Thành công gần đây trong việc tổ chức show diễn cho các “sao ngoại” như BlackPink hay Charlie Puth đã mở ra khả năng về một thị trường trình diễn đầy thu hút tại Việt Nam. Thế nhưng, để có thể sẵn sàng góp mặt vào bản đồ lưu diễn của sao quốc tế, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức trong việc xây dựng một quy trình tổ chức hoàn chỉnh và chuyên nghiệp.
NHỮNG CHUYẾN GHÉ THĂM ĐẦY HỨA HẸN
Cuối tháng 7 vừa qua, 2 đêm diễn của nhóm BLACKPINK tại Hà Nội – điểm đến cuối cùng tại châu Á của world tour BORN PINK – đã diễn ra thành công và để lại nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế. Những màn trình diễn của 4 cô gái đều được dàn dựng riêng, được đánh giá là hoành tráng nhất trong số các điểm dừng chân của BLACKPINK. Với 20 tiết mục cùng hiệu ứng sân khấu ấn tượng, đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên có một show diễn quy mô quốc tế ở Việt Nam.
Trước đó một tuần, “hit-maker” Charlie Puth cũng đã khuấy động khán giả Nha Trang với set diễn gần một giờ đồng hồ tại Đại nhạc hội 8Wonder. Được biết, ban đầu, đây chỉ là một sự kiện âm nhạc bình thường, thế nhưng, trước mức đầu tư của ban tổ chức, giọng ca Attention đã quyết định xem đây là điểm khởi đầu cho tour The “Charlie” Live Experience với các chặng dừng riêng tại châu Á.
Không ngừng ở đó, sắp tới đây, “thủ lĩnh” của nhóm Boyzone – Ronan Keating – cùng một trong những ban nhạc hip-hop nổi tiếng nhất Hàn Quốc – EPIK HIGH – cũng sẽ góp mặt tại lễ hội âm nhạc HAY Glamping Music Festival 2023 vào cuối tháng này tại Hà Nội. Đây có thể xem là một điểm nhấn với dàn line-up gợi nhiều kỷ niệm cho các thế hệ 8X, 9X một thời hoàng kim.
Với khán giả trẻ, thông tin mới nhất về việc BamBam (GOT7) dự kiến sẽ đến trình diễn tại TP.HCM trong khuôn khổ tour diễn ARENA 52 vòng quanh thế giới vào tháng 10 sắp tới cũng đang rất được trông chờ. Đồng thời, HOZO Festival (TP.HCM) hay Monsoon Music Festival (Hà Nội) vào cuối năm nay cũng được dự đoán có sự đổ bộ của nhiều “sao ngoại”. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn – Tổng đạo diễn của lễ hội âm nhạc HOZO, năm nay sẽ là lần đầu tiên mà nhiều nghệ sĩ K-Pop tham gia trình diễn. Ông cũng tiết lộ đó sẽ là những cái tên quen thuộc và được nhiều khán giả biết đến.
Có thể thấy, Việt Nam đang trở thành điểm đến được các nghệ sĩ quốc tế quan tâm, nhất là từ phía K-Pop. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc cộng đồng người hâm mộ Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, chất lượng tổ chức show diễn tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế cùng cách tổ chức đang từng bước chuyên nghiệp hơn.
THIÊN THỜI, ĐỊA LỢI, NHÂN HÒA
Nếu như trước đây, các sao quốc tế chỉ đến Việt Nam trong các sự kiện mang tính riêng tư như trường hợp của Kelly Clarkson, John Legend, Christina Aguilera… thì giờ đây, họ đã xem xét Việt Nam như một thị trường năng động và tiềm năng. Thành công này đến từ vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, lớp khán giả trẻ ngày càng chịu chi và tầm nhìn ngày càng cầu toàn của các nhà tổ chức show diễn.
Không còn như 10 năm trước, khi phong trào “nghe có ý thức” đau đáu kêu gọi tôn trọng bản quyền âm nhạc, ngày nay, khán giả trẻ đã tự nguyện hơn trong việc tiếp thu nghệ thuật có chất lượng cao. Việc 2 show BLACKPINK gần như lấp đầy sân vận động quốc gia Mỹ Đình hay Việt Nam lọt Top 8 quốc gia châu Á mua nhiều vé Klook nhất của The Eras Tours của Taylor Swift tại chặng dừng Singapore đã cho thấy rằng, thị trường trong nước đang dần hình thành lớp khán giả mới với các nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thật sự riêng biệt.
Là người đã có kinh nghiệm hợp tác với nghệ sĩ quốc tế trong hơn 10 năm qua, NSX Võ Đỗ Minh Hoàng – Giám đốc Sản xuất của Viet Vision, đơn vị tổ chức lễ hội âm nhạc 8Wonder – cho biết, anh và ê-kíp không gặp nhiều khó khăn khi làm việc cùng Charlie Puth trong sự kiện vừa rồi: “Mỗi nghệ sĩ quốc tế sẽ có yêu cầu về kỹ thuật và hậu cần riêng để đảm bảo phần trình diễn của mình. Chúng tôi thấu hiểu điều đó và tìm mọi cách để đáp ứng, kể cả việc phải thuê thiết bị kỹ thuật tại các quốc gia lân cận”. Anh cũng bật mí: “Thử thách lớn nhất chính là các điều kiện bất khả kháng về thời tiết cũng như sức khỏe của nghệ sĩ. Nhưng trong mọi trường hợp, nếu một đơn vị sản xuất đủ kinh nghiệm, sẽ có những phương án dự phòng hợp lý để mang đến thành công cho một sự kiện, nhất là sự kiện với sự góp mặt của nghệ sĩ quốc tế”.
Đồng tình với nhận định trên, BTC HAY Glamping Music Festival cho biết, khó khăn lớn nhất khi mời EPIK HIGH không nằm ở chi phí mà là lịch trình: “Nhóm đang thực hiện world tour, dẫn đến lịch trình tương đối dày đặc. HAY lại diễn ra đúng dịp lễ Chuseok rất quan trọng với người Hàn, chỉ đứng sau Tết Nguyên đán mà thôi. Đáng lẽ họ sẽ có kỳ nghỉ với gia đình sau thời gian dài đi tour, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được họ biểu diễn tại Việt Nam. Thật may mắn là sự chân thành và chuyên nghiệp của mình đã được đền đáp”.
CẦN MỘT QUY TRÌNH HOÀN CHỈNH
Dẫu vậy, việc đảm bảo mọi show diễn quốc tế đều thành công không phải là điều dễ dàng. Hai đêm concert BORN PINK tại SVĐ Mỹ Đình trước khi diễn ra thật sự bùng nổ cũng đã trải qua rất nhiều vướng mắc, có lúc gần như trên đà hủy show. Điều này cho thấy, tuy chúng ta đã hội đủ tiềm lực nhưng các nhà tổ chức vẫn chưa có một quy trình thật sự hoàn chỉnh cho hoạt động tổ chức show diễn mang tính quốc tế.
Trong đó, vấn đề tác quyền, đảm bảo an toàn – an ninh cũng như xây dựng, cải thiện hệ thống bán vé… là những vấn đề cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Show diễn của nhóm BLACKPINK vừa qua cũng đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm trong khâu tổ chức, cần phải có thêm sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý văn hóa cũng như nỗ lực cải thiện phương tiện vật chất của thị trường trong nước.
Trước mắt, việc đánh giá đúng thực trạng cũng là một điều cần thiết. NSX Võ Đỗ Minh Hoàng chia sẻ: “Việc nghệ sĩ quốc tế trình diễn tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là biểu diễn âm nhạc hay gặp gỡ người hâm mộ nữa, mà đó còn là câu chuyện của ngành công nghiệp giải trí gắn liền với sự phát triển du lịch. Nếu không có sự phát triển đồng bộ về thưởng thức nghệ thuật, văn hóa và dịch vụ du lịch, rất khó để tạo ra một sân chơi bền vững để phát triển công nghệ biểu diễn”.
Còn theo BTC HAY Glamping Music Festival, “Để trở thành một điểm đến thường xuyên, đáp ứng được các concert của nghệ sĩ lớn với sức chứa lớn hơn, chúng ta cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Cần sự phát triển đồng bộ, hệ thống từ con người cho đến sân bãi, kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, an ninh… chuyên sâu hơn cho lĩnh vực công nghiệp giải trí. Và chính những sự kiện có các nghệ sĩ quốc tế tham gia gần đây sẽ là cơ hội để các nhà tổ chức học hỏi, cọ xát, rút kinh nghiệm”.
Nhìn chung, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nghệ sĩ quốc tế ở Việt Nam là điều đáng mừng, thế nhưng, làm sao để tạo ra một quy trình thuận lợi, dễ dàng, có sự đồng thuận của nhiều bên tham gia… cũng là vấn đề cần cân nhắc. Nếu khán giả đã chịu chi hơn, nghệ sĩ quốc tế đã chú ý hơn, đã đến lúc các cơ quan ban ngành nên xây dựng những chính sách phù hợp với từng bối cảnh và thời điểm, để Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ lưu diễn của các nghệ sĩ.