Trẻ nhiều ngày không đi ngoài liệu có bất thường ? Bác sĩ nhi khoa gợi ý hướng xử trí đúng cách

Bạn đang xem bài viết: Trẻ nhiều ngày không đi ngoài liệu có bất thường ? Bác sĩ nhi khoa gợi ý hướng xử trí đúng cách tại website Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Trong quá trình nuôi dạy trẻ phát triển và lớn lên từng ngày, cha mẹ có thể đối diện với nhiều thắc mắc cũng như nỗi lòng không biết hỏi ở đâu. AVAkids đã tổng hợp từ trang Fanpage Hỏi bác sĩ Nhi đồng của bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) những câu hỏi thường gặp nhất về các triệu chứng bất thường của trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo để biết cách xử lý đúng đắn.

1Lưỡi của trẻ bị trắng, viêm lưỡi bản đồ

Nếu lưỡi của trẻ bị trắng, cha mẹ có thể rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Nguồn ảnh: Verywell Health

Nếu lưỡi của trẻ bị trắng, cha mẹ có thể rơ lưỡi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Nguồn ảnh: Verywell Health

Cha mẹ có thể rơ lưỡi trẻ bằng nước muối sinh lý, dung dịch rơ lưỡi, không cần rơ thật sạch. Lưu ý không rơ bằng thuốc kháng nấm nếu không cần thiết và trẻ dưới 1 tuổi không rơ bằng mật ong.

2Trẻ bị chảy nước mắt sống, đau mắt

Nếu trẻ bị đau mắt, cha mẹ nhỏ nước muối sinh lý, day góc trong mắt, có thể do trẻ bị hẹp lệ đạo. Nếu mắt có ghèn xanh có thể nhỏ Tobrex hay Neocin, nếu trẻ nhỏ tuổi thì dùng Argyrol và chờ trẻ ngủ thì hãy nhỏ mắt. Khi trẻ thức sẽ dễ khóc và thuốc sẽ theo nước mắt chảy ra ngoài.

Mắt trẻ bị lẹo có thể nhỏ Tobrex hay Neocin, chườm ấm sẽ hết dần. Chắp trên mắt cũng làm như vậy nhưng nếu tình trạng không giảm thì phải rạch.

3Trẻ bị chàm sữa, khô da mặt do bị lạnh

Cha mẹ có thể thử bôi cho trẻ các loại giữ ẩm như Cetaphil, Atopiclair, Dexeryl, Eucerin, Sudocrem… Nếu vẫn không thuyên giảm có thể bôi loại có chứa Corticoide liều thấp như Eumovate, trẻ bớt dần thì giảm liều và chuyển sang các loại giữ ẩm, tình trạng này đối với trẻ đa số sẽ hết dần sau 6 tháng

4Trẻ tự nhiên không bú, biếng ăn

Trẻ biếng ăn luôn là nỗi lo lắng lớn của cha mẹ. Nguồn ảnh: Kinderkraft

Trẻ biếng ăn luôn là nỗi lo lắng lớn của cha mẹ. Nguồn ảnh: Kinderkraft

Với tình trạng này, cha mẹ nên rơ miệng cho trẻ. Với trẻ đang bú bình, cha mẹ có thể pha sữa rồi để vào ngăn mát tủ lạnh cho trẻ, tìm nơi yên tĩnh, chờ cho bé thiu thiu ngủ rồi cho bú.

Cha mẹ cũng đừng nên ép trẻ ăn quá nhiều, chia các bữa ăn xa với cữ bú. Ngoài ra, lời khuyên là nên cho trẻ tập tự ăn, có thể ăn chung với người lớn và không kéo dài bữa ăn quá 30 phút.

Bài viết liên quan: Đọc ngay những cách này nếu muốn khắc phục tình trạng kén ăn ở trẻ

5Trẻ tự nhiên khó ngủ, vặn mình, quạu quọ

Cha mẹ hãy thử xác định nguyên nhân trẻ khó ngủ là do đâu: Trẻ đói, cảm thấy nóng nực hoặc chơi giỡn quá mức trước khi ngủ.

Cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm Vitamin D, chèn gối cho trẻ khi ngủ. Trẻ trên 1 tuổi nên xổ giun thường xuyên, trẻ lớn hơn không nên chơi game quá nhiều trước khi ngủ.

Bài viết liên quan: Mẹo hay giúp mẹ dỗ trẻ ngủ ngon mỗi ngày

6Những lưu ý khi uống Vitamin D

Cha mẹ có thói quen cho trẻ phơi nắng nhưng điều này đôi khi sẽ không cung cấp Vitamin D quá nhiều cho trẻ, phơi sớm quá thì không hiệu quả, trễ thì nóng quá.

Vitamin D có nhiều loại như D flouretten, Sterogyl, cũng có loại xịt DIMAO, loại 1 giọt 400 – 500 đơn vị hay số giọt tương đương,… Cha mẹ cho trẻ uống tới khi chạy chơi, uống mỗi ngày, không uống liều cao vì có thể làm trẻ biếng ăn. Chỉ nên dùng trong 1 – 3 tháng, không hết chai thì mua chai mới.

Bài viết liên quan: Lưu ý quan trọng ba mẹ cần biết khi bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh

7Trẻ có bú đủ lượng sữa mẹ không

Mẹ luôn quan tâm tự hỏi trẻ có bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết không. Nguồn ảnh: Cyber-RT

Mẹ luôn quan tâm tự hỏi trẻ có bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết không. Nguồn ảnh: Cyber-RT

Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần, nước tiểu không có màu vàng sậm là đủ.

Mẹ cũng nên lưu ý là sữa mẹ không liên quan đến vóc dáng của người mẹ, không nên vắt sữa để xem lượng sữa ít hay nhiều, thiếu hay đủ. Mẹ sẽ tự điều chỉnh sữa về số lượng và chất theo thời gian để phù hợp với lứa tuổi và giới tính của con.

Khi bé khát, sữa mẹ cũng có thể là nguồn cung cấp nước cho bé. Mẹ nên cho bé bú nhiều cữ, cứ bình tĩnh và không nên căng thẳng, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và luôn tin rằng bé luôn bú đủ lượng sữa.

8Phân trẻ nhỏ

Nếu trẻ đi hoa cà hoa cải (theo tiếng miền Bắc), đi tướt (tiếng miền Nam), sủi bọt, mẹ nên xem lại thức ăn của mình, đồ ăn mua ngoài đừng cho trẻ ăn, cả trái cây lạ cũng vậy, nên cho trẻ uống thêm trà gừng với liều lượng nhỏ.

Nếu trẻ bú sữa bên ngoài, phân của bé có thể có màu xanh do có chất sắt. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hay bú bình đi cầu ra máu có thể do nhiễm trùng đường ruột.

Bài viết liên quan: Phân của trẻ bú mẹ như thế nào là bất thường và cần gặp bác sĩ?

9Trẻ đã nhiều ngày không đi cầu

Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, nếu trẻ chậm đi cầu, có thể xoa bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ.

Nếu trẻ lớn hơn đi ngoài ra phân cứng, nên cho trẻ uống thuốc làm mềm phân như Duphalac hay Sorbitol, cho trẻ uống đủ nước, ăn thêm rau và sữa chua.

10Trẻ ho và sổ mũi

Trẻ nhỏ thường xuyên bị ho và sổ mũi vì sự thay đổi của thời tiết. Nguồn ảnh: Verywell Health

Trẻ nhỏ thường xuyên bị ho và sổ mũi vì sự thay đổi của thời tiết. Nguồn ảnh: Verywell Health

Cha mẹ có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, bôi dầu vào lòng bàn chân trẻ. Ngoài ra, cha mẹ kiểm tra nhiệt độ phòng xem có bị quá nóng hay quá lạnh không.

Nếu cần hút mũi cho trẻ thì nhỏ 2-3 giọt xong mẹ súc miệng hút cho bé xong nhỏ lại 1 giọt, có thể cho trẻ uống thuốc ho thảo dược. Trẻ bị nghẹt mũi khó ngủ có thể cho trẻ nhỏ mũi trước khi ngủ, kê gối ngủ cao đầu một chút.

Trẻ ho có đàm nhiều thì nên cho bú nhiều, uống đủ nước để đàm loãng ra và tiêu đi. Nếu muốn cho trẻ uống thuốc long đàm thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ vì tự ý uống có thể làm ho nặng thêm. Để vệ sinh mũi cho trẻ, cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý sau khi tắm cho trẻ và từ ngoài trở về. Đối với mắt và tai không cần nhỏ thường xuyên

Cha mẹ có thể thử làm bấc loa kèn để lấy nước mũi ra là tốt nhất: lấy khăn giấy loại tốt không dễ bị bở, cuốn 1 đầu to, một đầu nhỏ. Đầu to nhỏ cỡ nào tùy mũi bé, để nhẹ đầu nhỏ vào mũi, nước mũi sẽ ngấm vào giấy rồi kéo nhẹ ra.

