Trở lại với một tác phẩm có phần khác biệt so với những “Interstellar” (2014), “Tenet” (2020), đạo diễn thiên tài Christopher Nolan tiếp tục tạo nên tiếng vang với bộ phim tiểu sử về “cha đẻ của bom hạt nhân” – “Oppenheimer”.
Vốn được biết đến như sự kết hợp giữa khoa học và điện ảnh, Oppenheimer của Christopher Nolan ngay từ những ngày đầu được công bố đã khiến nhiều khán giả “đứng ngồi không yên”. Bởi lẽ, ngoài Nolan, không còn ai phù hợp hơn trong việc đảm nhận một tác phẩm mang tính vĩ mô, khai thác đề tài khoa học phức tạp như bom hạt nhân và cuộc đời của người đã tạo ra nó.
Lấy bối cảnh những năm cuối Thế chiến thứ hai, bộ phim xoay quanh nhà vật lý lý thuyết thiên tài người Mỹ Oppenheimer và hành trình chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên cũng như những trăn trở về luân lý và đạo đức của ông sau khi chứng kiến sức hủy diệt của thứ vũ khí này. Christopher Nolan đã từng bước khắc họa nội tâm giằng xé của Oppenheimer, để từ đó khiến khán giả suy ngẫm về ranh giới mong manh giữa một thiên tài khoa học và một kẻ hủy diệt thế giới. Trong xã hội hiện đại nơi khoa học có nhiều bước tiến nhảy vọt, đặc biệt là sự xuất hiện của AI, Oppenheimer cũng khiến nhiều người trăn trở về vai trò và giá trị thật sự của những phát minh mới.
Bí ẩn phía sau “đám mây hình nấm”
Oppenheimer vẫn là câu chuyện đậm màu sắc Nolan, với cách kể chuyện phi tuyến tính, mạch phim diễn biến kịch tính, nhanh chóng và hầu như không có những khoảng dừng hay tạm nghỉ. Bám sát cuộc đời của Oppenheimer, Christopher Nolan đã có một bước đi đúng đắn khi lựa chọn diễn viên người Ireland – Cillian Murphy – vào vai nhà khoa học thiên tài và có lẽ, vị đạo diễn đã tìm ra những yếu tố cần thiết ở nam diễn viên để có thể truyền tải trọn vẹn những suy nghĩ và diễn biến tâm lý của nhân vật đặc biệt này. Với gương mặt phi giới tính và biểu cảm lạnh lùng thường trực, Murphy mang đến cảm giác hoài nghi cho khán giả. Liệu sau những biểu cảm ấy là những trăn trở, băn khoăn, những cuộc giằng xé nội tâm hay còn ẩn chứa những dụng ý nào khác?
Nửa đầu tác phẩm, Nolan đã khắc họa góc nhìn không hề đầy đủ về nhân vật này. Đó là một người vốn bị xem thường bởi các đồng môn, người muốn hạ độc chính thầy của mình vì bị chế giễu. Do khuynh hướng nghiên cứu lượng tử không được coi trọng tại nước Mỹ, Julius Robert Oppenheimer đã đến châu Âu để gặp những nhà khoa học quan trọng hàng đầu và được thỏa sức vẫy vùng trong lĩnh vực mà mình quan tâm.
Nolan đã từ tốn vén màn những sự kiện diễn ra trong cuộc đời của Oppenheimer. Ngoài khía cạnh học thuật, đạo diễn người Mỹ cũng mở ra thêm góc nhìn cá nhân, khi ta có dịp quan sát Oppenheimer dưới nhiều phương diện, từ thế giới quan chính trị cho đến các mối quan hệ riêng tư, từ phía chủ quan là nội tâm nhân vật cho đến phía khách quan là sự xét đoán của những người khác. Và chính những khía cạnh trong đời sống cá nhân đã đẩy Oppenheimer vào tình huống bị nghi ngờ là một kẻ bất trung với tổ quốc, dẫn đến rất nhiều hệ lụy sau này.
Christopher Nolan duy trì mạch phim một cách hiệu quả, để mỗi phân cảnh lướt qua màn hình, người xem sẽ có thêm “dữ liệu” để khai mở nội tâm và suy nghĩ của Oppenheimer. Những câu chuyện về quá khứ, xen lẫn với thực tại nơi Oppenheimer đang đối mặt một một cuộc điều trần an ninh mở ra cái nhìn bao quát và trọn vẹn về cuộc đời của nhà vật lý này, đồng thời giúp người xem thấy rõ những trăn trở và sự hỗn loạn trong nội tâm của ông vào thời kỳ hậu chiến.
Dựa trên quyển sách tiểu sử American Prometheus của tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin, Oppenheimer của Christopher Nolan cũng đã chỉ ra những nét tương đồng của nhân vật lịch sử này với vị thần Hy Lạp Prometheus – vị thần khổng lồ vì đánh cắp ngọn lửa thiêng của thần Zeus để trao cho nhân loại mà phải chịu đựng hình phạt đau đớn. Nolan đã mượn câu chuyện về số phận khủng khiếp của Prometheus như một phép ẩn dụ cho cách J. Robert Oppenheimer dằn vặt với sáng chế của mình trong suốt quãng đời còn lại.
