Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương

Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương
Bạn đang xem: Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Truyền thuyết truyện An Dương Vương Mị Châu Trọng Thuỷ đã để lại cho chúng ta một bài học xương máu về vai trò của tinh thần cảnh giác kẻ thù trong công cuộc bảo vệ đất nước. Dưới đây là bài phân tích truyền thuyết An Dương Vương Mị Châu Trọng Thủy, mời bạn đọc theo dõi!

1. Dàn ý phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu:

1.1. Mở bài:

– Giới thiệu “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”.

– Nêu khái quát về bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện: Đây là hai bi kịch nổi bật trong truyện và có ý nghĩa biểu tượng lớn.

1.2. Thân bài:

* Bi kịch mất nước

– Quá trình xảy ra bi kịch:

Ban đầu, An Dương Vương là người có công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Nhờ có sự giúp đỡ của Thần Kim Quy đã xây thành, chế nỏ, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Sau đó, do chủ quan khinh địch, An Dương Vương đã mắc phải một loạt sai lầm.

Nhận lời cầu hòa của giặc mà không hề nghi ngờ, cảnh giác.

Chấp nhận gả con gái cho giặc, để Trọng Thủy ở rể, nhờ đó mà Triệu Đà đã cài cắm được gián điệp trong nội bộ của Âu Lạc..

Để con gái tự ý dẫn con trai kẻ thù thăm thú thành, lộ bí mật quốc gia.

Cậy vào thành cao, hào sâu, không xây dựng lực lượng, đến khi địch tấn công vẫn ung dung đánh cờ.

– Nguyên nhân dẫn đến bi kịch mất nước:

Lơ là, mất cảnh giác, không đề phòng trước những âm mưu thâm độc của địch.

Chủ quan có thành trì kiên cố, nỏ thần chiến thắng mọi kẻ thù nên không xây dựng, chuẩn bị lực lượng.

Không nắm được hết nội bộ của mình, không hiểu hết tính cách con gái, nhẹ dạ cả tin.

– Bài học về bi kịch mất nước:

Nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu xâm lược của kẻ thù.

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa gia đình, quốc gia, dân tộc.

Luôn củng cố sức mạnh quân sự, không ỷ thế vào tiềm lực sẵn có mà chủ quan, lơ là.

– Thái độ của nhân dân trước bi kịch mất nước:

Luôn tin tưởng vào tấm lòng yêu nước của vị vua thực tài có công lao to lớn với đất nước. Dù đã mắc những sai lầm to lớn cuối cùng đã sửa sai bằng cách chém chết Mị Châu sau khi nghe lời kết tội của Thần Kim Quy, hành động vì lẽ phải, vì dân tộc.

Cái nhìn bao dung và biết ơn của nhân dân: Bất tử hóa cái chết của An Dương Vương.

* Bi kịch tình yêu

– Quá trình diễn ra bi kịch:

+ Mị Châu:

Mị Châu vốn là một nàng công chúa hồn nhiên, trong sáng, hết mình vì tình yêu đến mức mù quáng.

Không đề phòng Trọng Thủy, nàng đã vô tình tiết lộ những bí mật quốc gia, để kẻ thù đánh cắp nỏ thần, rắc lông ngỗng dẫn đường cho giặc đuổi theo.

Cuối cùng, phát hiện bị lừa dối, phản bội nàng đau đớn, xót xa ân hận vô cùng.

+ Trọng Thủy:

Trọng Thủy cũng yêu Mị Châu nhưng lại nuôi tham vọng lớn là vừa có được nước Âu Lạc, vừa có được hạnh phúc bên người đẹp.

Trọng Thủy phải gánh trọng trách chữ hiếu, chữ trung với phụ vương, với quốc gia, nên đã lựa chọn hi sinh chữ tình.

Cuối cùng trước cái chết của Mị Châu đã vô cùng đau đớn, dằn vặt, ân hận.

Suy cho cùng Cả Trọng Thủy và Mị Châu đều là những con người chịu đau đớn trong mối tình này.

– Nguyên nhân dẫn đến bi kịch:

Do mất cảnh giác, chủ quan và sự khinh địch của An Dương Vương.

Bởi sự mù quáng, đặt niềm tin sai người của Mị Châu.

Do tham vọng thâm độc của cha con nhà Triệu Đà.

