Sự bất công của văn hóa tẩy chay

Sự bất công của văn hóa tẩy chay
Bạn đang xem: Sự bất công của văn hóa tẩy chay tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Chúng ta có thể trừng phạt những người vi phạm đạo đức nhưng không vi phạm pháp luật hay không? Câu trả lời là có! Đặc biệt khi họ là người nổi tiếng. Có thể sự trừng phạt này bắt đầu từ thế giới ảo, từ mạng xã hội, nhưng rồi nó sẽ thành một phần của bức tranh thực tế – những người nổi tiếng khi bị công chúng thực thi quyền “xóa bỏ” sẽ mất cơ hội tham gia vào các dự án, mất hợp đồng quảng cáo, danh tiếng bị hủy hoại. Từ đỉnh cao, họ có thể rơi xuống vực sâu và sẽ chật vật, thậm chí không thể quay lại vị trí của mình từng có. Với những người nổi tiếng, đây quả là ác mộng, nhưng ác mộng dài hay ngắn thì lại lệ thuộc vào một yếu tố khá bất ngờ – giới tính của họ.

SỰ PHÂN BIỆT TRONG HÌNH PHẠT

Johnny Depp đã có một màn trở lại huy hoàng với bộ phim Jeanne du Barry tại Liên hoan phim Cannes. Hàng nghìn người hâm mộ đón chào và hoan hô anh nhiệt liệt – quả là cảnh tượng khó có thể hình dung được, nếu chúng ta nhìn lại thời điểm cách đây chưa lâu, khi Depp bị Walt Disney từ chối trao cho cơ hội quay lại với loạt phim Cướp biển vùng Caribbean nổi tiếng và nhiều nhãn hàng quay lưng vì sợ phản ứng tiêu cực của công chúng. Đó là hình phạt do anh bị vướng bê bối bạo hành Amber Heard khi hai người còn là vợ chồng. Những tố cáo và kiện tụng qua lại của hai người đã chia rẽ dư luận xã hội, với bằng chứng về một cuộc hôn nhân độc hại đến từ hai phía. Câu chuyện bạo hành gia đình của họ đã kéo cả hai xuống đáy. Tuy nhiên, Depp đã trở lại với hào quang bằng sự xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes – bằng chứng chính thức cho việc anh không còn bị xóa bỏ. Còn Heard, con đường của cô mờ mịt hơn nhiều.

Bạn có thể phản biện rằng: nhưng Depp đã được xử thắng kiện cơ mà! Phải, nhưng đừng quên Heard có nhân chứng thừa nhận Depp thực sự từng đạp cô xuống sàn chiếc máy bay riêng. Depp có thể thắng kiện tại Mỹ, nhưng anh từng thua kiện tại một đất nước khác, khi bằng chứng anh hành hung vợ được xác nhận.

Ngoài Depp, chúng ta có nhiều ví dụ hơn thế trong giới giải trí quốc tế. Nghệ sĩ hài Louis CK từng bị chỉ trích dữ dội vì quấy rối tình dục phụ nữ khi phong trào MeToo lên đến đỉnh điểm và phải ẩn mình một thời gian, giờ đã quay trở lại và thậm chí còn chiến thẳng một giải Grammy. Ca sĩ Ryan Adams từng bị tố cáo và thừa nhận hành vi quấy rối bảy người phụ nữ, ba năm sau lại trở về với sự nghiệp lừng lẫy. Hay diễn viên Shia LaBeouf, người bị bạn gái cũ tố hành hung cô nhiều lần, giờ lại chuẩn bị đóng phim mới sau khi bày tỏ rằng mình đang hối cải và tìm thấy lẽ sống mới sau khi có con.

Trong khi đó, hãy so sánh với những người nổi tiếng mang giới tính nữ cũng hoạt động trong ngành giải trí Anh – Mỹ. Trong khi chúng ta ít bắt gặp những câu chuyện người nổi tiếng nữ quấy rối, hành hung hay bạo hành người khác, họ vẫn phải hứng chịu sự quay lưng vì nhiều lý do khác nhau. Lindsay Lohan bị cả Hollywood lẫn người hâm mộ bỏ rơi vì rơi vào nghiện ngập. Winona Ryder đánh mất sự nghiệp vì sự cố đánh cắp đồ trong siêu thị, điều xảy ra khi cô đang bị rối loạn tâm lý nặng nề. Cả hai ngôi sao hàng đầu Hollywood này đều chật vật trong vô vọng để quay trở lại với hào quang. Sự trừng phạt dành cho họ dai dẳng hơn.

tẩy chay nữ giới trong giới nghệ thuật

Văn hóa xóa bỏ, ở mặt nào đó, chính là biểu hiện cho một xã hội công bằng và dân chủ, nơi mọi cá nhân có thể đưa ra lựa chọn đồng ý, chấp nhận hay phản đối, loại bỏ một hiện tượng văn hóa, xã hội.

