Nếu đang tò mò và muốn tìm hiểu về nghề bartender thì chắc chắn không thể bỏ qua bài viết về tất tần tật các loại dụng cụ pha chế của bartender dưới đây.
Những màn biểu diễn quăng chai, biểu diễn với lửa, rượu điêu luyện, đẹp mắt trong quán bar, club, nhà hàng,… được thực hiện bởi người pha chế rượu, hay thường được gọi là bartender.
Công việc của họ là pha chế các loại đồ uống có cồn như cocktail, rượu, bia,…
Để tạo ra những thức uống thơm ngon thì bartender phải sử dụng rất nhiều dụng cụ chuyên dụng, cùng tìm hiểu xem những dụng cụ đó là gì nhé.
Bình lắc (shaker)
Shaker chính là vật dụng cơ bản không thể thiếu của bartender giúp các thức uống thơm ngon và hấp dẫn. Chiếc bình này còn là trợ thủ đắc lực để người bartender thực hiện những màn biểu diễn nghệ thuật điêu nghệ của mình.
Shaker là loại bình chuyên dụng dùng để pha chế, làm lạnh các loại đồ uống như cocktail, rượu, trà sữa,… Người pha chế sẽ cho các thành phần của đồ uống và đá viên vào bình, sau đó lắc mạnh và cho món nước ra ly.
Nhận được bằng sáng chế vào những năm 1870 và 1880, trải qua thời kì huy hoàng (thời đại nhạc Jazz những năm 1920 và 1930) khi bình shaker được xem là biểu tượng của sự tốt đẹp, tinh tế.
Đến thời kỳ khủng hoảng (năm 1941) do các công ty sản xuất shaker tập trung chế tạo vũ khí để phục vụ cho Thế chiến II, tới năm 1950 shaker mới được hồi sinh và phổ biến trở lại.
Hiện tại bình lắc shaker có 3 loại chính:
Boston shaker
Gồm có 2 phần, phần thân bên dưới làm bằng inox, phần trên làm bằng thủy tinh và gọi là Mixing Glass. Loại này chuyên dùng để pha chế những loại đồ uống có dung tích lớn, có dung tích chuẩn là 500ml, được chia vạch thể tích.
Loại này có thể dễ dàng tháo rời nhưng phần ly thủy tinh khá dễ vỡ, rò rỉ và không có bộ lọc nên phải dùng bộ lọc khi pha chế.
Ngoài ra thì boston shaker cũng có một biến thể khác với 2 nửa đều là 2 ly inox, gọi là “tin – on – tin”, ưu điểm là sẽ giúp giữ được nhiệt độ dù lạnh hay nóng, ít bị rò rỉ, bền và an toàn hơn.
Cobbler shaker (standard shaker)
Cấu tạo của bình này có 3 phần là thân bình, lọc và nắp đậy đều được làm bằng inox không gỉ. Vì có thể đóng mở chắn chắn, thuận tiện nên loại này có thể thao tác bằng cả hai tay và được các bartender ưa chuộng.
Có 3 kích cỡ là loại dưới 0,5l, loại từ 0,5l – 1l và loại 1l – 1,5l. Tuy nhiên vẫn có khuyết điểm là khi gặp lạnh, vì kim loại sẽ co lại tạo áp suất lớn khiến phần nắp bị dính chặt, rất khó mở.
Parisian shaker
Cấu tạo của loại này là sự kết hợp giữa hai loại gồm có có 2 phần, không có màng lọc như boston shaker và được làm hoàn toàn bằng inox tương tự như cobbler shaker.
Kiểu dáng của parisian khá đẹp, nhỏ gọn và dễ sử dụng nhưng lại khó tách phần nắp hơn so với 2 loại còn lại
Muỗng pha chế (bar spoon)
Để khuấy, trộn các nguyên liệu thì bartender phải dùng đến muỗng pha chế, được làm từ inox, thép không gỉ, nhựa cứng và có cấu tạo bao gồm một đầu để khuấy. Phần tay cầm mảnh dài thẳng hoặc xoắn ốc để dễ dàng sử dụng khi pha chế bằng các loại cốc cao. Đầu còn lại có thanh nhọn hoặc chiếc nĩa để gắn trái cây khi trang trí, khui nắp nhựa của chai syrup.
Một số loại muỗng pha chế
Muỗng kiểu Mỹ
Loại này chỉ có một nửa là phần tay cầm xoắn nên sẽ dễ cầm hơn. Ngoài ra thì còn có thêm một nắp cao su nhỏ được gắn ở đầu.
Muỗng kiểu Nhật
Kiểu Nhật có thiết kế thanh lịch với phần tay cầm xoắn ốc và có thể dài tới 40cm.
Muỗng kiểu Âu
Khá giống kiểu dáng của kiểu Nhật nhưng có thêm phần đế tròn để khi không sử dụng có thể dựng ngược muỗng lên.
Dụng cụ lọc (strainer)
Dụng cụ lọc được dùng loại bỏ các nguyên liệu như đá viên, thảo mộc, hạt trái cây,… sau khi đã pha chế, gồm có một số loại phổ biến:
Hawthorne strainer
Đây là loại rây lọc phổ biến nhất được cả những người pha chế nghiệp dư và chuyên nghiệp sử dụng, với thiết kế chính là một miếng kim loại phẳng, đục lỗ, gắn thêm lò xo xung quanh.