Và cũng có thể chính vì điều này mà Nolan chỉ khắc họa lại khung cảnh vụ nổ thử bom nguyên tử ở phòng thí nghiệm Los Alamos thay vì tái hiện lại hai sự kiện ném bom tại Hiroshima và Nagasaki. Hình ảnh mà các khán giả vốn luôn trông chờ là “đám mây hình nấm” hoành tráng được dàn dựng thật mà không cần đến CGI hóa ra lại diễn ra khá khiêm nhường và chóng vánh. Đây là điểm yếu của toàn bộ phim khi đạo diễn Nolan chưa thật sự thỏa mãn người xem với phân cảnh mang tính lịch sử này.
NHỮNG YẾU tố tạo nên SIÊU PHẨM
Dẫu cho có sự tham gia của những minh tinh hàng đầu như Emily Blunt, Florence Pugh hay Robert Downey Jr… thế nhưng, sự chú ý gần như vẫn dồn hoàn toàn về phía Cillian Murphy. Một nhân vật cũng gây ấn tượng không kém là vợ của Oppenheimer do Emily Blunt thử vai. Dù có thời lượng xuất hiện tương đương với Florence Pugh, nhưng Emily Blunt lại có không gian thể hiện cá tính nhân vật, đó là sự khủng hoảng cũng như mạnh mẽ và quyết đoán khi sát cánh bên chồng. Như vậy, cặp đôi Cillian Murphy và Emily Blunt có nhiều khả năng xuất hiện ở đề cử Oscar năm sau, với các đề cử nam chính và nữ phụ ở hạng mục diễn xuất.
Ngoài dàn diễn viên, việc sử dụng hiệu ứng cũng như những hình ảnh ẩn dụ như ánh sáng chói gắt của quả bom nguyên tử, những tiếng dậm chân liên hồi… để thể hiện thế giới nội tâm đầy phức tạp của Oppenheimer cũng đã tác động đến cảm xúc của khán giả trong suốt quá trình theo dõi bộ phim. Dường như, cách làm phim của Christopher Nolan thường đi sâu vào tiểu tiết, khi những câu chuyện có thời lượng dài chỉ đóng vai trò như một câu nối, mà các khoảnh khắc sẽ khai mở các nút thắt cho các vấn đề đã được đưa ra.
Một trong số chúng là các biểu tượng về mặt hình ảnh. Chẳng hạn phân cảnh gặp gỡ giữa Oppenheimer với nhà bác học Albert Einstein hay Tổng thống Truman tuy chỉ diễn ra trong thời lượng ngắn, nhưng những gì Nolan muốn truyền tải – nỗi băn khoăn và trăn trở của Oppenheimer – lại được nén gọn trong những thời khắc này. Nhân vật Strauss của “Người sắt” Robert Downey Jr. cũng nằm trong tuyến truyện tương tự, thế nhưng với cá tính không được phát triển với nhiều màu sắc, Strauss không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Dẫu vậy tài năng diễn xuất của nam tài tử là không thể phủ nhận.
Cho đến cuối cùng, Nolan như muốn cảnh báo về sự cuồng tín của chủ nghĩa tập thể và sự trung thực của những người nắm giữ trong mình những quyết định lớn. Như Einstein nói: “Khi họ đã trừng phạt cậu đủ nhiều, họ sẽ mang cho cậu món salad cá hồi và khoai tây, đọc cho cậu một bài diễn văn, trao huân chương và vỗ vào lưng cậu để nói rằng mọi chuyện đều đã được bỏ qua. Hãy nhớ rằng, sự tha thứ đó sẽ không dành cho cậu, mà chính là dành cho họ”.
Từ thông điệp đó có thể thấy rằng quyền lực luôn bị chi phối bởi nhiều hệ thống cũng như nhánh rẽ, nó không phụ thuộc vào một cá nhân dù anh ta có tài năng hay nỗ lực đến đâu đi nữa. Đây chính là sự lật ngược trong lịch sử, từ đó cho thấy quyền lực và sức mạnh có thể mang đến sự hủy diệt lớn đến mức nào nếu không được kiểm soát chặt, bởi “lũ ngốc thường bỏ công đi tìm ánh mặt trời để rồi bị nuốt chửng. Trong khi quyền lực thì lại nằm trong bóng tối”.
Với thời lượng 3 tiếng, Oppenheimer có thể được xem là thành công mới của Christopher Nolan. Chỉ sau 1 tháng ra mắt, bộ phim đã thu được gần 600 triệu USD, trong khi số tiền đầu tư chỉ ở mức 100 triệu USD. Không chỉ thống lĩnh phòng vé mùa Hè, tác phẩm chắc chắn sẽ còn gây nhiều tiếng vang ở các giải thưởng điện ảnh, khi phim tiểu sử và phim chính kịch – lịch sử vốn luôn được Viện Hàn Lâm và nhiều đơn vị khác dành sự quan tâm đặc biệt.