1. Dàn ý tác phẩm Tôi đi học:
a. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: “Tôi đi học” là truyện ngắn nổi tiếng gắn liền với tên tuổi nhà văn Thanh Tịnh.
– Khái quát nội dung tác phẩm: Tác phẩm là dòng hồi tưởng về những kỉ niệm trong sáng của ngày đầu tiên đi học.
b. Thân bài:
Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” trong ngày đầu tiên đến trường:
- Trên con đường tới trường:
– Không gian:
+ Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên được nhân vật “tôi” nhớ lại là thời điểm vào cuối thu, cây cối đang mùa thay lá.
+ Những chiếc lá khô rơi xào xạc trên đường tới trường tưởng như vô tri vô giác nhưng đã trở thành những màu sắc thông điệp, thanh âm riêng khiến lòng người nhớ về ngày khai trường đầu tiên.
– Con người:
+ Hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè trong lần đầu tiên tới trường là hình ảnh trực tiếp tác động đến tác giả để tác giả nhớ tới buổi khai trường của chính mình.
– Tâm trạng nhân vật:
+ Nhớ về những kỉ niệm thuở bé của mình thời đi học
+ Vui sướng, háo hức như buổi khai giảng của chính mình
– Những kỉ niệm của nhân vật tôi:
+ Tác giả nhớ khung cảnh trên con đường đến trường có sương thu và gió lạnh, với con đường dài và hẹp dường như khác lạ so với hàng ngày trong đôi mắt trẻ thơ: “Hôm nay tôi đi học”.
+ Tác giả nhớ từng hành động, từng cảm nhận của chính bản thân mình, từ bộ quần áo đến những hành trang mang theo đều cho thấy sự thay đổi, khôn lớn của cậu bé.
- Tâm trạng nhân vật “tôi” khi tập trung ở sân trường:
– Cảm nhận của cậu học trò về ngôi trường đã có sự thay đổi rõ rệt, vừa có chút ngỡ ngàng, vừa cảm thấy mình nhỏ bé và lo sợ trước ngôi trường đầy uy nghi, trang trọng.
– Cả cậu bé và những người bạn xung quanh đều thấy mình giống “như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Hình ảnh so sánh thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ trong tâm hồn cậu bé và tâm trạng lo sợ, hoang mang trong bước đi đầu tiên của cuộc đời.
– Những suy nghĩ, cảm nhận của cậu bé trước tất cả sự thay đổi, trước bạn bè, trước thầy cô vừa thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ, vừa bộc lộ tâm trạng bối rối, cảm xúc vừa háo hức vừa có chút bơ vơ, lạc lõng bởi đây là lần đầu tiên cậu xa mẹ.
- Tâm trạng nhân vật khi vào lớp và học bài học đầu tiên:
– Nhân vật tôi cảm thấy lớp học là một thế giới khác, cách biệt với thế giới ở bên ngoài bằng khung cửa. Ngồi trong lớp, cậu bé thấy xốn xang những cảm giác lạ và quen xen lẫn nhau, trái ngược nhau bởi đây là giây phút mà cậu bé phải bước vào thế giới tuổi học trò nghiêm chỉnh, tạm biệt thế giới ấu thơ chỉ biết nô đùa, nghịch ngợm.
– Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” không chỉ thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ mà còn khiến mỗi chúng ta nhớ về tuổi thơ của chính bản thân mình, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
Phân tích đặc sắc về nghệ thuật:
– Sự kết hợp giữa phương thức miêu tả và tự sự giúp cho cảm xúc, tâm trạng nhân vật được khắc học vô cùng tinh tế, được thể hiện một cách tự nhiên nhất.
c. Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị nội dung của tác phẩm: “Tôi đi học” không chỉ hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng hình ảnh, mà còn khơi gợi trong người đọc những kỉ niệm riêng, đẹp đẽ, trong sáng của ngày tựu trường của bản thân.
– Liên hệ bản thân, đánh giá: Truyện ngắn “Tôi đi học” làm nên thành công cho nhà văn Thanh Tịnh.
