Một chuyên gia nuôi dạy con cái, đồng thời là phụ huynh ở Trung Quốc mới đây chia sẻ: “Chỉ cần không đi công tác, tôi chủ yếu tự mình đón con tan học, vì vậy mà cũng quen gặp đủ kiểu cha mẹ con cái. Những cuộc trò chuyện giữa họ cũng rất thú vị.
Trước cổng trường, có nhiều phụ huynh đang đợi con. Tôi nhớ mình đã xếp hàng cùng mẹ bé Nhật Hào, cùng lớp với con trai tôi. Một lần, Nhật Hào chạy ra, liếc mắt nhìn thấy mẹ, cậu bé cười rạng rỡ, vẫy bài kiểm tra trong tay và nói: “Mẹ nhìn xem, con thi được 85 điểm (Trung Quốc sử dụng thang điểm 100), hôm nay cô giáo khen con đạt được tiến bộ rất lớn”.
Sự phấn khích của bọn trẻ khiến người lớn cảm thấy rất vui mừng, nhưng mẹ của cậu bé vẫn giữ vẻ mặt nghiêm túc nói: “Bạn cùng bàn của con được bao nhiêu điểm? 100 điểm nữa à? Chỉ có 85 điểm thôi, có đáng mừng như vậy không?”. Sau khi nghe mẹ nói, nụ cười của đứa trẻ vụt tắt ngay.
Cậu bé đổi tay cầm bài thi, nắm lấy góc áo của mẹ, dùng giọng điệu gần như nịnh nọt: “Mẹ nói cho con biết, nếu lần này con đưa bài thi cho bố xem, bố sẽ không đánh con phải không?”. Người mẹ nheo mắt vỗ đầu con trai: “Lần này con được điểm hơn mọi lần, nhưng kỳ thi tiếp theo con phải tiến bộ, nếu không…”.
Hài lòng, cậu bé theo mẹ về nhà, giành lấy chiếc túi từ tay mẹ, đeo trên lưng rồi nhảy chân sáo về phía trước. Đứa trẻ dường như được cả thế giới tha thứ và trở thành người hạnh phúc nhất. Nhìn bóng lưng của đứa trẻ, tôi chợt cảm thấy có chút đáng thương”.
Bà mẹ này cho biết, thành tích học tập của Nhật Hào trong lớp luôn đứng cuối nên cháu có lòng tự trọng thấp và lo lắng người khác sẽ coi thường mình. Chỉ cần có người chịu chơi cùng, cậu bé thường cho họ văn phòng phẩm và đồ chơi mà cậu yêu thích. Mặc dù thường làm hài lòng người khác nhưng lại không có được tình bạn thực sự nào. Nhiều đứa trẻ nhận đồ và mắng Nhật Hào “ngốc” sau lưng.
Mỗi khoảnh khắc cha mẹ và con cái dành cho nhau đều là dấu hiệu cho thấy những đứa trẻ đang sống trong kiểu gia đình nào và chúng nhận được nền giáo dục ra sao. Nếu quan sát kỹ từng chi tiết phụ huynh đưa đón con đi học mới có thể thấy được việc giáo dục con cái của họ có thành công hay không!
1. Phụ huynh có xách cặp thay cho con hay không?
Một bà mẹ chia sẻ: “Con tôi đi học hay tan trường đều tự xách cặp. Có lúc con cũng phàn nàn: “Mẹ ơi, mẹ xách cặp đi!”. Tôi thường nói với các con: “Mẹ cũng đi làm mệt lắm, phải về nhà nấu ăn. Việc của con phải tự làm”. Chỉ trừ khi con bệnh mệt hoặc có trường hợp bất đắc dĩ, tôi mới sẵn sàng giúp con”.
Giúp trẻ xách cặp đi học tưởng chừng như là một việc nhỏ nhưng lại chứa đựng triết lý giáo dục của cha mẹ: Nhiều bậc phụ huynh có thể cảm thấy con mình học hành đã vất vả rồi, họ sẽ không để con làm bất cứ điều gì có thể. Lối suy nghĩ này sẽ thấm sâu vào từng chi tiết trong cuộc sống của trẻ. Trẻ có thể cảm nhận sâu sắc được sự ưu ái của cha mẹ nên vô thức trở nên lười biếng, phụ thuộc, thậm chí có thể không hiểu được sự vất vả của người lớn chứ đừng nói đến việc biết ơn.