TIÊU CHUẨN KÉP VỀ ĐẠO ĐỨC

Là người nổi tiếng, đương nhiên, các ngôi sao sẽ bị phán xét. Tuy nhiên, công chúng cũng thường có tiêu chuẩn kép với nam và nữ trong các mối quan hệ lãng mạn và hôn nhân. Leonardo DiCaprio trở thành hình mẫu nam tính khi liên tục hẹn hò với các cô siêu mẫu dưới 25 tuổi, còn Taylor Swift bị chế giễu vì từng có nhiều bạn trai và được cho là sáng tác âm nhạc về họ. Tài tử Lee Byung Hun gần như không gặp phải cú vấp sự nghiệp nào khi bị hé lộ chuyện nhắn tin tán tỉnh các cô gái khác khi vợ mang thai. Còn các diễn viên nữ sẽ phải giải nghệ nếu bị phát hiện ngoại tình.

Ở một số trường hợp, nữ giới cũng chịu hình phạt lây khi nam giới gây lỗi. Người dẫn chương trình Holly Willoughby đã phải rời khỏi chương trình This Morning trên kênh ITV (Anh) sau khi bê bối ngoại tình của đồng nghiệp là Phillip Schofield bị phanh phui. Trước đó, công chúng cáo buộc cô là đã nhắm mắt cho qua dù biết rõ về câu chuyện ngoại tình này.

Tệ hơn, nữ giới cũng trở thành mục tiêu của văn hóa tẩy chay khi bản thân họ là nạn nhân. Go Hara là một trong những nữ thần tượng nổi tiếng Hàn Quốc đã quyết định kết thúc sự sống của mình khi phải đối mặt với dư luận khắc nghiệt. Trước đó, cô bị bạn trai dọa tung video riêng tư của hai người lên Internet để uy hiếp. Cô bị cả giới giải trí xa lánh, trong khi cô là nạn nhân. Go Hara chỉ là một trong rất nhiều ví dụ trong ngành công nghiệp giải trí, đặc biệt là ở châu Á. Nếu một ngôi sao nữ bị kẻ khác phát tán ảnh nhạy cảm, sự nghiệp của cô có thể tiêu tan trong chớp mắt và rất hiếm người có thể quay trở lại. Tuy nhiên, cùng lúc đó, rất nhiều ngôi sao nam từng bị tố cáo xâm hại, quấy rối tình dục vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp sau một thời gian gián đoạn.

SỰ DAI DẲNG CỦA ĐỊNH KIẾN

Tại sao lại có sự bất công này? Lý do nằm ở sự phân biệt sâu xa vốn đã tồn tại trong xã hội từ trước khi chúng ta có văn hóa ngôi sao hay Internet. Trong văn chương thế giới, chúng ta đã gặp rất nhiều tác phẩm cho thấy khi phụ nữ dám bước qua ranh giới đạo đức để đi tìm hạnh phúc của riêng mình, họ sẽ nhận phải hình phạt từ xã hội và từ chính họ. Trong tiểu thuyết Anna Karenina, nhà văn Lev Tolstoy đã miêu tả Anna là người phụ nữ quý tộc xinh đẹp chọn rời bỏ cuộc hôn nhân nguội lạnh để đến với người mình yêu, rồi sau đó chịu đựng cả sự tẩy chay của xã hội lẫn dằn vặt nội tâm và cuối cùng dẫn đến hành động tự sát. Trong khi đó, tình nhân của cô vẫn được xã hội quý tộc chấp nhận và trao cho mọi cơ hội cần thiết để hòa nhập và xây dựng sự nghiệp.

Hơn thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuốn tiểu thuyết vĩ đại nêu trên ra mắt, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi lớn lao về nhận thức và những tiến bộ vượt bậc ở khía cạnh trao quyền cho phụ nữ, nhưng kỳ vọng và định kiến giới vẫn hằn rõ trong xã hội. Hình phạt mà phụ nữ phải nhận nếu họ phạm lỗi, sự tẩy chay và tinh thần “xóa bỏ” dành cho họ vẫn khắc nghiệt hơn nhiều so với nam giới.