11Trẻ hay bệnh vặt

Để phòng tránh tình trạng trẻ hay bệnh vặt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng cúm đầy đủ, ăn ngủ đủ giấc đúng bữa, tránh sinh hoạt trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, không uống nước đá. Nếu bé đi nhà trẻ thì mỗi lần về nhà nên nhỏ mũi và thay quần áo.

12Trẻ cử động bất thường, chậm đi chậm nói

Nếu trẻ chậm nói, cha mẹ cũng đừng quá lo, hãy để ý trẻ có năng động khi tiếp xúc xung quanh không. Nguồn ảnh: BBC

Nếu trẻ chậm nói, cha mẹ cũng đừng quá lo, hãy để ý trẻ có năng động khi tiếp xúc xung quanh không. Nguồn ảnh: BBC

Cha mẹ đừng quá lo lắng, quan trọng nhất của bé là tiếp xúc lanh lẹ, có thể giao tiếp bằng mắt.

Bài viết liên quan: Ba mẹ có biết những dấu hiệu trẻ chậm nói?

13Trẻ bú sữa ngoài mà phân cứng

Lưu ý khi pha sữa ngoài đừng pha đặc, đánh tơi sữa lên rồi gạt ngang.

14Xổ giun cho trẻ dưới 2 tuổi

Sau 1 tuổi có thể cho trẻ dùng Mebendazol 500mg loại 1 viên uống. Trẻ từ 1 – 2 tuổi có thể dùng Zentel 200 mg, trẻ trên 2 tuổi uống loại 400 mg. 6 tháng nên xổ giun một lần cho bé.

15Trẻ đổ mồ hôi

Trẻ em đổ mồ hôi thường do thời tiết và khả năng điều tiết mồ hôi, không liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Trẻ nhỏ khi bú sữa mà đổ mồ hôi là hiện tượng bình thường vì bú cũng là hoạt động tiêu hao năng lượng.

16Trẻ tiểu rùng mình, tiểu lắc nhắc

Nếu là bé trai, cha mẹ xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu không. Nếu là bé gái thì rửa đường tiểu, cắt móng tay, xổ giun nếu trẻ trên 1 tuổi.

17Trẻ tự nhiên phát sốt

Trẻ phát sốt nên được theo dõi nhiệt độ thường xuyên và lau mát. Nguồn ảnh: Raising Children Network

Trẻ phát sốt nên được theo dõi nhiệt độ thường xuyên và lau mát. Nguồn ảnh: Raising Children Network

Cha mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trên 38.5 độ, nếu sốt trên 48h hay lừ đừ, nôn ói nhiều thì nên cho trẻ đi khám. Nếu trẻ uống thuốc không hạ thì nên xem lại liều, lau mát cho trẻ (lau bằng nước thường, không lau nước đá hay nước ấm quá).

Thuốc uống có tác dụng nhanh hơn thuốc nhét hậu môn, uống theo liều paracetamol 10-15 mg/1kg cân nặng.

Bài viết liên quan: Những cách xử trí kịp thời ba mẹ cần biết khi trẻ nhỏ sốt

18Trẻ bị rôm sảy

Cha mẹ cho trẻ thử bôi Nabica 500mg 1 viên pha 10ml nước sạch bôi lên hoặc Natribicarbonate gói 5g tương đương 10 viên.

19Trẻ có hạch sau tai

Nếu trẻ không bị và hạch không to thì cha mẹ không nên quá lo lắng, có thể do mới cảm sốt xong sẽ bị nổi, sau này khi lớn dần lên sẽ hết.

20Tự nhiên phát hiện hạch nách trái hay vùng hõm đòn trái

Tình trạng này có thể xảy ra sau khi chích ngừa lao thôi. Nếu hạch mềm nhiều rạch, hạch cứng thì không cần làm gì, không cần uống thuốc gì cả, cha mẹ có thể theo dõi thêm.

Tình trạng hạch mưng mủ và tạo sẹo sau chích ngừa lao ở vai trái là dấu hiệu tốt, thường từ 1 – 5 tháng mới có, cha mẹ chỉ cần rửa nhẹ nhàng cho trẻ.