Hình ảnh quen thuộc với trẻ tiểu học là con vung tay đi đằng trước, bố mẹ khệ nệ xách túi của mình và xách cặp cho con. Nhiều cha mẹ cầm cặp hộ con vì sợ cặp nặng, nhưng thực ra, trẻ em tiểu học Đức vẫn tự xách cặp dù cặp của bọn nhỏ khi chưa có sách cũng nặng 5 kg, với đầy đủ hộp cơm trưa, chai nước, áo mưa. Trong những ngày mưa, những cô cậu học sinh cấp 2 nặng 50 ký vẫn ngồi yên trên xe để bố, mẹ dắt bộ đẩy xe một mình trong nước không phải là quá hiếm.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng yêu thương phải đúng cách, nếu sai sẽ gây hại cho con. Phương pháp giáo dục tốt nhất là rèn cho trẻ khả năng tự làm mọi việc và để chúng trở thành những người độc lập, mạnh mẽ và dũng cảm.
2. Cha mẹ luôn đón con muộn, con cái có thể thiếu tự tin, cách giáo dục này cũng thất bại
Tâm trạng của trẻ em khi đi học về cũng giống như tâm trạng của người lớn chúng ta khi đi làm. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu sếp để bạn một mình làm thêm giờ mỗi ngày? Tâm trí của trẻ sẽ mỏng manh và nhạy cảm hơn nên càng dễ tổn thương.
Đừng lấy lý do “thời đó chúng tôi đi học không có cha mẹ đón về”, thời đại ngày nay đã khác, thế giới mà trẻ em phải đối mặt cũng khác, điều chúng có thể cần hơn cả là sự an ủi về tinh thần.
Cha mẹ đón con đi học đúng giờ cũng là thể hiện sự tôn trọng con. Theo một khảo sát của nhà nghiên cứu người Anh, những đứa trẻ thường được đưa đón sớm khi lớn sẽ tự tin hơn, và những đứa trẻ bị đón muộn có xu hướng nhạy cảm hơn.
Tính cách này có thể sẽ không bộc lộ ngay, nhưng sau nhiều năm, nó sẽ dần hiện hữu trong trẻ. Nỗi tủi thân, lạc lõng này khó mà bù đắp ngay bằng một món đồ chơi hay thức ăn được. Thậm chí, lâu dần, nó có thể dẫn đến nỗi thất vọng trong trẻ.
3. Cách cha mẹ đối xử với con sau giờ học là nền tảng cho cuộc đời con cái họ
Sau giờ học về nhà, tâm trạng đứa trẻ nào cũng vui vẻ. Tuy nhiên, một số phụ huynh luôn dội gáo nước lạnh vào sự nhiệt tình của con, câu đầu tiên họ nói khi gặp là: “Hôm nay con đi thi à? Con được bao nhiêu điểm?”. Hoặc họ có thể hỏi thẳng: “Hôm nay cô giáo lại phê bình con à?”.
Những bậc cha mẹ khác lại khiến con cái cảm thấy mình là nguồn gốc gây ra bất hạnh cho gia đình, bởi vì cha mẹ đã trút bỏ những cảm xúc tồi tệ trong ngày trên đường đi học về. Họ cứ phàn nàn về việc đi làm mệt mỏi, việc con cái không vâng lời và tại sao họ cần phải có con? Trước sự giận dữ của cha mẹ, trẻ thường thận trọng, không dám nói to, sớm học cách quan sát lời nói và cảm xúc, trở thành người nhạy cảm, tự ti.
Sau giờ học, nhìn trẻ một cách nhẹ nhàng và mỉm cười thường có thể mang lại hy vọng cho trẻ. Cách giáo dục này thường thành công.
Tuổi thơ phải là giai đoạn hạnh phúc nhất. Tình cảm của cha mẹ là nền tảng của cuộc đời con cái, cuộc sống có thể rất khó khăn nhưng chúng ta phải có thái độ tốt, mang lại ánh nắng ấm áp cho con cái. Khi con bạn trở về nhà, hãy dành một lời chào chu đáo và một cái ôm thật chặt để cuộc sống của chúng tràn đầy hy vọng và tình yêu.
Tương lai còn rất dài, chỉ có tình yêu thương vô điều kiện mới là món quà tuyệt vời nhất để trẻ lớn lên.
Nguồn: https://cafef.vn/tu-3-chi-tiet-khi-phu-huynh-don-con-tan-hoc-co-the-biet-duoc-viec-nuoi-day-dua-tre-co-thanh-cong-hay-khong-188231105071751539.chn