Thể thao và Chuyện của những kẻ chiến bại

Thể thao và Chuyện của những kẻ chiến bại
Bạn đang xem: Thể thao và Chuyện của những kẻ chiến bại tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Phần đẹp nhất của thể thao có khi không phải là chiến thắng. Thế nhưng, phải chăng, thể thao được tạo nên từ thất bại và những người thua cuộc nhiều hơn là chiến thắng và các nhà vô địch.

THỂ THAO ĐƯỢC TẠO NÊN TỪ CẢ NHỮNG THẤT BẠI

Thi đấu là để chiến thắng”, Ron Weasley đã thốt lên câu ấy khi cự cãi với Hermione Granger trong phần 4 của Harry Potter, khi thấy Hermione thân thiết với đối thủ của Harry trong cuộc thi Tam Pháp Thuật. Trong thể thao, thi đấu là để chiến thắng. Còn gì hiển nhiên hơn? Thế nhưng, khi xem Little Miss Sumo, bộ phim tài liệu về một nữ VĐV sumo 20 tuổi do Netflix phát hành, rất có thể ta sẽ phải nghĩ lại. Phần đẹp nhất của thể thao có khi không phải là chiến thắng.

Hyori Kon theo đuổi một bộ môn mà theo truyền thống vốn chỉ dành cho nam giới: sumo. Khi ra sở thú, cô hài hước so sánh mình với lũ hải cầu, với cơ thể tích một lớp mỡ dày. Khi đi qua một cửa hiệu thời trang xa xỉ, cô bảo khi nào mình giải nghệ, nhất định sẽ diện những bộ đồ ấy. Khi cô còn nhỏ và quyết tâm tập sumo, cha cô suýt đã ngăn cấm. Có lý do nào để một người phụ nữ theo đuổi bộ môn thể thao đòi hỏi sự hy sinh lớn đến thế về ngoại hình và thể chất? Vậy mà cô vẫn theo đuổi. Ta những tưởng với tất cả chất liệu ấy, sau tất cả gian khổ ấy, bộ phim phải kết thúc bằng một chiến thắng ngọt ngào để bù đắp cho nỗ lực của Hyori. Nhưng không. Hyori chỉ về nhì trong giải đấu mà cô dồn bao tâm huyết.

thể thao phim Little Miss Sumo

Dù bạn cố gắng bao lâu, bạn cũng có thể thua trong nháy mắt”, Hyori nói trong nước mắt.

Không ai muốn thất bại trong cuộc đấu thể thao. Cũng không ai nhớ tới người thất bại trong cuộc đấu thể thao. Nhưng sau cùng, số người thất bại luôn nhiều hơn số người chiến thắng. Thế nên, phải chăng, thể thao được tạo nên từ thất bại và những người thua cuộc nhiều hơn là chiến thắng và các nhà vô địch.

HÀNH TRÌNH QUAN TRỌNG HƠN ĐÍCH ĐẾN

Người ta đã kể quá nhiều câu chuyện về những người chiến thắng, nhưng những người thua cuộc thì chẳng mấy khi. Dù hành trình của họ cũng đẹp không kém, không phải cái đẹp rực rỡ, chói lọi và lấn át mọi thứ, mà là một cái đẹp thật khiêm cung, nhún nhường. Trong một series phim tài liệu khác của Netflix, Losers, đạo diễn Mickey Duzyj đã tìm đến 8 VĐV thể thao thất bại, và rồi kể cho ta nghe câu chuyện về cái đẹp của việc không là người dẫn đầu.

thể thao phim Losers

Phim Losers nói về 8 VĐV đã thất bại trong giải đấu quan trọng của đời mình.

Một trong những câu chuyện thổn thức nhất là về Jean van de Velde, một tay golf người Pháp xếp hạng ngoài 150, người đã chút nữa làm nên lịch sử khi chỉ còn cách chiến thắng Open Championship một cú đánh, giải đấu golf lâu đời nhất và danh giá nhất thế giới. Chúng ta đều yêu thích câu chuyện về kẻ lót đường đả bại tất cả các hạt giống để rồi chạm vào cúp vàng. Và lẽ ra Jean van de Velde đã trở thành một người hùng. Người ta còn trở đi trở lại mãi với khoảnh khắc ấy, khi Jean, đáng ra chỉ cần những cú đánh cơ bản để đưa trái bóng vào lỗ, lại chọn một cú đánh phức tạp hơn và rốt cuộc đưa trận đấu vào thế play-off. Anh thất bại ở cú đánh cuối cùng ấy. Chỉ một khoảnh khắc mà người khác có lẽ gọi là “bị ma làm”, anh tuột mất chiến thắng, tuột mất cơ hội trở nên vĩ đại. Anh không bao giờ còn đến gần chức vô địch Open Championship như thế nữa. Cơ hội chỉ đến một lần và anh đã không tận dụng được nó.

Nếu được làm lại, anh có thay đổi quyết định của mình không? Tập phim tài liệu cho Jean không gian hồi tưởng lại ký ức buồn bã ấy. Hình ảnh Jean đứng dưới mương nước, nhìn trái bóng đang chìm dần xuống mặt nước như cơ hội đang xa khỏi tầm với, buộc ta phải nghĩ lại về ý nghĩa của thể thao. Nỗ lực là cả một hành trình, nhưng thắng – thua chỉ nằm trong giây lát. Thế mà, người ta chỉ nhìn vào giây lát ấy mà quên mất cả hành trình dài dằng dặc cả trước và sau đó. Nếu ví rèn luyện thể thao là một con đường thiên lý, thì thắng – thua chỉ giống như những trạm nghỉ chân ngắn ngủi mà thôi.

Trong Nyad – bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một VĐV bơi lội ở tuổi 60 lập kỷ lục thế giới khi bơi một mạch từ Cuba tới Florida, giúp nữ diễn viên Annette Bening nhận được đề cử Nữ diễn viên Xuất sắc tại lễ trao giải Oscar năm nay – nhân vật chính Nyad đã thành công làm nên điều không tưởng sau ngàn lần thất bại. Nyad đã thất bại trong việc đạt thành tích đó ở tuổi 20, độ tuổi sung sức và dẻo dai nhất của một VĐV. Đến lúc 60 tuổi, bày tỏ mong muốn ấy với mọi người, ai nấy đều nghĩ bà điên rồi.

thể thao phim Nyad

Nyad đúng là điên. Năm lần bảy lượt, bà bước vào giải đấu của đời mình, thất bại liên tiếp thất bại. Nhưng không hề gì, năm nay thất bại, năm sau bà thử lại. Một nhà thể thao, khi vào cuộc đấu, hẳn nhiên mang tâm thế tôi phải thắng, bởi nếu không cố gắng chiến thắng thì họ còn ở đây làm gì? Đồng thời, để có thể đi đến chiến thắng cuối cùng, ta vẫn phải chấp nhận rằng, trên chặng đường ấy, ta không thể tránh khỏi việc bị quật ngã. Thất bại là một phần của cuộc chơi, nếu không nói là một phần rất lớn. Nếu Nyad không thể vượt qua những thất bại ấy, sẽ không thể có ngày bà chạm được tới bờ biển Florida trong sự reo hò của hàng trăm, hàng ngàn người đã phấn khích đứng đợi bà từ lâu.

CHIẾN THẮNG KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

Chiến thắng là thứ đáng để khao khát, nhưng chiến thắng cũng có thể là điều nguy hiểm. Đó là bài học mà ta thấy được trong King Richard, bộ phim tiểu sử về người cha kiêm HLV của hai chị em huyền thoại quần vợt nhà Williams, bộ phim giúp Will Smith nhận một đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính Xuất sắc. Ông Richard, bất chấp những thuyết phục của mọi người, đã từ chối cho con gái lớn xuất sắc của mình tham gia các giải đấu thiếu niên để tích lũy kinh nghiệm. Ông đã thấy quá nhiều nhà vô địch trẻ tuổi trượt dài trong sự tán tụng và tung hô. Những ca tụng kiến tạo nên những ảo tưởng quanh bản ngã một con người, và ông không muốn Venus Williams đi vào vết xe đổ đó. Ông thà để con gái mình không được nếm trải sự ngọt ngào của chiến thắng khi cô còn chưa đủ khả năng xếp nó vào đúng chỗ.

poster phim King Richard

Chúng ta có thực sự cần chiến thắng đến thế không? Trong Over the Limit, bộ phim gây chấn động về nữ VĐV thể dục dụng cụ Margarita Mamun từng giành HCV Olympic ở Rio de Janeiro, ta được nhìn thấy cuộc sống đằng sau chân dung một nhà vô địch trẻ tuổi, xinh đẹp, đứng trên đỉnh vinh quang. Bộ phim xen lẫn những thước phim duyên dáng mê hồn của Margarita khi thi đấu trên sân và hình ảnh cô ngoài đời, tập luyện điên cuồng, không được phép thất bại, chịu những lời xúc phạm từ các HLV nếu lỡ thua cuộc. Ngay cả khi cha cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, ban đầu cô cũng không được biết. Chiến thắng là tất cả. Vì chiến thắng, người ta sẵn sàng buộc cô từ bỏ tình cảm, từ bỏ những cảm xúc bị cho là yếu mềm. Chiến thắng ấy chẳng phải là chiến thắng rất mực phi nhân? Có ý nghĩa gì trong một chiến thắng càn quét con người như thế?

poster phim Over the limit

Và rồi, chiến thắng có quan trọng đến vậy hay chăng? Khi được hỏi có tiếc không vì đã bỏ lỡ cơ hội khắc tên lên cúp vàng, Jean van de Velde tinh quái hỏi lại người phỏng vấn, “anh hãy kể cho tôi tên người đã vô địch giải Open Championship năm 1907 xem nào”.

Người phỏng vấn im lặng. Hẳn cả những người hâm mộ nhiệt thành của golf cũng sẽ im lặng khi nghe câu hỏi ấy. Chúng ta chẳng nhớ nổi. Nhà vô địch thường được nhớ lâu hơn kẻ chiến bại. Nhưng rồi ta cũng sẽ quên cả những nhà vô địch như đã quên những kẻ chiến bại mà thôi. Vẻ đẹp của thể thao nằm trong tinh thần của trận đấu. Hãy tận hưởng nó.