Dính lưỡi là thuật ngữ được dùng trong Y khoa để chỉ về một dị tật bẩm sinh của trẻ nhỏ. Vấn đề này tuy không mới nhưng không phải ai cũng hiểu và biết cách xử lý. Giờ ta hãy cùng tham khảo bài viết để xem trẻ bị dính lưỡi phải xử lý như thế nào nhé.
Theo Th.S, BS Nguyễn Trương Khương (Bệnh viện FV) thông tin cho báo Tuổi Trẻ, thắng lưỡi là “một màng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi”. Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được rõ công dụng, chức năng chính xác của thắng lưỡi. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng dính lưỡi (hay còn gọi là dính thắng lưỡi) thì việc nuốt và phát âm của bé sẽ bị tác động trực tiếp. Vì thế, việc bổ sung thêm kiến thức về trường hợp dính lưỡi này là vô cùng cần thiết. Hãy tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé.
Dính lưỡi là gì?
Tầm 5% trẻ nhỏ được sinh ra sẽ gặp phải dính lưỡi – một loại dị tật bẩm sinh. Theo khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, dính lưỡi (dính thắng lưỡi) là “tật bẩm sinh nhẹ do thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn, quá dày hoặc dính quá chặt, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi”.
Thông thường, bé trai sẽ dễ xảy ra trường hợp dính lưỡi nhiều hơn các bé gái. Tình trạng này các bậc phụ huynh có thể phát hiện khi đưa trẻ đi tiêm chủng hay kiểm tra sức khỏe định kỳ ở các tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, có trẻ sẽ bị phát hiện chậm hơn thời gian trên, chỉ khi cha mẹ cảm thấy bé bú cũng như phát âm gặp nhiều khó khăn, tăng cân chậm thì mới nhận ra.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dính lưỡi
Không cần phải đợi đến khi đi kiểm tra sức khỏe mới phát hiện được dính lưỡi, các bậc phụ huynh cũng có thể tự kiểm tra cho con tại nhà bằng cách nhận biết các dấu hiệu sau:
– Hoạt động của lưỡi gặp nhiều khó khăn do thắng lưỡi ngắn.
– Chiều dài lưỡi ngắn khiến đầu lưỡi không thể đưa ra khỏi môi được. Tương tự, chúng cũng không chạm được nóc vòm họng.
– Hành động lưỡi đưa ra trước hoặc thụt về sau bị hạn chế làm cho đầu lưỡi sẽ có dạng hình trái tim. Đặc biệt được hiện rõ khi bé khóc.
– Với người bình thường, đầu lưỡi sẽ có dáng nhọn. Nhưng đối với trẻ bị dính lưỡi thì ta sẽ thấy lưỡi chúng có dạng hình phẳng hoặc vuông, nhất là khi thè ra sẽ thấy rõ hơn.
– Răng cửa hàm dưới của bé sẽ có vấn đề như bị nghiêng, bị hở giữa hai răng,…
– Bé gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bú mẹ (bú bình) hay phát âm, nói chuyện.
Cách xử lý bị dính lưỡi
Cũng như các bệnh lý thông thường khác, dính lưỡi cũng sẽ có trường hợp nặng hoặc nhẹ và tùy theo từng mức độ sẽ có cách xử lý khác nhau. Trước hết, ta cần phải biết các mức độ thường gặp của vấn đề này. Có 4 mức độ cơ bản: thắng lưỡi dính từ 12 – 16mm (mức độ 1 – nhẹ), thắng lưỡi dính từ 8 – 11mm (mức độ 2 – trung bình), thắng lưỡi dính từ 3 – 7mm (mức độ 3 – nặng) và thắng lưỡi dính dưới 3mm (mức độ 4 – hoàn toàn).
Các bậc phụ huynh phải đưa con đến các phòng khám chuyên khoa về vấn đề này như khoa Răng Hàm Mặt ở các bệnh viện để được xác định chính xác mức độ dính lưỡi mà bé gặp phải. Đồng thời, nghiên cứu xem có cần phải cắt hay không.
Đối với mức độ nhẹ có dây thắng lưỡi mỏng thì hầu hết không cần sự can thiệp từ phẫu thuật, chúng sẽ tự động tách ra từ từ trong năm đầu đời. Nếu phải phẫu thuật thì các bậc phụ huynh cũng đừng quá lo lắng nè bởi đây chỉ là tiểu phẫu thôi, bé sẽ mau chóng sinh hoạt bình thường sau đó (bú, ăn, nói chuyện,…), nhất là các bé dưới 3 tháng tuổi. Còn các bé lớn hơn thì cũng chỉ vài tuần sau thôi là đã lành rồi.
Thông tin thêm về thời gian tiểu phẫu xử lý dính lưỡi, BSCKI Nguyễn Thị Việt Thành, Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Đa khoa Phương Đông) cho lời khuyên: “Cha mẹ nên cho trẻ làm tiểu phẫu cắt thắng lưỡi càng sớm càng tốt. Thời điểm lý tưởng nhất là khi trẻ mới được 3-4 tháng tuổi. Bởi trì hoãn lâu, trẻ lớn phần dính thắng lưỡi sẽ hình thành những mạch máu. Lúc này nếu cắt sẽ khiến bé bị chảy nhiều máu, gây đau đớn và ảnh hưởng tâm lý cho bé”.
Cha mẹ đừng quá lo lắng khi phát hiện con bị dính lưỡi nhé. Ngày nay kỹ thuật công nghệ Y khoa rất tiên tiến, chỉ cần cha mẹ phát hiện sớm cho con là sẽ xử lý nhanh chóng thôi. Hãy dành thời gian quan tâm con mình nhiều hơn mỗi ngày cha mẹ nhé.
Kinh nghiệm hay Bách Hóa XANH