1. Tổng hợp các dẫn chứng Nghị luận văn học chọn lọc hay nhất:
1. “Thơ không phải là rượu đã rót sẵn vào chén mà là men đương lên, không phải hoa sẵn trên cành mà là dòng nhựa đương chuyển” (Xuân Diệu)
2. “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi)
3. “Thơ là điệu hồn đi tìm tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)
4. Văn chương là nguồn cảm hứng, là bữa tiệc tinh thần mà con người được tham gia để trải nghiệm và tiếp thu những trang sách đầy ý nghĩa.
5. Tác phẩm văn học là câu chuyện về con người, về cuộc sống và về những khía cạnh đa dạng của thế giới.
6. “Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng” (Ai-ma-tốp)
7. “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu” (L. Tôn-xtôi)
8. Văn học không chỉ là giải trí mà còn là một phương tiện để thấu hiểu, cảm nhận và đối diện với những khía cạnh sâu xa của cuộc sống.
9. Qua văn chương, ta có thể truyền tải những giá trị, thông điệp và tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác.
10. “Văn chương phải là thế trận đuổi nghìn quân giặc” (Trần Thái Tông)
11. Văn học là một lĩnh vực nghệ thuật nâng cao trí tuệ và cảm nhận của con người.
12. Văn học là một cách để thể hiện những cung bậc cảm xúc, từ niềm vui, sự đau khổ, lòng biết ơn đến sự tò mò và sự khám phá.
13. Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người.
14. “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M. L. Kalinine)
15. “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội” (Phạm Văn Đồng)
16. “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” (CharlesDuBos)
17. “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí” (M. Go-rơ-ki)
18. “Văn học là nhân học” (M. Gorki)
19. “Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế giới” (Pau-tốp-xki)
20. “Văn học là tấm gương lớn di chuyển dọc theo đường đời” (Xtăng-đan)
21. “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M. L. Kalinine)
22. Tác phẩm văn học có thể tạo ra những kết nối tinh tế giữa người viết và người đọc, tạo ra một không gian chia sẻ và hiểu biết.
Tác phẩm văn học có thể thúc đẩy sự phát triển của con người, từ việc mở rộng kiến thức đến việc khám phá bản thân.
23. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá mới về nội dung” (Lê-ô-nít Lê-ô-nốp)
24. Tác phẩm văn học có thể thúc đẩy sự phát triển của con người, từ việc mở rộng kiến thức đến việc khám phá bản thân.
25. Qua văn chương, ta có thể tìm thấy sự đồng cảm và sự kết nối với con người khác, dù xa cách về thời gian và không gian.
26. Văn chương là ngôn ngữ của trái tim, nơi mà tình yêu, đau khổ, hy vọng và những cung bậc cảm xúc khác có thể được thể hiện một cách chân thành và sâu sắc.
27. “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật” (Nguyễn Tuân)
28. “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu)
29. “Văn học nằm ngoài các định luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sê-đrin, Nga)
30. “Văn xuôi được phép không mười phần hoàn hảo nhưng thơ thì đòi hỏi sự toàn bích” (Nguyễn Đình Thi)
31. “Bàn tay siết lại thành nắm đấm” (Hemingway nói về truyện ngắn)
32. “Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật sống trên trái đất” (Béc-tôn Brếch)
33. “Cẩu thả trong nghề nào cũng là bất lương nhưng cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” (Nam Cao)
34. “Nhà văn phải là người đi tìm gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người” (Nguyễn Minh Châu)
35. “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tuỷ” (Sê-khốp)
36. “Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số” (Nguyễn Đình Thi)
37. “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại” (Ban-dắc)
38. “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Ai-ma-tốp)
39. “Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người” (Nguyễn Minh Châu)
40. “Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: Chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoanh gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu)
41. “Hãy đi sâu vào vẻ đẹp quyến rũ của ngôn ngữ bình dân, hãy đi sâu vào những câu hài hoà cân đối trong các bài ca, trong truyện cổ tích… Bạn sẽ thấy ở đó sự phong phú lạ thường của các hình tượng, sự giản dị của sức mạnh làm say đắm lòng người, vẻ đẹp tuyệt vời của những định nghĩa… Hãy đi sâu vào sáng tác của nhân dân, nó trong lành như nước nguồn ngọt ngào, tươi mát, róc rách từ khe núi chảy ra” (M. Gorki)
42. “Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của riêng mình” (Ivan Tuốc-ghê-nhép)
43. “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp” (Pautopxki)
44. “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” (Pautôpxki)
45. “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả” (Nguyễn Đình Thi)
46. “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than “(Nam Cao)
47. “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự níu giữ mãi mãi. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo” (Nguyên Ngọc)
48. “Nghệ thuật đó là sự mô phỏng tự nhiên” (Pu-skin)
49. “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc” (Phương Lựu)
50. “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà)
51. “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh)
52. “Cuộc bể dâu mà con người nhìn thấy trong văn thơ dân tộc là máu trong trái tim của người nghệ sĩ” (Tố Hữu)
53. “Tôi hãy còn một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ” (Dostoevski)
54. “Tôi muốn tác phẩm của tôi giúp mọi người trở nên tốt, có tâm hồn thuần khiết, tôi muốn chúng góp phần gợi dậy tình yêu con người, đồng loại và ý muốn đấu tranh mãnh liệt cho những lí tưởng của chủ nghĩa nhân đạo và sự tiến bộ của loài người” (Sô-Lô-Khốp)
55. “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ” (Sê-khốp)
56. “Cốt lõi của lòng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người” (Hoài Chân)
57. “Phải đẩy tới chóp đỉnh cao của mâu thuẫn thì sự sống nhiều hình mới vẽ ra” (Hê-ghen)
58. “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học” (M. Go-rơ-ki)
59. “Ngôn ngữ nhân dân là “tiếng nói nguyên liệu” còn ngôn ngữ văn học là “tiếng nói đã được bàn tay thợ nhào luyện…” (M. Go-rơ-ki)
60. “Tư tưởng nhân đạo xuyên suốt văn học từ xưa đến nay. Khái niệm nhân đạo có những tiền thân của nó, trong lời nói thông thường đó là “tình thương, lòng thương người” (Lê Trí Viễn)
