Văn hóa dân gian Việt Nam gắn liền với rất nhiều sự tích, trong đó không thể bỏ qua sự tích ông Công ông Táo về trời. Cứ đến khoảng 22 – 23 Tháng Chạp, là người người nhà nhà lại rục rịch mua những bộ đồ vàng mã, làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc của ngày lễ này nhé!
1. Ông Công ông Táo là ai?
Ông Công, ông Táo là những nhân vật từ lâu đã quen thuộc trong tâm thức của người Việt. Tên gọi Công, Táo của các ông là do nói tắt từ danh xưng Táo Quân, Táo Ông.
Theo Đạo giáo, Táo Quân có nguồn gốc từ ba ông thần là: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Còn trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ông Táo lại gồm hai ông và một bà. Câu ca “Thế gian một vợ một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà” chính là nhắc đến sự tích ông Táo.
Ảnh: Sưu tầm
Ông Công ông Táo thực chất không phải là “thần” từ đầu, mà là những người trần mắt thịt. Trải qua nhiều sự kiện mà sau đó Ngọc Hoàng đã phong cho thành thần. Nhiều nhân vật trong thần thoại được gọi tên theo “nghề nghiệp” của họ. Theo đó, Táo nghĩa là “cái bếp”. Táo Quân là “vua bếp” (quân: vua), Táo Công là “ông bếp” (công: ông).
2. Câu chuyện ông Công ông Táo
Sự tích ông Công ông Táo bắt đầu rằng: Vợ chồng Trọng Cao – Thị Nhị tuy cưới nhau đã lâu mà vẫn không có con nên sinh ra buồn phiền, cãi cọ. Một hôm, có nảy sinh ra tranh cãi, Trọng Cao đánh Thị Nhị và đuổi nàng đi.
Thị Nhi bỏ nhà, đi lang thang đến nơi khác và sau đó gặp Phạm Lang. Hai người phải lòng nhau rồi kết duyên vợ chồng. Còn Trọng Cao khi vợ bỏ đi thì thấy ân hận, bèn lên đường tìm kiếm vợ.
Đi đường vất vả nên Trọng Cao thường tá túc và phải xin ăn. Trong một lần đến nhà khá giá xin ăn, bà chủ mang cơm ra cho thì hóa ra đó chính là Thị Nhị. Nhận ra chồng cũ, Thị Nhị đón vào nhà, đang hàn huyên thì bất ngờ Phạm Lang đi về. Sợ mang tiếng gian, Thị Nhị bảo chồng cũ trốn vào đống rơm.
Ảnh: Sưu tầm
Trong lúc chờ Thị Nhị nấu cơm, Phạm Lang ra vườn đốt rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao vì không thể thoát ra (sợ mang tiếng oan cho vợ và cũng ân hận về việc làm của mình) nên cam lòng chịu chết. Thị Nhị chạy ra, thấy đống rơm đang cháy ngùn ngụt mà Trọng Cao không chịu thoát ra, hiểu lòng Trọng Cao, Thị Nhị cũng lao vào lửa. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.
Ngọc Hoàng chứng kiến toàn bộ sự việc, cảm động trước mối chân tình của 3 người và cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, nên Ngài đã cho phép họ được bên nhau mãi mãi – hóa họ thành “ba đầu rau” hay “kiềng ba chân” trong bếp.
Ảnh: Sưu tầm
3. Ý nghĩa sự tích ông Công ông Táo
Ba vị Táo quân được ở bên nhau mãi mãi, phong làm “Định phục Táo quân” và phân chia mỗi người một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp. Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà. Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.
Theo quan niệm của người Việt, các vị Táo có vai trò quan trọng. Họ không chỉ cai quản công việc gia đình (bếp tượng trưng cho hạnh phúc gia đình) mà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Theo lệ, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo những việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm. Từ đó để Ngọc Hoàng định công đoạt tội, thượng phạt phân minh cho loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông căn bếp của gia đình.
Ảnh: Sưu tầm
Cũng theo lệ đó, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi ông Táo về trời, mọi người sẽ làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần (thường diễn ra vào trước 12h trưa). Trong mâm cơm cúng, sẽ chuẩn bị thêm 3 con cá cá chép thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ… với ý nghĩa đưa ông Táo về trời. Bên cạnh đó, tục lệ phóng sinh cũng thể hiện sự nhân ái, từ bi của người Việt.
Trên đây là giải thích về nguồn gốc của sự tích ông Công ông Táo về trời. Hy vọng đã cung cấp cho bạn thêm những thông tin hữu ích.
Xem thêm: