1. Dàn ý số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc:
1.1. Dàn ý số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc – mẫu 1:
a. Mở bài:
– Giới thiệu sơ lược về tác giả và tác phẩm.
– Giới thiệu sơ lược về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm.
b. Thân bài:
1. Tâm trạng của Lão Hạc khi bán cậu Vàng
– Gọi con chó mình nuôi là Cậu Vàng.
– Bắt rận và tắm cho Cậu Vàng hàng ngày.
– Yêu thương và chăm sóc cho đáo cho Cậu Vàng như người thân của mình.
2. Những hành động của Lão Hạc trước khi chết:
– Sự đói kém, khổ cực và già nua đã khiến ông phải tìm đến cái chết.
– Lão Hạc nhờ ông giáo giữ hộ nhà và đất cho con.
– Bán cậu vàng để có tiền an tang cho mình.
– Ăn bả chó.
3. Suy nghĩ về số phận và tính cách của Lão Hạc:
– Số phận:
+ Là một con người nghèo nhưng cô độc trong sự trong sạch
+ Cuộc sống bế tắc, cùng đường
– Tính cách:
+ Giàu tình thương: Sống tình cảm, yêu thương con, rất yêu thương loài vật
+ Giàu lòng tự trọng: Coi thường bổn phận làm cha, nâng cao sự danh giá nhân phẩm con người
=> Một người nông dân lương thiện, giàu lòng nhân ái nhưng lại có số phận bế tắc do xã hội phong kiến cùng với chiến tranh đã đẩy người nông dân nghèo rơi vào bước đường cùng.
c. Kết bài:
Cảm nghĩ của bản thân về số phận và tính cách của Lão Hạc
1.2. Dàn ý số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc mẫu 2:
a. Mở bài:
Cùng với những nhà văn nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… Nam Cao cũng là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới những nhà văn hiện thực nhân đạo Việt Nam.
Các sáng tác của ông vừa rất mực chân thực, vừa có một ý vị triết lý mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.
Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những tác phẩm tiêu biểu mang đậm phong cách sáng tác của ông. Trong đó, nhân vật Lão Hạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về số phận và tính cách của một người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng nhân ái và lòng tự trọng đáng kính.
b. Thân bài:
1. Cuộc đời – cảnh ngộ của Lão Hạc:
– Là một người nông dân nghèo khó những lại gặp nhiều bất hạnh:
– Vợ mất sớm, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.
– Sống già yếu cô đơn: ốm nặng, yếu, không có việc, hoa màu bị bão phá sạch.
– Chỉ có con chó vàng làm bầu bạn nhưng phải bán đi vì cảnh nghèo.
– Luôn canh cánh thương con, vì phận làm cha nhưng chưa lo được cho con trọn vẹn.
– Cùng đường, phải tìm đến cái chết thương tâm.
2. Phẩm chất, nhân cách của Lão Hạc:
– Là người giàu lòng nhân ái, rất yêu thương vợ con và yêu thương loài vật
– Giàu lòng tự trọng
3. Cái chết của Lão Hạc:
– Chết để tự giải thoát kiếp sống mòn mỏi, vô nghĩa.
– Chết vì quá thương con, muốn giữ trọn vốn liếng, những gì duy nhất còn lại cho con, giữ tiếng cho con.
– Chết để tránh bị đẩy vào con đường tha hóa, biến chất.
– Đau đớn tự trừng phạt vì đã bán đi cậu Vàng (đã đánh lừa nó) là người thân duy nhất bên cạnh mình.
=> Cái chết như một sự hi sinh tàn khốc vì một tia sáng nhỏ nhoi cho tương lai, nó chứng tỏ sự bất hạnh, bế tắc của hiện tại, là cách cuối cùng để giữ phẩm giá của người nông dân Việt Nam trước cách mạng.
4. Suy nghĩ, đánh giá về nhân vật:
– Thương xót cho một con người bất hạnh đại diện cho một tầng lớp nghèo khó.
– Trân trọng một con người giàu lòng nhân ái, yêu thương con mình và có lòng tự trọng đáng quý.
c. Kết bài:
– Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật Lão Hạc là một thành công nghệ thuật của Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng người nông dân trước cách mạng tháng Tám với những đặc điểm nghèo khổ, giàu lòng thương con, chất phác, đôn hậu, giàu lòng tự trọng…
– Cảm xúc của cá nhân, nhân vật đã để lại suy nghĩ gì?
1.3. Dàn ý số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc mẫu 3:
a. Mở bài:
– Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện sự rõ nét và chân thực số phận của người nông dân nghèo, vừa có một ý vị triết lí mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc.
– Nhân vật Lão Hạc đã để lại ấn tượng sâu sắc về một người nông dân hiền lành, chất phác, giàu lòng nhân ái, tự trọng đáng kính.
b. Thân bài:
1. Hoàn cảnh của Lão Hạc:
– Người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.
– Sống cô đơn một mình trong tuổi già, đối diện với ốm nặng, già yếu, không có việc, hoa màu bị bão phá sạch.
– Chỉ có duy nhất con chó vàng bầu bạn nhưng phải bán đi vì cảnh nghèo.
– Luôn canh cánh thương con, vì phận làm cha nhưng chưa lo được cho con trọn vẹn.
– Đến khi bước vào đường cùng phải tìm đến cái chết thương tâm.
2. Số phận, tính cách của Lão Hạc:
Số phận:
+ Là một con người nghèo nhưng cô độc trong sự trong sạch
+ Cuộc sống bế tắc, cùng đường
– Tính cách:
+ Giàu tình thương: Sống tình cảm, yêu thương con, rất yêu thương loài vật
+ Giàu lòng tự trọng: Coi thường bổn phận làm cha, nâng cao sự danh giá nhân phẩm con người
=> Một người nông dân lương thiện, giàu lòng nhân ái nhưng lại có số phận bế tắc do xã hội phong kiến cùng với chiến tranh đã đẩy người nông dân nghèo rơi vào bước đường cùng.
3. Cái chết của Lão Hạc:
– Cái chết của Lão Hạc là một biến cố điển hình để nhân vật bộc lộ tính cách điển hình: chết để thoát bản thân khỏi kiếp sống mòn mỏi, bệnh tật; để không bị đẩy vào con đường tha hóa bần cùng; để giữ lại vốn liếng còn lại cho con; để giữ gìn phẩm giá của một con người.
4. Suy nghĩ, đánh giá về nhân vật:
– Thương xót một con người bất hạnh.
– Trân trọng lòng tự trọng đáng quý.
– Yêu quý một con người giàu lòng nhân ái, yêu thương con.
c. Kết bài:
– Nam Cao đã xây dựng thành công hình tượng người nông dân trước cách mạng tháng Tám thông qua nhân vật Lão hạc.
– Rút ra bài học: con người ta dù trong hoàn cảnh nào cũng không thể đánh mất đi nhân cách
2. Bài văn mẫu Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc:
2.1. Bài văn mẫu Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc mẫu 1:
Truyện ngắn Lão Hạc là một trong những tác phẩm nổi tiếng, xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao trong nền văn học hiện thực phê phán trước cách mạng của nước ta. Câu truyện xoay quanh cuộc đời và số phận khốn cùng của nhân vật lão Hạc, là một người nông nghèo, bất hạnh nhưng hiền lành, chất phát, có tâm hồn đẹp và nhân cách cao thượng đáng trân quý.
Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng được hình tượng rõ nét cuộc sống và tính cách nhân vật lão Hạc. Vợ lão mất sớm, chỉ có đứa con trai duy nhất để nương tựa nhưng vì nhà quá nghèo, không có đủ tiền cưới vợ đã quẫn chí bỏ đi làm phu đồn điền. Thế nên lão chỉ sống thui thủi một thân một mình trong tuổi già cô đơn, ngày ngày bầu bạn với chú chó được lão gọi thân thương là cậu Vàng. Tuổi già còm cõi vẫn phải đi làm thuê nhưng cũng không có ai thèm thuê ông. Rồi cuộc sống càng lúc càng khó khăn đã đẩy lão rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
Lão Hạc là một điển hình về người cha hết lòng vì con. Lão sống vì con chứ đâu phải vì mình. Nghèo khó thiếu thốn nhưng lúc nào lão cũng nghĩ đến bổn phận làm cha trước, làm cho nhưng không lo được cho con, đau lòng vì chưa lo cho con một người vợ, một căn nhà, một tổ ấm gia đình.. Với lão, lúc nào cũng mong muốn con mình được sống đàng hoàng, dù nghèo khó cũng không phải chịu điều tai tiếng hay nhục nhã. Lão thà ăn củ chuối, củ ráy chứ không động vào tiền dành cho con, khi lão không cho thằng ocn bán đi mảnh vười duy nhất để cưới vợ vì nỗi lo cuộc sống sau này của con trai.
