rút” mất hơn 600 triệu đồng, người đàn ông lập tức làm 3 việc rồi kiện ngân hàng ra tòa, thành công nhận được khoản bồi thường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sohu

Ngoài ra, việc này còn có thể do anh Đường để lộ mật khẩu thẻ cho người khác hoặc cài đặt mật khẩu quá đơn giản. Đồng thời, trong quy định về thẻ ngân hàng này có ghi “Tất cả các giao dịch xảy ra thông qua mật khẩu giao dịch đều được coi là của chủ thẻ”. Do đó, ngân hàng khẳng định không có lỗi trong vụ việc này nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Sau khi xem xét kỹ tình tiết của vụ án, Tòa án quận Trấn Hải kết luận rằng có người đã sử dụng thẻ ghi nợ giả để “rút tiền” của anh Đường, đồng thời liên hệ phía cảnh sát để nhanh chóng tìm ra danh tính kẻ xấu. Trong vụ việc này, Tòa bác bỏ lập luận từ phía ngân hàng vì không có bằng cứ thuyết phục.

Theo đó, ngân hàng cần đảm bảo thẻ ghi nợ của mình phát hành có thể sử dụng và là duy nhất. Đồng thời cần cải tiến công nghệ nhận dạng thẻ ghi nợ để ngăn chặn tình trạng thẻ ghi nợ thật và giả lẫn lộn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Trong trường hợp này, ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành thẻ đã không xác định được thẻ giả một cách hiệu quả, dẫn đến việc tài sản của khách hàng bị đánh cắp nên phải chịu trách nhiệm về những tổn thất của khách hàng vì đây là lỗi dịch vụ.

Ngoài ra, mặc dù quy định về thẻ ghi nợ của ngân hàng quy định rằng “Tất cả các giao dịch xảy ra thông qua mật khẩu giao dịch đều được coi là của chủ thẻ”. Tuy nhiên, điều khoản này được ngân hàng in sẵn để sử dụng nhiều lần và là điều khoản tiêu chuẩn theo luật hợp đồng nhằm miễn cho phía ngân hàng nghĩa vụ xác minh tính xác thực của giao dịch và trách nhiệm pháp lý tương ứng. Tất nhiên điều này không thể được coi là chứng cứ hợp lệ, vì vậy bị cáo không thể miễn trách nhiệm pháp lý dựa trên điều này.

Tài khoản bị “rút” mất hơn 600 triệu đồng, người đàn ông lập tức làm 3 việc rồi kiện ngân hàng ra tòa, thành công nhận được khoản bồi thường - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Sohu

Cuối cùng, phía bị đơn là ngân hàng cho rằng, nguyên đơn là anh Đường đã liên kết thẻ ghi nợ của mình với một nền tảng giao dịch của bên thứ ba, và đưa ra khả năng bên thứ ba đã làm rò rỉ mật khẩu của khách hàng, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng chứng minh. Hơn nữa, lập luận của ngân hàng khi cho rằng nguyên đơn có thể làm lộ mật khẩu hoặc đặt mật khẩu quá đơn giản cũng không được tòa án chấp nhận vì không có cơ sở. Kết quả, tòa ra phán quyết cuối cùng yêu cầu ngân hàng phải bồi thường cho anh Đường 190.000 NDT.

Sau sự việc này, Thẩm phán tòa án huyện Trấn Hải, thành phố Ninh Ba cũng khuyên người dân nếu gặp trường hợp tương tự thì phải làm ngay 3 việc.

Đầu tiên, chủ thẻ cần gọi ngay tới đường dây nóng dịch vụ khách hàng của ngân hàng để thông báo sự việc và tổn thất. Thứ hai, sau khi thông báo cho ngân hàng, chủ thẻ cần nhanh chóng gọi điện báo cảnh sát và cung cấp những thông tin cần thiết như số tiền bị mất, phương thức, thời gian, địa điểm, thông tin tài khoản trong giao dịch để có phương thức xử lý kịp thời.
Cuối cùng, nhanh chóng đến cây ATM gần đó để thao tác thẻ ngân hàng của mình. Mục đích của việc này là để chứng minh rằng vị trí của chủ thẻ và thẻ ngân hàng khác với vị trí giao dịch được thực hiện. Điều này chứng tỏ thẻ của bạn đã bị làm giả.

Cũng nhờ nhanh chóng thực hiện 3 bước trên mà nạn nhân là anh Đường trong vụ việc trên có những lợi thế nhất định trong phiên tòa và có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Mọi người nên học hỏi để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.

(Theo Sohu)

Nguồn: https://cafef.vn/tai-khoan-bi-rut-mat-hon-600-trieu-dong-nguoi-dan-ong-lap-tuc-lam-3-viec-roi-kien-ngan-hang-ra-toa-thanh-cong-nhan-duoc-khoan-boi-thuong-188231026154021225.chn