2. Phân Tích Nhân Vật Tôi Trong Bài Tôi Đi Học:
2.1. Bài văn phân tích nhân vật tôi trong bài Tôi đi học số 1:
Chắc hẳn kỉ niệm in đậm trong kí ức mỗi người về một thời học trò có lẽ là điều có rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ nhất đời. Đó là quãng thời gian ta được sống vô tư hồn nhiên, luôn nụ cười trên khuôn mặt trẻ thơ. Và khoảnh khắc lần đầu tiên đi học đáng nhớ đã được tác giả Thanh Tịnh tái hiện đầy xúc cảm qua truyện ngắn “Tôi đi học”.
Thanh Tịnh tên là Trần Văn Ninh (1911-1988) quê ở Huế. Ông là một người có năng khiếu về văn chương từ nhỏ, ngay từ năm 1933 ông đã bắt đầu sáng tác. Ông sáng tác nhiều thể loại nhưng thành công nhất là thể loại truyện ngắn và thơ. Văn của ông thường thấm đượm cảm xúc êm dịu và trong trẻo mà cũng man mác mang sự buồn thương, sâu lắng, giọng văn nhẹ nhàng như thủ thỉ tâm tình nên các tác phẩm của mà Thanh Tịnh viết đều làm đọng lại trong lòng người đọc chút bâng khuâng ít nhiều.
Truyện ngắn “Tôi đi học” được in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941. Câu truyện là một thiên hồi ức xúc động về những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên từ ba mươi năm về trước. Bài văn được sắp xếp theo diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” phát triển song song cùng các sự kiện đáng nhớ về ngày đầu tiên đi học theo trình tự thời gian.
Từ cảnh cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường, cảnh cậu bé hồi hồi hộp chờ nghe thầy giáo gọi đến tên mình, cậu bé có chút lo lắng khi phải rời xa vòng tay mẹ để cùng các bạn vào nhận chỗ trong lớp mới vào giờ học đầu tiên.
Mở đầu truyện ngắn, tác giả phác họa khung cảnh thiên nhiên của mùa tựu trường – mùa thu thường mang cả nét đẹp và cũng có nét buồn. Những biến chuyển của thiên nhiên làm cho tác giả nhớ về những ngày xưa cũ: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường…” Mạch cảm xúc được mở ra bằng câu văn này hết sức tự nhiên nhưng cũng đầy thi vị. Nghệ thuật so sánh cùng với những hình ảnh giừ sức gọi được tác giả kết hợp và sử dụng khéo léo đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên với những nét đơn giản nhưng cũng đầy lãng mạn, mơ mộng của không gian đất trời sang thu có sắc lá vàng phai, có mây bạc lãng đãng trôi trên bầu trời mênh mông xanh thẳm.
Ngoài hình ảnh trời đất sang thu, hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón lá của mẹ ngày lần đầu tiên đi đến trường cũng khiến nhà văn hay nhân vật tôi nhớ lại ngày đầu tiên đi học khó quên của mình. Thời gian trôi qua mấy chục năm nhưng một cậu bé ngày xưa vẫn nhớ như in: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Tâm trạng bồi hồi, cảm giác mới mẻ của cậu khi được mẹ dắt đến trường trên con đường được diễn tả rất tinh tế”.
Cảm nhận khi trên con đường tới trường, “Con đường này tôi quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy là cảnh vật xung quanh đều thay đổi”. Ngay lập tức sau đó cậu bé đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự lạ lùng ấy là “vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”. Điều đó có nghĩa là cậu bé đã thay đổi rồi, đã lớn hơn và từ nay về sau cậu sẽ không còn được nô nghịch vô ý như trước, không còn được lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô đùa như thằng Sơn.
Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật cậu bé trên đường tới trường thật chân thực và xúc động: “Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc tuổi tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì nốt…”.
Vào ngày đầu tiên đi học được mặc lên mình bộ quần áo mới, cậu thấy mình dường như đã trở thành người lớn cho nên tất cả mọi thứ cũng đều thay đổi theo, từ chính suy nghĩ và cảm nhận ấy làm cho hành động của cậu trở nên khác hơn so với thường ngày. Mọi cử chỉ, hành động đều trở nên vụng về, lúng túng, từ đây cậu không được tự do chạy nhảy, nhìn đám học trò lớp trên nhí nhảnh cậu cố kìm nén lại càng thêm hơn.
Khi chuẩn bị đồ đi học, có hai quyển vở có đáng gì mà cậu lại thấy nó nặng trong khi các bạn khác mang nhiều đồ hơn lại không thấy khó khăn gì. Chính suy nghĩ không muốn thua kém bạn bè và tỏ ra là mình lớn đó, cậu xin mẹ được cầm cả bút thước nhưng nghe mẹ bảo để mẹ cầm thì trong đầu cậu nảy ra ý nghĩ vô cùng ngây thơ: “chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Hồi tưởng lại tâm trạng ấy, tác giả đã thích thú mà nhận xét: “Ý nghĩa ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”.
Hình ảnh so sánh trong câu văn trên vừa trong sáng, đẹp đẽ mà rất phù hợp tâm lí trẻ thơ. Cậu bé choáng ngợp trước khung cảnh sân trường làng Mĩ Lí dày đặc cả người, người nào cũng quần áo tươm tất, sạch sẽ, gương mặt vui tươi sáng sủa. Cậu nhớ lại cảm tưởng của mình về ngôi trường lúc cậu chưa đi học, đó là thái độ dửng dưng: “Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang qua làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần, lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ…”.
Nhưng bây giờ đây, khi chuẩn bị chính thức là một cậu học trò, cậu bỗng thấy ngôi trường trở nên oai nghiêm khác thường và mình quá đỗi nhỏ bé so với nó. Vì vậy mà cậu lo sợ vẩn vơ, bởi trước mắt cậu là cả thế giới mới mẽ, cậu và những đứa bạn cùng trang lứa khác không khác gì những con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. Trí óc non nớt cậu không hình dung những điều xảy ra trong ngôi trường đẹp đẽ này mà cậu lo sợ, khao khát tìm hiểu bạn bè thầy cô trong ngày đầu: “sau một hồi trống vang dội cả lòng tôi…”.
Đoạn văn với các hình ảnh chi tiết được tả thực, tái hiện buổi học đầu tiên đầy sinh động, từ giây phút đợi gọi tên cũng đầy thấp thỏm lo âu, lo sợ khi sắp phải rời xa vòng tay mẹ, cho đến khi khi ngồi yên trong lớp đón nhận giờ học đầu tiên, cậu cảm thấy vừa xa lạ vừa gần gũi với mọi vật xung quanh: “một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng cảm thấy là và hay.” Để rồi vừa ngỡ ngàng và cũng tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đầu tiên của đời mình: “ tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc”.
Như vậy truyện ngắn “tôi đi học” của tác giả Thanh Tịnh đã để lại trong chúng ta chút bồi hồi bâng khuâng khi nhớ về buổi tựu trường đầy lưu luyến, đó là khoảnh khắc chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí mỗi người.
2.2. Bài văn phân tích nhân vật tôi trong bài Tôi đi học số 2:
Thanh Tịnh là nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam với thể loại truyện ngắn và thơ. Truyện của ông nổi tiếng với chất văn đằm thắm, trữ tình, mà cũng thấm đượm cảm xúc êm đềm, trong trẻo và phảng phất chất thơ.Truyện ngắn “Tôi đi học” xuất bản năm 1941, được in trong tập “Quê mẹ” là một trong những tác phẩm nổi tiếng mà bạn học nào cũng biết đến. Truyện đã ghi lại chân thực diễn biến tâm trạng hồi hộp háo hức của nhân vật “tôi” trong buổi khai trường.
Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh dặc trưng của mùa thu với lá rụng xao xác, sáng sớm tinh mơ đầy sương thu và gió lạnh. Hình ảnh cậu bé háo hức, nắm tay mẹ đến buổi tựu trường đầu tiên hiện lên đầy rõ nét. Cũng là con đường hằng ngày vẫn đi ấy, nhưng hôm nay khung cảnh sao thấy lạ. Ngay sau đó chũng ta đã nhận được câu trả lời, tất cả cảnh vật cùng đều thay đổi vì trong lòng “tôi” có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Cậu bé thấy tự cảm thấy mình có sự thay đổi, đã lớn hơn, đã trưởng thành hơn, và cũng không còn những buổi lội sông, buổi ra đồng như đám thằng Quý, thằng Sơn nữa.
Cái buổi tựu trường thật quý giá biến bao. Khoác trên người chiếc áo vải, cầm trên tay cuốn vở còn thơm mùi mới, cậu thấy sao mình trông “trang trọng và đứng đắn” hẳn. Bên cạnh đám bạn bằng tuổi, ríu rít gọi tên nhau, trao nhau xem từng trang vở, điều đấy dần thành những kỉ niệm. Ôm trong tay quyển vở mới, cậu thoáng chút nghĩ ngây thơ: chắc chỉ có ngươi thạo mới cầm được bút. Ý nghĩ thoáng qua “ như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi” làm nổi bật suy nghĩ trong sáng của cậu học trò trong buổi khai trường đầu tiên.
Bước đến ngôi trường, một cảm giác bỡ ngỡ và lạ lẫm dâng trào khi cậu bị choáng ngợp giữa sân trường đông vui và ngộn nhịp. Ngôi trường to, đẹp, sạch sẽ và ngăn nắp, mọi người ai cũng ăn mặc gọn gàng, tươm tất. Cậu bé cảm thấy ngôi trường Mỹ lý hôm nay tự nhiên oai nghiêm hẳn như cái đình làng Hòa Ấp vậy. Nhân vật “tôi” cảm thấy, buổi tựu trường với bao cảm xúc, nói thật bồi hồi, bỡ ngỡ nhưng rất đỗi thiêng liêng.
Nhân vật “tôi” bỡ ngỡ, rụt rè nép bên mẹ như, cậu cũng như bao bạn bè cùng trang lức khác, như “con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng, e sợ”. Đây là hình ảnh so sánh cực đặc sắc của Thanh Tịnh, như muốn giãi bày sự tự do, muốn bay đến chạm đến những thế giới kì diệu mới, nhưng bản thân còn đang bỡ ngỡ. Chỉ một chút nữa thôi, cái bỡ ngỡ ban đầu ấy sẽ tan biến và cậu bé sẽ thoải mái bay đi tìm bến bờ tri thức.
Tiếng trống trường ngày khai giảng vang lên từng hồi, làm có trái tim cậu bé cứ thôi thúc từng nhịp, giục giã vang lên bao trùm xunh quanh ngôi trường Mĩ Lý xinh đẹp. Xếp hàng vào lớp, bao cô bé, cậu bé òa khóc không nỡ khi giờ đây phải rời xa vòng tay cha mẹ. Nhân vật “tôi” cũng vậy, cậu cũng không nỡ xa tay mẹ. Được thầy giáo mỉm cười chào đón, cậu cảm thấy cô đơn vì lần đầu tiên xa đi học xa mẹ.
Ngồi trong lớp, nhân vật “tôi” thấy mọi thứ xung quanh như xa lại nhưng lại rất đỗi thân thương. Thầy giáo trẻ mỉm cười chào đón, các bạn học mới cũng rất thú vị và đáng yêu. Cậu nghiệm túc bắt đầu bài học đầu tiên, những bài học từ bây giờ sẽ đưa cậu đến những phương trời mới, những thế giới diệu kỳ.
Tác phẩm làm sống dậy tuổi thơ tươi đẹp với ngày tựu trường với bao nhiêu cảm xúc của mỗi người đọc, khiến độc giả nhớ ghi. “Tôi đi học” là truyện ngắn đặc sắc, là một “tấm vé” đưa mỗi chúng ta trở về thời thơ ấu và tác phẩm sẽ sống mãi cùng thời gian.