– Bài học, ý nghĩa rút ra sau bi kịch:

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.

Không yêu một cách mù quáng.

Tình yêu không thể song hành với chiến tranh, toan tính.

– Thái độ của nhân dân trước bi kịch tình yêu: Bao dung, đồng cảm, xót thương: Chi tiết ngọc trai – giếng nước cuối truyện không chỉ mang ý nghĩa minh oan cho Mị Châu mà còn thể hiện mối tình thủy chung, gắn bó của Mị Châu – Trọng Thủy ở một kiếp khác.

* Mối quan hệ giữa bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu

– Bi kịch tình yêu là khởi nguồn cho bi kịch mất nước:

Đằng sau câu chuyện tình yêu của Mị Châu Trọng Thủy là một âm mưu chính trị thâm hiểm. Trọng Thủy đến với Mị Châu chủ yếu làm gián điệp, cướp nỏ thần và đuổi cùng giết tận nước Âu Lạc.

Mị Châu vì tình yêu cũng đã vô tình tiếp tay cho giặc. Cho nên tình yêu của Mị Châu và Trọng Thủy là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bi kịch mất nước.

– Bi kịch mất nước tạo nên bi kịch tình yêu:

Vì sự lơ là, mất cảnh giác, chủ quan An Dương Vương vô tình đẩy con gái vào bi kịch tình yêu.

Vì chiến tranh, thâm thù và tham vọng cả Mị Châu và Trọng Thủy đều phải chịu đau khổ.

Từ đó cũng có thể hiểu bi kịch tình yêu của Mị Châu-Trọng Thủy cũng chính là hệ quả, nạn nhân của bi kịch mất nước.

1.3. Kết bài:

– Khái quát lại nội dung và giá trị thể hiện của bi kịch mất mất nước và bi kịch tình yêu.

– Thể hiện suy nghĩ, cảm nhận trước hai bi kịch đó: Xót thương, đồng cảm và có những nhận thức sâu sắc về các bài học quý giá từ hai bi kịch đó.

2. Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu – Mẫu 1:

“Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ” là một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam. Truyện đề cập đến hai bi kịch cơ bản: bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu, mỗi một bi kịch tương ứng với từng nhân vật. Qua đó đã để lại những bài học quý giá cho đời sau.

An Dương Vương tiếp nối sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha, khi tiếp quản, ông đã có quyết định táo bạo là dời đô đến thành Cổ Loa, với địa hình rộng rãi, bằng phẳng sẽ thuận tiện cho việc thông thương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi phát triển đất nước. Ông chủ động xây Loa Thành với chín vòng kiên cố, với sự giúp sức của Rùa Vàng, Loa Thành đã hoàn tất nhanh chóng. Cùng với đó là nỏ thần của An Dương Vương đã đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lăng của vua Triệu Đà. An Dương Vương thể hiện ra là vị hoàng đế tài ba, quyết đoán và có tầm nhìn xa trông rộng. Những tưởng đất nước sẽ hưng thịnh, nhân dân sẽ no ấm dưới thời trị vì của vua An Dương Vương, nào ngờ chỉ vì một phút chủ quan, mất cảnh giác mà đã đưa đến cảnh nước mất nhà tan.

Bi kịch mất nước của An Dương Vương bắt nguồn từ việc chấp nhận lời cầu hôn của Triệu Đà. Triệu Đà sau khi bại trận, biết không thể đánh thắng quân đội hùng mạnh và nỏ thần của An Dương Vương nên đã nảy ra kế để gả Mị Châu cho con trai là Trọng Thuỷ. Hành động trên của hắn cũng là một bước đệm nhằm thực hiện mưu đồ thôn tính nước u Lạc sau này. Nhưng vua An Dương Vương cả tin, đã không mảy may phòng bị, theo tục u Lạc, Trọng Thuỷ về ở rể, bản thân An Dương Vương đã đem rắn độc về nhà, để lộ bí mật quân sự mà ông cũng không hề hay biết. Vua cha đã không mảy may phòng bị, còn nàng Mị Châu ngây thơ trong trắng cũng không hề hay biết. Nghe lời mời coi nỏ thần của Trọng Thuỷ, Mị Châu đã nhận lời ngay mà không mảy may suy nghĩ. Nàng đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, nhưng lại quên mất trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc.  Trọng Thuỷ nắm được thời cơ đã đánh tráo nỏ thần. Nguy cơ mất nước ngày càng lớn hơn.