21Rốn trẻ không sạch

Cha mẹ nên chú ý vệ sinh vùng rốn cho trẻ. Nguồn ảnh: University Hospitals

Cha mẹ nên chú ý vệ sinh vùng rốn cho trẻ. Nguồn ảnh: University Hospitals

Cha mẹ dùng cồn 70 độ rửa sát chân rốn. Nếu tình trạng không giảm có thể do chồi rốn, phải bôi Nitrate bạc. Nếu rốn rỉ máu kéo dài nên đưa trẻ đi khám xem có thiếu vitamin K không. Trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng hơn mà rốn còn rỉ dịch nên khám, siêu âm coi có tồn tại nang rốn ruột không, nếu có phải tiến hành phẫu thuật. Rốn lồi cũng không đáng lo, đa số các trẻ sẽ hết sau 1 tuổi.

Bài viết liên quan: Ba mẹ có biết về diễn tiến của dây rốn sau sinh?

22Trẻ sốt phát ban

Trẻ có thể sốt đến 3 ngày, có khi sốt cao, sau đó hạ sốt, da nổi mẫn đỏ. Sốt phát ra ban trong 3 ngày sẽ hết, không cần uống thuốc, không kiêng tắm, không kiêng ăn, đừng để trẻ bị nhiễm lạnh.

23Trẻ tiểu són, tiểu lắt nhắt, tự nhiên thấy tả có màu như máu

Tình trạng này có thể do trẻ bị hẹp bao quy đầu, cha mẹ giúp trẻ rửa sạch, nắm phần da quy đầu day nhẹ vài lần xong lận nhẹ xuống, không hiệu quả thì đi nong.

24Thủy đậu

Chích ngừa 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng.

25Nguyên tắc chích ngừa cho trẻ

Chích càng sớm càng tốt, trễ còn hơn không, sót mũi thì chích bù chứ không chích lại từ đầu.

Khi đến tuổi chích ngừa nên cho trẻ chích cùng lúc nhiều loại vắc xin vì trẻ sẽ chỉ phải chịu bị hành một lần. Chích nhiều lần sẽ bị hành nhiều lần và tốn công đi lại.

Tất cả các vắc xin đều chích chung ngày được, đa số cách bao nhiêu lâu cũng được, không cần chờ 1 tháng (một số trường hợp đặc biệt mới cách ít nhất 4 tuần). Chỉ khi chích 2 loại vắc xin sống giảm động lực thì mới cần cách 4 tuần.

Vắc xin sống giảm động lực hiện nay là: sởi, sởi quai bị rubella, sởi rubella, thủy đậu, viêm não nhật bản mới (IMOJEV)

Cha mẹ cần mua 2 cuốn sổ chích ngừa riêng, chích dịch vụ 1 cuốn, chích theo chương trình tiêm chủng mở rộng 1 cuốn. Vì 1 tháng chỉ chích được 1 mũi thì bé sẽ mất cơ hội chích ngừa. Nếu trẻ chỉ bệnh nhẹ và vẫn bú tốt, vẫn vui vẻ thì vẫn nên cho trẻ đi chích ngừa, không nên dời. Chỉ khi bị sốt thì không nên chích ngừa.

Chích 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng sau đó chuyển sang chích dịch vụ hay ngược lại cũng được miễn là tiện lợi và bé được chích ngừa kịp thời gian. Chích nhắc mũi 4 dùng vắc xin dịch vụ cũng được.

Uống Rota của thương hiệu này lỡ hết hàng chuyển qua thương hiệu khác cũng được nhưng cố gắng dùng chung 1 loại.

Cha mẹ muốn chích viêm gan A mà không có hàng thì chích mũi A-B cũng được, dư viêm gan B không có vấn đề gì.

Chích ngừa cúm không có lọ nhỏ (0,25ml) thì chích 1/2 liều trẻ lớn (ống 0,5ml cho trẻ trên 3 tuổi). Chích ngừa cúm nên chích mỗi năm 1 mũi, vào tháng 4 và tháng 10.

Sau chích ngừa nếu sưng đỏ thì chườm mát (dùng khăn dày và sạch, quấn đá bên trong chườm cho trẻ). Chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt hay đau, không uống phòng ngừa trước. Lâu ngày còn sưng mà không đau thì cha mẹ có thể xoa cho trẻ, từ từ sẽ hết đau.

26Trẻ vàng da do ăn nhiều cà rốt bí đỏ

Nếu cha mẹ tự nhiên phát hiện trẻ vàng da ở lòng bàn tay, bàn chân, cánh mũi, thường nhìn nghiêng thấy rõ hơn: Nguyên nhân là do trẻ ăn nhiều cà rốt, bí đỏ, đu đủ, cho trẻ ngưng ăn trong vài tháng sẽ hết.

