Phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt hay nhất

Phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt hay nhất
Bạn đang xem: Phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt hay nhất tại truongptdtntthptdienbiendong.edu.vn

1. Dàn ý phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt hay chọn lọc:

1.1. Mở bài:

– Sơ lược về tác giả Phan Bội Châu.

– Giới thiệu tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương.

 1.2. Thân bài:

* Hai câu thơ đề: Quan niệm về chí làm trai trong thời đại mới:

– Thân nam nhi sống ở trên đời phải tạo ra được chữ “lạ”, nét độc đáo cho riêng mình, không cam chịu cuộc sống bình thường mờ nhạt, mà phải có lý tưởng cao đẹp và kỳ vọng lớn, tráng chí ở bốn phương.

– Dám tự thách thức bản thân vượt ra khỏi cái vòng an toàn, chướng ngại chia ly, những cái được mất tầm thường để đạt được những thành công lớn, làm nên sự nghiệp hiển hách, phi thường, khác lạ mà hiếm kẻ làm được.

– “Há để càn khôn tự chuyển dời”: câu thơ thể hiện ý chí mạnh mẽ, thái độ hiên ngang, ý muốn thách thức, ngang tầm với vũ trụ, rằng thân trai tráng cần phải nắm chắc và tự quyết định lấy vận mệnh cuộc đời một cách quyết liệt và mạnh mẽ.

Hai câu thực: 

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ/Sau này muôn thuở há không ai” câu thơ là nhận thức của tác giả về trách nhiệm của người làm trai với quê hương, đất nước, dân tộc, là món nợ công danh cần phải đáp đền.

– Khoảng thời gian “trăm năm”, ngụ ý chỉ về một “kiếp người” và gợi nhắc về giai đoạn biến động của dân tộc.

– “Trong khoảng trăm năm cần có tớ” ngụ ý về tầm quan trọng của bản thân trong công cuộc phục hưng, bảo vệ đất nước.

– “Sau này muôn thuở há không ai?” thể hiện sự kỳ vọng, sự khích lệ của nhà thơ đối với tầng tầng lớp lớp các thế hệ thanh niên và mai sau nữa.

Hai câu luận: tầm nhận thức tân tiến của nhà nho yêu nước, nhà cách mạng kiểu mới trước tình hình dân tộc.

– “Non sông đã chết” là cái chết của chủ quyền dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và sự suy tàn của chế độ phong kiến thời xưa.

– “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”: bóc trần sự tụt hậu của nho học, và chỉ rõ nguyên nhân khiến đất nước lâm vào tình trạng yếu hèn.

– Phủ nhận nền tri thức Nho học vốn đã là truyền thống bấy lâu quả thực là nỗi đau xót vô cùng lớn của tác giả, nhưng với nhân cách cũng như lý tưởng cao đẹp và lòng quyết tâm của một chí sĩ yêu nước, thì không nỗi đau nào vượt qua được nỗi đau mất nước. Bên cạnh đó, ông lại càng phải thể hiện vai trò phục hưng Tổ quốc bằng con đường tiên tiến chứ không phải là ôm mãi giấc mộng huy hoàng đã qua.

=>  Thể hiện tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ và tự do của một chí sĩ yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả, nén nhịn nỗi đau cá nhân vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, để hoàn trả món nợ công danh.

Hai câu thơ kết:

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” là hình ảnh người chí sĩ yêu nước lên đường vượt biển xa quê hương để tìm tới chân trời mới, học hỏi những kiến thức mới để quay về phụng sự sự nghiệp cho Tổ quốc, dân tộc với phong thái hiên ngang và tự tin vô cùng. 

1.3. Kết bài:

– Nêu cảm nghĩ.

2. Dàn ý phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt chi tiết nhất: 

2.1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về Tác giả Phan Bội Châu.

– Giới thiệu khái quát nội dung của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương.

2.2. Thân bài:

Phân tích hai câu thơ đầu: Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu: 

+ Tác giả nêu lên quan niệm: là đấng nam nhi phải sống với khát vọng, mong muốn làm nên điều kì lạ, không cam chịu để cho trời đất xoay chuyển mình.

Tuyên ngôn về chí làm trai ở thời đại bấy giờ.

Hai câu thực: Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc

+ Câu 3: “Tu hữu ngã” → ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, ý thức rõ trác nhiệm, tầm quan trọng của cá nhân đối với vận mệnh trăm.

+ Câu 4: Tác giả lại chuyển giọng nghi vấn “cánh vô thùy” nhằm khẳng định sự quyết tâm hơn khát vọng sống hiển hách, phi thường, phát huy hết tài năng trí tuệ dâng hiến cho đời.

→ Câu thơ thể hiện ý thức sâu sắc của tác giả vai trò cá nhân trong lịch sử, sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó.

Hai câu luận: Quan niệm về nguyên tắc hành xử mới của Phan Bội Châu trước vận mệnh đất nước

+ Tình cảnh đất nước: đất nước đang trong cảnh lâm nguy, rơi vào tay giặc

+ Quan niệm tân tiến, mới mẻ, đối lập với các tín điều xưa cũ: ý thức về lẽ vinh nhục gắn với sự tồn vong của đất nước.

+ Người cách mạng cảm nhận sự tồn vong của bản thân trong mối quan hệ trực tiếp với sự tồn vong của dân tộc, đất nước. 

Hai câu kết: Tư thế và khát vọng buổi lên đường

+ Tư thế lên đường của người chí sĩ thật sự hoành tráng, uy nghiêm.

+ Những hình tượng kì vĩ: “trường phong”- ngọn gió dài, lớn; “thiên trùng bạch lãng” thể hiện tư thế hiên ngang, mong muốn lớn lao mang tầm vũ trụ của người anh hùng cách mạng.

Tầm vóc của ý chí lớn lao, không cam chịu trói mình trong khuôn khổ, vượt ra ngoài vòng kiểm tỏa của thời cuộc.

2.3. Kết bài:

– Khái quát về nét đặc sắc nghệ thuật đem lại thành công cho tác phẩm.

– Khẳng định nội dung tác phẩm; liên hệ về ý chí, khát vọng của con người trong thời đại hiện nay.

3. Bài văn Phân tích chí làm trai trong Xuất dương lưu biệt hay chọn lọc:

Những năm đầu thế kỉ XX, đất nước một lần nữa lại rơi vào tay giặc ngoại xâm; những cuộc kháng chiến liên miên nổ ra khắp cả nước. Lúc bấy giờ, người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu là lá cờ đầu kháng chiến. Ông không chỉ có con đường cứu nước mới mẻ mà ông là một nhà văn, nhà thơ cách mạng đã để lại những tuyệt bút văn học, có giá trị sâu sắc để cổ vũ tinh thần và ý chí của dân tộc. Trong đó không thể không nhắc đến bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương”. Bài thơ không chỉ nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc mà còn nói lên “chí làm trai” khác biệt của Phan Bội Châu.

Bài thơ “Lưu biệt khi xuất dương” được sáng tác năm1905 giữa tình hình đất nước đang chìm trong ách kìm kẹp của chế độ thực dân và phong kiến. Phan Bội Châu với tư cách là người chủ trương trong phong trào Duy Tân, ông tìm đường cứu nước bằng cách sang Nhật. Bài thơ được sáng tác trước khi xuất dương, để bày tỏ tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của chính bản thân:

“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”.

Dịch:

(Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời).

Theo quan niệm xưa, chí làm trai tức là phải tề quốc, trị bình thiên hạ, dẹp loạn yên dân. Đấng nam nhi trong thiên hạ phải gánh trên vai sự nghiệp, công danh. Nhưng với Phan Bội Châu “làm trai phải lạ ở trên đời”, cái “lạ” ở đây tức là ông muốn làm những điều khác thường, “xoay chuyển được càn khôn”:

Nếu như Nguyễn Công Trứ cho rằng:

“Chí làm trai nam bắc tây đông

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển”

Với nhà thơ Phạm Ngũ Lão:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

 Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Thì với Phan Bội Châu, ông lại muốn xoay chuyển càn khôn, không chịu khuất phục trước sự sắp đặt trong trời đất; Bước qua khỏi ranh giới an toàn, đi tìm một chân trời mới. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu mang đến quan niệm về chí làm trai trong thời đại mới, một ý tưởng thật lớn lao, mạnh mẽ, là lời khẳng định sức mạnh của con người giữa vũ trụ bao la.

“Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

Dịch:

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở há không ai?)

Hai câu thơ thực trong bài thơ lại tiếp tục khẳng định cho chí làm trai lớn lao của ông, không chỉ “xoay chuyển càn khôn” mà chí làm trai còn cần gắn liền với ý thức trách nhiệm với dân tộc, đất nước. Từ “tớ” được xem như là một danh xưng ngôi thức nhất, hay chính tác giả, một ý thức trách nhiệm trước thời cuộc. câu thơ dịch cũng tạo nên sự ngông nghênh, bộc lộ một cái tôi tích cực, mạnh mẽ. Câu hỏi ngỏ “Sau này muôn thuở há không ai?” không chỉ khẳng định được cái tôi trách nhiệm với đất nước mà còn bày tỏ được sự tin tưởng, khát vọng về ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi thanh niên với sự nghiệp của đất nước. Đó cũng chính là lời nhắc nhở dành cho thế hệ trẻ của đất nước, luôn phải có cái tôi mạnh mẽ, dám hi sinh vì dân tộc.

Bởi, khi nhìn về hoàn cảnh thực tại, Phan Bội Châu chỉ còn biết thở dài:

“Non sông đã chết sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”.

“Non sông đã chết” – câu thơ thật đau lòng làm sao, nhưng gợi lại đúng diễn biến của đất nước ta thời bấy giờ. Đất nước, non sông giờ đây đang bị giày xéo dưới bước chân của những kẻ ngoại bang, mà còn gì đau lòng hơn khi sách vở, công danh cũng không giúp gì được cho Tổ quốc.

Câu thơ “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài” ở đây không phải phủ định đi sách thánh hiền mà là giữa thời cuộc thời bấy giờ, chỉ có con đường duy nhất là đi theo con đường giải cứu đất nước, giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột.

Nhà chí sĩ Phan Bội Châu quả là con người có tầm nhìn cao rộng. Ở thời khắc ấy, ông sẵn sàng bỏ đi lợi ích cá nhân để tìm thấy lợi ích chung cho dân tộc. Trong những năm đầu thế kỉ XX, đó được xem là một quyết định táo bạo, trở thành tư tưởng mới, ánh sáng mới:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”,

Dịch:

(Muốn vượt biển Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi).

Hình ảnh cánh buồm giăng giữa muôn trùng ngàn khơi tạo nên một hình ảnh vô cùng lãng mạn. Qua đó, có thể thấy, ý chí của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu cũng tựa như con thuyền ấy, ra khơi giữa mây ngàn sóng nước, trước mặt với vô vàn thử thách; nhưng luôn trong tâm thế mạnh mẽ; không lo sợ sóng gió.

Câu thơ “thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” được dịch là “muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”, câu thơ dịch nghĩa chưa sát với nguyên tác, hình ảnh còn bay bổng, lãng mạn hoá; làm giảm đi tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm ra đi cứu nước của tác giả. Hình ảnh đối lập giữa sự nhỏ bé, vô định của con người với sự bao la của vũ trụ tạo nên hình tượng sử thi, đã khắc họa thành một bức tranh vô cùng hoành tráng với ước vọng bay lên, tạo nên một chân trời mới. Một lần nữa, câu thơ cũng khẳng định sự quyết tâm, tự tin về sự thay đổi trong tương lai.

“Lưu biệt xuất dương” của nhà thi sĩ yêu nước Phan Bội Châu không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm ấy mà đến thế kỉ XXI hay mãi mãi về sau, đó là bài học, là tấm gương cho lớp thế hệ trẻ về tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm; biết đương đầu với khó khăn, thử thách; loại bỏ cái tôi cá nhân để hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Trang thơ của ông với hình ảnh đấng nam nhi muốn làm ngược lại với quy luật tự nhiên, cái tôi cá nhân cùng với trách nhiệm với Tổ quốc. Bằng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, giọng văn hào sảng, mạnh mẽ đã tạo nên hình ảnh phi thường của người chí sĩ ra đi cứu nước và tinh thần bất diệt của đấng nam nhi thời ấy. Bài thơ đã tạo nên một luồng gió mới trong thơ ca văn học Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp đầu thế kỉ XX.