2. Các hình thức nêu dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học
1. Dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn.
Đây là cách nêu dẫn chứng được sử dụng phổ biến nhất trong các văn bản văn nghị luận đặc biệt trong nghị luận văn học. Khi đưa ra dẫn chứng là một câu thơ, câu văn hay một đoạn, một bài văn ngắn người ta thường dùng cách nêu dẫn chứng này và thường được sử dụng viết thành một đoạn văn riêng. Việc trích dẫn nguyên văn cả câu, đoạn, văn bản ngắn đòi hỏi việc trích dẫn mang tính chính xác cao vì thế người viết phải nắm được, hiểu được và thuộc dẫn chứng. Nếu sử dụng dẫn chứng ở nhiều bài khác nhau người ta phải chú thích dẫn chứng (Dùng ngoặc đơn để ghi tên tác giả, tác phẩm của dẫn chứng).
Ví dụ: Tạo hóa đã ban tặng cho con người một đặc quyền thiêng liêng – đó là sống. Van-gốc đã từng thốt lên rằng: “Đối với tôi không có gì tốt đẹp hơn là cuộc sống”. Dù cho ai nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy vững tin rằng cuộc sống xung quanh ta chứa đầy hạnh phúc và niềm vui. Xuân Diệu, “thi sĩ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), đã hơn một lần khẳng định lối sống “vội vàng” của mình:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi
(Giục giã – Xuân Diệu).
2. Trích từ ngữ tiêu biểu.
Khi làm bài văn nghị luận, đôi khi người viết có thể trích dẫn các từ ngữ tiêu biểu. Lúc ấy các dẫn chứng được kết hợp vào trong lời văn nghị luận của người viết.
Ví dụ: Quê hương Việt Nam qua bức tranh thôn Vĩ Dạ của xứ Huế sao mà xinh xắn thế, mơ mộng và trữ tình đến thế. Bằng những hình ảnh bình dị, thân thương như “nắng hàng cau” trong khu vườn “mướt” “xanh như ngọc”, nhà thơ cho chúng ta thêm yêu và trân trọng xứ Huế. Những “bến sông trăng” với con thuyền “chở trăng” gợi lên chất mộng, chất thơ nhưng cũng rất thực. Đấy chính là tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương, với thiên nhiên đất nước. Ta có thể nhận thấy ngay các dẫn chứng trong đoạn văn trên là những từ ngữ tiêu biểu được trích dẫn bằng cách đặt trong ngoặc kép, hòa vào lời văn của người viết như:“nắng hàng cau”, “mướt”, “xanh như ngọc”, “bến sông trăng”, “chở trăng”.
3 Tóm lược nội dung chính.
Đây là cách trích dẫn dẫn chứng theo hình thức gián tiếp và khá phổ biến trong văn nghị luận, người viết chỉ dẫn ý của câu thơ, câu văn, lời nói, tóm lược nội dung câu chuyện… và không cần đặt trong ngoặc kép để đưa vào văn nghị luận.
Ví dụ:
Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu. Ban đầu hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng không ai đáp lời thằng say rượu. Tức mình, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, đến cuối cùng hắn đau đớn, hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.
3. Cách phân tích dẫn chứng trong bài văn nghị luận văn học.
1. Các bước phân tích.
* Cách 1:
+ Có một lời dẫn nhỏ.
+ Đưa ra dẫn chứng.
+ Phân tích dẫn chứng (cách cảm nhận, đánh giá, nhận xét của em về dẫn chứng đó)
Ví dụ: Ở “Thu vịnh”, người đọc nhận ra những nét bút tinh tế tuy chỉ chấm phá mà thâu tóm được cái thần của mùa thu. Hồn thu nhẹ nhàng toả ra từng câu chữ:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Cảnh thu hiện ra với những nét đặc sắc nhất. Nguyễn Khuyến đã kịp ghi lại cái xanh ngắt đặc trưng của trời thu – cái màu xanh mà không mùa nào có được. Cái xanh đậm mà không tạo ra cái nóng, nó gợi ra cái cao sâu của bầu trời khi thu tới, từng lớp mây xanh trùng điệp, đẩy đến cái xanh hun hút mấy từng cao. Có thể nói Nguyễn Khuyến đã gắn bó sâu nặng với bầu trời Việt Nam. Không gắn bó thì sao thấy được cái sắc màu thần thái ấy. (Trích Những bài văn đoạt giải quốc gia, NXB GD 2003)
* Cách 2:
+ Phân tích dẫn chứng.