Trong khi nam giới có thể vừa nổi tiếng, vừa sống thiếu chừng mực và có những vấn đề liên quan đến chất kích thích, rối loạn tâm lý hay bạo lực, nữ giới thường phải là người hoàn hảo. Phụ nữ thường được kỳ vọng phải sống chuẩn mực, đảm bảo các tiêu chuẩn xã hội và trở thành hình mẫu đáng ngưỡng vọng. Sự bê tha, nóng nảy hay thậm chí cả những hành động nổi loạn đều có thể gắn liền với sự nam tính, và dễ được tha thứ nếu người mang những đặc tính đó là nam. Ngược lại, nếu đó là một người phụ nữ, họ sẽ bị cho là đánh mất giá trị giới và bị chỉ trích gay gắt hơn nhiều.

tẩy chay và nữ quyền

Văn hóa tẩy chay và sự nghiêm khắc của văn hóa phương Đông không chỉ hướng đến phụ nữ. Mọi giới đều có thể hứng chịu hậu quả như nhau nếu họ vướng vào bê bối, nhưng không phải chúng ta không có sự phân biệt trong quá trình tha thứ lỗi lầm.

SỰ DAI DẲNG CỦA BẤT CÔNG TRONG QUYỀN LỰC

Xã hội nam quyền và bất bình đẳng giới cũng đã tạo ra cơ hội – và duy trì cấu trúc này trong nhiều thế kỷ – để nam giới luôn là người được nắm quyền trong hầu hết các lĩnh vực xã hội. Những người nắm vị trí quyền lực luôn được xem là “không thể bị tẩy chay”, đơn giản vì họ đã có được sự ủng hộ và tầm ảnh hưởng quá lớn, khiến người có tiếng nói khác không thể lên tiếng cùng dư luận.

Trước khi phong trào MeToo nổ ra, những hành vi quấy rối và xâm hại tình dục phụ nữ của nhà sản xuất Harvey Weinstein đã được truyền tai trong giới làm phim tại Hollywood. Tuy nhiên, gần như không ai dám lên tiếng công khai tố cáo Weinstein vì quyền lực của ông ta trong ngành công nghiệp này quá lớn. Phụ nữ là nạn nhân, khi đứng lên tố cáo, thường sẽ phải đối mặt với chỉ trích, bị gọi là kẻ bịa đặt hoặc bị đổ lỗi ngược.

Với một số trường hợp, những lời tố cáo tìm kiếm công lý của nạn nhân bị xem là kế hoạch, âm mưu chính trị. Người trả giá cho lời tố cáo đôi khi lại là nạn nhân, như trong trường hợp của giáo sư Christine Blasey Ford, người đã phải chuyển nhà sau khi đối mặt với quá nhiều đe dọa vì lên tiếng tố cáo Brett Kavanaugh – người đang được tổng thống Mỹ đương thời Donald Trump đề cử vào vị trí thẩm phán tối cao – từng tấn công tình dục bà thời cả hai còn trẻ.

Bất kể là người nổi tiếng hay không, nam giới thường có cơ hội nghề nghiệp trở lại sau gián đoạn vì bê bối cao hơn nữ giới, bởi họ thường nhận được sự hỗ trợ từ người cùng giới. Ngay cả điều này cũng được lý giải thông qua lăng kính vốn nặng định kiến: khi đàn ông giúp đỡ đàn ông từng gặp bê bối, họ được xem là đấng quân tử biết sống vì anh em; còn khi phụ nữ giúp đỡ phụ nữ từng gặp bê bối, họ bị cho là tiếp tay cho cái sai, thậm chí còn bị vạ lây.

NHÌN VÀO BỨC TRANH VIỆT NAM

Thực thi quyền xóa bỏ khi một người nổi tiếng vi phạm đạo đức không xa lạ ở Việt Nam. Sự phát triển mau chóng của mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành môi trường lý tưởng cho văn hóa tẩy chay. Từ cách đây hơn 10 năm, chúng ta đã thấy những chiến dịch tẩy chay gián tiếp – tẩy chay nhãn hàng để họ buộc phải ngừng ký hợp đồng với ngôi sao đang vướng bê bối. Văn hóa tẩy chay và sự nghiêm khắc của văn hóa phương Đông không chỉ hướng tới phụ nữ. Mọi giới đều có thể hứng chịu hậu quả như nhau nếu họ vướng vào bê bối, nhưng không phải chúng ta không có sự phân biệt trong quá trình tha thứ lỗi lầm.

