Chiến thắng vang dội của Oppenheimer tại các lễ trao giải lớn như Quả Cầu Vàng, Oscars cho thấy dòng phim tiểu sử vẫn đủ sức hấp dẫn để chinh phục đại chúng khi các nhà làm phim biết cách làm sống dậy các nhân vật có thật bằng lối kể chuyện sáng tạo, không đi theo lối mòn. Ngoài ra, đâu là những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của một bộ phim tiểu sử và hướng đi nào dành cho các nhà làm phim theo đuổi dòng phim này trong tương lai?
Sự trỗi dậy của dòng phim tiểu sử
Biopic/Biographical film – phim tiểu sử, là tác phẩm kể lại câu chuyện về cuộc đời một con người có thật, nhưng không nhất thiết phải được xây dựng hoàn toàn phi hư cấu. Với thể loại này, các biên kịch được trao quyền tự do sáng tạo và có cơ hội định hình câu chuyện theo ý thích của riêng họ. Vì lẽ đó, khác với phim tài liệu, phim tiểu sử mang lại cái nhìn cá nhân, sâu sắc hơn về cuộc sống của một nhân vật.
Bản thân thể phim tiểu sử không phải là đề tài mới. Nó là mạch chủ lưu trong dòng chảy lịch sử điện ảnh của hầu hết quốc gia, với loạt các tác phẩm kinh điển có thể kể đến như Judith of Bethulia (1914), Young Mr. Lincoln (1939), Lawrence of Arabia (1962), Raging Bull (1980) hay Catch Me If You Can (2002). Bắt đầu từ đầu những năm 2000, số lượng phim tiểu sử được sản xuất ở Hollywood bắt đầu tăng lên – xu hướng này tiếp tục kéo dài đến những năm 2010. Và thời điểm 2024, phim tiểu sử gần như là một thể loại “nóng bỏng” hàng đầu khi thu hút hàng loạt đạo diễn tên tuổi ở kinh đô điện ảnh và càn quét khắp các lễ trao giải danh giá nhất nhì hành tinh.
Năm 2018, Bohemian Rhapsody thu về cho hãng 20th Century Fox hơn 900 triệu USD toàn cầu và giành 4 giải Oscar cho các hạng mục quan trọng bao gồm Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Âm thanh xuất sắc nhất và Nhạc phim xuất sắc nhất. Sự thành công vượt xa kỳ vọng của Bohemian Rhapsody được cho là dấu hiệu của sự hồi sinh dòng phim tiểu sử.
BlackBerry, được phát hành vào tháng 5/2023, chiến thắng nhiều giải thưởng quan trọng tại LHP Berlin khi tái dựng thành công hành trình của sự trỗi dậy phi thường, sự sụp đổ ngoạn mục của doanh nghiệp đứng sau những chiếc điện thoại di động BlackBerry. Trong khi đó, sao nam của bộ phim Elvis – Austin Butler đã giành được Quả cầu vàng qua màn trình diễn cuốn hút trong vai danh ca thập niên 50 Elvis Presley. Priscilla của nữ đạo diễn Sofia Coppola cũng thu hút được lượng lớn khán giả tại phòng vé và nhận nhiều hoan nghênh từ giới hàn lâm. Đây là bộ phim kể câu chuyện về Priscilla Presley, người vợ của Elvis. Song song, Napoleon, theo chân cuộc đời Hoàng đế Pháp do Joaquin Phoenix đóng chính ra rạp vào cuối năm 2023 cũng nhận về nhiều phản hồi tích cực.
Nhìn từ các đề cử Oscar 2023, có thể thấy một lượng lớn các bộ phim tiểu sử đang dần chiếm lĩnh bảng danh sách. Oppenheimer – tác phẩm đến từ Christopher Nolan – một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh đương đại – thắng áp đảo tại Oscar 2024 diễn ra đầu tháng 3 khi xuất sắc được gọi tên ở 7 trên tổng số 13 đề cử, trong đó bao gồm Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Cillian Murphy, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Christopher Nolan và Phim hay nhất.
Còn phải kể đến Maestro bản tình ca đẹp đẽ với sự tham gia của Bradley Cooper kể về cuộc đời của nhạc trưởng Leonard Bernstein và người vợ của mình, Felicia Montealegre. Killer of The Flower Moon “điện ảnh hóa” lịch sử thảm khốc của người da đỏ trên đất Osage, Nyad theo chân một vận động viên bơi lội hay Rustin kể về cuộc đời của nhà hoạt động dân quyền Bayard Rustin. Đó là chưa kể các tác phẩm chung dòng tiểu sử có xuất thân từ các hãng điện ảnh độc lập như The Iron Claw, Straight Outta Compton, Air… đều để lại nhiều dấu ấn tích cực trên bản đồ điện ảnh.
Thành tựu vang dội mà các bộ phim tiểu sử mang về có thể xem là sự hồi sinh vẻ vang của một hình thức chưa bao giờ biến mất nhưng đang dần tiệm cận với đỉnh vinh quang ở thời điểm hiện tại. Cùng sự khởi động của loạt tác phẩm đầy tiềm năng chinh phục thị trường chiếu bóng về Ronnie Spector, Bob Dylan, Carole King và Fred Astaire… có thể nói phim tiểu sử đang trở thành một vị khách quen mặt trên lịch trình khởi chiếu.
Điều gì đang thúc đẩy trào lưu làm phim tiểu sử?
Một trong những lý do khiến các bộ phim tiểu sử trở nên phổ biến là bởi chúng mang đến sự kết hợp độc đáo giữa thực tế và hư cấu. Mặc dù các tình tiết, sự kiện được xây dựng trong những bộ phim này là dựa trên những câu chuyện có thật nhưng chúng thường được sắp xếp và cô đọng trong thời lượng 2 -3 giờ với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Như đã nói, phim tiểu sử không “gông cùm” những ý tưởng sáng tạo đột phá và cảm quan cá nhân của người cầm trịch. Điều này cho phép các nhà làm phim tạo ra những tác phẩm hấp dẫn, vừa bắt nguồn từ thực tế lại vừa có thể vùng vẫy trong sự sáng tạo tự do nhằm làm cho bộ phim trở nên thu hút, thuyết phục hơn theo cách của họ.
Mặt khác, đầu tư tiền vào một bộ phim luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể và một vài thất bại lớn về ngân sách có thể khiến một hãng phim đứng trước bờ vực phá sản. Do đó, việc kết hợp việc sản xuất và phát hành các bộ phim có kinh phí nhỏ hơn song song với dòng phim đòi hỏi mức kinh phí lớn sẽ góp phần cân bằng cán cân tài chính, giúp giảm thiểu đáng kể yếu tố rủi ro. Đặt trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi từ dư chấn hậu đại dịch, ảnh hưởng từ cuộc đình công kép lịch sử, phim tiểu sử – thường được sản xuất với kinh phí hạn chế, lại sẵn được công chúng biết đến, trở thành “vị cứu tinh” hàng đầu của Hollywood.
Minh chứng là Bohemian Rhapsody năm 2018 đã thu về con số đáng kinh ngạc 910 triệu USD trên kinh phí sản xuất ước tính 55 triệu USD. Thành tích khủng của bộ phim không chỉ khiến Bohemian Rhapsody trở thành bộ phim tiểu sử có doanh thu cao nhất từ trước đến thời điểm đó mà còn là bộ phim truyền hình có doanh thu cao nhất trong lịch sử hãng phim. Một tác phẩm kinh phí trung bình kiếm được gần tỷ USD, đó là câu chuyện vốn được xem như cổ tích thành thực. Bohemian Rhapsody cũng giành được bốn giải Oscar, trong khi Elvis nhận được sáu đề cử bên cạnh doanh thu ấn tượng là 287 triệu USD toàn cầu.
Bỏ các vấn đề về mặt hình thức, kinh phí, sức hút của các bộ phim tiểu sử còn nằm ở mối liên kết của khán giả đại chúng với những biểu tượng văn hóa đại chúng trên đất nước họ. Những câu chuyện này mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của ngôi sao, trình diện mảng tối và góc khuất trong cuộc đời họ nhưng cũng nói về những nỗ lực và vinh quang mà họ có được sau những vấp ngã.
Thành công của những bộ phim tiểu sử đã minh chứng rằng khán giả vẫn khao khát tìm kiếm sự quen thuộc mà những bộ phim này mang lại, đặc biệt là trong thời đại thống trị của loạt tác phẩm nhượng quyền. Hình ảnh một Elvis nhảy nhót trên sân khấu Las Vegas, hình ảnh ngôi nhà Graceland, những bộ trang phục màu hồng sến, cách quản lý Tom Parker gọi anh là trái cấm… hay khoảnh khắc Marilyn Monroe nhảy điệu Diamonds Are a Girl’s Best Friend, bức hình kinh điển khi chiếc váy trắng của cô bị một cơn gió thổi bay… khơi dậy trong khán giả tuổi thanh xuân của chính mình, về thời đại của Rock and Roll, của hippy style, của những cô gái mặc váy Biba, những chàng trai vận ủng Chelsea… và hơn hết gợi lên hoài niệm về một thời đại vinh quang, nhiệt huyết đã mãi trôi xa.
Hoài niệm và tôn vinh hay dấu hiệu của lạm dụng và cạn nguồn ý tưởng?
Bất chấp sự trỗi dậy mạnh mẽ của phim tiểu sử, cũng tồn tại không ít chỉ trích phía sau thể phim này. Với sự pha trộn giữa thực tế và hư cấu, phim tiểu sử mang đến cho khán giả một hình thức giải trí độc đáo và hấp dẫn nhưng cũng từ quyền được hư cấu đã làm nảy sinh một hệ quả nghiêm trọng là tính nguyên bản bị mất đi.
