Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu!

Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu!
Bạn đang xem: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

Trước khi sang Anh du học ngành tài chính ngân hàng ở Đại học City, University of London (Top 8 ở London), Đỗ Vinh Quang có 11 năm liên tục là học sinh giỏi khi học phổ thông. Tốt nghiệp đại học, rồi lấy bằng thạc sĩ, cậu út nhà bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB) trở về làm việc tại T&T Group, rồi trở thành Chủ tịch CLB Hà Nội khi mới 25 tuổi.

Đi kèm thành công với cú đúp cho CLB Hà Nội năm 2022 (Vô địch V-League và Cúp quốc gia), Đỗ Vinh Quang được bổ nhiệm làm Phó TGĐ và Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group khi chưa đầy 30 tuổi. Thế nhưng, ít người hiểu rõ chặng đường dường như được “trải bước trên hoa hồng” của Phó Chủ tịch 9x của T&T Group có những “mũi gai” gì.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 1.

Vào T&T Group làm việc với vị trí chuyên viên tại Ban Đầu tư, anh vẫn cần mẫn tự mình đi photo tài liệu và làm nhiều việc khác như một nhân viên bình thường dù là thiếu gia nhà bầu Hiển. Vì sao vậy?

Đơn giản vì tôi thấy đó là chức năng, nhiệm vụ của bản thân mình tại thời điểm ấy. Khi được giao nhiệm vụ, nếu bạn không sẵn lòng làm những việc nhỏ nhất để hoàn thành đúng chức trách của mình, mà chỉ nghĩ tới việc đốt cháy giai đoạn thì sẽ không ổn.

Đúng là tôi có hoàn cảnh đặc biệt hơn người khác nhưng nếu chỉ ngồi đó để chờ được thăng tiến thì những người xung quanh sẽ cảm thấy không công bằng, còn mình thì không học được gì cả.

Cũng như trong bóng đá, HLV thường nói là trận đấu quan trọng nhất là trận kế tiếp. Khi vào Ban đầu tư nhận nhiệm vụ, các công việc như tự mình photo tài liệu cũng giống như trận đấu kế tiếp của tôi trong bóng đá vậy.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 2.

Nhưng với nhiều người, việc anh sẽ trở thành người kế nghiệp gia đình và thừa kế cơ nghiệp nhà bầu Hiển là đương nhiên?

Đúng là định hướng của bố mẹ là tôi sẽ về làm việc tại T&T Group. Thế nhưng, bố mẹ không bao giờ nói sau này tôi sẽ là người kế thừa hay công ty này sẽ là của tôi. Không bao giờ!

Bố mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi chú trọng tạo ra kết quả tốt và tôi tự hào là mình luôn cố gắng hết sức để đáp ứng kỳ vọng đó. Khi học phổ thông, tôi chỉ tập trung vào việc học và có 11 năm liên tục là học sinh giỏi ở trường công của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Khi vào Tập đoàn, tôi cũng hoàn toàn tập trung cho công việc, kể cả việc nhỏ nhất. Làm bóng đá cũng vậy…

Hiện giờ, tôi vẫn tập trung vào từng chặng một trong công việc của mình, cố gắng làm tốt nhất có thể và không bao giờ coi điều gì là đương nhiên, mà phải cố gắng để làm được. Việc ngộ nhận mình đương nhiên thừa kế hoặc cơ nghiệp đó là của mình chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi.

Cũng vì thế, trước khi trở lại London học cao học, tôi đề nghị bố được làm thực tập sinh ở SHB trong khoảng 5 tháng. Trong phần lớn thời gian, tôi đọc các luật, học cách xử lý một số công việc giấy tờ và được tham gia một số cuộc họp với đối tác, hội đồng tín dụng của ngân hàng… Đó cũng là những kinh nghiệm có giá trị cho công việc ở Ban đầu tư sau này. Còn ngay khi học Thạc sĩ về nước, tôi chỉ có khoảng 2 tuần để “xả hơi” một chút vì bố tôi bảo: “Không có nhiều thời gian đâu!”.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 3.

Anh học tài chính ngân hàng, làm thực tập sinh tại SHB, và khởi đầu với vị trí chuyên viên tại Ban Đầu tư T&T Group, nhưng thành công đầu tiên được biết đến ở chức danh Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội. Vì sao vậy?

