Tình này ví xẻ làm tư
Khán giả tinh tường bảo rằng, Phồn hoa có 30 tập, tâm của nó nằm ở tập 14- 15, khi Tuyết Chi (Đỗ Quyên), mối tình đầu của A Bảo (Hồ Ca) xuất hiện, đi kèm cùng sự xuất hiện của nàng là bản nhạc Đánh cắp trái tim của Trương Học Hữu. Tâm của Phồn hoa đích thực là một trái tim. Bộ phim này, dù bề ngoài là chuyện A Bảo chiến đấu trên thương trường Thượng Hải, nhưng sâu thẳm chỉ có một chữ tình.
A Bảo là chàng trai sinh ra trong gia đình tư sản đã lụn bại. Sau, anh bái chú Gia (Du Bổn Xương) làm quân sư, nhờ sự giúp đỡ của ông mà xây dựng cơ nghiệp trở thành Bảo tổng lừng danh khắp Hoàng Hà phố. Tất cả âu cũng chỉ vì một chữ tình. Anh phấn đấu là vì Tuyết Chi rời bỏ anh những năm cơ hàn, nói rằng “con người phải luôn tiến tới chỗ cao hơn”. Là vì lời hẹn ước với nàng, 10 năm sau nhất định gặp lại sẽ khiến nàng hối hận.
Dẫu nói rằng trái tim mình đã dành hết cho thương trường đỏ lửa, nhưng chính ngay trên trận địa thương trường, anh tao ngộ ba người phụ nữ: một Uông tiểu thư (Đường Yên) trong sáng, từng sẵn sàng vứt bỏ tất cả vì anh; một Linh Tử (Mã Y Lợi) mồm miệng chặt chém nhưng thâm ái tri giao, có tình có nghĩa; một Lý Lý (Tân Chỉ Lôi) bí ẩn, khó lường, lúc là thù khi là bạn. Cộng cả Tuyết Chi là bốn người, anh yêu ai? Đó là câu hỏi được bàn nhiều nhất sau khi Phồn hoa kết thúc.
Nếu đã đọc nguyên tác Phồn hoa của Kim Vũ Trừng, vốn dĩ được giới phê bình Trung Quốc ca ngợi như “tiểu thuyết hay nhất về Thượng Hải”, thậm chí còn được cho là “đã đạt đến cảnh giới như Hồng Lâu Mộng”, sẽ thấy tác phẩm cải biên của Vương Gia Vệ khác rất xa. Năm xưa Vương xào xáo thiên hạ ngũ tuyệt của Kim Dung thế nào để tạo nên một thế giới tình của riêng mình trong Đông Tà Tây Độc, thì nay ông cũng phóng tác những câu chuyện tình trong Phồn hoa theo một cách riêng như thế.
Mô-típ “tình này ví xẻ làm tư, bốn người bốn vẻ biết chừa cho ai” trong tác phẩm của Vương không khỏi khiến người ta nhớ đến giấc mộng Xuân về bốn thiếu nữ của Trương Vô Kỵ trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung. Tuyết Chi, “ánh trăng sáng chói” trong lòng A Bảo cũng giống như nàng Chỉ Nhược mà Vô Kỵ gặp lần đầu bên sông Hán Thủy, sau này dẫu bị nàng giày vò bao nhiêu cũng cam lòng. Uông tiểu thư hẳn nhiên có dáng dấp của nàng Tiểu Chiêu trong trẻo mà Vô Kỵ hận không thể chở che vĩnh viễn. Linh Tử sẻ chia với A Bảo nỗi khốn khó nơi xứ người cũng như Ân Ly tương ngộ Vô Kỵ lúc cả hai đều ở tình trạng phế nhân, là người mà A Bảo không đành lòng buông tay, chỉ đợi nàng buông tay trước. Và Lý Lý đầy toan tính, cùng với A Bảo như hai kẻ săn mồi rình rập nhau trong đêm, nàng hẳn phảng phất hình tượng “yêu nữ” Triệu Mẫn mà Vô Kỵ nửa si mê nửa đề phòng. Nhưng chí ít, kiếm hiệp vẫn có khía cạnh không tưởng của kiếm hiệp, còn với Phồn hoa, chuyện đời như nước chảy, nuối tiếc là muôn đời, ngay cả khi A Bảo tưởng như đã chọn được người ở bên mình thì anh lại không còn quyền chọn lựa nữa.
–
Mê muội không hối hận
Các nhân vật của Vương Gia Vệ dù luôn bập bềnh trong cảm thức yêu nhưng lại hiếm khi thực sự trở thành tình lữ của nhau. Họ lúc nào cũng trong tình thế “quizás, quizás, quizás” (có lẽ, có lẽ, có lẽ). Yêu, với Vương Gia Vệ, là một trạng thái nhiều hơn một hành động. Và vì thế, tình yêu đẹp nhất là khi nó chưa thực sự thành hình, mà chỉ như những làn khói nước mập mờ che khuất khuôn mặt người yêu.