27Vàng da ở trẻ nhỏ

Nếu trẻ dưới 15 ngày tuổi, vàng da ngày càng tăng, vàng tới ngực thì cha mẹ nên cho trẻ khám chiếu đèn, tình trạng chuyển biến nặng bác sĩ sẽ thay máu. Nếu trẻ trên 15 ngày tuổi thì cha mẹ không nên lo lắng, trẻ bú tốt lên cân thì thường 3 tháng sẽ hết dần.

28Trẻ mọc răng

Nếu trẻ chậm mọc răng, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Nguồn ảnh: Pediatric Dentist

Nếu trẻ chậm mọc răng, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Nguồn ảnh: Pediatric Dentist

Trẻ chậm mọc răng không liên quan nhiều đến dinh dưỡng, có bé mọc sớm có bé mọc muộn, có bé mọc nhiều răng, có bé mọc vài cái. Nhiều trẻ đến hơn 12 tháng mới mọc răng. Nếu trẻ bú tốt, lên cân tốt, ăn dặm tốt thì từ từ răng sẽ mọc.

Bài viết liên quan: Trẻ chậm mọc răng sữa: Nguyên nhân do đâu và cách xử trí?

29Ráy tai

Cha mẹ cho bé lắc đầu gãi tai, nhỏ tai bằng nước muối sinh lý rồi bé tự đẩy ra, nhỏ 1 lần 2 – 3 giọt, ngày nhỏ 2 – 3 lần, khi khó ra thì khám tai mũi họng, bác sĩ sẽ lấy ra, không tự lấy cho trẻ.

30Trẻ tự nhiên gồng, lên gân

Nếu trẻ lanh lẹ thường là do trẻ phấn khích quá vui, giải thích cho trẻ đừng làm vậy.

31Trẻ lắc đầu, lắc mình khi chơi hay trước khi đi ngủ

Cha mẹ xác định là phản xạ hay trò chơi của bé, nếu kéo vành tai lên không đau thì không vấn đề gì.

32Có nên ăn trứng trước khi tiêm ngừa cúm và sởi không?

Từ năm 2011, các nhà khoa học của Hiệp hội Chích ngừa thế giới thống nhất là không cần ăn trứng vì không có tác dụng phòng ngừa tác dụng phụ của vắc xin.

33Trẻ ngủ xuyên đêm không cần bú

Cha mẹ nên dần đánh thức bé để bổ sung cữ bú đêm nếu bé còn nhỏ. Nguồn ảnh: Medical News Today

Cha mẹ nên dần đánh thức bé để bổ sung cữ bú đêm nếu bé còn nhỏ. Nguồn ảnh: Medical News Today

Trẻ gần 3 tháng tuổi có thể nạp đủ năng lượng ban ngày và ngủ xuyên đêm. Nếu trẻ ngủ quên bú thì đánh thức bằng cách cởi dần quần áo kể cả tã, khi bé thức cha mẹ có thể cho bú. Trẻ lớn vẫn còn bú đêm thì nên chuyển bú ngày để bé ngủ xuyên đêm. Có trường hợp bé đòi bú đêm nhưng có thể bé sợ xa mẹ chứ không phải đói, cha mẹ có thể thử dỗ dành bé trước.

34Trẻ bị té đập đầu có cần khám ngay không?

Nếu trẻ vui vẻ, không ói thì chỉ cần theo dõi trong 72 giờ.

35Trẻ bị tiêu chảy

Nguyên nhân thường là do thức ăn, cha mẹ nên kiểm tra lại thức ăn của bé và thức ăn mẹ. Nếu không có máu thì cha mẹ đừng quá lo lắng, chủ yếu là đừng để trẻ mất nước. Chỉ cần cho trẻ bú nhiều, uống đủ nước. Khi không tiêu chảy nhiều cũng chưa cần Presol, thường tiêu chảy cũng 3-5-7 ngày mới hết, có thể dùng Smecta hay Hidrasec.

Nếu trẻ tự nhiên ói cha mẹ cũng nên xem lại thức ăn, uống Xitrina hay Motilium, nếu kèm đau đầu thì nên khám, hay ói ngày càng nhiều thì nên siêu âm bụng xem có lồng ruột hay không.

Bài viết liên quan: Chia sẻ của chuyên gia về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

36Làm gì khi trẻ co giật do sốt cao?

