Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa

Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa
Bạn đang xem: Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thiên nhiên vẫn luôn là nơi an trú bình yên cho những tâm hồn muốn được chậm lại. Với nhà sư Hyunjin, khu vườn “Xuân có hoa thơm, Hè tràn gió mát, Thu đến cúc nở, Đông sang tuyết đổ” ở chùa Maya là một nơi như thế.

Bài học từ thiên nhiên

Là người xuất gia, đáng lẽ phải gắn liền với tu hành và truyền bá giáo lý nhà Phật, nhưng ngày ngày bầu bạn với cỏ cây hoa lá đã giúp nhà sư Hyunjin nhận ra nhiều triết lý nhân sinh giá trị, từ đó trao truyền đến người đọc bằng những trang viết Nhà sư và khu vườn. Với ông, hoa cỏ không chỉ tỏa hương khoe sắc, lưu giữ vẻ đẹp, mà nếu hiểu đúng và thật sâu sắc, chúng còn không ngừng động viên, cổ vũ ta trên đường tu tập, trở thành người bạn đồng hành, người thầy dạy dỗ, mỗi ngày đều cho ta thấy khoảnh khắc nhiệm màu của cuộc sống này.

Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa

Bởi mỗi một ngày đều không giống nhau, nên những biến động dù là nhỏ nhất ở khu vườn ấy cũng đều khắc ghi một trang sử mới hệt như đời người. Khi sống chậm lại, khu vườn sẽ mang cho ta hạnh phúc tột cùng và những bài học quý giá. Đó là việc sống thuận tự nhiên để hoa này tàn lụi sẽ là cơ hội cho hoa kia khoe sắc. Đó là để Xuân rực rỡ thì những loài cây đã phải trải qua biết bao khó khăn trong Đông lạnh giá, trong Thu ẩm ương, trong Hè cỏ mọc lấn át… Tất cả cũng như đời người, không có gì là dễ dàng cả, nhưng qua thử thách, ta sẽ biết trân trọng hơn nỗ lực của mình và có sự chuẩn bị cho ngày sắp tới.

Ngoài việc quan sát thiên nhiên quanh mình, nhà sư Hyunjin cũng nhìn thấy nhiều triết lý trong việc làm vườn. Ở tác phẩm này, ông đã gửi gắm bài học về giá trị của sự lao động và được cống hiến cho điều bản thân yêu thích. Đi sâu vào nghệ thuật làm vườn, ông cũng nhận ra những điểm khác biệt của vườn Hàn Quốc mà một trong số đó là sự hài hòa khi biết tiết chế. Âu đời người cũng cần như thế để âm dương hòa hợp, để sống trong một bầu không khí với những cá tính mà ta thấy hợp thay vì bát nháo xô bồ. Sự điền viên ấy rồi sẽ giúp ta tu dưỡng, bỏ tính kiêu ngạo, sống thuận tự nhiên.

sách nhà sư và khu vườn

Bằng cách ngẫm nghĩ chậm rãi mà đầy chiêm nghiệm, nhà sư Hyunjin đưa người đọc đến với những quan sát bình dị, giản đơn nhưng ẩn trong đó là nhiều thông điệp giá trị“.

Từ dưới mái vòm hay bên rừng cây

Có thể, bởi sống bình yên dưới sự chở che của thiên nhiên tại một ngôi chùa trên núi mà cảm giác ấy cũng vận vào những trang viết của sư Hyunjin, khiến chúng giản dị, khúc chiết, đều là những câu chuyện rút ra từ cuộc sống hằng ngày, với cách truyền tải dễ hiểu, rõ ràng, mạch lạc. Với vốn đọc và kiến văn phong phú, ông cũng đưa vào trong cuốn sách rất nhiều bài thơ từ đương đại nổi tiếng đến cổ đại vang danh của những vĩ nhân ở thời Joseon, Goryeo… cũng như những nền văn minh lân cận, để qua việc luận bàn những tác phẩm ấy, ta lại càng hiểu hơn triết lý khu vườn, giáo lý loài hoa.

Ông cũng vọng sang thế giới phương Tây với những mẫu chuyện của Monet về “khu vườn là kiệt tác tuyệt mỹ nhất” của mình, hay của Renoir, Cézanne, Dalí… Ông cũng nhắc đến những nhà văn lớn như Thoreau, Hermann Hesse, George Bernard Shaw… cùng cách cây cỏ đã truyền cảm hứng, gắn với nghiệp viết của họ thế nào. Sự giao hòa này cũng đúng với các thông điệp được ông gửi gắm, bởi tuy không đến từ những mái vòm nơi các triết gia tranh luận, làm nên chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng dưới tán cây xanh, những gì nhà sư Hyunjin rút ra lại tương đồng với thế giới quan ấy một cách bất ngờ.

Giả như, ông cũng bàn thảo về câu hỏi muôn đời: là làm sao để được hạnh phúc? Từ đó, ông nhắc đến sự khác biệt giữa “cần”, “muốn” và “vô sở hữu”, nhấn mạnh bài học trân trọng hiện tại, thay vì “đạt được hạnh phúc” thì hãy “loại bỏ khổ đau”… Chính trong những tương quan này mà ta thấy rằng, cây cỏ luôn gần gũi với tất cả mọi người, chỉ cần ta biết lắng nghe, tận hưởng vẻ đẹp riêng ấy. Từ sen trong Phật giáo đến ô liu trong thần thoại Hy Lạp, dẫu cho vật đổi sao dời thì cây cỏ hoa lá vẫn sẽ lưu giữ được bản tính thiêng liêng mà chính con người đã từng đánh mất. Nói cách khác, khi đứng trước hoa, tất cả rồi sẽ trở về với bản chất thuần khiết nhất của mình, và đó là điều mà bất cứ ai cũng hằng tìm kiếm.