+ Đưa ra dẫn chứng.
Ví dụ: Mạch thơ quay về hiện tại, nhà thơ sực tỉnh những vẫn chưa hết thổn thức, bồi hồi. Hình ảnh người mẹ vẫn còn đó, nơi đồng nội giậu phơi, nơi hiên nhà, song cửa…Dường như đâu đâu cũng in bóng dáng mẹ, vương hơi ấm của mẹ nên nỗi nhớ lúc nào cũng chỉ chực dâng trào. Và phải chăng “nắng mới” chỉ như cái cớ, chỉ là giọt nước làm tràn ly thương nhớ. Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ Hãy còn mường tượng lúc vào ra (Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)
* Cách 3:
+ Vừa nêu, vừa phân tích dẫn chứng.
Ví dụ: Trong văn xuôi, giọng điệu của nhà văn in hằn lên câu chữ. Cùng tả con người dị dạng ở nông thôn cũ, nhưng trong Kim Lân khi Tràng hiện ra với “hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều”, “ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch” thì dường như câu văn vẫn còn có cái gì nhẹ nhàng, xót thương. Nhưng thằng “Chí Phèo “trông đặc như một thằng sắng đá. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng…”đã hiện lên từ giọng chì chiết, khinh bạc, lạnh lùng của Nam Cao ở ngay những dòng đầu truyện. (Trích Tuyển chọn đề và bài văn đạt giải , NXB ĐHQG TPHCM, 2007)
2. Phương pháp phân tích.
a. Phương pháp cảm nhận.
Việc cảm nhận thực chất là sự nhận biết của người viết, người đọc thông qua tình cảm chủ quan của mình. Nhưng không có nghĩa là người viết, người đọc có thể cảm nhận như thế nào cũng được việc cảm nhận đó phải cảm nhận trên cơ sở có lí, có tình và bám vào văn bản. Dẫn chứng bao giờ cũng diễn đạt một tình tiết hay miêu tả một cảnh tượng, sự kiện băng năng lực riêng. Với phương pháp này chúng ta hãy tả lại một cách chi tiết, cụ thể theo cảm nhận thông qua sự tưởng tượng kèm theo những nhận định, đánh giá để làm rõ được luận điểm. Cảm nhận là một nghĩa rộng. Có khi cảm nhận bằng lí trí có khi bằng tình cảm cũng có thể kết hợp giữa lí trí và tình cảm để có cảm nhận đúng và hay.
b. Phương pháp phân tích nghệ thuật làm nổi bật nội dung vấn đề.
Một trong những điểm yếu của học sinh là trong quá trình phân tích, các em ít hoặc không chú ý đến nghệ thuật. Chính vì vậy, dù bài làm của bạn có tốt đến mấy thì cũng khó đạt được điểm cao. Bởi vì, nếu nội dung là “bộ xương” của tác phẩm thì nghệ thuật là “linh hồn” của nó. Mọi “nội dung” tốt đẹp đều phải ẩn chứa trong một “tâm hồn” tốt đẹp. Chỉ phân tích nội dung thôi có nghĩa là bài viết mới hoàn thành được một nửa. Vì vậy, trong quá trình phân tích phải kết hợp cả nội dung và nghệ thuật. Vì vậy, việc phân tích bằng phương pháp này đòi hỏi sự hiểu biết về các biện pháp tu từ tiếng Việt. Cần chỉ ra, phân tích tác dụng và ý nghĩa tu từ của nó.
c. Phương pháp suy luận bằng lí lẽ.
Phương pháp này thường dựa vào bản chất của vấn đề để suy luận theo hướng người viết dự định. Muốn vậy, bạn phải nắm chắc đặc điểm nhân vật, sự kiện của văn bản.
d. Phương pháp so sánh, đối chiếu.
Trong thưởng thức văn học, so sánh là một phương pháp hữu ích vì dù được viết cùng thể loại, cùng chủ đề, cùng thời điểm… Nhưng mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là một sáng tạo độc đáo. Sự so sánh sẽ làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo của mỗi tác phẩm. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể nhận xét, đánh giá những đóng góp, phong cách riêng của từng nhà văn, từng hiện tượng văn học… Một bài văn hay trước hết phải viết “đúng” và chỉ khi “đúng” mới viết hay. Hơn nữa, một bài văn hay không chỉ thể hiện được cái nhìn sâu sắc của người viết mà còn biết liên hệ, so sánh nó với những tác phẩm khác. Điều này không chỉ thể hiện “chiều sâu” của người viết mà còn thể hiện “chiều rộng” của “vốn” văn chương. Tức là việc phân tích dựa trên cùng một chủ đề được trình bày trong nhiều văn bản khác nhau.