Nếu như phải chọn một điểm đến để tạm xa cuộc sống đô thị xô bồ thì hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới Sa Pa. Chẳng phải tự nhiên mà nơi này thường xuyên lọt vào top những điểm tránh nóng lý tưởng của châu Á. Thậm chí, nhiều vị khách nước ngoài còn ví Sa Pa là nơi “tưởng không có thật”, nơi “sở hữu vẻ đẹp vô thực” của Việt Nam.
Lướt trên các hội nhóm du lịch, ta dễ dàng tìm thấy các gợi ý về địa điểm tham quan, ăn chơi ở Sa Pa. Thế nhưng, điểm chung của chúng là thường phải di chuyển với lịch trình khá dày, hoặc nếu không thì lại chỉ đến được một số nơi nhất định mà bỏ lỡ nhiều khung cảnh tuyệt đẹp của vùng đất Tây Bắc. Trong khi mong muốn của nhiều gia đình hiện nay là đi du lịch kết hợp vừa nghỉ dưỡng, vừa khám phá mà phải phù hợp cho mọi thành viên.
Nhu cầu nói trên, tưởng khó, nhưng lại không hề khó nếu như chúng ta điều chỉnh một chút từ việc tiếp thu kinh nghiệm của những người từng tới Sa Pa. Ai bảo cứ tới đây là phải vất vả chạy đi chợ phiên, lội suối, tắm thác mà không sắp hẳn một lịch trình vòng quanh các bản làng chỉ cách trung tâm thị trấn chưa tới 30 phút chạy xe.
Những bản làng quanh Sa Pa
Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m so với mực nước biển, khí hậu Sa Pa quanh năm mát mẻ, mùa nào cũng đẹp, cũng thơ. Điểm đặc trưng của thị trấn du lịch cách trung tâm thành phố Lào Cai hơn 30km này là các bản làng lưng chừng đồi, được bao quanh bởi núi rừng và những thửa ruộng bậc thang nối đến tận chân trời. Dù đã được khai thác du lịch hay chưa, mỗi nơi đều ẩn chứa những nét đẹp riêng.
Nổi tiếng nhất là bản Cát Cát
Có lẽ Cát Cát là bản làng được khai thác du lịch triệt để nhất, trở thành điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa. Bản này cách khu trung tâm thị trấn, tính từ ga cáp treo Sun Plaza là 1,6km, chỉ khoảng 6 phút chạy xe, hoặc cũng có thể đi bộ. Tới đây, du khách nên thuê những bộ trang phục truyền thống để bắt đầu hành trình tìm hiểu về những mái nhà đơn sơ và nghề truyền thống của đồng bào dân tộc H’Mông, hay thả hồn bên con thác Cát Cát, ngắm những cọn nước khổng lồ.
Ảnh: Chinh Nguyễn, @mileyng, Uyên Phương.
Bản Ý Linh Hồ
Chạy dọc theo con suối Mường Hoa, càng đi các bản xa hơn, không gian càng yên tĩnh và hoang sơ hơn. Một nơi được những “con dân mê Sa Pa” phát hiện vài năm gần đây là Ý Linh Hồ – bản làng nằm lọt thỏm, gần như được dãy núi Hoàng Liên Sơn bao trọn. Tới đây, du khách có thể ghé thăm nhà của người dân bản địa và xin phép được trải nghiệm các hoạt động như dệt vải, thu hoạch ngô, gặt lúa… Hay chỉ là thả dáng trước ngôi nhà sàn nho nhỏ nằm giữa ruộng lúa mênh mông.
Bản Lao Chải
Nằm cách Ý Linh Hồ chừng 3km, chỉ cần đi qua một chiếc cầu nhỏ, hướng lên dốc là du khách sẽ tới với bản Lao Chải. Tại đây, du khách nên gửi xe và đi bộ thong thả quanh các con đường quanh co để hít hà hương lúa, cảm nhận cảnh sắc đất trời.
Ảnh: @bs_oshima, @quyfails
Thơ mộng nhất là bản Tả Van
Từ Lao Chải, tiếp tục đi ta sẽ tới với Tả Van, cũng là bản làng lớn nhất ở Sa Pa. Ở nơi đây, du khách sẽ được chứng kiến một khung cảnh rất đặc biệt: Những ngôi nhà cổ của người dân địa phương được làm bằng gỗ, nền đất, ở san sát 2 bên đường, đều quay cùng về hướng Đông Bắc, nhìn ra con suối Mường Hoa. Bởi theo quan niệm người xưa tránh để nhà hướng mặt vào núi.
Rong chơi ở Tả Van, du khách cũng có thể ghé vào bất kỳ quán nước nào, nhâm nhi một thức uống mát lành với view nhìn thẳng ra núi rừng mênh mông.
Di chuyển tới Sa Pa
Thời gian đi ô tô từ Hà Nội tới Sa Pa tốn khoảng 5,5 – 6,5 tiếng đồng hồ.
Du khách có thể chọn xe cabin giường nằm. Hiện nay có 2 nhà xe nổi tiếng với hệ thống xe đẹp và cách phục vụ tốt là Sao Việt và Hà Sơn Hải Vân, giá vé từ 310.000đ/người. Các nhà xe đều có văn phòng đặt vé ở một số quận trên địa bàn Hà Nội và lịch chạy xe xuyên suốt từ 5h30 sáng tới 24h hằng ngày.
Nhà xe Sao Việt có 2 loại xe: giường nằm 40 chỗ hoặc Limousine giường phòng 21 chỗ. Các điểm đón tại Hà Nội: Số 7 Phạm Văn Đồng, 789 Giải Phóng.
Nhà xe Hà Sơn Hải Vân, loại xe: 44 chỗ hoặc xe 28 chỗ. Các điểm đón có phòng chờ tại Hà Nội: Bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa, bến xe Giáp Bát, bến xe Gia Lâm.
Hoặc cũng có thể tự chạy xe theo cao tốc Hà Nội – Lào Cai và có biển chỉ dẫn tới Sa Pa. Tuy nhiên, với những tài xế không quen chạy đường đèo, dốc, thì nên cân nhắc kỹ về hành trình dài này.
Các gia đình nên đem theo xe đẩy nếu muốn đưa trẻ nhỏ đi Sa Pa. Ảnh: Đới Hương
Tàu hỏa cũng là phương tiện được nhiều người lựa chọn để di chuyển tới Sa Pa. Theo thông tin đăng tải trên trang Đường sắt Việt Nam, mỗi ngày sẽ có 1 chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai, xuất phát từ ga Hà Nội lúc 22h, dừng đón khách ở ga Gia Lâm, tới ga Lào Cai lúc 5h55, tổng thời gian di chuyển là 7 giờ 55 phút. Tuy sẽ tốn thời gian hơn đi ô tô nhưng với các gia đình có trẻ nhỏ, hay còn e ngại đường đèo nên cân nhắc đến tàu hỏa giường nằm. Giá khoang giường nằm 4 người, 2 người, khoang VIP, tầng 1 và tầng 2 trong khoảng 363.000đ – 544.000đ/người/vé.
Ngay từ khi đặt mua vé tàu hỏa Hà Nội – Lào Cai, du khách có thể đăng ký sử dụng dịch vụ xe chuyển tiếp từ ga Lào Cai tới các điểm tại Sa Pa (trong vòng bán kính 2km từ nhà thờ đá). Giá dịch vụ: 55.000đ/người.
Để ghé thăm những bản làng nên chọn chỗ nghỉ ngơi ra sao?
Dịch vụ lưu trú ở Sa Pa tương đối phát triển và nhiều sự lựa chọn cho du khách. Bạn có thể ở resort, khách sạn, homestay với mức giá trải dài từ tầm cao xuống tầm trung, phù hợp với nhu cầu cũng như tài chính của mỗi người.
Tuy nhiên, nếu như muốn thuận tiện di chuyển và ăn uống thì du khách nên chọn các nơi bán kính nhỏ hơn 2km tính từ trung tâm thị trấn Sa Pa. Một số khách sạn được đánh giá cao trên nền tảng đặt phòng, với giá từ cao xuống thấp là: De La Coupole – M Gallery, Pao’s Sapa Leisure Hotel, Sapa Relax Hotel&Spa, khách sạn Saparis…
Ảnh: @natthida_apple, @ffaith_____, @saparelaxhotel.
Hay một số homestay ở khu trung tâm nhận được nhiều phản hồi tích cực là: Eco Palms House – Sapa Retreat, SaPa Jungle Homestay, SaPa Big Tree Hmong Homestay…
Đương nhiên, ở ngay trong các bản làng cũng có những khu lưu trú mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc.