Khi quân Triệu Đà tràn sang xâm chiếm lần hai, An Dương Vương vẫn thản nhiên, điềm tĩnh đánh cờ và tin rằng có nỏ thần chắc chắn quân Triệu Đà sẽ thảm bại hơn lần trước. Ông nào có ngờ nỏ thần đã bị đánh cắp từ lâu. Chính tâm lí ỷ lại, ngủ quên trên chiến thắng của An Dương Vương đã một lần nữa đẩy ông vào hố sâu bi kịch mất nước. Những sai lầm nghiêm trọng của người đứng đầu đã không còn cơ hội sửa sai, ông đã đem theo Mị Châu chạy thoát, quân giặc ráo riết truy đuổi phía sau, tình cảnh hết sức bi đát. Đứng trước biển cả bao la, phía sau là quân giặc, An Dương Vương bị đẩy đến đường cùng phải gọi Rùa Vàng cứu giúp. Kẻ thù, giặc chính là cô con gái yêu quý của ông, lúc này dưới tư cách là một vị vua, trên lập trường quyền lợi của quốc gia, dân tộc An Dương Vương đã rút kiếm chém đầu người con gái của mình. Đây là hành động bất đắc dĩ mặc dù vô cùng thương con. Sự tỉnh ngộ của An Dương Vương dù muộn màng nhưng đó sẽ trở thành bài học đắt giá đối với thế hệ sau này để không lâm vào cảnh mất nước. Bi kịch thứ hai chính là bi kịch số phận, bi kịch cuộc đời xoay quanh hai nhân vật Mị Châu và Trọng Thuỷ. Mị Châu là cô gái ngây thơ trong sáng, là con một nên đương nhiên sẽ không có tình thương yêu, cưng chiều của vua cha, và hệ quả cô sẽ không quan tâm đến các việc đại sự của nước nhà. Lấy Trọng Thuỷ theo lời vua cha, nàng một lòng yêu và vâng lời chồng, không suy nghĩ, không hoài nghi các hành động, lời nói khác thường của Trọng Thuỷ. Trái ngược với sự trong trắng của Mị Châu, Trọng Thuỷ lại là người mưu mô, tìm đủ thủ đoạn hòng đánh cắp bí mật nỏ thần. Nhưng trong quá trình sống, sự ân cần săn sóc, tấm chân tình của Mị Châu đã làm Trọng Thuỷ rung động. Chính lúc này trong Trọng Thuỷ diễn ra một cuộc xung đột nội tâm giữa tình yêu và việc nước. Hai mâu thuẫn đang đấu tranh quyết liệt trong Trọng Thuỷ, nhưng đây là mâu thuẫn không thể thoả hiệp, bắt buộc phải lựa chọn. Và Trọng Thuỷ đã chọn làm tròn bổn phận công dân thay vì làm tròn tình thương yêu với vợ. Biết được bí mật của nỏ thần, cướp cắp đem về nước rồi theo dấu lông ngỗng truy đuổi đến cùng cha và vợ. Trọng Thuỷ nhận lại được tất cả. Chỉ là nỗi đau đến tột cùng khi chứng kiến cái chết không đầu của Mị Châu. Khi hoàn thành nhiệm vụ của mình thì Trọng Thuỷ chỉ còn lại hận thù, sự đau khổ, dằn vặt hối hận với Mị Châu mà tìm đến cái chết. Trọng Thuỷ cũng giống Mị Châu, rơi vào nghịch cảnh: Khi Mị Châu yêu chàng hết mực thì Trọng Thuỷ đã vô cùng tàn nhẫn dối gạt Mị Châu, còn khi Trọng Thuỷ hết lòng yêu thương Mị Châu thì trong nàng bấy giờ chỉ còn lại duy nhất là sự thù hận. Đó cũng là bi kịch của Trọng Thuỷ. Bi kịch tình yêu là sự tố cáo chiến tranh chính nghĩa, dù chiến thắng hay thất bại vẫn phải chịu những bi kịch cay đắng nhất. Ngoài ra, trong bi kịch tình yêu cũng cần nhắc đến chi tiết mang tính ẩn dụ “ngọc trai – giếng nước”. Máu Mị Châu chảy xuống biển cả hoá thành ngọc châu, khi đem ngọc ấy đi rửa với nước giếng nơi Trọng Thuỷ tự tử lại càng sáng đẹp hơn nữa. Đây không chi tiết biểu cho tình yêu mãi mãi trở về với nhau trong một thế giới khác. Mà chỉ có thể hiểu là sự tha thứ của Mị Châu sau khi Trọng Thuỷ đã phải trả giá. Đồng thời chi tiết này cũng minh chứng cho tấm lòng trong sạch của Mị Châu, nàng không phải người bán nước. Ở đây ta thấy rõ sự đau xót, thương tiếc của người dân dành cho nàng.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ mang kết cục bi kịch: nước mất nhà tan, tình yêu đổ vỡ. Bi kịch mất nước là bài học cảnh giác với quân thù cho muôn thế hệ sau. Bi kịch tình yêu còn là bài học về việc nhìn nhận mối quan hệ giữa việc nước và việc nhà, giữa mỗi cá nhân với tư cách một người công dân với Tổ quốc, cộng đồng.

3. Phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu – Mẫu 2:

“Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ” với hình ảnh một vị vua tài giỏi trong buổi đầu dựng nước đã đánh tan những cuộc xâm lược tàn bạo của giặc nhưng cuối cùng đã thất bại một cách đau đớn, trong phút chủ quan đã để cho giang sơn tắc vuột khỏi tầm tay, trở thành một bài học kinh nghiệm xương máu khó có thể nào ghi nhớ. Đọc “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ” ta sẽ không dấu được sự đau xót về bi kịch mất nước Âu Lạc và nhất là bi kịch tình cảm của nàng công chúa Mị Châu. Trong truyện dân gian, An Dương Vương xuất hiện như một vị vua toàn tài, luôn mang trong lòng một tinh thần chống giặc ngoại xâm mãnh liệt. Nhờ sự giúp sức của thần Kim Quy, ngài đã xây dựng nên Loa thành vững chắc và chế tạo được nỏ thần – một vũ khí cực kỳ lợi hại, sắc bén, có thể tiêu diệt được hàng nghìn quân giặc.

Năm đó, khi quân Triệu Đà cử binh xâm chiếm phương Nam, nhưng quân Âu Lạc có nỏ thần nên quân Đà thua trận, đành xin giảng hoà. Không bao lâu sau, Triệu  Đà tìm cách kết duyên giữa con trai Đà với con gái An Dương Vương. Vua Âu Lạc đã vô tình gả con gái mình là Mị Châu cho Trọng Thuỷ. Vua và Trọng Thuỷ đã tỉ tê nói chuyện với Mị Châu nhằm khám phá bí mật nỏ thần. Và Mị Châu – một người con gái nhẹ dạ cả tin đã thật thà giải thích tường tận cho chồng từ cách chế tạo lẫy nỏ đến cách bắn mũi tên, tạo cơ hội cho Trọng Thuỷ chế nỏ giả, đánh tráo nỏ thần. Ít lâu sau, Trọng Thuỷ từ biệt vợ với lí do “tình vợ chồng không thể nào quên, nghĩa cha con không thể nào dứt bỏ” rồi đưa Mị Châu về phương Bắc thăm cha. Triệu Đà được lẫy nỏ rất quý liền đem sang đánh. Vua An Dương Vương không hề hay biết nỏ thần bị đánh cắp, khi giặc tiến gần đến thành thì ung dung ngồi chơi cờ, cười rồi nói “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Cho đến khi quân Đà áp sát quá rồi, vua mới lấy nỏ thần ra dùng, nhưng nỏ đã mất, không có cách nào khác phải bỏ chạy. Vua đặt Mị Châu ở đằng sau lưng mà nhìn xuống phương Nam. Thế là theo lời hẹn, những chiếc lông ngỗng trên áo Mị Châu đã chỉ lối cho Trọng Thuỷ bám theo rượt bắt. Đến đường cùng, vua lại than rằng “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa vàng nổi lên mặt nước, gầm to “kẻ nào ngồi sau vua chính là giặc”, Vua rút gươm chặt đầu Mị Châu và Rùa vàng rẽ nước đưa vua xuống biển. Nỏ thần là một vũ khí lợi hại, chính nhờ nó mà An Dương Vương đã đánh thắng quân xâm lược nhưng cũng chính nhờ nó mà vua đã trở nên chủ quan khinh địch, mất cảnh giác trước những thủ đoạn xấu xa của quân xâm lược. Vua cũng đã quá cả tin khi nhận lời cầu hôn của Triệu Đà. Nước mất nhà tan là vì nhà vua không nắm rõ nội bộ của đất nước  Ngài không hiểu hết được nỗi lòng của con gái yêu Mị Châu là nàng gái vô cùng ngây thơ, nhẹ dạ cả tin, không một chút mảy may hoài nghi chồng dù là một giây một phút. Nàng đã thực sự yêu Trọng Thuỷ, cũng bởi vì quá tin tưởng ở chàng nên