Là một người trẻ nhưng tôi nhận thức rằng, khi mọi việc đến với mình, nói vui đó là nghề chọn người, chứ người không chọn nghề. Tôi đam mê bóng đá từ nhỏ, nhìn vào việc chọn lựa Anh Quốc để đi du học, ít nhiều mọi người cũng hiểu được.

Trong thời gian học ở Anh, tôi cũng có cơ hội tham quan sân vận động của các CLB nổi tiếng như Manchester United, Manchester City… cũng như tìm hiểu về cách vận hành và mô hình kinh doanh của họ. Năm 2015, tôi là một thành viên góp sức đưa câu lạc bộ Manchester City sang Việt Nam thi đấu. Tôi cũng là một cố vấn chuyên môn trong quá trình SHB đi tới hợp tác chiến lược với CLB Barcelona năm 2016…

Những kinh nghiệm, kiến thức và cơ duyên học hỏi đó giúp tôi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý phát triển thể thao.

Đến năm 2019 – một trong những năm thành công nhất của Hà Nội FC, chúng tôi đoạt “cú đúp” (Vô địch V-League, Cúp Quốc gia) và vào đến chung kết liên khu vực tại giải AFC Cup (tương đương với hệ thống Europa League).

Sau đó, ban lãnh đạo cũng như nhà tài trợ đã thống nhất đi đến một thay đổi quan trọng cho toàn bộ nhận diện của Hà Nội FC: đưa thế hệ trẻ lên lãnh đạo toàn diện. Với sự ủng hộ của các thế hệ đi trước, các chú, các anh, và sau khi cân nhắc một thời gian, bố tôi (ông Đỗ Quang Hiển, thường được gọi là bầu Hiển – ông chủ của T&T Group và cựu Chủ tịch Hà Nội FC) đưa ra một quyết định táo bạo: Đồng ý bổ nhiệm tôi vào vị trí Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 4.

Anh suy nghĩ gì vào thời điểm đó?

Đó chắc chắn là một sự phiêu lưu. Thú thật, tôi cũng khá hoang mang bởi ngay sau lễ xuất quân (trước Tết năm 2020) thì những ca Covid-19 đầu tiên xảy đến. Đến trận thi đấu Siêu Cúp quốc gia – danh hiệu đầu tiên tôi có được trên cương vị Chủ tịch Hà Nội FC, mặt tôi trông rất non, như sinh viên chưa ra trường. Sau đó bắt đầu có lệnh phong toả vì các ca bệnh từ châu u, đặc biệt là ca Covid-19 từ Anh Quốc… Đó cũng là năm đầu tiên thể thức thi đấu bóng đá ở Việt Nam bị thay đổi hoàn toàn.

Trong buổi ra mắt đầu tiên, tôi cũng rất áp lực khi xuất hiện với danh xưng Chủ tịch của CLB bóng đá vừa có một trong những mùa giải thành công nhất trong lịch sử của mình. Tất cả hành động, từ trên sân bóng đến ngoài xã hội, đều sẽ bị để ý với cái mác “Chủ tịch CLB 9x” – một cụm từ gắn liền với tôi từ khi được bổ nhiệm.

Rất khó để một CLB bóng đá liên tục gặt hái thành công, nhưng với CLB Hà Nội thì nhiều người nghĩ là chúng tôi mặc định phải vô địch. Điều này sẽ vô cùng khó khăn khi chúng tôi thực hiện rất nhiều thay đổi, đặc biệt là ở vị trí Chủ tịch.

Và tôi rất tiếc trong năm đầu tiên làm Chủ tịch của mình thì chức vô địch V-League đã rơi vào tay đối thủ cùng thành phố. Lúc đó, áp lực lại càng lớn hơn bởi tôi cũng không biết, liệu trong năm tiếp theo hay những năm sau đó, những thay đổi của mình có thể mang tới kết quả tốt đẹp như thời cha chú ngày xưa hay không.

Khó khăn lại còn lớn hơn khi năm 2021 hầu hết các hoạt động thể thao bị phong tỏa. Trước khi kết thúc mùa giải, trong lúc Covid, đội bóng còn ở nửa dưới bảng xếp hạng và đối diện với nguy cơ rơi vào nhóm trụ hạng. Đó thực sự là điều chưa ai từng nghĩ tới bởi trong lịch sử Hà Nội FC vị trí thấp nhất là Top 3 của V-League (kể từ năm 2009).

Dù vậy, ngày hôm nay nhìn lại, thực sự tôi vẫn thấy mình có được những sự may mắn mà không phải ai cũng có.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 5.

Rất hiếm có một Chủ tịch trẻ, ít kinh nghiệm, lại rơi vào một hoàn cảnh khó khăn liên tiếp như vậy. Tại sao anh vẫn thấy mình may mắn?

Nếu trên góc độ là khả năng của mình tại thời điểm và hoàn cảnh đó thì tôi phải nói thật, đó là không may mắn. Nhưng sự may mắn của tôi là được tin tưởng và trao quyền làm vị trí đó.

Trên thế giới, vị trí chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng không chỉ dừng lại là một doanh nhân, mà có sức ảnh hưởng lớn với cả một thành phố, địa phương đó. Tại thời điểm tôi được bổ nhiệm, trong các CLB bóng đá nổi tiếng trên thế giới, người trẻ nhất là anh Steven Zhang (Trương Khang Dương), Chủ tịch Inter Milan, là con trai của Chủ tịch Tập đoàn Suning Holdings (Trung Quốc). Lúc đó, anh ấy còn hơn tôi 4 tuổi.

Trở thành Chủ tịch một câu lạc bộ rất giàu truyền thống của Ý khi còn trẻ, anh ấy dám đương đầu với nhiều dư luận trái chiều khi việc một Tập đoàn Trung Quốc thâu tóm một CLB lớn của thế giới chưa mấy được ủng hộ. Cho nên, tôi thấy mình may mắn khi được kế thừa thế hệ đi trước mà không gây ra nhiều khúc mắc. Vấn đề ở đây là làm sao để tiếp tục làm cho đội bóng phát triển hơn, chứ không có chuyện mình lấy hay tranh của ai.

Thế nên, năm 2022 là thời điểm thực sự hạnh phúc và mang rất nhiều ý nghĩa với tôi. Đương nhiên, điều này bao gồm cả những việc liên quan đến đời sống gia đình (Đỗ Vinh Quang cưới vợ năm 2022, vợ là Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh). Đó là một năm “bản lề” cho sự nghiệp con người, với nhiều yếu tố cộng lại. Nếu để nói một công thức thì rất khó, chỉ là từ may mắn thôi.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 6.

May mắn ở đây được hiểu như thế nào?

May mắn là khi mọi thứ trở lại guồng quay và tôi đã tạm đạt được một phần nhỏ bé trong mục tiêu ban đầu, nhất là trong năm 2022.

Tuy chưa thành công bằng năm 2019 ở góc độ về danh hiệu cũng như đấu trường châu lục, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể với nhiều khó khăn, chẳng hạn như quãng thời gian 2020-2021, cả mùa giải 2021 phải dừng lại, chúng tôi đã vượt qua được.

Năm 2022, chúng tôi lại giành “cú đúp” (Vô địch V-League và Cúp quốc gia) trong khi đối mặt những thiếu vắng rất quan trọng, bao gồm Quang Hải xuất ngoại, hay HLV Chu Đình Nghiêm – một người gắn bó với CLB lâu năm, rời đi.

Thế nên khi nhìn lại, “cú đúp” quốc nội trong lúc khó khăn như vậy sẽ có nhiều ý nghĩa hơn nhiều chức vô địch trong lúc đang ở phong độ cao. Quan điểm của tôi về may mắn là như vậy.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 7.

Mùa giải 2022, ngay trước thời điểm Quang Hải rời đi, Hà Nội FC có kết quả thi đấu không tốt và không nằm ở nhóm trên của bảng xếp hạng. Anh có suy nghĩ gì khi quyết định để Quang Hải ra nước ngoài thi đấu trong bối cảnh đó?

Từ khi Quang Hải ngỏ lời muốn ra nước ngoài thi đấu, trong quá trình đàm phán với bạn ý, tôi cũng nói rằng: “Năm nay là năm tất tay của anh. Nếu em cảm thấy còn gắn bó được thì chúng ta ký kết dài hạn. Nếu em vẫn muốn tiếp tục ước mơ của mình thì CLB ủng hộ”.

Cuối cùng, Quang Hải lựa chọn trải nghiệm sân chơi nước ngoài, và chúng tôi cũng chấp nhận một cách vui vẻ. Nhưng câu nói đó của tôi với Quang Hải là những lời chia sẻ rất thực lòng với người trong cuộc.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 8.

CLB đang có kết quả thi đấu không tốt, lại để một hạt nhân trong lối chơi của Hà Nội FC rời đi, bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, ông chủ Tập đoàn T&T – bố của Đỗ Vinh Quang) có thái độ ra sao với những quyết định đó?

Bố luôn đồng hành, trăn trở cùng tôi để tìm ra cách vực dậy đội bóng. Còn về tinh thần của bố không bao giờ đổ lỗi cho một ai đó mà luôn là cùng nhau vượt qua khó khăn đã, rồi tính sau. Có thể sau khi vượt qua, chúng tôi sẽ cùng ngồi nhìn lại nguyên nhân ở đâu, có thể là chỗ này đang thiếu tập trung, chỗ kia đang thiếu trách nhiệm…

Còn bố sẽ không bao giờ có những câu nói làm tôi cảm thấy suy sụp trong lúc đội bóng khó khăn. Ông luôn luôn động viên: “Cứ tiếp tục đi!” và vẫn đặt lòng tin ở tôi và ekip của mình. Đó là may mắn lớn của tôi.

Tôi nói vui là nếu làm chưa ổn, cứ đổ tại là do “hậu Covid” (cười).

Bầu Hiển có nhắn nhủ gì anh trước khi đàm phán với Quang Hải?

Bố tôi có nói: Hãy cố gắng đàm phán để đáp ứng được nguyện vọng của hai bên. Tôi hiểu mục tiêu của bố là muốn Quang Hải sẽ tiếp tục gắn bó với mình, bởi ông coi Hải như người con trong gia đình.

Nhưng khi trực tiếp tham gia buổi đàm phán cuối cùng, tôi lại là người dám quyết định hơi trái chiều một chút và đồng ý với quyết định để Quang Hải ra nước ngoài thi đấu. Đây là một quyết định thực sự rất khó khăn.

Nói thật, khi để Quang Hải đi, tôi mất 2 ngày không dám gặp bố! Rất may là ngay sau khi Hải rời đi, Hà Nội FC có mạch 7 trận thắng liên tục và chúng tôi kết thúc mùa giải 2022 với một “cú đúp” quốc nội.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 9.

Theo anh, ngoài may mắn như anh nói, yếu tố nào giúp Hà Nội FC có được chuỗi 7 trận thắng liên tiếp đó và tạo đà giúp 2022 trở thành 1 năm đáng nhớ với CLB Hà Nội?

Chắc chắn có rất nhiều yếu tố, nhưng theo tôi đánh giá thì có 2 yếu tố chính đến từ những quyết định mà mình và ekip đã đi đến thống nhất. Một là ngôi sao duy nhất của đội chính là tập thể. Sẽ không có một ngôi sao cá nhân nào lớn hơn cả tập thể Hà Nội FC. Có thể khi Hà Nội FC mất đi những cá nhân xuất sắc, vốn là hạt nhân trong lối chơi của đội thì sẽ có sự chệch choạc. Thế nhưng với lối đá tập thể, người này mệt thì người kia sẽ bù đắp, chúng ta sẽ chiến đấu cho nhau.

Anh Văn Quyết cũng từng chia sẻ: “Chưa năm nào CLB Hà Nội đoàn kết như năm nay (2022) dù thiếu vắng cả ngôi sao lớn nhất lẫn ngoại binh”. Bởi ngoài việc Quang Hải rời đi, ngoại binh do CLB tuyển chọn có phong độ không cao hoặc chấn thương nên có những trận đấu chỉ 1 người ra sân dù được phép dùng 3.

Thế nhưng, với nội binh, chúng tôi đón sự trở về của một số cựu cầu thủ từ lò đào đào tạo của mình trước đây như anh Phạm Tuấn Hải. Chính những sự đóng góp như vậy đã dẫn đến một môi trường tập thể cực kỳ gắn kết.

Bản thân tôi cũng cảm nhận được tinh thần gia đình đó khi tham gia các cuộc sinh hoạt chung cũng như các buổi giao lưu. Mọi người đều đồng lòng chung sức. Khi đó, chúng tôi đã cảm nhận được 50% thành công rồi.

