Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh SGK Ngữ Văn lớp 9 tập 1

Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh SGK Ngữ Văn lớp 9 tập 1
Bạn đang xem: Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh SGK Ngữ Văn lớp 9 tập 1 tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm: 

1.1. Tác giả Lê Anh Trà (1927 – 1999): 

  • Lê Anh Trà sinh ra tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. 
  • Ông là một nhà quân sự, vừa là một nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. 
  • Ngòi bút của ông chân thực, hiện đại. 

1.2. Tác phẩm phong cách Hồ Chí Minh: 

a. Hoàn cảnh sáng tác

“Phong cách Hồ Chí Minh” được rút trong bài “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của Lê Anh Trà, in trong cuốn sách “Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” do Viện Văn hóa xuất bản năm 1990.

b. Phương thức biểu đạt

Thuyết minh

c. Bố cục

  • Đoạn 1 (Từ đầu đến “rất hiện đại”): Cơ sở và quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh.
  • Đoạn 2 (từ tiếp đến “hạ tắm ao”): Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh.
  • Đoạn 3 (từ tiếp đến hết): Ý nghĩa phong cách Hồ Chí Minh.

d. Giá trị nội dung

Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị.

e. Giá trị nghệ thuật

  • Bài viết là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn thuyết minh và các yếu tố kể chuyện, bình luận.
  • Ngôn ngữ trang trọng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực.
  • Sử dụng khéo léo biện pháp so sánh, nghệ thuật đối lập.

2. Hướng dẫn soạn bài theo SGK Ngữ văn 9 tập 1: 

Câu 1: Vốn tri thức văn hoá nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào? Vì sao Người lại có vốn tri thức sâu rộng như vậy?

Ngay từ đầu tác phẩm, chúng ta đã được biết đến vốn kiến thức sâu rộng của chủ tich Hồ Chí Minh. Bác không chỉ hiểu biết về các dân tộc khác nhau trên thế giới mà Bác còn nắm vững văn hóa từ Đông sang Tây, từ các nước Châu Á láng giềng cho đến các nước bạn Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi… Không chỉ vậy, Người còn tự học hỏi được rất nhiều thứ tiếng, như tiếng Anh, Pháp, Hoa,…cũng am hiểu về nhiều nền văn hóa đa dạng khác nhau. 

Để có được vốn kiến thức sâu rộng đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải: 

  • Học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ, việc học của Bác chưa từng dừng lại cho dù Bác đi đến bất cứ nơi đâu
  • Đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, làm đủ mọi loại công việc khác nhau đã giúp Bác có được những bài học về văn hoá, dân tộc, bài học từ thực tiễn lao động. 
  • Luôn học ngoại ngữ của các quốc gia Bác đã đặt chân đến 
  • Học tập nhưng không bị đồng hóa văn hóa, Bác luôn lựa chọn học tập, nghiên cứu văn hóa tinh hoa mà không bị đồng hóa một cách thụ động. Để rồi dù đi xa quê hương nhiều năm, Bác Hồ vẫn giữ vững được tâm tính của người Việt yêu quê hương, đất nước.

Câu 2: Biểu hiện lối sống giản dị của chủ tịch Hồ Chí Minh

Những nét đẹp trong lối sống rất bình dị, Việt Nam, rất phương Đông của Bác được biểu hiện rõ nét trong trang phục, nơi ở, ăn uống cũng như tư trang.

  • Nơi ở: Bác ở trong nhà sàn độc đáo ở Hà Nội với nhũng đồ đạc đơn sơ, mộc mạc. 
  • Trang phục: Vô cùng giản dị (quần áo bà ba nâu, áo trấn thủ, đôi dép lốp, cái quạt cọ, đồng hồ báo thức, radio…).
  • Ăn uống đạm bạc với những món dân dã, bình dị như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa…
  • Tư trang ít ỏi với những vật dụng đơn sơ
  • Chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào có cách sống giống như Bác.
  • Lối sống của Bác là sự kế thừa, phát huy những nét cao đẹp của các nhà văn hóa dân tộc, họ mang nét đẹp thời đại gắn bó với nhân dân.

Câu 3: Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp hài hòa giữa thanh cao và giản dị?

