Thời điểm chuyển giao
Cũng giống như việc phân chia thế hệ Millennials hay Gen Z, “thế hệ” trong âm nhạc Hàn Quốc cũng được chia theo các mốc thời gian, nhưng đó không phải yếu tố duy nhất. Khái niệm trên còn được phản ánh bởi những trào lưu văn hóa mà các nghệ sĩ, nhóm nhạc tạo ra, từ đó ảnh hưởng đến lớp thanh thiếu niên của từng giai đoạn. Các yếu tố khác cũng giúp xác định một thời kỳ mới bao gồm mục tiêu của các “ông lớn”, chiến lược quảng bá – tiếp thị cũng như những biến chuyển bên trong văn hóa fandom.
Chẳng hạn, trong khi thế hệ thứ nhất (1992-2002) chịu nhiều ảnh hưởng của thể loại Hip-Hop và chưa có sức ảnh hưởng một cách rõ nét do mới bắt đầu làn sóng Hallyu, fandom vẫn là fanclub cùng nhau gặp mặt trực tiếp; thì từ thế hệ thứ 2 (2003-2011) với những tên tuổi như Big Bang, Girl Generation, T-ARA… sang đến thế hệ thứ 3 (2012- 2017), K-Pop đã dần tạo ra “bộ nhận diện” riêng, từ đó khuếch trương ảnh hưởng ra toàn thế giới, với các thành công mang tính toàn cầu của BTS, BLACKPINK…
Thế hệ thứ 4 được cho là đã bắt đầu từ 4 năm trước, ngay trước thời điểm đại dịch xảy ra. Do đó, gắn liền với giai đoạn này là hoạt động tương tác trên mạng xã hội, các buổi trình diễn trực tuyến hay thực tế ảo. Thế hệ này cũng đã đạt được thành tựu nổi bật, đơn cử, các nhóm nhạc nữ như NewJeans, aespa, IVE, FIFTY FIFTY… đều đã có được vị trí và danh tiếng riêng. Điều này cũng được thể hiện ở việc giải thưởng âm nhạc MTV châu Âu (EMA) năm 2023 đã dành một hạng mục riêng cho K-Pop, và bản hit Cupid lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100, giúp FIFTY FIFTY đạt được kỷ lục là nhóm nhạc đạt được thành tích này nhanh nhất tính từ khi debut.
Khi thế hệ 4 đã có rất nhiều thành công và duy trì được sức nóng riêng, đặt trong bối cảnh nhiều nhóm nhạc mới bắt đầu xuất hiện, có thể xem thế hệ thứ 5 đang dần hình thành? Như đã nói ở trên, định nghĩa “thế hệ” trong nền công nghiệp âm nhạc K-Pop không phải là một khái niệm có “barem” sẵn. Nó thường chuyển đổi một cách chậm rãi và dài hơi. Thế nhưng, dựa trên rất nhiều điểm khác biệt ở hiện tại, có thể thấy âm nhạc Hàn Quốc đang dần hình thành bước đi mới.
Những bước chuyển mình
Khác với thế hệ trước chủ yếu tập trung vào các nhóm nhạc nữ, thế hệ thứ 5 cho thấy xu hướng hiện đang nghiêng về các nhóm nhạc nam. Trong đó, ZB1 được xem là “thủ lĩnh” của thế hệ mới với 9 thành viên đều được tuyển chọn từ chương trình “sống còn” Boys Planet. Chỉ mới phát hành album đầu tay, ZB1 đã tạo ra được thành tích vô cùng ấn tượng, “tẩu tán” hơn 1 triệu album YOUTH IN THE SHADE dù mới thành lập vào tháng 3/2023. Nói về âm nhạc, cũng như các nhóm nhạc khác của thế hệ mới, phong cách của họ không quá khác xa so với Gen 4, đều hướng đến các bản Pop nhiều năng lượng, kết hợp cùng cách trình diễn thu hút, hấp dẫn.
Ngoài ZB1, nhóm nhạc nam gồm 7 thành viên – Riize – đến từ SM Entertainment cũng đang nhận được nhiều sự chú ý. Qua single đầu tay Get A Guitar, Riize phần nào định hình phong cách âm nhạc với chất Pop tươi trẻ, trong sáng, mang theo thông điệp tích cực hướng đến khán giả Gen Z. “Ông lớn” đứng sau nhóm nhạc mới này cũng không che giấu tham vọng “Mỹ tiến” khi gần đây, Riize đã ký hợp đồng với hãng thu âm RCA Records của Sony Music Entertainment, nơi quản lý các nghệ sĩ người Mỹ như Justin Timberlake, Doja Cat… Bên cạnh đó còn có XIKERS, nhóm nhạc gồm 10 thành viên luôn biến hóa đa dạng trong các thể loại trình diễn; hay BOYNEXTDOOR, nhóm nhạc tiềm năng với 6 thành viên tập trung vào mảng R&B, có hình tượng giản dị, gần gũi – đây cũng là hướng đi chính của nhóm The Wind. Trong khi đó, nhóm nhạc 9 thành viên XODIAC lại mang đến nhiều năng lượng với những câu rap mạnh mẽ và phần trình diễn được đầu tư dựa trên thế mạnh vũ đạo.