Yếu tố thứ hai là quyết định tuyển chọn một huấn luyện viên ngoại đầu tiên trong lịch sử hình thành của CLB Hà Nội. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt cũng như mạo hiểm để có thể dám thực hiện.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 10.

Thuê HLV ngoại gây khó khăn cho CLB Hà Nội ở điều gì?

Khi thành tích không tốt như năm 2021, tôi đã chia sẻ với bố về định hướng cũng như ý kiến riêng của mình. Tôi nói với bố: “Nếu chúng ta muốn tiệm cận với những đấu trường châu lục, cũng như là về trình độ của các đội bóng trong châu lục, thì phải chấp nhận 1 thực tế: Đó là chúng ta phải tận dụng chất xám của những huấn luyện viên nước ngoài, bởi họ đã có nhiều trải nghiệm thực tế tại những cường quốc bóng đá”. Đó là điều tôi nghĩ cũng rất khó khăn.

Lúc ban đầu khi huấn luyện viên mới từ Hàn Quốc sang, khác nhau cả về văn hóa. Đến anh giám đốc điều hành của chúng tôi cũng có một số xung đột khi có những quan điểm khác nhau. Lấy ví dụ, ngay trong bữa ăn, trước kia tất cả menu giống nhau. Nhưng bây giờ, phải xếp ban huấn luyện ngồi riêng vì họ là người Hàn Quốc, ngoại binh lại đến từ Nam Mỹ, Châu Phi… Khi các thành viên trong đội nói nhiều ngôn ngữ quá, sự khó khăn sẽ còn nhiều hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận việc đó. Tôi cũng nói với bố: “Hãy tin con và người mà con chọn” và bố tôi hầu như không can thiệp. Đó cũng là một may mắn của tôi.

Thực lòng khi kết quả ban đầu không thuận lợi, việc kiên định với lựa chọn của mình là không dễ dàng và việc bố tôi vẫn kiên nhẫn với lựa chọn của tôi cũng vậy. Điều đó đòi hỏi sự tin tưởng thực sự và cả việc chấp nhận kết quả không mong muốn. Tôi nghĩ bố không nói ra nhưng cũng có lo âu với lựa chọn của tôi. May mắn là đến cuối mùa giải những quyết định của bản thân tôi đã có sự đền đáp xứng đáng.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 11.
Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 12.

Kể từ đầu cuộc trò chuyện đến giờ, anh nhắc rất nhiều đến từ may mắn khi gắn nó với các kết quả mình có được. Đó có phải là sự khiêm tốn không?

Một người trẻ như tôi thì cũng không dám nhận nhiều thành tựu. Thực ra điều này cũng là tôi được học từ bố tôi. Một người như ông, nhưng ông vẫn luôn nói với mọi người đó là may mắn khi có được những kết quả tốt. Tôi nghĩ chắc chắn điều này là do sự thừa hưởng từ sự giáo dục của gia đình.

Đối với tôi thành công là cả một chặng đường để mình chứng minh chứ không phải chỉ là một khúc ngắn. Cũng như trong bóng đá, việc đứng đầu bảng ở một giai đoạn không phản ánh hết tất cả. Phải hết mùa giải. Lúc đó chúng ta đứng ở đâu mới được thừa nhận, nhưng thành công cũng chỉ dừng lại ở năm đó thôi và yếu tố may mắn là không thể phủ nhận.

Nếu không nỗ lực hết sức và có thêm may mắn thì năm trước còn là đội vô địch, năm sau sẽ chạy đua trụ hạng là khác. Thế nên vinh quang hay chức vô địch của năm trước đã qua rồi, bây giờ phải bắt đầu lại với cuộc đua mới thôi.

Những kết quả mà tôi có được, sự thăng tiến hàng năm mà tôi đang nhận được cũng là may mắn. Thực tế, nhiều người không được như mình dù họ cũng đang cố gắng rất nhiều, thậm chí cố gắng hơn cả mình.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 13.

Tôi nghĩ may mắn lớn nhất của mình chính là gia đình. Gia đình là giá trị lan tỏa tới tất cả các việc của tôi trong cuộc sống. May mắn tiếp theo là tôi gặp những người thầy mà tôi luôn tri ân. Đó là người sếp đầu tiên của tôi tại tập đoàn – anh giám đốc Ban đầu tư, giờ anh là Phó TGĐ T&T Group. Đó là anh Chu Đình Nghiêm – HLV thành công nhất của Hà Nội FC mà có lẽ là HLV CLB thành công nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Rồi cũng nhờ may mắn mà tôi gặp được người vợ, những người bạn, người anh em hết mực gắn bó.

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 14.

Khoảng 1 năm trước, bên cạnh vị trí Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, anh còn được bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ T&T Group. Anh đón nhận điều này ra sao?

Tôi rất hạnh phúc khi được ghi nhận. Tuy nhiên, việc làm Chủ tịch một CLB bóng đá chỉ có tổng cộng khoảng 80 người sẽ rất khác với vị trí Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ T&T Group với gần 80.000 nhân sự và đa ngành.

Mọi thứ với tôi ở tập đoàn mới chỉ bắt đầu và cần nỗ lực hơn trước rất nhiều. Tôi đang phải học rất nhiều cho cương vị mới và luôn xác định việc ngày mai sẽ nhiều hơn ngày hôm nay nên thách thức sẽ ngày một lớn hơn. Nhưng tôi thích điều đó!

Mọi người cứ hay nói vui là bố tôi chỉ có hai cậu con trai là không bao giờ đủ. Một câu nói vui thế thôi nhưng khi được nói đi nói lại nhiều lần là có ẩn ý. Câu nói vui đấy cũng là động lực cho tôi, khiến mình phải cố gắng không ngừng, để có những kết quả đo đếm được, nhanh và hiệu quả nhất.

Hiện tại, mỗi ngày tôi dành từ 9-10 tiếng cho thời gian làm việc tại Tập đoàn, riêng các cuộc họp với bố tôi có thể kéo dài đến sáng. Tôi cảm thấy may mắn là lúc được bổ nhiệm thì chưa lập gia đình, câu chuyện phức tạp khi có vợ, và có thể còn “căng” hơn nữa khi vợ tôi sinh con giai đoạn tới (cười).

Phó Chủ tịch 9x của T&T Group: Với tôi, mọi thứ luôn mới chỉ bắt đầu! - Ảnh 15.

Trong 1 năm ở vị trí Phó chủ tịch và kiêm cả chức Phó TGĐ nữa, anh gặp những khó khăn gì?

Chắc chắn khó khăn sẽ là vô kể nhưng mà có một điều vừa vui nhưng vừa thực tế, đó là cách mọi người nhìn vào mình. Một ông Phó chủ tịch chưa đến 30 tuổi, có khi mình nói 30 mọi người cũng không tin vì nhìn mặt non quá, có người nghĩ mình còn chưa ra trường. Đây là cái khó khăn mang tính chất vô hình. Bởi khi trọng lượng lời nói của một Phó chủ tịch không thực sự có sức nặng thì cũng là một rào cản cho việc hoàn thành công việc của tôi.

Cái thứ hai là kinh nghiệm. Trước đây, tôi may mắn có thời gian tìm hiểu về mô hình tập đoàn khi thực tập ở SHB rồi, nhưng chắc chắn còn phải tiếp tục không ngừng nỗ lực và phải học hỏi thêm rất nhiều.

Anh làm gì để vượt qua những “rào cản vô hình” kiểu như Phó Chủ tịch 9x của T&T Group?

Về tuổi tác, tôi không thể thay đổi được (cười), nhưng có thể học hỏi và nỗ lực không ngừng mỗi ngày để trưởng thành nhanh hơn cả về kinh nghiệm và nội tâm. Về hành xử, tôi thấy rằng không gì bằng thẳng thắn và chân thành với những người xung quanh.

Trên tinh thần như thế, tôi cũng cố gắng tìm hiểu và sửa những thiếu sót của mình cũng như giúp những người cùng làm việc hiểu được khát vọng của mình. Và quan trọng nhất, ở bất kỳ vai trò nào trong công việc, tôi đều nỗ lực hết sức để làm tốt nhất.

Hồng Đăng – Hoàng Ly

Nguyễn Long, NVCC

Nguồn: https://cafef.vn/pho-chu-tich-9x-cua-tt-group-voi-toi-moi-thu-luon-moi-chi-bat-dau-188230626220045015.chn