Đặt trẻ nằm nghiêng mặt 1 bên ở nơi thoáng mát, lau mát, nhét thuốc hạ sốt. Tuyệt đối không vắt chanh vào miệng. Nếu trẻ không cắn lưỡi thì đừng chèn gì vào miệng.

Trẻ có thể bị co giật do sốt cho đến 7 tuổi. Cha mẹ cần có thuốc hạ sốt (loại uống và loại nhét hậu môn) tại nhà. Khi nghi ngờ trẻ sốt, đo nhiệt độ cho trẻ, uống hạ sốt ngay khi bé sốt từ 38 độ.

37Trẻ 18 tháng tuổi mới đóng thóp

Cha mẹ có thể tự đo vòng đầu cho trẻ. Nguồn ảnh: Love To Know Health

Cha mẹ có thể tự đo vòng đầu cho trẻ. Nguồn ảnh: Love To Know Health

Nếu nghi ngờ thóp rộng hay đóng sớm hoặc có những vết gờ hay khe hở trên hộp sọ thì cha mẹ đo và theo dõi vòng đầu của trẻ, tốc độ tăng vòng đầu là quan trọng. Đo vòng đầu thì đo ngang từ trán vòng ra phía sau. Nếu thấy lo lắng có thể cho trẻ khám siêu âm vòng đầu.

Vòng đầu tăng dần khi bé lớn lên: 0 tháng tuổi = 34,8 cm; 3 tháng = 40 cm; 6 tháng = 42,4 cm; 12 tháng = 45 cm; 15 tháng = 45,8 cm; 18 tháng = 46,5 cm; 21 tháng = 47 cm; 24 tháng = 47,5 cm; 27 tháng = 47,8 cm; 30 tháng = 48,2 cm; 33 tháng = 48,4 cm

38Trẻ tập đi sẽ đi không vững, đi chàng hảng, 2 hàng, giống như khập khiễng

Có trẻ 18 tháng mới biết đi, 3 tuổi mới đi thăng bằng như người lớn, quan trọng là trẻ lanh lẹ và chơi đùa với trẻ khác.

39Trẻ thở khò khè kéo dài

Nếu trẻ bú tốt, không ho, không ói nhiều, lên cân tốt thì có thể là mềm đường thở lành tính, khi trẻ lớn lên tình trạng này sẽ hết.

40Bù sắt

Lòng bàn tay của trẻ nhạt, xước da đầu ngón tay thì có khả năng thiếu sắt. Cha mẹ nên bù sắt cho trẻ trong 2 tuần. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc sắt, trẻ dưới 6 tháng thì mẹ uống sắt cho bé bú. Gia đình có tiền sử bị tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thì cẩn thận khi bù sắt.

41Trẻ nhỏ có những nốt trắng trên nướu chỉ là nanh sữa

Cha mẹ không có cạy nốt này, sẽ tự hết, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và khả năng bú của trẻ.

42Bé cần uống thêm bao nhiêu nước?

Sữa chính là nguồn nước hàng ngày của trẻ. Nguồn ảnh: Babycenter Canada

Sữa chính là nguồn nước hàng ngày của trẻ. Nguồn ảnh: Babycenter Canada

Sữa đã là nước rồi, trẻ dưới 6 tháng không cần uống thêm nước, nếu nghi thiếu nước thì cứ bú mẹ, bú bình thì cứ bú bình. Trẻ hơn 6 tháng mà bú lượng sữa từ 100ml nhân cho cân nặng trở lên thì cũng không cần uống thêm nước. Trẻ nhỏ uống nước mát miệng sẽ không chịu uống sữa, uống nhiều nước sẽ không có bụng để uống sữa.

Trẻ lớn nữa thì ưu tiên sữa ít nhất 500ml, rồi mới bổ sung nước tùy theo cân nặng. Trẻ sau 3 tuổi trở lên chú ý cho bé uống đủ nước.

43Bé vận động nghe tiếng khớp kêu lục cục

Trẻ lớn sau 3 tuổi có lúc than đau, mỏi chân vào buổi tối thì nguyên nhân là do tăng trưởng, cha mẹ nên cho bé uống đủ 500ml sữa 1 ngày.

44Tật nghiêng đầu

Trẻ nhỏ ngay khi biết vận động đầu mà lúc nào cũng nghiêng đầu một bên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám xem có bị u cơ cổ không. Tật này nên tập sớm và tập rất lâu mới chỉnh được cho bé.