Dù có sự áp đảo của các nhóm nhạc nam, thế hệ mới cũng không thể thiếu vắng các nhóm nhạc nữ. Nổi lên trong thời gian gần đây là Babymonster – nhóm nhạc được xem là “đàn em” của BLACKPINK, với single mới vừa ra mắt là BATTERUP. Sở hữu âm nhạc có phần tương đồng với thế hệ trước, Babymonster trong tương lai gần có nhiều khả năng đạt được thành công, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với bài toán lớn là tạo dấu ấn riêng so với đàn chị của mình. Ngoài ra còn có ADYA và KISS OF LIFE, hai nhóm nhạc quán triệt con đường quyến rũ trong cả âm nhạc lẫn phong cách trình diễn, hứa hẹn mang đến những làn gió mới cho K-Pop trong thời gian tới.
Tương lai của K-Pop có thể không chỉ là K-Pop
Trong một thời đại mà các thần tượng và người hâm mộ ngày càng đến gần nhau hơn qua nhiều nền tảng, từ mạng xã hội cho đến đời thực, đang có nhiều biến chuyển diễn ra trong nội bộ các nhóm nhạc. Một trong số đó là rất nhiều nhóm nhạc không chỉ có mỗi thành viên là người Hàn Quốc. K-Pop hiện nay không chỉ quan tâm đến thị trường trong nước mà còn hướng đến người hâm mộ trên toàn thế giới, từ các thị trường lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á… cho đến Hoa Kỳ, Nam Mỹ….
Có thể thấy rằng, tương lai của K-Pop không chỉ là K-Pop. Không khó để nhận ra rằng các “ông lớn” ngày càng hướng đến sự đa dạng hóa cho các nhóm nhạc. Từ khi Lisa (BLACKPINK) có độ nhận diện cao và đạt được thành tích đáng nể, các nhóm nhạc đa quốc tịch dần trở thành một xu thế mới. Bằng chứng là XIKERS, The Wind sở hữu thành viên đến từ Thái Lan, ZB1 có 2 “mảnh ghép” đến từ Trung Quốc, còn Riize có 1 thành viên đến từ Nhật Bản.
Thế nhưng, những bước chuyển này cũng chỉ đang ở giai đoạn quá độ. Thời gian gần đây, khán giả còn thấy các “ông lớn” mạo hiểm đầu tư cho nhóm nhạc có toàn bộ thành viên không phải người Hàn. Đơn cử như XG, nhóm nhạc gồm 7 thành viên đến từ Nhật Bản nhưng hoạt động ngay tại Hàn Quốc. Đây là minh chứng cho mô hình mới – “glocal” (global – toàn cầu + local – địa phương), khi các nhóm nhạc có thể trình diễn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và tiếp cận với khán giả quốc tế dễ dàng hơn. Điều này cho thấy K-Pop đang dần thoát ly khỏi Hàn Quốc, đi tìm sự cộng hưởng từ thế giới.
Xu hướng nâng cao tính quốc tế trong các nhóm nhạc cũng được thể hiện ở các chương trình tuyển chọn thành viên, khi quy mô và tiêu chí về mặt địa lý đang ngày càng mở rộng hơn, sang đến Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Chỉ trong quý 4 của năm 2023, chương trình giáo dục liên kết giữa Singapore và Hàn Quốc về việc đào tạo ca sĩ thần tượng cũng được thử nghiệm, báo hiệu trong tương lai gần, “công thức thành công” đối với mô hình nhóm nhạc sẽ được “xuất khẩu” sang các quốc gia bên ngoài Hàn Quốc.
Một xu hướng khác là sự chuyển hướng trong việc kết hợp các dòng nhạc. Thời gian qua, nền công nghiệp này đã cho thấy sự quan tâm đến nhạc Latin, hứa hẹn thay đổi chất liệu Pop và EDM trong thời gian tới. Có thể nói, đây là một hướng đi đúng đắn, nhiều tiềm năng và bức thiết, bởi lẽ, yếu tố âm nhạc từ Gen 3, Gen 4 cho đến giai đoạn đầu Gen 5 đều không có quá nhiều khác biệt. Để thế hệ mới chạm đến thành công, những thay đổi phải ngày càng quán triệt và sâu sắc hơn.
Tóm lại, sự xuất hiện của Gen 5 và những thay đổi tất yếu của thế hệ này là bước phát triển hoàn toàn tự nhiên của riêng K-Pop. Với những nền móng mà các thế hệ trước đã tạo dựng, có thể tin rằng trong tương lai gần, thế hệ thứ 5 sẽ đạt được nhiều thành tựu và để lại dấu ấn ngày càng lớn hơn cho nền âm nhạc này.