Ảnh: @rest_behappyhere, @haha.book_cafe
Nên sắp xếp lịch trình 3 ngày 2 đêm thế nào?
Ngày 1: Hà Nội – Sa Pa
– Di chuyển đêm từ Hà Nội bằng tàu hỏa/ ô tô.
– Có mặt ở Sa Pa, ăn sáng và gửi đồ ở khách sạn. Di chuyển đi bản Cát Cát.
– Trở về nhận phòng. Ăn trưa. Nghỉ ngơi. 14h00 xuất phát đi Fansipan. Lên Fansipan buổi chiều thường ngắm cảnh sẽ đẹp hơn buổi sáng.
– Trở về trung tâm Sa Pa, ăn tối, di dạo quanh quảng trường về đêm.
Ảnh: Uyên Phương, Ninh Ninh, Chinh Nguyễn.
Ngày 2: Vòng quanh Sa Pa
– Ăn sáng. Chinh phục bản Ý Linh Hồ.
– Đi bản Lao Chải. Ăn trưa ở bản Lao Chải.
– Thăm thú bản Tả Van và trở về khách sạn ăn tối.
Ngày 3: Sa Pa – Hà Nội
– Ăn sáng. Chinh phục đỉnh Ô Quy Hồ. Đi Cầu kính Rồng Mây:
Đèo Ô Quy Hồ nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, cách thị trấn Sa Pa khoảng 17km. Đây cũng là con đèo dài nhất và cao nhất, đứng đầu trong danh sách “tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc. Ở trên đỉnh đèo có khu vực cổng trời, cây cô đơn, bậc thang lên thiên đường, quán cafe view mây trời, cho du khách tha hồ săn mây và check in. Tuy nhiên, nếu không phải là người chắc tay lái thì nên thuê taxi hoặc người bản địa đèo lên, nhất là vào những ngày mưa gió, con đường đèo lại càng hiểm trở, dễ trơn trượt hơn.
Ảnh: Ninh Ninh, @nnguyenthao.195
Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây cách đèo Ô Quy Hồ không xa, về hướng Lai Châu. Tại đây, ngoài tham quan, ngắm mây trời, còn có một tổ hợp các trò chơi mạo hiểm đã được cấp chứng nhận an toàn như nhảy Bungee, trượt Zipline, chơi dù lượn.
– Ăn trưa. Trả phòng. Trở về Hà Nội.
Cầu kính rồng mây. Ảnh: Uyên Phương, Đới Hương.
Chi phí dự kiến
– Xe giường nằm 2 chiều: ~800.000đ/người.
– Phòng nghỉ: 500.000đ – 1.000.000đ – 3.000.000đ++/đêm tùy khách sạn, hạng phòng.
– Đi lại trong bản: Thuê xe máy: ~200.000đ/ngày; Xe điện: ~300.000đ/lượt/xe.
– Vé đi cáp treo Fansipan, tàu hỏa leo núi:
+ Vé cáp treo người lớn (cao >1.4m): 800.000đ/người/khứ hồi.
+ Vé cáp treo trẻ em (cao từ 1m -1.4m): 550.000đ/người/khứ hồi.
+ Vé tàu hỏa Mường Hoa: 150.000đ/người/khứ hồi/người/khứ hồi.
+ Vé tàu hỏa lên Fansipan: 150.000đ/người/chiều đi lên.
– Vé vào bản Cát Cát: 150.000đ/người lớn; 70.000đ/trẻ em.
Chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình muốn đưa con nhỏ đi du lịch Sa Pa, chị Ninh Ninh cho hay: “Vốn bé nhà mình khá hiếu động, thích đi lại nhiều nên bố mẹ cũng không ngại cho con đi núi, chinh phục Fansipan hay Cầu kính rồng mây. Tuy nhiên, đi với các em bé, bố mẹ cần chuẩn bị quần áo ấm, áo gió, giày, mũ phòng trường hợp thay đổi thời thiết đột ngột. Nhà mình đi thì không mang theo nhiều nên đã phải mua thêm ở trên Sa Pa cho bé. Ngoài ra, trong túi lúc nào cũng phải mang theo áo mưa, ô và thuốc ho cho bạn nhỏ”.
Nguồn: https://cafef.vn/nhe-nhang-voi-3-ngay-2-dem-dao-khap-cac-ban-lang-cang-hieu-vi-sao-sa-pa-duoc-mieu-ta-ve-dep-vo-thuc-cua-viet-nam-188230809090339831.chn