45Có nên tập đi bằng xe tròn

Cha mẹ nên cho trẻ tập đi bằng xe chữ L. Nguồn ảnh: Best Products

Cha mẹ nên cho trẻ tập đi bằng xe chữ L. Nguồn ảnh: Best Products

Không nên tập đi bằng xe tròn vì sẽ hư chân hết, nên tập đi hay đứng chựng một mình lúc trẻ đủ 10 tháng và tập đi bằng xe chữ L.

46Mẹ bị cảm khi chăm sóc bé

Mẹ có thể mang khẩu trang, rửa tay, uống đủ nước, súc miệng nước muối, nhỏ mũi, uống thêm Paracetamol hay Ibuprofen.

47Trẻ dính thắng lưỡi

Tình trạng này có thể làm trẻ nuốt khó, lớn có thể nói ngọng, thường 3 tháng là sẽ bấm (không cần mổ), cha mẹ nên cho bé đi khám răng hàm mặt nhi nếu nghi ngờ.

48Về nước tiểu của bé

Nước tiểu để lâu thế nào cũng đóng cặn trắng, không phải tình trạng bất thường, không cần xét nghiệm. Kiến bu vào nước tiểu cũng không cần xét nghiệm máu hay nước tiểu, không phải dấu hiệu của tiểu đường.

49Ăn dặm

Cha mẹ nên cho trẻ ăn cả bột mặn lẫn bột ngọt. Nguồn ảnh: Baby Centre

Cha mẹ nên cho trẻ ăn cả bột mặn lẫn bột ngọt. Nguồn ảnh: Baby Centre

Bột ngọt làm sẵn là bột gồm tinh bột, sữa, rau củ, không phải pha bột xong bỏ đường vào. Bột mặn làm sẵn có thêm đạm và dầu, không phải nêm cho mặn.

Trẻ 6 tháng (180 ngày) ăn 1 cữ bột ngọt, 7 tháng ăn 2 cữ bột mặn, 9 tháng ăn 3 cữ cháo đủ dầu, đạm, rau và tinh bột: 100ml cháo thì có 10ml dầu ; 20g đạm (1 lạng thịt, cá nấu được 400 – 500 ml cháo); 20g rau; 40g gạo.

Dưới 1 tuổi thì không có nêm mắm muối vì trong đạm đã có vị và muối, sau 1 tuổi có thể nêm nhưng không nêm mặn vì thói quen ăn mặn lớn sẽ gây nhiều bệnh cho trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi không uống nước trái cây, trẻ từ 4 – 5 tháng có thể ăn trái cây nghiền nát ăn nguyên xác (1 – 2 muỗng cà phê cho biết). Trẻ sau 1 tuổi hãy ăn sữa chua, váng sữa, phô mai. Trước 1 tuổi không nên giục trẻ ăn nhiều, để bụng cho trẻ bú thêm sữa.

Bài viết liên quan: Mẹo giúp ba mẹ cho trẻ ăn dặm đúng cách

50Trẻ bị ọc, nấc

Trẻ ọc 2 – 3 lần 1 ngày thì không nhiều; khi ọc thì nằm nghiêng, nghỉ ngơi rồi bú lại. Cha mẹ không nên dựng bé dậy; nên xem lại cách ẵm lúc bú và sau bú, cho bé ngậm vú mẹ đúng, đừng để bé với khi bú, không vừa bú vừa hóng, sau bú tập ợ, giữ bé thẳng đứng 30 phút sau bú. Nếu trẻ ọc nhiều nên đi khám vì có thể do trào ngược dạ dày thực quản.

Nấc cũng không ảnh nhiều đến trẻ, mẹ cũng xem lại cách ẵm khi bú, không vừa bú vừa hóng, sau bú không giỡn quá, khi bú thì cho bú hay dụ trò khác cho bé quên, hay dùng 1 vật có màu cho bé nhìn và đưa gần dần đến giữa 2 chân mày để đánh lạc hướng.

51Trẻ bị dị ứng da

Cha mẹ xem lại thức ăn, quần áo của trẻ. Trẻ lớn hơn 1 tuổi thì xổ giun, nếu bị ngứa nhiều thì cho trẻ đi khám uống thuốc chống dị ứng, nhỏ thì uống Desloratadin. Sau 1,5 tuổi thì cho trẻ uống Chlopheniramin.

52Cứt trâu

Đây là một dạng của chàm da, bôi dầu dừa hay loại thuốc mềm da, gỡ nhẹ nhàng, coi lại dầu gội của bé.