Trong Phồn hoa, có nhiều cảnh khói nước mập mờ như vậy: khi A Bảo cùng Tuyết Chi ngồi trong một quán lẩu nơi hơi nước cuồn cuộn không thể nhìn rõ mặt nhau, hay khi A Bảo giúp Uông tiểu thư bóc những con tem bên nồi nước đang sôi, và hơi nước bay lên làm mờ bóng hình nàng. Từ đầu đến cuối phim, không có lời tỏ tình, chỉ có lời chia tay, nhưng những cung bậc yêu vẫn ẩn hiện, vẫn sóng sánh trong từng khuôn hình của Phồn hoa, từ cách ông chọn một bản nhạc đi kèm, chọn màu ánh sáng, chọn món ăn mà họ cùng thưởng thức với nhau, chọn không gian họ đi bên nhau.
Đó là cảnh A Bảo chia tay Lý Lý trên đường, nàng tinh quái bảo anh sẽ phải quay lại tìm em, và quả nhiên chỉ mấy phút sau, trời đổ mưa, A Bảo trở lại che ô đưa Lý Lý về nhà – một cảnh phim mà hai con người như đang khiêu vũ một điệu tango uyển chuyển. Đó là cảnh A Bảo sửa mái nhà dột cho Linh Tử, nhưng sửa ba lần nhà vẫn dột, như ngụ ý kết cục của hai người. Đó là cảnh Uông tiểu thư và A Bảo chạy trên đường, Uông tiểu thư rớt lại phía sau, A Bảo quay đầu nhìn nàng trong ánh hoàng hôn, phút chốc rung động như thấy toàn bộ quá khứ đã qua không thể vãn hồi, hàm ý nàng là sự vô tư tuổi trẻ mà anh muốn níu giữ. Đó là góc nghiêng trắng như tuyết của Tuyết Chi, đẹp mà lạnh lẽo, mãi mãi là mộng tưởng không chạm tới được của A Bảo.
Và còn biết bao nhiêu cảnh tình khác, của những nhân vật khác, những người cũng yêu và yêu sâu đậm. Dẫu ca khúc Chấp mê bất hối của Vương Phi được Vương Gia Vệ dành riêng cho những đoạn tình cảm của Uông tiểu thư đối với A Bảo, với những lời hát như “Dù đây là sự chấp mê đi chăng nữa, em cũng nguyện chìm sâu và không bao giờ hối hận”, nhưng hình như ai trong Phồn hoa cũng có một phương diện Uông tiểu thư, một nỗi cố chấp để bản thân trầm túy trong chữ tình, kể cả khi chẳng nhìn rõ được bản lai diện mục của tình yêu.
Xem thêm
• 5 bài học cuộc sống nổi bật từ bộ phim Hàn “Nữ Hoàng Nước Mắt”
• 7 yếu tố giúp các bộ phim Hàn thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu
• 5 bộ phim Hàn – Trung gây sốt trong tháng 3 và tháng 4
Trong đời thực, Vương Gia Vệ từng kể rằng năm 19 tuổi, lần đầu gặp Trần Dĩ Căn, người vợ tương lai của mình, chàng đã xin số điện thoại của nàng, và nàng chỉ cho 5 trên 6 số. Có lẽ vì thế mà trong phim, Vương luôn thích những đáp án mập mờ, không đầy đủ. Phải chăng, cảnh phim Lý Lý ngủ trên ghế sau xe hơi của A Bảo, và A Bảo đạp ga phóng xe trong đêm khuya vắng là một ẩn dụ của tình dục? Phải chăng, đến tận cuối cùng, A Bảo vẫn vương vấn Tuyết Chi, và anh đã đi trồng hoa chỉ vì câu nói trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió mà nàng từng yêu thích? Phải chăng, A Bảo và Uông tiểu thư sẽ có ngày tương phùng, nếu không, tại sao ở cảnh họ bỏ lỡ nhau vì 500 mét sông Hoàng Phố, Vương lại cố tình chọn góc quay hệt như cảnh khi hai người vui vẻ nhất bên nhau? Nghĩ xa hơn, nếu chuyện tình của A Bảo quả được lấy cảm hứng từ Trương Vô Kỵ, mà lúc sinh thời, Kim Dung vẫn nói tiếc nhất vì Vô Kỵ phải chia cắt với Tiểu Chiêu, vậy phải chăng đây là cách Vương giúp lão sư nuôi hy vọng cho hai người?
Nhưng nào đã hết. Ngoài bốn người phụ nữ thời trưởng thành, Phồn hoa còn ẩn hiện một thiếu nữ không gương mặt, người bạn thơ ấu đã khuất xa của A Bảo – nàng chỉ có một cái tên, Bội Đế, hay Betty, và những gì còn lại về nàng chỉ rải rác trong tiếng piano nhà bên, trong hình ảnh một chú cá vàng mà A Bảo luôn đặt bên đầu giường, trong cái tên tiếng Anh mà Tuyết Chi chọn sau này. Phải chăng, sự hiện diện không gương mặt ấy mới chính là sự hiện diện vững chãi nhất trong sâu thẳm tâm hồn của A Bảo?
Có rất nhiều câu hỏi. Nhưng mỗi câu hỏi lại có quá nhiều cách trả lời. Cũng như con số cuối cùng trên số điện thoại của Dĩ Căn, con số ấy nằm ở đâu? Và là số nào? Có biết bao nhiêu khả thể. Vương Gia Vệ lúc ấy không biết được, chỉ có thể lần lượt thử ra. Muôn mặt tình yêu trên đời này, ai mà biết hết, chỉ có thể chập chững, lờ mờ đoán mà thôi.