1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm Những chiếc lá thơm tho:
1.1. Tác giả:
– Tác giả: Trương Gia Hòa, Sinh năm: 1975, quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
– Trương Gia Hòa bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình từ giữa những năm 1990 khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô làm Biên tập viên Nhà xuất bản Văn Nghệ, Biên tập viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, báo Pháp Luật. Nhưng sau vì lí do sức khỏe nên cô làm việc tự do, là cây bút viết tản văn rất có duyên
– Phong cách sáng tác: Ngôn ngữ văn chương của Trương Gia Hòa được thể hiện một cách tự nhiên, mạch lạc, trữ tình quyến rũ, văn của cô không hề chứa đựng bất kỳ cảm giác đau buồn nào, thậm chí là còn mang tính hóm hỉnh, lạc quan về tình yêu và cuộc sống.
– Nhà thơ đã có nhiều bài thơ, tản văn và truyện ngắn in trên các báo và tạp chí, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến của cô như: Tập thơ đầu tay “Sóng sánh mẹ và anh” của chị xuất bản năm 2005; Tập sách “Đêm nay con có mơ không?” gồm 45 bài chọn lọc (tản văn, 2017); Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (tản văn, 2018)
1.2. Tác phẩm Những chiếc lá thơm tho:
– Thể loại: Truyện ngắn
– Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: In trong cuốn Ban mai xanh, xuất bản năm 1994.
– Phương thức biểu đạt: Tự sự kể theo ngôi thứ nhất.
– Bố cục: 2 phần:
+ Đoạn 1. Từ đầu đến “trở về cát bụi”: Tuổi thơ trong tâm trí của nhân vật tôi.
+ Đoạn 2: Tiếp đến “những đường gân lá”: Hình ảnh người bà trong quá khứ gắn liền với tuổi thơ của nhân vật tôi.
1.3. Tóm tắt văn bản Những chiếc lá thơm tho:
Văn bản “Những chiếc lá thơm tho” kể về câu chuyện tuổi thơ loanh quanh trong sân vườn của tác giả. Tác giả nhớ về hình ảnh người bà gắn liền với những chiếc lá, đó là những kỉ niệm tuổi thơ sâu sắc mà không thể quên. Tác giả nhớ cả về khoảng thời gian khi mình bị ốm, cũng nhờ chính những chiếc lá của bà được bà nấu lên thành những nồi lá xông giúp cháu nhanh hết bệnh. Sau này khi người cháu lớn lên, cuộc sống đã có rất nhiều thứ thuốc tốt hơn xưa cùng với nhiều loại tinh dầu nhưng với người cháu, vẫn không có gì tốt bằng những loại lá mà được bà nấu khi xưa. Bởi ở đó còn có cả sự yêu thương, chăm sóc của bà dành cho mình. Vì vây nên những chiếc lá qua tay bà gắn liền với tâm trí của người cháu từu khi còn nhỏ đến khi lớn lên, nó vừa là những kỉ niệm êm đẹp vừa là người bạn đời. Bà coi những chiếc lá như là thứ kỷ vật thơm tho, được bà trân trọng mang đến cho ông. Để khi ông mất, bà lặng lẽ phơi lá, lặng lẽ chuẩn bị tất cả mọi thứ tốt nhất cho ông. Để ông có thể được nằm trên những hương thơm, được thấy tình cảm sâu sắc của bà đang ở cạnh bên.
2. Soạn bài Những chiếc lá thơm tho:
– Tình cảm giữa nhân vật “tôi” với bà được thể hiện như thế nào qua những kỉ niệm ấu thơ?
Trả lời:
Tình cảm giữa nhân vật tôi và bà được thể hiện bằng việc kể lại những kỉ niệm với bà thời thơ ấu qua những chi tiết:
– “Bà hay bày cho tôi cách chơi với những chiếc lá: những con cào cào, chim sẻ, con rết… thắt bằng lá dừa; những cái lồng đèn bằng lá cau kiểng…”
– “Bà còn chỉ tôi cách làm đầu trâu bằng lá xoài, làm cái làn xách đi hái hoa, bắt bướm bằng lá dừa nước nữa…”
– “Những chiếc lá của bà, đã từng kì diệu hơn cả thuốc tiên khi tôi còn nhỏ”.
– “Những ngày ốm thèm được ở gần bà để nhõng nhẽo, sụt sịt, để bà nhanh ra sau nhà hái bảy tám loại lá vào nấu cho tôi một nồi xông lúc ốm”.
Qua những chi tiết trên, tác giả đã cho thấy hình ảnh người bà ân cần, tỉ mỉ xen với những nét u sầu khi phơi gom những lá tràm khuynh diệp. Đồng thời cho thấy tình yêu của người cháu đối với bà vô cùng đầm ấm, khăng khít, những kỉ niệm với bà là bầu trời tuổi thơ của mình, là những năm tháng không phai, dù có lớn, đến nơi đầy đủ phát triển thì cháu vẫn không quên tình cảm đó, bà vẫn luôn ở đó với sự ân cần, chu đáo. Và hơn hết đó là sự biết ơn của người cháu đối với bà của mình.