Trước sự đói nghèo bủa vây, bệnh tật của người già, lão đi đến cảnh khốn cùng. Trước khi chết, lão đã tính toán cẩn thận, bao nhiêu tiền nhặt nhạnh cùng mảnh vườn lão gửi tất cả nhờ ông giáo giữ hộ. Bán đi người bạn thân thương của mình để lấy tiền lo cho đám tang của chính mình. Cái chết của lão quyết không động đến đồng tiền nào dành cho con trai. Điều này cho thấy, dẫu có phải chịu đói, chịu rét và phải chết bi thảm lão cũng phải làm tròn trách nhiệm cuối cùng đối với con.
Lão Hạc với vẻ bên ngoài thì tiều tụy và gàn dở mà bên trong là con người giàu tình nặng nghĩa. Không chỉ đối với con, mà còn cả ở cái tình rất nặng đối với con chó của lão mà lão gọi là “cậu Vàng”. Lão yêu thương, chăm sóc nó hàng ngày, lão ăn gì thì cậu vàng ăn nấy, có cái gì lão cũng chia cả, không bao giờ ăn hết, nói chuyện với cậu vàng như nói chuyện với một người bạn, lúc nào cũng trêu đùa âu yếm thân thiết lắm.
Bên cạnh sự chất phác, nhân hậu, tràn đầy tình thương và trách nhiệm của một người cha, lão Hạc cũng là người giàu lòng tự trọng. Đối với ông giáo là người mà lão tin tưởng và quý trọng đến thế cũng vẫn giữ ý để người ta không thể coi thường. Dù đói không còn gì ăn nhưng vẫn dứt khoát “từ chối tất cả” những gì ông giáo giấu vợ thỉnh thoảng ngấm ngầm giúp lão. Cũng chưa từng làm phiền đến ai trong làng xóm. Lão tự trọng đến mức trước khi chết đã tính toán, gửi tiền trước cho ông giáo để: “lỡ có chết đem ra nói với hàng xóm” lo ma chay cho mình. Khi sống thì “đói cho sạch, rách cho thơm”. Sau khi chết cũng không muốn có mảy may một tiếng xì xào từ người khác, không phải nhờ cậy vào người khác..
Cuối cùng, cái chết chủ động của lão Hạc vẫn là một cái chết bi thảm, nhưng là cái chết của một con người cao quý. Bởi cái chết này là một biến cố để tất cả những phẩm giá cao đẹp của lão ánh lên, chiếu sáng lòng người. Lão đã liệu cho cuộc đời mình già yếu, bệnh đau, làm ăn khốn khó, lão chết đi để giữ mảnh vườn để khi con trai lão về nó có nơi ở, có vườn để làm ăn, không phải xin xỏ ai.
Thực chết, lão Hạc là người rất muốn sống và ham sống, lão đã làm mọi cách để tồn tại, lão còn luôn hi vọng con trai mình sẽ về dù biết đồn diền cao su “đi dễ khó về”. Lão không hề sợ hãi nhưng một trận ốm đã quật đổ lão hoàn toàn khiến lão phải vội vàng tính đến nước cuối cùng của cuộc đời: tìm đến cái chết để bảo toàn mọi giá trị. Lão Hạc đã tính đến cái chết khi chết đi nhưng không ai biết vì sao lão chết, chết trong chính ngôi nhà của mình và không làm phiền đến một ai.
Sau những chuẩn bị âm thầm cho hậu sự của mình. Lão đã một mình ăn bả chó trong thầm lặng, quằn quại và đau đớn. Khi lão sống, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng đối với lão. Rồi khi lão chết, cái chết khốc liệt cũng chẳng dễ dàng gì hơn cuộc sống đó..
Với truyện ngắn Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã để lại cho kho tàng văn học một nhân vật bất hủ và cũng để lại cho mỗi người biết đến câu truyện này một bài học cách ứng xử mang tính nhân đạo sâu sắc. Tác giả đã thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Lão Hạc điển hình cho lớp người cùng khổ trong xã hội thực dân phong kiến và cũng là ánh sao sáng ngời về tấm lòng yêu thương và đức hi sinh cao cả, dù trong hoàn cảnh khốn cùng như thế nào, dù phải nhận lấy cái chết, con người Việt Nam cũng luôn luôn gìn giữ phẩm giá cao quý, tấm lòng thiện lương. Nhà văn Kim Lân từng nói: “Lão Hạc không chỉ là một người nghèo, đó còn là một con người có nhân cách, tự trọng và bất khuất”.
2.2. Bài văn mẫu Số phận và tính cách nhân vật Lão Hạc mẫu 2:
Nhắc đến nhà văn Nam Cao là một cây bút hiện thực bậc thầy của văn học Việt Nam, chúng ta nghĩ ngay tới nhân vật “Chí Phèo”, bên cạnh đó là nhân vật đầy tình thương – “Lão Hạc”. Số phận cuộc đời và vẻ đẹp tính cách của nhân vật Lão Hạc chính là thông điệp đắt giá về tình thương của tác giả gửi gắm đến người đọc.
“Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc đi vào lịch sử của nhà văn Nam Cao viết về cuộc đời người nông dân khổ cực trong xã hội phong kiến cũ phải chịu cảnh “Một cổ hai tròng”. Câu truyện xoay quanh cuộc đời của lão Hạc – một người nông dân nghèo, một người cha góa vợ từ sớm, chỉ còn đứa con trai và chú chó Vàng được đặt trong cái nhìn của ông giáo. Vì gia cảnh quá nghèo, phẫn chí không có tiền lấy vợ mà con trai lão bỏ đi đồn điền cao su, để lại mình lão già yếu với con chó. Lão coi Vàng như một người bạn, người thân trong nhà mà chăm sóc ân cần.
Nhân vật lão Hạc hiện lên là biểu tượng của những nạn nhân của cái nghèo, cái đói của xã hội cũ. Toàn bộ tài sản của ông chỉ có một mảnh vườn và con chó. Vì nghèo nhưng vì nghĩ cho tương lai cuộc sống lâu dài của con trai mà lão quyết không bán đi mảnh vườn đó, “lão thương con lắm nhưng biết làm sao được”, không có đủ tiền để lo đám cưới cho con để nó phải phẫn chí đi làm xa. Cái nghèo đó đã khiến lão không thể làm tròn trách nhiệm của một người cha, không thể cho con mình cuộc sống đầy đủ. Cái nghèo bắt lão phải sống cảnh cô đơn, hiu quạnh không người thân. Rồi cái đói ập đến, nó khiến lão phải sống khổ sở, đi làm thuê, làm mướn nhưng sức không bằng người trẻ, mảnh vườn còm cõi, xơ xác chỉ đủ cho lão bòn mót. Rồi lại một trận ốm làm “lão yếu đi ghê lắm, tiền bấy lâu dành dụm đều cạn kiệt”.
Trận ốm nặng ấy đã khiến cho một con người rất muốn sống, ham được sống, làm mọi việc để có thể tồn tại phải tìm đến cái chết và tự chuẩn bị cho cái chết của mình. Lão để lại mảnh vườn đã gìn giữ và số tiền ít ỏi nhặt nhạnh được mang gửi gắm ông giáo – người được lão Hạc hết mực tin tưởng. Quyết không động đến số tiền để lại cho con, lão đau đớn khi phải bán đi cậu Vàng mà lão đã coi như máu mủ, ruột thịt, như con của mình để lấy tiền lo cho chính hậu sự của mình. Đây là việc cuối cùng ông có thể làm trong bổn phận của một người cha yêu thương con, để bào toàn hạnh phúc sau này cho đứa con
Là một người nông dân nghèo nhưng lão Hạc không về thế mà cho bản thân được phép hèn nhát, là người giàu lòng tự trọng. Đó là khi dẫu bị cái đói, cái nghèo làm khổ sở, phải ăn củ chuối, củ ráy cũng chưa một lần ông nhận sự giúp đỡ của ai, những lần ông giáo giấu vợ mang đồ ăn cho lão đều từ chối. Đó là khi ông bán đi cậu Vàng yêu quý để dành tiền đó làm ma chay cho chính bản thân mình, để không phải làm phiền hàng xóm, để con lão cũng không phải chịu lời ra lời vào từ người khác. Cái chết của lão cũng là minh chứng cho câu nói: “đói cho sạch, rách cho thơm”. Đến cuối cùng, vẫn là cái chết bi thảm và dữ dội của một người có cuộc sống khổ cực: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết.”
Như vậy, bằng tài năng của một cây bút văn học hiện thực nhân đạo, tác giả đã xây dựng hình tượng nhân vật, tạo dựng chi tiết và tình huống bất ngờ, vẽ lên bức tranh số phận và vẻ đẹp của người nông dân trong xã hội đen tối qua hình ảnh cuộc đời lão Hạc. Câu chuyện là cái nhìn chân thực, đau đớn nhất về số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời làm sáng ngời vẻ đẹp của tình yêu thương, lòng tự trọng và tình người. Bởi những giá trị về nội dung, nghệ thuật và tầm tư tưởng ấy, “Lão Hạc” chưa và không bao giờ rời khỏi một góc yêu thương của người đọc mọi thế hệ.