Giản dị:

  • Nơi ở và làm việc: đơn sơ và giản dị: nhà sàn nhỏ bằng gỗ với vài căn phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ. Đồ dùng đơn sơ. 
  • Nơi sống không thể tưởng với tư cách là “vua” của một nước, là một vị Chủ tịch, một nhà lãnh đạo cao cả.
  • Trang phục: hết sức giản dị, ít ỏi: bộ quần áo bà ba nâu, áo trấn thủ, đôi dép lốp.
  • Ăn uống: đạm bạc: những món ăn dân tộc không một chút cầu kỳ như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.

Thanh cao:

  • Không phải lối sống khắc khổ của con người tự vui trong cảnh nghèo khó.
  • Không phải cách thần thánh hóa làm cho khác đời, hơn đời.
  • Cách sống của Người như một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại cuộc sống thanh cao cho tâm hồn và thể xác.

Câu 4: Cảm nhận về những điểm đã tạo nên vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh.

Con người Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, trọn vẹn giữa truyền thống văn hóa dân tộc với văn hóa tinh hoa nhân loại. Lối sống rất dân tộc, rất Việt Nam của Bác gợi cho ta nhớ đến các vị hiền triết trong lịch sử như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn với lối sống giản dị, thanh cao: “Ao cạn vớt bèo cấy muống Đìa thanh phát cỏ ương sen”. Hay Nguyễn Bỉnh Khiêm với lối sống thanh bạch: “Thu ăn măng thúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: 

Nội dung:

Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị. Qua bài viết, người đọc thấy được vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng thời, thế hệ lớp trẻ Việt Nam sau này luôn tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cũng như Người luôn là tấm gương để con cháu đời sau noi theo. 

Nghệ thuật:

Phong cách Hồ Chí Minh là tác phẩm kết hợp giữa kể và bình luận một cách tự nhiên, chọn lọc những chi tiết tiêu biểu, đan xen thơ, dùng từ Hán Việt gợi sự gần gũi; sử dụng nghệ thuật đối lập để làm nổi bật ý: Vĩ nhân mà giản dị, gần gũi, am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại, có sự tiếp thu và chắt lọc mà lại rất dân tộc, rất Việt Nam. 

4. Tóm tắt tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh: 

Đến với tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả Lê Anh Trà đã cho chúng ta thấy được hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước thông qua phong cách sống vừa giản dị vừa thanh cao của Người. Trên chặng đường bôn ba suốt hơn ba mươi năm tìm đường cứu nước, Người đã có dịp đặt chân đến nhiều vùng đất mới ở nhiều nước phương Đông và cả phương Tây đồng thời cũng có dịp tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng. Người không ngừng học hỏi nhiều thứ tiếng khác nhau và làm công việc lao động để kiếm sống và tiếp cận với mục tiêu của mình. Vì vậy, Bác có vốn tri thức văn hóa nhân loại rất sâu rộng. Người không những có vốn hiểu biết uyên thâm về các dân tộc, nhân dân trên toàn thế giới mà còn am hiểu văn hóa thế giới từ Đông sang Tây, từ văn hóa các nước châu Á, châu Âu cho đến châu Phi, châu Mĩ. Dù chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa nhưng Người không hòa tan. Vị lãnh tụ vĩ đại ấy đã tiếp thu cái hay, cái đẹp một cách có chọn lọc, phê phán những hạn chế, những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản và trên nền tảng văn hóa dân tộc và sự ảnh hưởng quốc tế mà nhào nặn nên một nhân cách rất Việt Nam, rất bình dị, rất phương Đông nhưng vẫn rất hiện đại. Không những vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lối sống rất giản dị. Những điều ấy được thể hiện qua ngôi nhà sàn đơn sơ nơi Bác ở, hay trang phục, những bữa ăn hằng ngày của Bác. Không phải là tự thần thánh hóa, tự làm cho bản thân khác đời, hơn đời mà xuất phát từ cốt cách, từ trong quan niệm thẩm mĩ thuần thục, tự nhiên trong nhân cách chủ tịch Hồ Chí Minh.

5. Luyện tập: 

Tìm đọc và kể lại những câu chuyện về lối sống giản dị mà thanh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh(trang 8 SGK ngữ văn 9 tập 1): 

Lúc ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh sống chung với cán bộ, nhân viên, cùng ăn ở, sinh hoạt như mọi người mặc cho thiếu thốn điều kiện về nơi ở, sinh hoạt, mặc cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Người cùng Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Nhân dân, Đảng và Nhà trân trọng mời Người về ở tại tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia, nhưng Bác đã từ chối. Bác đã chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương để ở và làm việc.