– Hãy nêu một vài điểm giống và khác nhau trong cách thể hiện hình ảnh người bà của văn bản này với văn bản khác mà em đã đọc (ví dụ: Hương khúc của Nguyễn Quang Thiều).
Trả lời:
Vận dụng việc phân tích và nhớ lại các văn bản viết về người bà, ta có thể rút ra:
a, Điểm giống: Trong văn bản “Những chiếc lá thơm tho” nói riêng và các văn bản viết về bà nói chung, hình ảnh người bà thường được hiện cùng những tình yêu và kỉ niệm tuổi thơ cùng người cháu. Đặc biệt bà luôn chu đáo, nhẹ nhàng, ân cần, lo lắng cho con cho cháu, chăm sóc con cháu từ điều nhỏ nhất. Dạy cho con cháu biết làm ăn, biết yêu lao động, biết yêu thương quan tâm đến mọi người và sống có hiếu.
b, Điểm khác: Mỗi văn bản có một nôi dung, ý nghĩa khác nhau, mỗi nhà văn sẽ chọn cho mình một hoàn cảnh, một không gian, thời gian khác nhau vì vậy cách thể hiện hình ảnh người bà trong mỗi văn bản không bao giờ có sự trùng lặp.
– Trong văn bản “Những chiếc lá thơm tho” nói về: kỉ niệm của cháu khi được bà bày cách làm đồ chơi bằng những chiếc lá, kỉ niệm về những lần bị ốm với nồi thuốc lá xong và cả những kỉ niệm buồn vui cuộc đời.
– Trong văn bản “Hương khúc” nói về: kỉ niệm của người cháu cùng bà bên chõ bánh khúc.
– Em hiểu thế nào về ý nghĩa của từ “thơm” trong những câu sau: “Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho cả những ngày mai”.
Trả lời:
Bằng phương pháp học hiểu, phân tích vấn đề, ta có thể rút ra ý nghĩa của từ “thơm” trong mỗi câu “Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho cả những ngày mai” như sau:
– Từ “thơm” có nghĩa đen là mùi hương của lá.
– Từ “thơm” có ý nghĩa hàm ẩn: là tình yêu thương gắn với bà, trở thành kỉ niệm tươi đẹp nhất và là hành trang trong suốt cuộc đời người cháu. Tình yêu và kỉ niệm ấy chính là những điều ngọt ngào nhất trong quá trình trưởng thành và lớn lên của người cháu. Tất cả sự dịu dàng và tươi đẹp ấy mãi mãi khắc sâu trong tim của người cháu cho đến tận mai sau.
3. Bài tập vận dụng:
Viết đoạn văn chia sẻ với bạn một câu chuyện về tình cảm của cháu đối với bà mà em biết hoặc em đã trải qua?
Bài mẫu 1:
Bà ngoại của tôi là người mà tôi vô cùng yêu thương. Bà sống ở quê cùng với cô chú còn gia đình tôi sống trên thành phố do công việc ủa bố mẹ. Trước khi chuyển lên thành phố, những ngày tháng tuổi thơ được bên bà là kỉ niệm đẹp nhất của tôi. Bà hay bắt đom đóm thả vào vỏ trứng cho tôi ngắm, dắt tôi ra vườn hái hoa, bắt bướm. Tôi nhớ nhất ngày tôi thi đỗ vào trường cấp 2 như kì vọng, tôi mừng rỡ về khoe với bà. Bà rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc, rút trong túi ra chút tiền thưởng ngay cho tôi. Nhưng tôi đã không nhận số tiền đó mà ôm lấy bà và thủ thỉ rằng mình sẽ cố học tập tốt để sau này chăm sóc bà. Tình yêu của bà dành cho tôi đã là phần thưởng lớn nhất.
Bài mẫu 2:
Hồi nhỏ, em sống ở quê với bà vì bố mẹ đều bận thường xuyên công tác xa. Khi em lên cấp 2, nhà em chuyển lên thành phố sống để thuận lợi cho việc học của em hơn, xa bà, em nhớ bà vô cùng. Kể từ ấy em không còn được nghe bà kể những câu chuyện thường ngày, không được cùng bà trồng rau, đan chổi nữa. Em thích nhất lúc cùng bà nấu cơm, bà hướng dẫn em tỉ mỉ từng chút một, món đầu tiên bà dạy em làm là rán trứng vì em rất thích ăn trứng, bà hướng dẫn em đánh trứng bông lên, cuộn trứng lại cho đẹp mắt. Từ khi biết làm lần nào bà cũng cười khen, em vui lắm.