Mị Châu đã vô tình trao cho chàng bí mật quốc gia. Nỗi đau mất nước ấy quả thực là quá lớn lao. Nhưng ta lại càng đau xót cho tình yêu mù quáng của nàng công chúa phương Nam. Mị Châu có đầy đủ phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nhưng cũng từ những phẩm chất ấy, vì tình yêu, nàng đã hại cha, hại vua, hại nước. Trước sau nàng chỉ nghĩ về Trọng Thuỷ và hạnh phúc của nàng. Nàng hết lòng tin tưởng và thương yêu chồng. Nàng đã dành cho chồng một tình yêu hết sức nồng nàn và thiết tha. Ấy vậy mà Trọng Thuỷ – con người bội bạc ấy đã nỡ lòng chà đạp lên tình yêu ấy. Hắn cưới nàng làm vợ hắn với ý định trả thù để xâm lược Âu Lạc. Nhưng Mị Châu quá mê muội, nàng ĐÃ bỏ qua những câu nói lạ lùng, ẩn chứa bao hàm ý của Trọng Thuỷ trong lúc hai người chia tay: “Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước bất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Câu hỏi ấy của Trọng Thuỷ như một nắhcn nhở, cảnh báo trước cho ngành về chuyện không lành sẽ đến với đất nước nàng. Nhưng nàng lại thật thà đáp rằng: “Thiếp thân phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt ly thì đớn đau khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ bứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy có thể cứu được nhau”.

Và chính cái dấu lông ngỗng của nàng đã đẩy hai cha con đến bước đường cùng. Tại sao trong những giờ phút hiểm nguy ấy, quân Đà đang tiến đánh cha mình thế mà nàng lại còn cả tin một cách mù quáng, đi rắc lông ngỗng trên đường để làm hiệu báo cho giặc? Để rồi cuối cùng nàng nhận được từ cha một cái chết đau đớn cùng cực, một cái chết với bao nỗi niềm cay đắng, tủi nhục, một cái chết với những lời cảnh tỉnh muộn màng từ chính cha nàng và nàng. Liệu Mị Châu có xứng đáng để chịu hình phạt ấy không? Thật khó khăn và đau đớn đối với vua An Dương Vương khi nhát gươm chém con chính là ranh giới của tình yêu đất nước thiêng liêng và tình yêu con tha thiết. Nhưng tất cả đều đã muộn màng. Cảnh “quốc phá gia vong”, cơ nghiệp lớn lao phút chốc chỉ còn mây khói đâu chỉ tại mỗi sự mù quáng của Mị Châu mà còn bởi thói chủ quan khinh địch, thiếu cảnh giác của chính nhà vua nữa.

Vậy người xưa muốn nhắn nhủ gì cho con cháu đời sau thông qua truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ “? Đó là một bài học kinh nghiệm lớn lao trong công cuộc giành lại độc lập tự do của dân tộc. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta hãy luôn cảnh giác cao đối với mọi thế lực thù địch nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chuyện cũng là bài học dành cho những bạn đang yêu và sẽ yêu. Hãy đừng vì quá yêu mà trở nên si mê, mù quáng để rồi dẫn đến bị phản bội, lừa dối trong tình yêu. Hãy cứ sống thật với trái tim mình, dành tặng đối phương tình yêu xuất phát từ đáy lòng. Đừng bao giờ chà đạp lên hạnh phúc của kẻ khác như Trọng Thuỷ – một con người mưu mô, tham vọng không biết trân trọng hạnh phúc chân chính và vĩnh cửu trong cuộc đời.