Các nhà làm phim Hollywood thậm chí có thể tự tạo ra những câu chuyện nhân danh có thật, dành riêng cho một cá nhân. Một số đánh giá cho rằng những bộ phim này đang cố tình “tẩy trắng” cuộc đời của các chủ thể, che đậy sai sót và tranh cãi của họ để trình bày một câu chuyện hiện thực theo phiên bản dễ xem, dễ đồng cảm hơn.
Có một ranh giới mong manh giữa việc trình bày cuộc đời sau ánh hào quang của những nhân vật nổi tiếng và việc lãng mạn hóa cuộc đấu tranh của họ. Và khi các đạo diễn không chủ đích tái hiện câu chuyện để nói lên sự thật mà để thể hiện tính thẩm mỹ cá nhân, lời kể của những người nổi tiếng dễ dàng bị thay đổi, kịch tính hóa mà không được xây dựng chính xác.
Dù sở hữu nhiều thành tích ấn tượng, Elvis cũng không tránh khỏi bị chỉ trích vì những lý do kể trên khi được cho là “lãng mạn hóa” hình ảnh, sự nghiệp của Elvis, vào tính thẩm mỹ của nhạc Rock n Roll thập niên 50 và bỏ qua hiện thực về mối tình với nàng Priscilla khi đó mới chỉ 14 tuổi. Bohemian Rhapsody và Straight Outta Compton cũng đón không ít phê bình bởi việc xem nhẹ tính chính xác.
Xem thêm
• Những bộ phim tôn vinh giá trị phụ nữ trên Netflix
• [Review Phim] “Doctor Slump” – sức hút từ những điều bình dị nhưng sâu sắc
• [Review Phim] “Exhuma” – Khi văn hóa pháp sư và tôn giáo dân gian hồi sinh rạp chiếu
Blonde phim tiểu sử về Marilyn Monroe nhận về phản ứng dữ dội hơn cả và bị xem là “bản giao hưởng của những lời dối trá” khi sa chân vào con đường “bi kịch hóa” cuộc đời của Marilyn. Blonde đào sâu các vết thương trong cuộc đời của cô và miêu tả Marilyn như nạn nhân của lạm dụng tình dục, bệnh tâm thần mà bỏ qua nét đẹp trong tính cách, nỗ lực và những cống hiến của nữ diễn viên sinh năm 1926. Michael – phim kể về cuộc đời của Michael Jackson dù chưa ra mắt đã gây nên nhiều tranh cãi gay gắt khi được tiết lộ là từ chối lồng ghép loạt cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của danh ca huyền thoại thập niên 70.
Song song, có rất nhiều lo ngại về sự thiếu đa dạng, lạm dụng tài liệu nguồn trong phim tiểu sử bởi thay vì tạo ra các nội dung mới mẻ, các hãng phim đang ngày càng tỏ ra tham vọng với những câu chuyện, những nhân vật đã có từ trước và hơn cả là những câu chuyện, những nhân vật “của chung”. Theo tờ Study Breaks, nhiều người tin rằng phim tiểu sử không xứng đáng được đề cử giải Oscar hay Quả cầu vàng vì chúng thường mang lại cảm giác giống như một cuộc thi về mức độ nổi tiếng hơn là cơ hội để vinh danh và công nhận giá trị của một tác phẩm điện ảnh. Vì những nhân vật mà bộ phim xoáy sâu vào đều là người nổi tiếng, điều này có thể thúc đẩy quan niệm sai lầm rằng phim tiểu sử của họ phải được đón nhận nồng nhiệt.
Dù thế, hiện tại không thể đưa ra phản hồi khẳng định hay phủ định nghi vấn trên nhưng chắc chắn dòng phim tiểu sử chưa có dấu hiệu chạm điểm bão hòa hay trở thành minh chứng cơn khát ý tưởng trên đất kinh đô. Khi phim siêu anh hùng thất thế, ngôi vương phòng vé tất yếu sẽ trao cho người kế nhiệm mà phim tiểu sử đang là ứng cử viên tiềm năng nhất. Đi kèm giá trị nhân văn, tính thời đại, cộng hưởng bởi sức mạnh của văn hóa đại chúng… phim tiểu sử dù về nhân vật nổi tiếng, sự kiện lịch sử, phong trào… đều nhận được những quan tâm nhất định.
Những tranh cãi hiện tại không gây ảnh hưởng đến tần suất sản xuất phim tiểu sử. Trong tương lai gần, khán giả có thể mong đợi những bộ phim như A Complete Unknown với sự tham gia của Timothée Chalamet trong vai Bob Dylan, Weird: The Al Yankovic Story với sự tham gia của Daniel Radcliffe, Beautiful với Daisy Edgar-Jones trong vai Carole King hay Selena Gomez dự kiến đóng chính vai trong phim tiểu sử về Linda Ronstadt…