Khi có một bê bối tình cảm xảy ra, người chịu tẩy chay mạnh mẽ nhất luôn là phụ nữ. Cùng là người nổi tiếng, nhưng nếu người đàn ông từ bỏ vợ con thì sự nghiệp của anh ấy chỉ chững lại đôi chút (có thể là nửa năm, một năm). Còn với phụ nữ, nếu mang danh là người thứ ba, sự nghiệp của cô ấy sẽ rơi vào bế tắc, và cần rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực để có thể quay lại vị trí khởi đầu. Dư luận có thể rộng lòng chấp nhận sự trở lại của một ngôi sao nam từng lộ hình ảnh nhạy cảm, thậm chí từng vướng vào rắc rối pháp luật. Tuy nhiên, những hình ảnh nhạy cảm – nếu bị lộ ra – sẽ ám ảnh suốt toàn bộ sự nghiệp còn lại của một nữ nghệ sĩ.

Vì sự khắt khe với nữ giới, ngay cả phát ngôn không phù hợp trong một khoảnh khắc cũng có thể trở thành lý do khiến sự nghiệp của họ điêu đứng. Hơn thế nữa, đối tượng của tẩy chay không nhất thiết phải là một ngôi sao giải trí. Đó có thể là một chủ doanh nghiệp, một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hay thậm chí là một cô gái trẻ chỉ vừa mới đăng quang một danh hiệu đêm hôm trước.

tẩy chay phụ nữ có sức ảnh hưởng

Văn hóa xóa bỏ, ở mặt nào đó, chính là biểu hiện cho một xã hội công bằng và dân chủ, nơi mọi cá nhân có thể đưa ra lựa chọn đồng ý, chấp nhận hay phản đối, loại bỏ một hiện tượng văn hóa, xã hội.

ĐI TÌM CÔNG LÝ THỰC SỰ

Văn hóa tẩy chay có quan trọng không? Tất nhiên là có. Trước khi có những nền tảng truyền thông mới cho phép mọi người dùng có thể phát triển kênh thông tin cá nhân và biểu đạt quan điểm của mình, một người có sức ảnh hưởng có thể dễ dàng được tha thứ ngay cả khi gây ra bê bối lớn. Văn hóa xóa bỏ, ở mặt nào đó, chính là biểu hiện cho một xã hội công bằng và dân chủ, nơi mọi cá nhân có thể đưa ra lựa chọn đồng ý, chấp nhận hay phản đối, loại bỏ một hiện tượng văn hóa, xã hội.

Tẩy chay và từ chối tiếp nhận, chấp nhận chính là cách quần chúng thực thi quyền lực của họ. Những người mưu sinh và xây dựng sự nghiệp dựa trên sự ủng hộ của dư luận xã hội tất nhiên cần phải sống và phát ngôn đúng mực. Không chỉ họ, bảo vệ đạo đức xã hội là điều ai cũng cần làm.

Tuy nhiên, văn hóa tẩy chay có mang lại công lý xã hội thực sự như chúng ta vẫn tưởng hay không? Đó là một câu hỏi rất khó có thể tìm ra được câu trả lời thỏa đáng. Tìm kiếm công lý là một hành trình dài và phức tạp, trong đó, sự nhận thức sâu sắc về bất bình đẳng xã hội và những định kiến giới là nền tảng cần thiết để người đấu tranh có thể đạt được kết quả ý nghĩa như họ kỳ vọng.

Chúng ta không nên kỳ vọng rằng nam giới sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn nữ giới, cũng không nên kỳ vọng họ khó nhận được sự tha thứ như nữ giới. Sự thay đổi thực sự nằm ở chỗ, chúng ta nên đánh giá mức độ tác động của những bê bối mà họ gây ra một cách công bằng, bất kể họ là nam hay nữ, và có hình phạt cũng như sự tha thứ tương ứng với mức độ đó. Cùng lúc đó, chúng ta cần đủ sáng suốt để có thể nhận định ai là nạn nhân thực sự trong câu chuyện bê bối để bảo vệ họ trước cơn bão tẩy chay.

Câu hỏi lớn tiếp theo là làm sao chúng ta có thể mang đến những thông tin đầy đủ và phù hợp để công chúng có thể thực thi quyền đòi hỏi công lý của họ một cách công bằng hơn? Có lẽ đó lại là một hành trình giáo dục lâu dài, cần có sự tham gia của nhiều đối tượng, nhiều giới và nhiều nền tảng. Đồng thời, điều này cũng cần sự thay đổi thực sự trong cấu trúc quyền lực xã hội, để chúng ta có sự bình đẳng giữa các giới và đạt đến công lý đích thực.