Được thiết kế phần miệng có đường kính bằng kích thước trung bình của bình shaker nên rất dễ dàng tháo lắp khi sử dụng.
Julep strainer
Với thiết kế hình vỏ sò, đục lỗ nhỏ, tay cầm dài rất bền, dễ vệ sinh phù hợp để sử dụng với boston shaker, tuy nhiên lọc các loại nguyên liệu lớn khá chậm.
Fine strainer
Được xem như là dụng cụ bổ trợ cho hai loại trên với phần lưới nhỏ mịn, dùng để lọc lại lần thứ hai, giúp loại bỏ các nguyên liệu như đá dăm nhỏ, mảnh trái cây,… Có giá khá rẻ và dễ dàng mua được ở chợ, siêu thị.
Dụng cụ đong (jigger)
Cũng giống như thợ làm bánh, bartender cũng phải sử dụng một số dụng cụ đong chuyên dụng để đảm bảo hương vị tuyệt hảo của thành phẩm. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại với kiểu dáng, giá cả khác nhau.
Loại cổ điển đôi (classic double jigger)
Loại này rất phổ biến, giá cả phải chăng và dễ nhận biết với thiết kế hình đồng hồ cát không cân bằng. Có nhiều loại thể tích từ 0.5oz – 1.5oz, loại lớn có thể lên đến 2oz tuy nhiên càng lớn lại càng dễ ngã.
Loại chuông (bell jigger)
Đây là loại đôi kiểu chuông với kích cỡ chuông khác nhau, nhờ phần chân rộng và nặng nên loại này không dễ dàng bị ngã như loại cổ điển đôi.
Loại đơn (single jigger)
Hình chiếc ly và thường được làm bằng thủy tinh hoặc thiết với vạch chia thể tích in trên bề mặt ly. Ngoài sử dụng làm dụng cụ đong thì loại này còn có thể làm ly đựng rượu.
Loại Nhật (Japanese jigger)
Khá giống loại cổ điển nhưng nhỏ gọn, thanh lịch hơn. Đây là loại thường được ưa chuộng vì dễ rót vào ly và ít bị ngã hơn.
Dụng cụ mở nắp rượu
Rượu là nguyên liệu rất phổ biến để pha chế các loại thức uống vì thế mà dụng cụ mở nắp rượu rất quan trọng và có khá nhiều loại.
Waiter’s corkscrew
Loại này rất thông dụng với phần bản lề đôi giúp làm đòn bẩy để có thể tháo nút chai dễ dàng.
Air pressure wine openers
Tuy có giới hạn sử dụng 80 – 100 lần nhưng cách sử dụng lại khá dễ dàng. Chỉ cần cắm chiếc kim rỗng qua nút chai, một nút nhỏ được nhấn để giải phóng lượng CO2 từ hộp mực bên trong, từ đó đẩy nút ra khỏi cổ chai.
Vì dùng áp suất không khí để mở, người sử dụng không cần dùng nhiều sức vẫn có thể dễ dàng sử dụng nên rất phù hợp với người cao tuổi.
Ly thủy tinh
Những chiếc ly cũng là dụng cụ rất quan trọng giúp tác phẩm của bartender thêm đẹp mắt, sang trọng hơn. Một số loại ly khá phổ biến như:
Cordial
Thiết kế của loại này khá nhỏ, thường được sử dụng để đựng rượu với dung tích từ 30ml – 120ml.
Highball
Loại này có hình dáng cao, to và khá thô, thường không có chân, chuyên dùng để pha các loại đồ uống hỗn hợp, có nhiều đá.
Hurricane
Chuyên dùng để phục vụ một số loại cocktail nhiệt đới như: Hurricane, June bug, Blue Hawaii,…
Champagne flute
Với hình dáng chân đế cao, hình ống khá mỏng, đây là loại chuyên dùng để phục vụ champagne.
Ly bia (beer mug)
Khá giống highball đều là loại không chân, cao to tuy nhiên ly bia thường có dung tích lớn hơn, từ 300ml – 650ml, chuyên dùng để phục vụ các loại đồ uống lạnh, nhiều đá như bia.
Martini (cocktail)
Loại này khá dễ nhận biết với thiết kế hình chữ V cổ điển, chân cao để hơi ấm từ tay không làm ảnh hưởng đến độ lạnh của rượu. Vì martini chuyên dùng để phục vụ các thức uống lạnh nên loại ly này sẽ được ướp lạnh trước khi rót rượu.
Bộ dao cắt tỉa trang trí
Những loại rau củ quả trang trí thường được cắt tỉa bằng bộ dao cắt tỉa chuyên dụng, gồm có: Loại có lưỡi dài có khe cong để tạo hình, dạo đục, dao khắc, dao tỉa,…Trên thị trường hiện nay có bán nhiều bộ dao có chất liệu, kích thước,… khác nhau tùy theo giá tiền và công dụng.
Trên đây là một số thông tin về các dụng cụ pha chế của bartender, hy vọng rằng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn.
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH