Dưới đây là tài liệu được sưu tầm và tổng hợp lại viết về tiểu sử tóm tắt của một nhà văn nhà thơ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết tiểu sử. Mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết này nhé.
1. Nhà văn Huy Cận:
1.1. Về cuộc đời:
Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, ông sinh năm 1919 trong một gia đình nhà nho nghèo tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Đức Ân, huyện Vũ Quang). Ông mất ngày 16 tháng 2 năm 2006 tại Hà Nội.
Ngày còn bé Huy Cận học ở quê, sau đó ông vào Huế học đến hết trung học, đậu tú tài Pháp. Năm 1939, ông ra Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và tích cực hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Ông đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban Giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
1.2. Về sự nghiệp:
Sau cách mạng tháng 8, Huy Cận giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng. Sau này ông làm thứ trưởng Bộ Văn Hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách công tác văn hóa và văn nghệ.
Từ năm 1984, ông là chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I,II và VII. Tháng 6 năm 2001, ông được bầu làm viện trưởng Viện hàn lâm Thơ Thế giới. Sự nghiệp cách mạng của Huy Cận song hành cùng sự nghiệp thơ ca. Cách mạng hay chính trị không khiến cho thơ của ông cứng nhắc mà ngược lại càng làm cho các tác phẩm của ông trở nên có hồn hơn.
Huy Cận yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp. Ông là một trong những tác giả xuất sắc của phong trào Thơ mới. Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại và đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996). Các tác phẩm tiêu biểu của Huy Cận gồm Lửa thiêng (1940), Kinh cầu tự (1942), Vũ trụ ca (1940 – 1942), Bài thơ cuộc đời, Những năm sáu mươi, Lửa hồng muối mặn, Đất nở hoa, Một cuộc cách mạng trong thi ca, Suy nghĩ về nghệ thuật, Hạt lại gieo, Suy nghĩ về nghệ thuật, Ngôi nhà giữa nắng, Cô gái mèo,…
2. Nhà văn Nam Cao:
2.1. Về cuộc đời:
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 nhưng giấy khai sinh ghi là 1917 trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh là Nam Cao. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20 với nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Ông mất năm 1951.
Nam Cao xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung, là người con duy nhất trong một gia đình đông con được học hành tử tế. Cha ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và thầy lang trong làng. Mẹ ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải. Ngày bé, ông học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định).
2.2. Về sự nghiệp:
Học xong bậc thành chung, Nam Cao vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may và bắt đầu sáng tác văn chương, kiếm sống, mưu sinh bằng nghề viết văn, làm báo. Ông bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư.
Ba năm sau, vì lí do sức khoẻ nên ông trở ra Bắc dạy học cho một trường tư thục ở Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt. Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do Nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Quân Nhật vào Đông Dương, trường sở bị trưng dụng, ông rời Hà Nội, về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn…. Năm 1943 ông tham gia Hội văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Kháng chiến bùng nổ (12 – 1946) Nam Cao về làm công tác tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 1947 lên Việt Bắc tiếp tục viết báo, sáng tác tuyên truyền cho kháng chiến. Năm 1950 tham gia chiến dịch Biên giới. Tháng 11 – 1951 Nam Cao hi sinh khi đi công tác vào vùng địch hậu.
Trước Cách mạng tháng 8 sáng tác của Nam Cao xoay quanh đề tài về cuộc sống người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống người nông dân nghèo. Dù viết về đề tài nào, tác phẩm của ông cũng thể hiện nỗi đau đớn day dứt trước hiện thực con người bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy diệt về nhân tính.
Trong nền văn xuôi hiện đại của nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc với một phong cách độc đáo. Ông đã góp phần quan trọng vào việc cách tân, đổi mới nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hóa.
3. Nhà thơ Xuân Diệu:
3.1. Về cuộc đời:
Nhà thơ tình Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2-2-1916 tại Tỉnh Bình Định, nước Việt Nam. Ông qua đời ngày 18 tháng 12 năm 1985. Hiện nay, nhà tưởng niệm và nhà thờ của ông được xây dựng tại làng Trảo Nha, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuân Diệu sống và làm việc chủ yếu ở Tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Ông còn sử dụng bút danh Trảo Nha để sáng tác. Ông là một nhà thơ lớn, một nhà văn và nhà phê bình nổi tiếng của Việt Nam. Xuân Diệu xếp hạng nổi tiếng thứ 79876 trên thế giới và thứ 3 trong danh sách Nhà thơ tình nổi tiếng.
Thân sinh của thi sĩ là một nhà nho, quê ở xã Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đồ Nghệ vào dạy học ở tỉnh Bình Định, lấy bà hai người vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước và sinh ra Xuân Diệu.
3.2. Về sự nghiệp:
Xuân Diệu lớn lên ờ Quy Nhơn, học hết bậc Thành chung thì ra Hà Nội, rồi sau đó vào Huế học tiếp. Tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức một thời gian ở Sở Đoan Mĩ Tho, Nam Bộ, nhưng chủ yếu hoạt động văn học.
Xuân Diệu bắt đầu có thơ đăng báo từ năm 1935. Ông là một trong số thi sĩ được xuất hiện trong cuốn sách nổi tiếng “Thi nhân Việt Nam” của hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân.Ông nổi tiếng với đầy tài năng từ năm 1937, nhất là từ khi xuất bản Thơ thơ (1938) và Phấn thông vàng (1939).
Xuân Diệu tham gia Mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Từ đó, cuộc đời ông gắn bó với cách mạng và nền văn học cách mạng. Ông từng là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khoá, v.v. Tất nhiên, đóng góp to lớn nhất của Xuân Diệu đối với đất nước vẫn là với tư cách nhà thơ, nhà văn. Ông đã để lại ngót năm mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Xuân Diệu xứng đáng được xem là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hoá lớn. Năm 1983, ông được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà dân chủ Đức. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 1996.
Thi sĩ Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”. Ông là một cây đại thụ của thơ ca Việt Nam và được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới của thi ca Việt Nam. Trong suốt quá trình sáng tác, Xuân Diệu đã viết khoảng 450 bài thơ và còn một số lớn tác phẩm chưa được công bố. Ông còn là một nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng của văn học Việt Nam.
Thơ của Xuân Diệu xoay quanh đề tài ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu và thiên nhiên… Thơ của ông phong phú về giọng điệu, có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ, Một khối hồng, Thanh ca, Tuyển tập Xuân Diệu.
Năm 1996, Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật. Để vinh danh và tưởng nhớ đến Xuân Diệu, tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam.