Người ta ví những hành trình tour du lịch Bạc Liêu đẹp như một giấc mơ về tình yêu, với phong cảnh xinh tươi, con người hiền hậu. Bạc Liêu cũng nổi tiếng với giai thoại Hắc-Bạch công tử đốt tiền nấu trứng. Nhưng ít ai biết được rằng, Bạc Liêu còn là nơi của nhiều kiến trúc cổ, trong đó phải kể đến Tháp cổ Vĩnh Hưng thuộc xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi, cách thị xã Bạc Liêu chừng 20km về phía Tây Bắc.
Tháp Vĩnh Hưng là điểm du lịch Bạc Liêu rất đáng để đến tham quan. Đây là di tích kiến trúc cổ của người Khmer Nam bộ, dấu vết của một khu dân cư đã tồn tại và phát triển ở vùng đất này từ nhiều thế kỉ trước. Trên tấm bia được tìm thấy trong ngôi chùa cạnh tháp được khắc bằng những dòng chữ Phạn có ghi rõ là vào thời Vua Yacovar-Man một vị vua Khmer, khoảng năm 892 sau Công nguyên. Tòa tháp cổ đã trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ đặc trưng của con người ở vùng đất này.
Tháp cổ Vĩnh Hưng có cấu trúc khá đơn giản, với bình diện hình chữ nhật, các lớp tường bao quanh dày, nóc tháo cao uốn thành vòm có một cửa quay về hướng Tây. Chiều cao của tháp chừng 8,2m, do một phần đỉnh đã hư hại, hai bên cạnh chân tháp rộng 5,6m và 6,9m.
Điều gì đã làm nên một tháp cổ đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, nắng gió của thời gian những vẫn vững chãi đến hiện tại? Đó là một kĩ thuật xây dựng đặc biệt của người Khmer cổ, toàn bộ tháp được xây dựng bằng gạch và gắn kết rất khít khao, hầu như không thấy được dấu vết của những kẻ hở.
Đi vào bên trong tháp ta thấy một bàn tay của tượng thần bằng đồng, một phần thân dưới của tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma với mặt bằng đồng, đầu tượng Phật bằng đồng…và nhiều vật thờ khác.
Tháp cổ Vĩnh Hưng đã trải qua nhiều đợt khảo sát trong khu vực tháp. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo, nhiều tượng đồng có giá trị. Gần đây nhất là đợt khai quật năm 2002, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nhiều tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn, nhiều tượng đồng đặc biệt quý hiếm, điểm đặc biệt là những phát hiện này chưa từng thấy ở đâu cũng như chưa có một sách nào nói về những tượng cổ này.
Hiện nay, tháp cổ Vĩnh Hưng đã được tôn tạo, trùng tu cùng với xây dựng các phòng trưng bày các hiện vật khai quật được cũng như các tư liệu liên quan đến tháp cổ này. Chính điều này đã mang nhiều du khách đến với Vĩnh Hưng, tìm về tháp cổ để hiểu hơn về một thời vàng son của một nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng. Công trình này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.