53Trẻ mắc quai bị, thuỷ đậu

Cha mẹ nên chăm sóc trẻ kỹ càng khi trẻ mắc thuỷ đậu và quai bị. Nguồn ảnh: People

Cha mẹ nên chăm sóc trẻ kỹ càng khi trẻ mắc thuỷ đậu và quai bị. Nguồn ảnh: People

Quai bị ở trẻ nhỏ hay trẻ dậy thì mà không bị viêm tinh hoàn sẽ không ảnh hưởng gì đến sinh sản về sau. Tuyệt đối không đắp vôi, không bôi lung tung lên vùng sưng quai bị, không cần uống kháng sinh vì bệnh do siêu vi, chỉ cần hạn chế chạy nhảy và không ăn chua.

Thủy đậu không để lại sẹo nếu không bị nhiễm trùng nổi mụn nước. Cha mẹ không cần kiêng ăn, không kiêng gió, không kiêng tắm cho trẻ. Ngoài ra nên cắt móng tay của bé, những món gì ngứa thì nên tránh ăn, cho trẻ uống Acyclovir, bôi Pommade Acyclovir càng sớm càng tốt.

Bài viết liên quan: Trẻ nhỏ bị ảnh hưởng như thế nào bởi bệnh đậu mùa khỉ?

54Hôi miệng

Hư răng hay bệnh nhiệt miệng: thường là do bệnh lý răng miệng, rơ miệng, uống đủ nước, hạn chế cho trẻ bú đêm, vệ sinh răng miệng.

55Tăng động hay hiếu động

Nếu trẻ hoạt động nhiều ở nhà mình mà đến nhà người lạ ngồi im thì khả năng nhiều là hiếu động. Quan trọng nhất là sự hòa đồng khi chơi với bạn, nếu lo lắng cha mẹ có thể cho trẻ đi khám tâm lý nhi.

56Trẻ chậm nói

Trẻ lanh lẹ, nghe tốt nhưng chậm nói, cha mẹ có thể cho trẻ chơi với các bạn khác, hạn chế xem TV, điện thoại. Nếu muốn xem TV thì nên chờ khi trẻ trên 2 tuổi, cùng xem và tương tác với trẻ.

57Sàng lọc sơ sinh phát hiện thiếu G6PD

Cha mẹ không cần quá lo lắng, 12 tháng nên xét nghiệm lại. Nếu uống thuốc tây hoặc đi khám bác sĩ thì báo cho họ biết bé bị thiếu

58Chảy máu cam

Chảy máu cam là tình trạng lành tính. Nguồn ảnh: Singapore O&G

Chảy máu cam là tình trạng lành tính. Nguồn ảnh: Singapore O&G

Đây là tình trạng lành tính, do thói quen móc hay dụi mũi, xịt mũi quá mạnh hay hút mũi quá mạnh cũng làm chảy máu cam, trẻ sẽ tự khỏi. Nếu trẻ chảy máu cam cùng lúc 2 bên hoặc tái đi tái lại thì nên khám.

59Bướu huyết thanh

Một số trẻ khi sanh, lúc chui khỏi lòng mẹ bị cấn và bị bướu huyết thanh. Cha mẹ sẽ thấy 1 vùng sưng mềm ở da đầu trong khí bé vẫn ngủ ngoan bú giỏi. Bướu sẽ tự hết nhưng phải xoa như gội đầu cho bé, nếu không sẽ bị cứng,mất thẩm mỹ.

60Tè dầm

Cha mẹ tập cho trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ, xem lại trẻ có uống nhiều nước trong bữa ăn tối không, nên xổ giun thường xuyên cho trẻ.

61Trẻ nói lắp

Nguyên nhân có thể do trẻ thiếu vốn từ, cha mẹ nhìn vào mắt trẻ, lắng nghe trẻ nói, không ép trẻ quá nhanh.

Xem thêm:

  • Ba mẹ cần lưu ý gì khi pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh?
  • Mách bạn 9 lưu ý then chốt khi chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi
  • 10 lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu

Hy vọng những tổng hợp giải đáp ngắn gọn ở trên có thể giúp cha mẹ hiểu hơn về các vấn đề khi chăm sóc trẻ. Đừng quên theo dõi thêm nhiều tin tức từ AVAkids để cập nhật kiến thức mỗi ngày nhé.

Anh Lê tổng hợp từ Fanpage Hỏi Bác sĩ Nhi Đồng

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Trẻ nhiều ngày không đi ngoài liệu có bất thường ? Bác sĩ nhi khoa gợi ý hướng xử trí đúng cách của Truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *